Chương 10 - Thôn Doanh Sơn
Trong lòng chúng tôi vốn đã khó chịu, tự dưng bị mắng một câu như vậy lại càng thêm bực bội. Bàn Tử ‘Hừ!’ một tiếng, chửi ầm lên: “Lão già, ông nói thế là sai rồi, chuyện này liên quan quái gì đến chúng tôi, rõ ràng là mắt nhìn người của cái ông Ba gì gì kia có vấn đề, mẹ kiếp việc này sao có thể trách chúng tôi? Ông đây lăn lộn giang hồ bao lâu, đây là lần đầu tiên bị cớm đuổi cho cong mông lên chạy thế này, thật là tức chết đi được.”
Tôi thấy hắn nói có phần quá đáng bèn chạy tới can, nháy mắt ra hiệu. Phan Tử không thích người khác nói xấu chú Ba, một hai câu còn có thể nhẫn nhịn bỏ qua, tốt nhất không nên nói thêm nữa kẻo xảy ra đánh lộn.
Bàn Tử coi như cũng nể mặt tôi, bèn ngậm miệng lại, rít một điếu thuốc lá rồi hậm hực thổi phù một làn khói. Phan Tử quay sang hỏi Trần Bì A Tứ: “Cụ Trần à, chúng ta trước đây kể như đã từng qua lại, giờ cũng không phải lúc phê bình chúng tôi. Ở đây ngài là trưởng bối, bây giờ chiếc đũa gắp Lạt Ma đã gãy, ngài nói xem nên làm gì mới phải? Chúng tôi sẽ nghe theo ngài cả.”
Bàn Tử trừng mắt, xem chừng lại muốn gào lên: Tại sao phải nghe theo lão ta? Tôi biết Phan Tử hẳn đã có kế hoạch nên ra hiệu cho hắn đừng có nói gì cả, vội vàng kéo Bàn Tử lại, vỗ vỗ lưng kêu hắn bình tĩnh.
Trần Bì A Tứ nheo mắt quan sát Phan Tử một lượt, im lặng hồi lâu rồi cất tiếng: “Xem ra ngươi cũng biết chút phép tắc, thôi thì ta sẽ chỉ bảo cho tụi bay vài câu. Giờ không thể đi tàu hỏa được, ta đã sắp xếp một chiếc xe khác, nếu muốn tới nơi thì đợi lát nữa theo ta lên xe, còn nếu không chịu thì ai đến từ đâu tự động mà cút về chỗ đó! Nhưng ta nói trước với tụi bay, lần này đi tới nơi đó không phải chuyện đơn giản đâu. Trước kia Ngô Tam Tỉnh đến tìm ta, chính là muốn lão gia ta dạy dỗ tụi bay. Trên đời này, ngoại trừ ta, chỉ e không còn người thứ hai có thể đi vào vùng đất kia nữa.”
Bàn Tử cười khẩy, “Xí! Lão già kia đừng có dọa rồ nhau, trên đời này còn có thứ gì Bàn gia ta chưa từng thấy? Nói cho lão biết, mấy người bọn ta từng lên trời hái trăng, xuống biển bắt rùa, đến bô nước tiểu của Ngọc Hoàng đại đế chúng ta cũng từng đi đổ, không phải chỉ là một cỗ Cửu Long đài thi quan thôi sao, có gì ghê gớm chứ? Ông đây hồi trước chỉ cần vỗ một cái là bánh tông trong quan tài cũng phải nhảy ra. Còn người này, ông có biết cậu ta là ai không? Chính là cháu nội của Trường Sa Cẩu vương, nhớ hồi còn ở Sơn Đông…”
Tôi vội vã véo Bàn Tử một cái, cười xòa nói: “Ngài đừng nghe hắn nói linh tinh, người này nói một câu thì nửa câu đáng quẳng vào nhà xí rồi.”
Trần Bì A Tứ quay sang nhìn tôi rồi nói: “Ngươi không cần phủ nhận, ta đã biết ngươi là cháu nội Ngô Lão Cẩu rồi. Rượu mừng đầy tháng của cha ngươi ta đã từng uống rồi, tính ra ngươi cũng nên gọi ta một tiếng ông mới phải.”
Ngô Lão Cẩu là danh xưng thân mật mà người trong nghề gọi ông nội tôi, ông có kể với tôi mình từng qua lại với người này, quả nhiên là không sai.
Tôi vội vã gật đầu, ngàn vạn thứ có thể đâm thông, mỗi mông ngựa là vững như tường đồng (1), nghĩ thế bèn kêu một tiếng: “Ông Tư.”
Trần Bì A Tứ nghe thế bèn cười một tiếng cổ quái, cũng không biết có ẩn ý gì. Phan Tử hỏi: “Cụ Trần, bây giờ chúng ta làm gì đây? Tìm một chỗ nghỉ chân trước, hay là…”
Chưa dứt lời thì từ xa đã truyền đến hai tiếng còi ô tô một dài một ngắn, Trần Bì A Tứ nói: “Xe của ta đến rồi, muốn đi hay về các ngươi tự mình cân nhắc cho kĩ. Nếu muốn lên núi thì hãy theo ta lên xe.” Nói xong liền đứng thẳng dậy, bước về phía tiếng còi ô tô vang lên inh ỏi.
Chúng tôi cũng chưa vội đi theo ngay, chờ lão ta đi xa mới quay sang nhìn nhau. Phan Tử nhỏ giọng: “Lão khọm này đã sớm chuẩn bị sẵn cứ như biết trước chúng ta ở đây ắt gặp rắc rối, tôi dám khảng định chính lão bán đứng gã đầu trọc kia. Hiện giờ người tiếp ứng bên Đôn Hóa chắc chắn đã không còn nữa, cũng đừng trông mong trang bị sớm được mang đến, muốn nắm rõ tình hình bây giờ thì mẹ kiếp chúng ta kiểu gì cũng phải đi theo lão. Chiêu này của lão thật hiểm, nhưng bất luận thế nào, chuyện ông Ba dặn dò tôi nhất định phải làm cho xong. Các người có đi hay không thì tự mình quyết định.” Phan Tử nói rồi lập tức đứng lên, đuổi theo Trần Bì A Tứ.
Muộn Du Bình liếc tôi và Bàn Tử một cái, rồi cũng đứng lên đi theo Phan Tử.
Phút chốc chỉ còn lại tôi với Bàn Tử. Tôi nhìn Bàn Tử, Bàn Tử cũng nhìn lại tôi, cuối cùng Bàn Tử cất tiếng: “Phải rồi, Cửu Long đài thi quan của hoàng đế Đông Hạ mà lão ta vừa nhắc đến là cái gì vậy?” Tôi lắc đầu, đáp: “Tôi cũng không biết.” Bàn Tử miết chặt điếu thuốc, ngẫm nghĩ rồi nói: ” Vậy chi bằng chúng ta đuổi theo rồi hỏi lão cho rõ nhỉ?” Tôi bật cười một tiếng, gật đầu, rồi hai người cùng đứng lên nối gót Phan Tử và Muộn Du Bình.
Đám người trung niên đi theo Trần Bì A Tứ mà chúng tôi gặp ở nhà ga quả nhiên là tay chân lão ta đã cài cắm sẵn từ trước, thu xếp xe cũng chính là bọn họ. Một chiếc xe tải Giải Phóng chạy tới đón chúng tôi, cả đám leo vào thùng xe, bên ngoài chồng hàng hóa lên ngụy trang. Xe đi một mạch đến Sơn Hải Quan, lên tỉnh lộ, thẳng hướng Nhị Đạo Bạch Hà. (2)
Trên đường đi tôi ngủ mê man không biết trời trăng gì, khi tỉnh lại đã là giữa trưa ngày hôm sau. Ô tô không tiện lợi như tàu hỏa, mới đi được hơn nửa ngày lộ trình mà nhiệt độ nơi này đã thấp hơn Hàng Châu rất nhiều. Mặc dù thùng xe có mui bằng vải buồm che chắn nhưng gió vẫn luồn vào trong, khiến tôi lạnh phát run. Trần Bì A Tứ quấn mình trong chiếc áo bành tô quân đội, có mấy lần vô ý lộ ra dáng vẻ của một cụ già, nhưng biểu cảm này chớp mắt đã biến mất. Trong lòng tôi thầm than, quả nhiên cũng đã có tuổi rồi, không biết một lão già đã ở tuổi tri thiên mệnh (*) như thế còn có mưu đồ gì nữa.
(Cái này chắc nhiều người biết nhưng cứ chú thích cho chắc. Luận Ngữ có câu “Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh”, ổng đã chín mươi nhưng mà người xưa chết sớm, Luận Ngữ chỉ viết đến tuổi năm mươi nên tri thiên mệnh coi như là già lắm rồi.)
Chúng tôi cùng nhau bàn bạc cách leo núi, theo như tin tức mà Trần Bì A Tứ nhận được từ gã đầu trọc thì đến Đôn Hóa rồi chúng tôi sẽ đi ô tô hướng về Nhị Đạo Bạch Hà, ở đó sẽ có dân bản địa dẫn đường cùng với trang bị đã chuẩn bị sẵn. Sau đấy chúng tôi lại tìm đến một thôn nhỏ nằm kế bên Lật Tử Câu, đến đó gã sẽ nói cho chúng tôi biết mục đích chuyến đi rồi dẫn đường cho chúng tôi tìm tới mục tiêu, còn sau đó tìm kiếm thế nào, xuất nhập ra sao lại là việc của chúng tôi.
Hiện giờ chúng tôi chắc chắn không thể đến Lật Tử Câu bởi cớm rất có thể đã đặt chốt ở đó, hơn nữa nơi đó cũng rất gần Nhị Đạo Bạch Hà. Chúng tôi nhìn nhau, quyết định không ghé qua Lật Tử Câu nữa mà đi thẳng vào. Mé trong còn có mấy thôn, phải đi đến hết đường mới thôi.
Chúng tôi không rõ gã đầu trọc rốt cuộc biết được bao nhiêu thông tin về vị trí của thiên cung, giờ gã không có ở đây, mọi việc tự nhiên cũng khó khăn hơn nhiều. Dãy Trường Bạch rất đồ sộ, lại có một phần nằm trong lãnh thổ Triều Tiên, nếu phải lần mò từng tấc một e rằng không khả thi. Nhưng chúng tôi suy đoán, nếu kế hoạch cũ là tới Lật Tử Câu thì đích đến tất nhiên phải ở quanh đó. Chúng tôi trở ra theo con đường cũ, đầu tiên là tới mấy sơn thôn gần đó dò đường, tiện thể hỏi thăm tin tức, hẳn sẽ có thu hoạch.
Mọi chuyện cứ theo kế hoạch mà tiến hành. Cuối cùng khi tới Nhị Đạo Bạch Hà, người của Trần Bì A Tứ bắt đầu giở trang bị ra. Tôi nghĩ bây giờ trên khắp cả nước đều kiểm tra gắt gao, mấy người này sao lại thần thông quảng đại như vậy chứ. Nào ngờ mở ra thì xém ngất xỉu luôn, nghĩ bụng đây là trang bị cái khỉ biển gì chứ, không xẻng không súng ống, nhìn lại xem thứ gì chiếm chỗ nhất thì ra là mấy hộp băng vệ sinh Whisper, ngoài ra còn có dây thừng, mấy đồ linh tinh, sô cô la, một túi to toàn ớt, chậu rửa mặt… toàn là mấy vật dụng sinh hoạt hàng ngày.
Bàn Tử thắc mắc sao lại thế này, không lẽ chúng ta đang đi phát vật dụng bảo hộ lao động cho phụ nữ hay sao. Trần Bì A Tứ chỉ đáp khi nào cần dùng đến tự dưng ngươi sẽ biết những thứ này để làm gì.
Bốn ngày sau, chúng tôi tiến vào khu rừng trong núi Hoành Sơn để đến thôn Doanh Sơn. Xe tải đi được vào đây đúng là kì tích, có vài đoạn cách mép đường chừng ba mươi phân thôi là vực sâu vạn trượng, chỉ cần lái xe sơ sẩy một chút là cả đám chúng tôi thịt nát xương tan ngay. Đến nơi rồi, hỏi dân bản xứ mới biết nơi này ngày trước từng có một trạm gác của biên phòng, về sau mới bị bỏ. Vậy nên đường mới được làm tới chỗ này, bằng không chỉ có cách dùng xe trượt tuyết mới vào được đây. Cũng vì có con đường mòn nên nơi này thỉnh thoảng lại có vài du khách đi phượt, người dân trong thôn cũng quen với việc có người nơi khác thường xuyên lui tới.
Cùng theo chúng tôi tới đây có thêm ba người của Trần Bì A Tứ. Một người tên Lang Phong, chính là lái xe; một người cao to đeo kính gọi là Hoa hòa thượng(*), có điều trên người toàn sẹo từ những vết đao chém. Ngoài ra còn có một người hơn ba mươi, có vẻ nhỏ tuổi nhất, trên đường đi cứ huyên thuyên không ngừng, tên là Diệp Thành.
(Hoa hòa thượng Lỗ Trí Thâm là một nhân vật trong truyện Thủy Hử. Người này hình xăm vẽ kín người nên có biệt danh là Hoa hòa thượng. Còn anh Hoa hòa thượng trong này người cũng chi chít hoa văn, nhưng là hoa văn từ sẹo đao chém)
Chúng tôi xuống xe, nhìn khắp bốn phương đều là núi tuyết. Tôi âm thầm tìm kiếm cảnh núi tương tự với bức tranh trong ngôi mộ dưới đáy biển mà tôi còn lưu trong trí nhớ, nhưng rõ ràng nơi tôi đứng không chuẩn, nhìn ngọn núi tuyết nào cũng thấy từa tựa nhau cả.
Trần Bì A Tứ nói tầm long thì dễ, điểm huyệt mới là khó. Trong “Táng kinh” cũng nói, ba năm tầm long mười năm điểm huyệt, xác định một long mạch phải mất tối thiểu ba năm nhưng muốn tìm bảo nhãn phải mất đến mười năm. Đây là một quá trình cực kì chặt chẽ, nếu chúng tôi đã biết đầu rồng ở Hoành Sơn thì chỉ cần đi vào trong núi là tự nhiên sẽ tìm ra vị trí của bảo nhãn. Vấn đề là làm sao vào được trong núi? Vùng này không giống như những nơi khác, núi tuyết rất cao, bình thường thợ săn sẽ không đặt chân tới nơi này, người đào sâm cũng không thể leo đến đỉnh núi tuyết, muốn tìm một người dẫn đường e rằng không dễ.
Trong thôn không có nhà khách, không tìm được chỗ nghỉ chân chúng tôi đành phải tới gõ cửa ủy ban thôn. Bí thư chi bộ của thôn rất nhiệt tình, cho chúng tôi ở tạm gian nhà của người gác rừng đang bỏ trống. Chúng tôi thu xếp trả tiền nong đầy đủ, ở lại trong thôn vài ngày, thuê mấy con ngựa tốt. Sau nhiều lần vất vả, cuối cùng cũng tìm được ở địa phương một người Triều Tiên là lính xuất ngũ tên Thuận Tử đồng ý dẫn đường.
Người này cho hay, người bình thường sẽ không bao giờ lên núi tuyết bởi vì gió tuyết khôn lường, đường đi mỗi ngày một khác, hơn nữa lên đó cũng chẳng có gì hay, chỉ có bọn họ từng ở trong quân ngũ, những lúc đi tuần tra bắt buộc phải lên. Vài ngọn núi quanh đây hắn đều biết đường lên, cho nên nếu chúng tôi thực sự muốn đi thì hắn có thể dẫn đường, nhưng khi tiến vào vùng đất phủ tuyết phải tuyệt đối nghe lời hắn.
Chúng tôi thương lượng giá cả hợp lí, cuối cùng cũng thỏa thuận xong. Sau đó cả đám chỉnh đốn lại trang bị, mua thêm một đống đồ theo như yêu cầu của Thuận Tử, thế rồi đoàn chúng tôi chín người cùng mười bốn con ngựa lũ lượt tiến sâu vào trong khu rừng.
Phong cảnh trên núi Trường Bạch rất đẹp, qua mỗi đoạn đưa mắt nhìn lại đều thấy cảnh quan biến đổi. Núi cao khiến lòng người lãnh đạm, chúng tôi cũng không để ý nhiều đến cảnh sắc rừng rậm bốn bề bởi tất cả tinh lực đều tập trung để giữ cho mình không ngã xuống khỏi lưng ngựa, nhưng thỉnh thoảng liếc nhìn khung cảnh hùng vĩ của vòm trời và ngọn núi vẫn khiến người ta trào dâng những cảm xúc khó tả.
Núi Trường Bạch đã từng là núi lửa nên có rất nhiều suối nước nóng và hồ núi lửa nhỏ. Từ thôn Doanh Sơn tiến vào rừng, dọc theo con đường núi của công nhân, đi lên bốn giờ sẽ đến hồ A Cái Tây, người Triều Tiên gọi nó là hồ “Cô Nương”. Mặt hồ phẳng lặng không một gợn sóng, soi bóng cả dãy núi Trường Bạch xuống làn nước trong như gương.
Để Thuận Tử nghĩ chúng tôi là khách du lịch, đoàn cũng dừng lại bên hồ chụp ảnh, sau đó mới tiếp tục xuất phát. Đoạn đường chúng tôi vừa đi là phần chân dãy núi, càng đi vào sâu núi càng thêm dốc. Cuối cùng chúng tôi phát hiện mình đang đi trên sườn núi dốc 60 độ, cây cối ở nơi này đều thẳng tắp nhưng mặt đất lại nghiêng, mỗi bước đi đều vô cùng mạo hiểm. Thuận Tử nói cho chúng tôi biết tít trên đó vẫn còn một thôn bỏ hoang, chính là nơi đặt trạm gác biên phòng. Thôn này bây giờ không có người ở, đêm đầu tiên chúng tôi sẽ nghỉ chân ở đó, đến ngày mai đoàn sẽ qua vùng đất tuyết phủ.
Lúc này, hồ A Cái Tây đã nằm dưới chân chúng tôi, đứng từ trên nhìn xuống, mặt hồ ban nãy mênh mang là thế mà giờ đây trông chỉ như một cái ao nhỏ. Đúng lúc này, chúng tôi phát hiện ra còn một đoàn ngựa thồ khác xuất hiện ở ven hồ, nhân số vượt xa đoàn mình rất nhiều.
Mọi người đều cảm thấy bất ngờ, Bàn Tử lấy ống nhòm ra, nhìn xuống phía dưới rồi đưa cho chúng tôi, nói: “Chúng ta gặp phiền phức rồi đây.”