Chương 13 - Khe Nứt
Trường Bạch là một dãy núi lửa đã ngủ đông, căn cứ vào tài liệu lịch sử thì lần phun trào quy mô nhỏ gần đây nhất của nó hẳn đã kết thúc từ 1000 năm trước. Hiện giờ tuy núi lửa đã yên tĩnh trở lại nhưng những nguồn địa nhiệt quanh nó vẫn đặc biệt dồi dào, vô số khe nứt địa chất và miệng phun dung nham từ thời kỳ hoạt động vẫn còn duy trì nhiệt độ cực cao. Phía sau khối phong thạch Bàn long này không chừng còn đè lên một khe đất bốc hơi nóng, vì thế mới toát ra mùi lưu huỳnh.
Chuyện này đối với chúng tôi chắc chắn là một tin tốt lành. Trong hoàn cảnh này, có được nguồn nhiệt ổn định đương nhiên là tiết kiệm hơn hẳn so với đốt một đống lửa. Thế nhưng lại vướng tảng phong thạch Bàn long vĩ đại màu đen chèn chặt bên trên, liếc qua đủ biết phải nặng đến hơn mười tấn, chúng tôi lại không có bất kì thiết bị phá đá nào, muốn lật nó sang một bên quả là hơi khó.
Bàn Tử thuộc phái hành động, hăng hái vung tay kêu gọi chúng tôi cùng khuân tảng đá lên, có vài người cũng bước tới nhấc thử mấy cái. Nhưng cả đám ra sức khiêng tới nỗi đầu tóc nhễ nhại mồ hôi, mặt đỏ đến mang tai mà tảng đá vẫn không mảy may suy suyển.
Bàn Tử thở hổn hển, than vãn: “Không được rồi bố già ơi. Tôi đã bảo trang bị của chúng ta không dùng được rồi mà, bố xem giá lúc này có ít thuốc nổ thì tốt quá.”
Hoa hòa thượng đáp, anh không biết thì đừng có nói lung tung, ông cụ nhà này qua cầu còn nhiều hơn anh đi đường đấy. Không mang thuốc nổ là đúng rồi, anh nói coi giờ chúng ta đang ở dưới đáy khe, trên đỉnh đầu tuyết phủ trắng xóa, anh cứ thử đào bừa cái lỗ, chôn xuống quả mìn rồi cho nổ, chờ đám tuyết đọng bên trên chấn động sụt xuống xem có bị chôn sống ngay không.
Bàn Tử cứng họng, đúng lúc đó tôi lại thoáng thấy mép dưới của phiến đá Bàn long còn kẹp rất nhiều khối đá to nhỏ không đều, nảy ra một ý, bèn bảo bọn họ: “Có lẽ không cần dùng thuốc nổ đâu, để tôi thử xem.”
Nói rồi tôi lấy từ trong hành lý ra một chiếc búa đục đá, đến bên cạnh khối phong thạch Bàn long, cẩn thận kiểm tra mấy khối đá lớn bên dưới rồi nhắm chuẩn vào một tảng trong số đó mà khỏ một búa. Khối đá kia một mặt đã phải chịu sức nặng hơn mười tấn, nay lại phải nhận thêm nhát búa thốc từ bên sườn của tôi, tức khắc nứt ra một kẽ nhỏ. Tiếp đó là những tiếng đá nghiến vào nhau rào rạo liên hồi, tảng phong thạch Bàn long phía trên vì lực chống đột ngột biến đổi mà bắt đầu trượt xuống theo vách núi đá.
Chúng tôi gấp gáp lùi về phía sau, phiến phong thạch Bàn long trượt xuống vài tấc lại bắt đầu nghiêng ngả. Thế nhưng phiến đá kia thật sự quá nặng, chỉ trượt khỏi vị trí một chút đã ngừng lại. Nhưng như thế cũng đủ để chúng tôi nhìn thấy phía sau tảng phong thạch lộ ra một khe nứt nằm trên vách núi.
Khe đá này rộng vừa một đầu người, cố ép mình cũng có thể chui qua. Nhìn mép động thì thấy đường đứt gãy của nham thạch vẫn còn nguyên trạng, không có dấu vết đục đẽo của con người, mùi lưu huỳnh từ trong đó phả ra từng đợt.
Bàn Tử vặn đèn pin sáng lên, thò tay chiếu vào xem thử rồi quay đầu lại nói: “Trong này ấm lắm, mỗi tội góc độ thì quá khó đỡ, chẳng chiếu đến cái gì cả. Với lại, tường đá bên trong hình như còn viết chữ.”
“Viết cái gì vậy?” Tôi hỏi.
Bàn Tử nheo mắt nhìn cẩn thận một lát rồi đáp: “Đọc không nổi, mẹ kiếp chẳng biết nó viết cái của nợ gì.”
Nói rồi hắn lại định khom lưng chui vào, có điều Bàn Tử quả thực quá mập, hang động này hiển nhiên không vừa với hắn, cố nhét người vào mấy lần vẫn không được. Rốt cuộc hắn phải cởi tấm áo khoác bên ngoài ra mới miễn cưỡng chui lọt.
Trần Bì A Tứ lại bảo Diệp Thành, Lang Phong và Phan Tử ở lại bên ngoài, có gì còn tiếp ứng, còn chúng tôi theo sau Bàn Tử tiến vào trong khe hở.
Đây là một kẽ đá nứt ra do vận động tạo núi, đi vào rồi mới phát hiện nó đột ngột dốc thẳng xuống dưới, bên trong tối om om, xem ra khe này rất sâu, chỉ e nó thông thẳng vào trong lòng núi.
Không gian ngoài miệng khe nứt hơi chật, hai người không thể sóng vai cùng vào, hơn nữa trong khe rất khó đi, dưới chân toàn là những khối đá lớn góc cạnh lởm chởm. Mùi lưu huỳnh trong hang phải nói là nồng nặc, nhiệt độ ít nhất cũng tầm 30 độ C, đến cả đá cũng nóng rẫy lên.
Chúng tôi dùng cả chân lẫn tay nhích lên vài bước, Bàn Tử lấy đèn pin chiếu sáng một bên, bảo: “Các anh xem, đây là chữ gì?”
Tôi quay đầu sang, thấy đám chữ không được khắc lên vách khe nứt mà chạm trên một khối đá nằm ngang lẫn trong đống đá lộn xộn dưới đáy. Đây toàn là những chữ lạ lùng, có phần giống tiếng Trung, lại hơi na ná chữ Hàn, chạm khắc không theo thứ tự gì cả.
Hoa hòa thượng sáp lại gần nhìn thử rồi khẳng định: “Đây là chữ của người Nữ Chân(*).”
(Nữ Chân chính là dân tộc của hoàng thất nhà Thanh, vốn họ thuộc một nhóm các bộ tộc du mục sống tại vùng Mãn Châu – nay là đông nam Nga và đông bắc Trung Quốc – và miền bắc Triều Tiên, cũng tức là sát với dãy Trường Bạch Sơn trong truyện. Trong quá khứ họ từng thành lập nhà Kim, xung đột với triều Tống cho đến khi bị liên minh Tống và bộ tộc Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn diệt quốc. Sau này họ lại nổi lên xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc của nhà Minh và lập ra triều Thanh, cũng chính là vương triều cuối cùng của giai cấp phong kiến Trung Hoa.)
“Nó viết cái gì thế?” Bàn Tử hỏi.
Hoa hòa thượng đáp: “Chờ chút, tôi đâu phải siêu nhân, phải xem kỹ mới biết được. Để tôi chép lại đã.”
Chúng tôi chờ một lát cho Hoa hòa thượng chép xong những chữ này vào sổ. Rồi Bàn Tử dẫn đầu, chúng tôi lại xếp thành hàng ngũ, tiếp tục đi sâu vào trong động.
Nói là đi, chứ thực ra dùng tay còn nhiều hơn chân. Toàn bộ khe nứt cơ hồ đều nghiêng 30 độ xuống dưới, lại không có bậc thang, gần như phải bò xuống. Bên trong khúc rộng khúc hẹp chỗ thấp chỗ cao, có nhiều nơi phải thụp người xuống mới luồn qua được.
Điểm duy nhất khiến người ta thoải mái là trong này ấm áp hơn rất nhiều, chúng tôi bò mãi cũng bắt đầu đổ mồ hôi, đành phải tháo bớt nút quần nút áo. Đúng lúc đó Bàn Tử lên tiếng: “Bố già ơi, phiến phong thạch chặn ngoài kẽ nứt kia hình như không phải ngẫu nhiên đúng không?”
Trần Bì A Tứ ậm ừ nói: “Phá núi xây lăng thường lấy vật liệu tại chỗ, bên ngoài nhiều đá vụn như thế, hẳn đây chính là công trường khai thác đá để xây lăng mộ. Khe nứt này dễ chừng bọn họ đã phát hiện ra trong khi lấy đá, không hiểu sao cuối cùng lại dùng phong thạch chặn lại.”
Còn chưa xuống đến 100 mét, mùi lưu huỳnh đã ngày càng nồng, nham thạch càng lúc càng đen, cũng bắt đầu phản chiếu ánh ngọc lóng lánh bảy màu, đó là dấu vết để lại sau khi đá mica bị nhiệt độ cao nung chảy. Tôi kêu úi cha một tiếng, trong lòng thầm nghĩ đây chắc là miệng phun dung nham của núi lửa rồi. Trường Bạch là ngọn núi lửa ngủ đông, lỡ như nó đột ngột tỉnh giấc, nham thạch nóng chảy từ trong lòng núi phun ra thì chúng tôi chết là cái chắc.
Tôi đang nghĩ ngợi lung tung, bỗng hai người đi đầu đoàn ngừng lại, chiếu đèn pin về phía trước. Thì ra khe nứt đằng trước đột ngột thu hẹp lại, đá vụn ngổn ngang, chỉ chừa ra một khe hở bé tý có thể chui xuống dưới.
Tôi ngồi thụp xuống, chiếu đèn pin vào bên trong. Nơi đây do khe nứt sụp xuống hình thành, không gian bên trong rất nhỏ, kiểu này chắc phải nằm hẳn xuống mới trườn vào được.
Trần Bì A Tứ nhìn thấy miệng cái khe, biết ngay với thể lực của mình thì đừng hòng bò vào nổi. Bàn bạc một lát, tôi bảo Hoa hòa thượng ở lại chờ chúng tôi với lão, còn tôi, Bàn Tử và Muộn Du Bình thì tiếp tục chui vào xem bên trong còn có thứ gì.
Chúng tôi cởi áo ngoài, cố giảm hết cỡ kích thước cơ thể mình. Lần này chúng tôi để Muộn Du Bình đi đầu, ba người lần lượt trườn xuống, từng tý từng tý một luồn dần vào cái khe kia.
Tôi cho rằng chỗ bị sụp xuống chỉ là một đoạn ngắn, cứ bò về phía trước vài bước khắc có lối ra. Nếu đúng là như thế thì chúng tôi có thể quay về kịp thời, ai dè cái khe này dài khiếp, bò mãi bò mãi vẫn chưa hết đường, quả là vượt quá dự liệu.
Những tảng đá trong khe đều sắc nhọn khác thường, mới bò được vài bước quần áo trên người tôi đã bị móc rách vài chỗ. Nham thạch đè ép phổi tôi, cộng thêm nhiệt độ ngày càng tăng khiến tôi dần dần cảm thấy khó thở.
Bàn Tử đi sau cũng có cảm giác giống tôi, bèn níu chân tôi lại, nói: “Không xong, thành phần không khí ở đây hình như có vấn đề, chúng ta chưa thăm dò đã tiến vào thế này là quá liều lĩnh.”
Tôi muốn ngoảnh lại nhìn nhưng không gian quá chật chội, thật sự không cách nào làm được. Nghĩ bụng nãy giờ đã trườn được một đoạn khá xa, quay lại thì cũng tiếc, hơn nữa tình hình hiện tại như vầy, chỉ e bò lại còn khốn khổ hơn bò đi, vì vậy tôi nói: “Tiến thêm vài bước nữa đi, nếu còn chưa đến đáy thì chúng ta lại lui ra ngoài.”
Bàn Tử ậm ừ. Đúng lúc này, Muộn Du Bình ở đằng trước bất chợt kêu lên một tiếng: “Hửm?”
Tôi quay đầu lại nhìn về phía trước thì thấy đằng đó trống trơn, Muộn Du Bình mới nãy còn chặn trước mặt tôi giờ đã không thấy đâu nữa, chỉ để lại cái khe nứt tối om om, chẳng biết thông đến tận đâu.
Từ lúc nghe thấy tiếng Muộn Du Bình cho đến khi phát hiện ra hắn biến mất ngay trước mắt tôi, tuyệt đối không quá năm giây. Cho dù có là một con chuột thì trong hoàn cảnh này cũng không thể nào biến mất trước mặt tôi nhanh đến thế, huống chi là một con người.
Tôi lập tức cảm thấy có gì không ổn, vô thức lùi lại một bước, định nhìn lại cho cẩn thận. Bỗng vụt một cái, lại thấy Muộn Du Bình hiện ra lù lù ngay trước mặt mình.
Bàn Tử bò sát phía sau, thấy tôi lùi một bước thì hốt hoảng khựng lại, lên tiếng hỏi: “Có chuyện gì vậy?”
Nhất thời tôi cũng mù mờ chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì, bèn trả lời lấy lệ: “Không… không có gì đâu.”
Muộn Du Bình hình như cũng không biết chuyện kỳ dị vừa xảy ra với mình. Hắn dừng lại một lát, gọi chúng tôi một tiếng rồi bắt đầu tăng tốc trườn về phía trước.
Dù hắn thoắt ẩn thoắt hiện chỉ trong tích tắc nhưng tôi vẫn cảm nhận được hết sức rõ ràng. Tuy nhiên nhìn vào cảnh tượng trước mắt, bỗng dưng tôi lại không thể chắc chắn một trăm phần trăm. Trong lòng tôi cực kỳ hoang mang, lẽ nào là do không khí trong này khiến tôi sinh ảo giác?
Nhưng tình hình không cho phép tôi cân nhắc nhiều. Bàn Tử đằng sau kéo chân tôi thúc giục, tôi đành ôm cảm giác bực bội bò thêm một quãng. Lúc bò qua cái đoạn Muộn Du Bình vừa biến mất kia, tôi đặc biệt chú ý quan sát xung quanh nhưng không thấy bất kì chỗ lõm hay cái gì tương tự có thể khiến tôi sinh ra ảo giác, trong lòng mơ hồ dấy lên cảm giác bất an.
Qua khúc này lại đi thêm tầm mười phút nữa, Muộn Du Bình bất chợt thả lỏng, cả người rướn ra ngoài dò xét. Tôi thấy trước mặt trở nên rộng rãi, biết rằng đã đến lối ra.
Phần cuối của khe nứt là một đống lớn đá ngổn ngang. Sau khi leo ra, Muộn Du Bình bẻ vài khúc gậy huỳnh quang ném ra tứ phía, ánh sáng ấm áp màu vàng lan tỏa khắp không gian. Tôi quay đầu lại nhìn, nhận thấy đây hẳn là chỗ rộng rãi nhất của cả cái khe nứt trong lòng núi này, chiều rộng cỡ bốn năm chiếc xe bảy chỗ hiệu Kim Bôi, chiều dài đại khái bằng nửa sân bóng rổ, bên dưới lổn nhổn toàn đá vụn lớn có nhỏ có, đều là bị hoạt động địa chất xảy ra vào thời điểm hình thành cái khe này lắc cho vỡ xuống.
Bàn Tử điều chỉnh quầng sáng của đèn pin chiếu rộng ra, quan sát bốn phía rồi nói: “Quái lạ, chỗ này mà còn có bích họa. Xem ra chúng ta không phải những người đầu tiên tới đây rồi.”
Chúng tôi bước tới, phát hiện trên vách khe đúng là có bức bích họa lớn nhiều màu sắc. Nhưng tình trạng bảo tồn của bức bích họa này cực kỳ kém, màu sắc nhạt phai, đường nét bên trên phải cố gắng lắm mới nhìn ra nó na ná hình vẽ Thiên nữ phi thiên.
Những người tiến vào đây đã lấy một phiến đá vĩ đại bít cửa, bên trong lại còn có bích họa. Đây rốt cuộc là nơi nào? Một lần nữa, tôi lại cảm thấy hoang mang.
Quanh quẩn vài vòng, chúng tôi phát hiện ra vài miệng suối nước nóng giữa lớp đá vụn, tuy cái nào cũng rất nông, nhưng bốc lên hơi nóng hôi hổi hấp dẫn không sao tả xiết. Tuy nhiên, chúng tôi lại không phát hiện ra dấu vết cho thấy có những người khác đã từng hoạt động ở đây.
Từ sâu bên trong khe nứt thỉnh thoảng phả ra những luồng gió nóng bỏng. Tôi qua đó chiếu đèn vào trong, khe này sâu không thấy đáy, chẳng biết nó còn thông đến tận đâu.
Sau khi trao đổi ý kiến, chúng tôi thống nhất không phải vào sâu thêm nữa, đây đã là chỗ tránh bão tuyết lý tưởng rồi. Bàn Tử kiểm tra không khí, thấy không có vấn đề gì quá lớn, bèn thắp ngọn đèn bão lên duy trì ánh sáng. Muộn Du Bình lại bò qua cái khe nhỏ hẹp đã đưa chúng tôi tới đây, ra báo cho những người ở bên ngoài.
Lát sau Hoa hòa thượng và Diệp Thành đã lần lượt chui vào, Thuận Tử cũng được Phan Tử kéo đến nơi. Tôi lập tức kiểm tra bệnh tình của Thuận Tử, nhận ra nhờ hơi ấm trong này mà sắc mặt hắn đã bắt đầu hồng hào hơn, nhưng tay chân vẫn lạnh ngắt, không biết còn có thể cố gắng chống đỡ hay không.
Suốt quãng đường lên đây đều do Thuận Tử dẫn chúng tôi đi, nếu hắn chết thì cũng chưa đến nỗi không đi nổi nữa, nhưng tóm lại sẽ rất khó khăn. Hơn nữa tôi cũng rất quý mến người này nên thật sự không muốn một người vô tội như thế lại phải bỏ mạng vì chúng tôi.
Hoa hòa thượng kiểm tra nhịp tim và mạch đập của hắn, sau đó lại bảo tôi tránh ra, dấp nước nóng đẫm chiếc khăn mặt rồi đặt trên tảng đá cho nguội bớt, sau đó dùng nó lau người cho Thuận Tử, đợi đến khi toàn thân hắn được chà xát đến đỏ lựng lên rồi mới tưới lên người hắn chút nước nóng. Thuận Tử bắt đầu ho khan dữ dội, mí mắt co giật.
Chúng tôi thở dài nhẹ nhõm, Hoa hòa thượng nói: “Xong rồi, hắn không chết được đâu.”
Bầu không khí dịu đi, Bàn Tử và Diệp Thành đều lấy thuốc lá ra hút. Lúc này Trần Bì A Tứ cũng được Phan Tử đỡ vào.
Trải qua lần biến cố liên tiếp này, chúng tôi lâm vào tình trạng kiệt sức, cũng chẳng còn hơi đâu mà nói chuyện nữa, ai nấy đều tự tìm một chỗ thoải mái mà ngả lưng xuống.
Tuyết trên người vì nhiệt độ thay đổi mà tan thành nước, quần áo giày dép bắt đầu thấm hơi ẩm, chúng tôi phải lột quần áo ra phơi lên mấy tảng đá khô. Diệp Thành lấy đồ hộp nén nhỏ ra, ném vào suối nước nóng ngâm một lát rồi phân phát cho mọi người.
Tôi vừa ăn vừa cùng Hoa hòa thượng ngắm bức bích họa vừa phát hiện ban nãy. Chỗ này rõ ràng là do thiên nhiên tạo thành, hơn nữa không gian lại hẹp, tại sao phải vẽ bích họa làm gì? Việc Muộn Du Bình đột nhiên biến mất ngay trước mắt tôi vừa rồi, cùng với tảng đá vĩ đại chắn ngang cửa động đã cho tôi một cảm giác rất bất thường.
Người làm việc với đồ cổ luôn cảm thấy cực kì hứng thú với những vật truyền lại một lượng thông tin lớn như bích họa và phù điêu. Những người khác thấy chúng tôi chăm chú nhìn, cũng dần dần bước tới.
Nhưng trên tấm bích họa này lại không chứa nhiều thông tin cho lắm. Hình Thiên Nữ Phi Thiên được vẽ lên tường ở nhiều nơi trong cung đình hoa lệ hay in lên đồ thờ cúng chỉ để thể hiện những màn ca múa tưng bừng mừng cảnh thái bình thịnh vượng, chứ thực tế chẳng có ý nghĩa gì. Tấm bích họa tàn tạ này nhiều khả năng cũng chỉ là vật tương tự, có mặt tại đây lại toàn những người thường xuyên ra vào cổ mộ, nhìn nhiều phát nhàm, liếc qua đã chẳng có hứng xem xét gì nữa.
Trên đoạn đường tới đây tôi đã đổ mồ hôi đầm đìa, đầu ngón chân tê cóng, đau đến dại đi. Đúng lúc tôi đang định về chỗ, ngồi xoa bóp mấy đầu ngón chân thì lại nghe Bàn Tử chắt lưỡi một tiếng, chìa ngón cái ra, bắt đầu cậy bức bích họa.
Tôi bèn hỏi hắn làm sao thế, thứ này tuy không có giá trị nhưng dù gì cũng là di vật của người xưa, anh không thế phá hoại nó chứ.
Bàn Tử trả lời: “Cậu lảm nhảm cái gì đấy, móng tay tôi mà không có giá à? Đồ đạc bình thường tôi có thèm bóc bao giờ đâu. Cậu tự qua đây mà xem, bích họa này có hai tầng đấy!”
“Hai tầng á?” Tôi hửm một tiếng, nhíu mày, trong lòng tự hỏi thế nghĩa là sao?
Mọi người bắt đầu chụm lại, tới xem rốt cuộc hắn đang nói gì. Hắn chìa đầu ngón tay cho chúng tôi xem, chỉ thấy trên đó dính lại chất chu sa màu đỏ bị cạo ra. Nhìn lại vị trí trước mặt hắn, quả nhiên trong góc bức bích họa có một khoảng đường nét không hề liên quan đến xung quanh, thứ được vẽ cũng không giống. Chẳng qua chỗ này nằm hơi khuất, nếu không nhờ Bàn Tử tinh mắt, chúng tôi tuyệt đối không thể nhìn ra.
Điều này chứng tỏ đã có người vẽ chồng một tầng lên trên tấm bích họa gốc, che khuất hình vẽ ban đầu bằng hình vẽ này.
Tầng phía trên do phơi ngoài không khí, lâu dần tróc ra, để lộ bích họa đằng sau, chuyện này cũng thường xảy ra đối với tranh sơn dầu.
Bàn Tử tiếp tục lấy ngón tay lần lần trên bức bích họa, phát hiện ra tầng ngoài cùng này hình như cũng chưa được thi công hoàn thiện, cho nên Bàn Tử vừa cạo đại một cái đã có thể cào rụng lớp màu bên ngoài một cách đơn giản. Bằng không nếu như làm đủ thao tác, bích họa từ thời Đường trở đi đều phủ lên một lớp vật liệu trong suốt đặc thù; tầng này giống như lớp sơn bảo vệ hình vẽ, khiến cho nó không dễ bay màu, cũng không dễ tróc ra.
Đôi mày Trần Bì A Tứ nhíu lại thật chặt. Rất nhanh chóng, một mảng bích họa lớn cỡ cái chậu rửa mặt đã bị lột xuống, trên bức họa đằng sau xuất hiện nửa cỗ xe ngựa được vẽ với năm màu. Chủ nhân cỗ xe ngựa này là một người đàn ông phốp pháp, phục sức trên người ông ta tôi chưa thấy bao giờ.
Đây là loại bích họa tự sự, tôi bỗng nhiên cảm thấy hồi hộp.
Rõ ràng đã có người vẽ lên đây một tấm bích họa tự sự trước, nhưng vì nguyên nhân nào đó lại dùng một bức họa khác thay thế hết sức vội vàng, hơn nữa có lẽ do thời gian cấp bách nên không thể làm nốt thao tác cuối cùng để hoàn thành tấm bích họa bên ngoài này.
Trần Bì A Tứ ngắm nghía tấm bích họa này, lại nhìn quanh quất một vòng rồi nói với chúng tôi: “Thứ này… có liên quan tới thiên cung. Bóc toàn bộ mặt tường ra đi, để xem bức họa bên trong kể lại chuyện gì.”
Tôi đã muốn ra tay từ khuya rồi, bèn từ một đầu khác chìa móng tay ra, cẩn thận làm việc, bóc đi lớp bích họa trên tường đá.
Bức họa bong ra từng mảng lớn, chỉ trong chốc lát, một cuộn tranh khí thế hào hùng, màu sắc tươi đẹp đã dần dần trải ra trước mắt chúng tôi…