Chương 19 - Thai Động Linh Cung
Chúng tôi chỉnh đốn lại trang bị, dập tắt lò không khói, xếp gọn cuốc xẻng lại. Mọi người hành động rất ăn ý, tốc độ cực nhanh, sau khi thu dọn ổn thỏa thì cả đám tập trung lại xung quanh miệng hố vừa đào.
Đây là biểu hiện điển hình của những người cùng chung chí hướng, thật ra nó cho thấy ban đầu ai nấy đều rất ấu trĩ. Dù thu xếp nhanh đến mấy cũng chưa chắc đã xuống sớm hơn, bởi vì chưa ai từng đặt chân vào hoàng lăng, dù thế nào cũng phải trải qua một quá trình tìm hiểu, chỉ là lúc ấy cảm thấy không thể để người khác vào trước.
Thế nên mới có một cảnh hết sức buồn cười, đó là sau khi vây kín quanh miệng hố băng, mọi người đều không biết phải làm gì nữa. Giống như có một đám bạn bàn bạc nửa ngày trời xem nên đi đâu chơi, quyết định rồi mới phát hiện ra cả lũ đều mù đường như nhau. Mọi người quay sang nhìn nhau, ai nấy đều ngơ ngác.
Tôi nhìn vào trong động, âm thầm phân tích. Mọi chuyện đều ổn, chỉ có một vấn đề chí mạng đó là cái hố băng chúng tôi phá ra nằm ngay trên miệng vực, cách thai động nơi đặt linh cung khoảng hơn một trăm mét bề dọc và hơn hai mươi mét bề ngang. Chúng tôi mặc dù có đủ dây thừng nhưng vẫn không tài nào vượt qua hai mươi mét bề ngang này – có đu dây cũng không đu nổi.
Ở phía sau, Trần Bì A Tứ nhìn bộ dạng chúng tôi, cười lạnh một tiếng: “Đúng là một đám không có tiền đồ.”, nói rồi đứng lên khiến chúng tôi đều tránh qua một bên.
Tôi cười thầm trong bụng, lão già Trần Bì A Tứ này vẫn không bỏ được tính kẻ cả bề trên. Từ trước đến giờ chúng tôi vẫn răm rắp làm theo lời lão, nhưng vừa rồi Bàn Tử lại trổ tài khiến lão không tránh khỏi khó chịu trong lòng, lúc này thấy chúng tôi lâm vào cảnh này mới không nhịn được mà nói ra mấy lời chê bai để vãn hồi vị thế của mình, đây cũng là tâm lý chung của rất nhiều người già.
Chúng tôi dẹp đường cho lão, Hoa hòa thượng tự cười giễu, nói: “Lão gia, cũng tại chúng tôi phấn khởi quá thôi, cả đời chưa ai gặp trận thế lớn như vậy. Ngài nói cái đấu này … phải đổ như thế nào đây?”
Trần Bì A Tứ nhờ Diệp Thành đỡ mình ngồi xổm xuống, nhìn vào trong lòng động, nói:” Trăm khoanh vẫn quanh một đốm (ý là dù bề ngoài thay đổi đến đâu thì bản chất vẫn giữ nguyên như cũ), trước hết vẫn phải cẩn thận. Đầu tiên chúng ta cần một người leo lên những cột trụ gỗ chống đỡ khung băng kia, rồi từ cột trụ đó leo lên phía trên sơn động, sau đó thả dây thừng xuống đỉnh mái ngói của tòa kiến trúc kia.”
Chúng tôi nhìn về phía những cột trụ gỗ chống đỡ hành lang bám đầy băng kia. Mỗi cây cột này dày chừng 100 mét, chắc chắn không thể chỉ là một thân cây gỗ thô, nhất định phải gồm nhiều cây gỗ được nối lại với nhau, như vậy kết cấu chịu lực không thành vấn đề, nhưng là không biết có chịu nổi sức kéo hay không, nếu không thì xong đời. Nếu một cây cột trụ đổ xuống, trong quá trình rơi tất nhiên sẽ động đến những cột trụ khác, đến lúc đó cả khung băng cũng có thể sụp xuống, phương pháp này vẫn là vô cùng mạo hiểm.
Nhưng lúc đó ai nấy đều nôn nóng nghĩ cách leo xuống nên cũng không cân nhắc nhiều đến chuyện này, vả lại cũng không còn cách nào tốt hơn.
Ở đây người thích hợp để xuống nhất chỉ có Phan Tử, những người khác thân thủ hay trọng lượng đều không phù hợp, cho nên Phan Tử đành xuống đầu tiên.
Chúng tôi buộc dây thừng lên lưng anh, thắt hình cánh bướm, trên người mang theo một ít trang bị gọn nhẹ. Phan Tử trông có vẻ hăng hái, Trần Bì A Tứ cho anh uống một ngụm rượu để trấn định tinh thần, nói: “Đừng có phấn khích quá, mục tiêu của chúng ta không phải nơi này, đi xuống thì đốt pháo hiệu báo cho ta.”
Phan Tử gật đầu, hít sâu một hơi rồi cẩn thận leo xuống hố băng, sau đó dùng công phu Phi hổ trảo tử bám vào một cây cột trụ, sau đó đu dây y như bộ đội đặc công, rồi bò lên thân một cây cột trụ khác.
Vừa giẫm lên một bước, cây cột gỗ đã phát ra tiếng răng rắc như tiếng băng nứt vỡ khiến người ta thót tim. Chúng tôi lập tức nín thở, Phan Tử cũng tái mặt, không dám nhúc nhích, chỉ sợ cây cột gãy vụn.
Nhưng may mắn thay, đợi khoảng mười phút thì tiếng gãy trên cột trụ gỗ chấm dứt, bốn bề lại trở về với tĩnh lặng, thế chịu lực lại một lần nữa cân bằng.
Tôi nghĩ lại thì thấy có lẽ là mình thần hồn nát thần tính thôi, khung băng nặng nề như vậy, những cột trụ này chắc chắn phải chịu áp lực cực kì lớn, chúng tôi so ra cũng chỉ như con kiến thôi, có nhằm nhò gì đâu.
Vài người thở phào, bị dọa một trận như vậy, chúng tôi đều tỉnh cả người. Cơn kích động ban nãy cũng dần lắng xuống.
Phan Tử tiếp tục tiến về phía trước, càng đi càng cẩn thận, giống như đang nhảy một điệu vũ khoan thai. Tim chúng tôi cũng hồi hộp đập theo từng bước chân của anh, vất vả hồi lâu cuối cùng anh cũng đi tới cây cột trụ cuối cùng chống vào vách núi đá, khoảng một trăm mét về phía dưới chính là hang núi.
Chúng tôi chiếu đèn pin xuống dưới cho anh, kế đó Phan Tử bẻ năm, sáu cây gậy huỳnh quanh, thả từng cái một xuống bên dưới.
Trong bóng đêm, mấy vệt sáng rơi thẳng xuống dưới, có vệt mất hút dưới vực sâu như sao băng, có vệt rơi được hơn mười mét thì đập vào mái ngói, nảy lên vài cái rồi dừng lại. Chất hóa học bên trong gậy huỳnh quang do va chạm mạnh mà sinh ra phản ứng, ánh sáng càng lúc càng lan rộng, mơ hồ chiếu sáng cảnh vật bên trong khung băng.
Tiếp đó, Phan Tử quăng một đầu dây thừng xuống mái ngói bên dưới, sau đó nhanh chóng trượt xuống.
Thấy Phan Tử vững vàng đứng trên mái ngói, chúng tôi mới thả lỏng được đôi chút. Phan Tử ra hiệu cho chúng tôi, ý là quy trình này an toàn.
Chúng tôi lại bắt đầu nổi cơn hưng phấn. Người thứ hai đi xuống chính là Hoa hòa thượng, thế rồi chúng tôi lần lượt bắt chước theo họ, từng người từng người một lần lượt an toàn hạ xuống mái ngói.
Một trăm mét đi cầu thăng bằng rồi lại thêm một trăm mét leo dây thừng chẳng phải chuyện chơi. Khi đến nơi tôi gần như đứng không vững, phải nhờ Phan Tử đỡ thì tôi mới trụ vững nổi trên mái ngói lưu ly. Cảm giác lạnh buốt khi bước đi trên cây cột gỗ khiến chân tôi mất tự chủ, bắt đầu nhũn ra.
Bảy chiếc đèn pin chiếu ra xung quanh, phát hiện vòm băng bên trong vách đá tạo thành một góc khoảng 30 độ so với phương thẳng đứng. Hang núi rất sâu, cung điện nằm trọn trong lòng núi, nhìn không thấy tận cùng bên trong, đỉnh núi và đỉnh linh cung tựa hồ khít lại với nhau. Mái ngói chúng tôi đang đứng chính là gác mái của “đại điện”, đầu mái cong lên đúng là triêu phượng long đầu, hai bên chái là mỏ diều hâu trấn trạch, ngói vàng cột son rất có khí khái hoàng tộc. Chúng tôi mấy người xiêu xiêu vẹo vẹo đứng phía trên, cảm giác giống như Châu Tinh Trì quyết đấu trên nóc Tử cấm thành.
Bàn Tử muốn dỡ một miếng ngói ra xem, nhưng phát hiện mái ngói với xà nhà đã đóng băng, dính chặt vào nhau, gỡ thế nào cũng không ra, đành phải bỏ cuộc. Chúng tôi bước từng bước thận trọng, bám vào mái cong hình đầu rồng, dùng dây thừng hạ xuống cửa hiên của linh cung nằm bên ngoài cửa chính.
Cửa hiên ở đây cũng giống như đài hiến tế, nền gác mái được rải đá phiến bằng phẳng, quanh năm lạnh giá khiến cho đá rất giòn, chân dẫm lên mặt băng cũng gây ra chấn động, bắt cứ lúc nào cũng có thể vỡ. Nơi này hẳn là điểm cuối cùng của sạn đạo dẫn sang vách núi, bây giờ sạn đạo đã bị phá hủy, một bên là vực thẳm sâu vạn trượng tối đen, hai bên trái phải lại là một dãy mấy cái đỉnh đồng phủ đầy băng, bên trong là thứ gì đó màu đen, có lẽ là tro tàn từ thời xưa.
Các khí cụ bằng đồng cùng với kiểu cách của cung điện thì rõ ràng là mang phong thái thời Hán, xem ra thời đó Uông Tàng Hải tới nhận thi công công trình này, về mặt thiết kế vẫn không thể vượt khỏi những hạn chế của thời đại và dân tộc của mình. Hoặc cũng có thể lúc đó sức mạnh quốc gia của Đông Hạ chỉ là đi cướp đoạt vài vùng đất sát biên giới của người Hán mà chắp vá thành.
Bên kia chính là cổng linh điện, trước cửa dựng một bia đá không chữ đặt trên mai rùa, đằng sau tấm bia đá là cổng bạch ngọc của cung điện. Cổng rất lớn, cao khoảng ba thân người, rộng bằng hai người. Trên cửa đá khắc hình rất nhiều người mặt chim đang nhảy múa giữa những đám mây, không biết nên gọi là gì, trên cửa gắn một cái đầu hổ bằng đồng thau. Trục và khe cửa đều đổ đầy nước, hai cánh cửa hiện giờ đã đóng băng lại thành một khối chắc chắn.
Đứng ở chỗ này nhìn lên khung băng chỉ thấy một tầng ánh sáng mong manh chiếu xuống, tầm mắt tôi như bị bao phủ trong sương mù, nhìn mọi thứ đều cổ xưa hơn rất nhiều, cảm giác này thật khó diễn tả thành lời.
Hoa hòa thượng chụp vài bức ảnh, chúng tôi nhân cơ hội nghỉ ngơi, ngắm nghía xung quanh. Diệp Thành dạo quanh một vòng, nhìn xuống vách núi bên dưới mà cảm khái nói: “Mẹ kiếp, tôi thật không hiểu vì sao Vạn Nô hoàng đế lại xây lăng tẩm ở cái chốn khỉ ho cò gáy này, xây dưới đồng bằng không tốt hơn sao? Cái này đúng là làm khổ người ta.”
Tôi nói: “Cách nghĩ của hoàng đế cơ bản đều không giống với dân thường, có lẽ điều này liên hệ mật thiết với tôn giáo của họ. Anh xem ở Tây Tạng có rất nhiều miếu thờ, tất cả đều được xây ở những nơi người bình thường không thể đặt chân đến mục đích chính là muốn gần hơn với thần linh, cái này người phàm tục chúng ta không hiểu được đâu.”
Bàn Tử lắc đầu tỏ ý không đồng tình: “Tôi cảm thấy nguyên nhân hắn xây lăng mộ trong này thực chất rất đơn giản, chính là không muốn người khác leo lên, bên trong hoàng lăng này khẳng định có đồ tốt. Lão khốn Vạn Nô hoàng đế này khi sống vơ vét của cải, chết rồi vẫn không muốn chia cho người khác, lần này chúng ta phải dạy bảo hắn cho nghiêm chỉnh mới được” Nói rồi cùng Lang Phong lấy xà beng ra nạy cửa điện.
Tôi nghe mà buồn cười, cái tên Bàn Tử này, nếu hắn mà làm hoàng đế, không biết sẽ xây lăng mộ của mình ở chỗ nào nữa.
Phía sau cửa ngọc thạch không phải là đá thông thường. Dùng xà beng nạy một lúc băng ở hai bên trục cửa mới hơi nứt ra, chúng tôi lấy cái đục đập nát mặt băng bên trên cánh cửa, cửa mới tạm nhích ra được một khe hở. Một luồng khí đen phun ra, chúng tôi liền nhanh chân né thoát. Hoa hòat nói không sao đâu, đây là nước sơn chống ẩm phết lên phía sau cánh cổng, bây giờ đều đã đông cứng lại thành dạng bụi phấn rồi.
Cửa điện xuất hiện một kẽ hở, không thấy động tĩnh gì, hình như trục bản lề của cánh cửa đã bị hỏng. Chiếu đèn pin vào bên trong, linh điện trống trải không nhìn thấy gì cả, bên trong tối tăm đến mức có thể hấp thụ hoàn toàn ánh sáng.
Diệp Thành sốt ruột muốn vào nhưng bị Bàn Tử ngăn lại, hắn quay đầu hỏi Muộn du bình: “Tiểu Ca, trước hết cậu hãy nhìn thử xem nơi này có thể có cơ quan kỳ xảo gì hay không?”
Muộn Du Bình sờ sờ cánh cửa, rồi lại nhìn phù điêu trên cửa, nhìn nửa ngày mới lắc đầu, tỏ ý không chắc chắn: “Các người đi theo tôi, đừng nói gì cả.”
Người này chỉ nói một câu là đầy đủ ý tứ, chúng tôi cũng ngay lập tức hiểu ra. Tôi và Bàn Tử mạnh mẽ gật đầu, mọi người đều lấy ra vật gì đó để phòng thân.
Muộn Du Bình nghiêng mình, sải bước tới trước cánh cửa, đi vào đầu tiên. Chúng tôi theo sát phía sau hắn, lướt qua cánh cửa. Trong khoảnh khắc thấp thỏm hòa mình vào bóng đêm, một cảm giác cực kì dị thường đột nhiên kéo tới, bủa vây lấy tôi.
Tôi đột nhiên thầm nghĩ, gần một ngàn năm qua, chúng tôi có thể là nhóm người đầu tiên đặt chân đến nơi này. Ngẫm lại thì suốt một ngàn năm ấy, ai mà biết trong cái cung điện lánh xa tầm mắt con người này đã xảy ra những chuyện gì?