Chương 34 - Bài Đạo Dưới Nước
Động vuông cao tầm nửa thân người, đào rất cẩu thả. Cạnh đó đều là đá vụn lổn nhổn to cỡ quả dưa hấu, bên trong cũng rất nhiều, rõ ràng có người từng lấp kín cửa động này. Trong động tối đen như mực, không biết dẫn tới tận đâu, có vẻ giống cửa xả nước của đập thủy điện mà tôi thường thấy ở miền nam.
Trong đống đá vụn bên cạnh miệng động, có một khối đá tương đối bằng phẳng, bên trên nguệch ngoạc khắc mấy chữ, rõ ràng được khắc hết sức vội vàng, hơn nữa còn rất nông. Nếu đó không phải là chữ cái tiếng Anh, đặt vào khung cảnh hoàng lăng trông cực kì chướng mắt thì Thuận Tử chưa chắc đã phát hiện ra. Đáng tiếc không thể ghép nối mấy chữ kia lại để biết ý nghĩa của nó là gì.
Đây là chữ do chú Ba khắc lên để đánh dấu đường cho chúng tôi sao? Lúc ấy tôi đã nghĩ ngay theo hướng này, nhưng chú Ba tôi không thạo chữ Tây, đầu óc ổng làm sao mà nghĩ ra cách khắc chữ Tây làm ám hiệu được? Đây không phải tác phong của ổng.
Bàn Tử tò mò đến gần ngó một cái, bỗng ‘ồ’ lên một tiếng, ngoắc tay với tôi: “Tiểu Ngô à, mấy chữ nước ngoài vặn vẹo này hình như chúng ta đã gặp ở nơi nào đó rồi.”
Tôi cũng lại gần, mới liếc qua một cái, bỗng dưng giật nảy mình.
Không phải hình như, mà mấy kí hiệu này chúng tôi đích xác đã từng gặp. Khi tôi và Bàn Tử ở trong huyệt mộ dưới đáy biển, leo xuống đáy cái ao đặt tấm bia đá, Bàn Tử đã trông thấy những kí hiệu như thế này được khắc trên thành ao. Vừa thấy mấy kí hiệu này, Muộn Du Bình đột ngột lao xuống ao, sau đó hắn bắt đầu nhớ lại những chuyện đã xảy ra dưới ngôi mộ đó. Tại sao chúng lại bất ngờ xuất hiện ở đây?
Lúc ấy, tôi vẫn nghĩ kí hiệu này là do năm đó khi chú Ba đưa đám người Văn Cẩm xuống hải mộ, một trong số họ đã khắc nó lên. Nhưng mấy chữ cái này lại đột ngột xuất hiện ở đây, chắc chắn có gì đó không ổn.
Xem vết khắc thì có vẻ là dùng cuốc chim bổ lung tung lên, hơn nữa dấu vết còn khá mới, nếu không phải do chú Ba để lại thì cũng là của Muộn Du Bình hoặc A Ninh, bởi vì ở đây cũng chỉ có mấy người này là mang cuốc chim thôi. Kẻ để lại kí hiệu này, chắc chắn đã đi vào trong động kia.
Bỗng một ý niệm lóe lên trong đầu tôi, thầm nghĩ có khi nào mấy chữ cái tiếng Anh trong mộ huyệt dưới đáy biển kia cũng do Muộn Du Bình khắc xuống, cho nên khi hắn nhìn thấy mấy kí hiệu đó mới nói: “Tôi đã từng đến đây.”
Khả năng này cũng khá lớn, khi nào hắn lại thò mặt ra, tôi phải hỏi lại mới được.
Phan Tử thấy tôi ngẩn người, bèn hỏi tôi có chuyện gì. Tôi kể cho bọn họ nghe chuyện tôi và Bàn Tử đã từng gặp mấy kí hiệu này dưới đáy biển, Phan Tử cũng cảm thấy ngạc nhiên. Nhưng rồi anh nói: “Tôi đi theo ông Ba đã mười năm, nói khiêm tốn cũng đổ không dưới năm mươi cái đấu, trong đó đấu lớn cũng có vài cái nhưng chưa thấy ông Ba để lại kí hiệu bao giờ. Hơn nữa ông Ba đến mấy chữ cái ABCD còn không nhớ được, mấy kí hiệu này chắc chắn không phải do ông ấy để lại.”
Tôi thầm nghĩ vậy thì chỉ còn A Ninh hoặc Muộn Du Bình, đoạn quay sang nói với bọn họ: “Nói gì thì nói, xem ra chúng ta đã đi đúng đường. Động này đã có người đi vào, cửa vào địa cung hẳn là ngay bên dưới cái động này, chúng ta có nên tiến vào ngay bây giờ không?”
“Đi luôn!” Bàn Tử lập tức tán thành: “Còn chờ cái gì nữa? Cả đội quân đã đi trước chúng ta rồi kìa. Bàn gia ta xưa nay vẫn đi tiên phong, lần này đi chung với mấy đứa xui xẻo các người nên mới chậm chân hơi người ta một bước. Chúng ta đừng lề mề nữa, đợi lát nữa người ta xong việc đi ra, chúng ta chỉ có nước muối mặt đi cướp đồ của họ.”
Phan Tử nhìn tôi nói: “Cậu đừng hỏi bọn tôi, thân thể cậu thế nào rồi?”
Tôi gật đầu, ý nói không thành vấn đề: “Bàn Tử nói rất đúng, chúng ta không thể dây dưa thêm nữa. Dù sao nếu đụng phải bánh tông thì tôi không bị thương cũng đi đời, giờ bị thương thế này cùng lắm là chết mau hơn một chút thôi, không sợ.”
Bàn Tử bên cạnh đã tháo ba lô của mình xuống, nghe tôi nói vậy thì ‘xì’ một tiếng: “Hừ, sao cậu không nói chuyện gì may mắn một tí? Cũng không chịu nhìn xem chúng ta sắp đến chỗ nào?”
Tôi trừng mắt liếc hắn một cái, đốp lại: “Đi với anh có dán hai môn thần sau ót cũng vô dụng, anh hãy quản hai cái tay anh cho tốt đi đã.”
Chúng tôi đều tự sắp xếp trang bị cho mình. Vừa rồi đóng gói trang bị theo kiểu hành quân, bây giờ chúng tôi nhét hết đèn bão và toàn bộ nhiên liệu vào trong bao, sau đó lấy hết pháo lạnh, gậy huỳnh quang và thuốc nổ ra, buộc ở thắt lưng. Bàn Tử và Phan Tử đều tháo chốt an toàn của súng, rút hộp đạn, gỡ hết đạn trong băng ra nạp đầy vào súng; dao săn, chủy thủ cũng đã sẵn sàng.
Súng trường K56 quá dài, đeo vào động không thể xoay người được. Vì thế Bàn Tử đưa súng cho Thuận Tử giữ, còn mình thì cầm cái cuốc chim. Mọi người kiểm tra lại độ sáng của đèn pin, Bàn Tử rút bùa Mô Kim, cầm trên tay ngẩng mặt lên trời bái lạy.
Thuận Tử cũng là người dùng súng thành thạo, vừa nâng súng lên ‘răng rắc’ vài cái đã quen tay, đầy cảm giác hoài niệm, sau đó quay sang nói với chúng tôi: “Các vị, tôi không hiểu lắm về nghề của các vị, nhưng vẫn phải nhắc nhở một câu. Trong những cái động được đào trên núi Trường Bạch này, phải coi chừng bọn tuyết mao tử. Nếu thấy có gì không ổn thì trước hết phải lấy bông bịt lỗ tai lại. Mùa này đầu chúng còn mềm nên chỉ chui được vào lỗ tai, đợi đến mùa hè, lớp vỏ ngoài đã cứng cáp rồi thì còn có thể xuyên qua da người, chỉ thò ra hai sợi râu. Các người có kéo thì cũng chỉ có sợi râu đứt ra, còn con trùng vẫn ở bên trong, phải khoét sâu vào miệng vết thương mới lấy ra được. Còn nữa, thứ này cũng hay chui vào hậu môn, lúc ngồi phải cực kì cẩn thận.”
Bàn Tử chán nản liếc nhìn Thuận Tử, vô thức giữ chặt dây lưng, nói: “Bây giờ côn trùng cũng có sở thích này sao?”
*Phụt, lão béo liên tưởng sâu xa quá =))*
Thuận Tử nói: “Tôi không đùa với các người đâu, lỡ dính trấu thì tự nghĩ cách mà lôi ra, đừng có hỏi tôi.”
Chúng tôi cảm thấy nửa người dưới phát rét, ai nấy đều gật gật đầu. Bàn Tử lại tiếp tục làm đầu tàu gương mẫu, chui người vào động, chúng tôi cũng nối đuôi nhau chui vào, bắt đầu tiến vào thế giới mới mẻ chưa ai khám phá trong lòng đất sâu.
Cái động vuông vắn này phải uốn người mới vào được, động được đào song song, chúng tôi vừa đi vừa nhìn xung quanh xem xét, do trần động thấp lè tè nên đi rất chậm. Đá ở nơi này cực kì rắn chắc, nhìn những dấu vết đục đẽo thì đường hầm này rõ ràng được đào bằng phương pháp nguyên thủy nhất. Tôi nghĩ, để xây được một hoàng lăng quy mô lớn thế này phải mất bao nhiêu thời gian? Kiểu gì cũng phải trên hai mươi năm, rất nhiều hoàng đế vừa đăng cơ đã bắt tay vào xây lăng mộ rồi. Hơn hai mươi năm, đào đường hầm này cũng là hết sức miễn cưỡng, xem ra năm đó nhóm người bỏ trốn phải có số lượng rất lớn.
Càng đi vào sâu, càng phát hiện nhiều dấu vết của những người đã từng đi qua đây. Dấu giày leo núi vẫn nối tiếp không dừng, cũng không thấy tuyết mao tử đâu cả, nhưng tôi lại phát hiện trên nóc đường hầm có những ngã rẽ kì quái.
Những cái động này cũng không lớn lắm, chỉ đủ chứa một người, hơn nữa còn ngoằn ngoèo uốn khúc 180 độ, sau một đoạn hướng thẳng lên trên sẽ đổi hướng chúc ngược xuống dưới, giống như một đường ống uốn lượn hình số 9. Những cái động như thế, đại khái cứ cách mười mét lại có một cái.
Từ khi bước chân vào nghề này, tôi đã bò qua không biết bao nhiêu cái động nhưng chưa từng thấy cái nào kết cấu như vậy. Nhìn dưới góc độ kiến trúc, khối lượng công việc khi đào những chuỗi động này tương đương với đào một đường hầm hoàn chỉnh. Những cái động này tất nhiên phải có lí do tồn tại tất yếu, bằng không thì quá lãng phí sức lực, nhưng hiện giờ quả thực tôi không tài nào nhìn ra công dụng của chúng là gì.
Phan Tử ở đằng sau tôi hỏi: “Cậu Ba, cậu có thấy đường hầm này trông quen quen không?”
“Quen sao?” Tôi dừng lại một lát, quay đầu hỏi anh sao lại hỏi vậy.
Phan Tử nói: “Hồi chúng ta đến miếu Hạt Dưa ở Sơn Đông có đi qua động xác, đường hầm dẫn vào động chẳng phải cũng giống thế này sao? Lão già dẫn đường chẳng phải đã nấp vào một cái động trên trần để hại chúng ta sao?”
Nghe anh nói vậy, tôi cũng nhìn kĩ lại những cái động con trên đỉnh đầu. Hồi ở Sơn Đông tôi sợ chết khiếp đi được, làm gì còn tâm trí mà để ý nhìn lên trần cái động xác ngập nước kia, nên bây giờ cũng chịu không so sánh được. Nhưng Phan Tử đã nói thế thì chắc không sai nên tôi cũng sinh lòng nghi hoặc, bèn hỏi anh: “Anh chắc chắn chứ?”
Phan Tử cũng không dám chắc chắn, đáp: “Chúng ta nghe lão già kia nói mới biết trên trần động còn có động nữa, chứ lúc mình đi vào trong động tối đen như mực, nào có phát hiện ra.”
Tôi dừng lại, nhìn kĩ những cái động rẽ nhánh trên đầu, lập tức hiểu ra tác dụng của nó, bèn nói: “Lúc ấy, cái động xác kia cũng ngập nước nhỉ?”
Phan Tử gật đầu, nói đúng rồi. Tôi lại tiếp tục: “Những động rẽ nhánh phía trên này thật ra chỉ để hít thở. Anh xem, khi nước tràn vào bài đạo này, do kết cấu gấp khúc nên động nhánh sẽ chứa đầy không khí. Vậy cứ bơi một đoạn lại ngoi lên chui đầu vào động nhánh hớp một ngụm dưỡng khí là có thể bơi tiếp.”
Phan Tử tỏ vẻ kinh ngạc, nói: “Đúng là một biện pháp tài tình. Nói vậy năm đó cái bài đạo này quả thực chìm trong nước sao?”
Tôi nói: “Gần như thế. Xem ra, cái đạo động ngập nước ở miếu Hạt Dưa kia, không chừng cũng do người của Uông Tàng Hải đào ra.” Ngẫm lại thì thấy không đúng lắm, cái đạo động kia đã có từ lâu lắm rồi, chú Ba tôi đoán là từ thời Chiến quốc, có thể Lỗ thương vương đã đào nó lúc vào núi xây lăng. Không lẽ sau khi nhìn thấy động xác kia, Uông Tàng Hải đã học hỏi kĩ thuật của cổ nhân? Khả năng này cũng khá lớn.
Đi một lúc khá lâu, cũng không biết đã được bao xa, bài đạo dần dần rộng mở, rốt cuộc cũng thấy được lối ra. Chúng tôi bò ra ngoài, trước mặt tất nhiên là một con sông, sâu chừng mười mét, rộng năm, sáu mét, lòng sông đã cạn khô.
Tôi xem xét tình hình con sông này một chút, nói: “Đây là kênh dẫn nước, nước trong sông đào kia chắc chắn được dẫn từ đây ra. Giữ cho nước lưu thông sẽ không bốc mùi hôi thối, hơn nữa cũng có thể đề phòng nước chảy ngược lại.”
Hai bên sông đều có bờ đất rộng đủ cho một người đi, đoạn trên còn dựng một cây cầu đá. Chúng tôi cẩn thận nhích lại gần, đi sang bờ bên kia, Bàn Tử lại hỏi phải đi tiếp thế nào?
Tôi nói: “Sông này thông với sông ngoài kia, có lẽ chỉ tính là một con sông, chúng ta cứ đi theo hướng nước chảy thôi.”
Phan Tử ngồi thụp xuống, nhìn vết nước chảy, chỉ về một hướng, nói: “Chỗ đó.”
Chúng tôi tiếp tục hướng về phía trước, không bao lâu sau, trên vách đá cạnh bờ sông xuất hiện một cái động vuông vắn.
Bàn Tử châm một cây pháo lạnh ném ra, chiếu sáng nền đá màu đen phía ngoài cửa động, hiển nhiên đây là tường đá phong cửa địa cung. Bàn Tử chui vào, liên tục châm những cây lạnh ném ra xung quanh, sau đó gọi chúng tôi, chúng tôi mới chui ra khỏi đường hầm.
Bên ngoài cửa động là một gian mộ thất xây bằng nham thạch đen, không cao lắm, người có thể miễn cưỡng đứng thẳng nhưng rất rộng. Bốn phía mộ thất đều bày vô số vại sành sắp xếp cực kì ngay ngắn, có thể đây là những bình rượu bồi táng. Mỗi vại cao cỡ nửa người, ước tính số lượng lên đến hàng ngàn, xem ra Vạn Nô hoàng đế đúng là một con sâu rượu.
Trên vách tường màu đen bốn phía có khắc mấy phù điêu đơn giản tả cảnh hoàng đế đang thiết yến. Phù điêu này bảo quản cũng không được tốt, có thể là vì nó thông ra bên ngoài. Khí núi lửa ở nơi này tuy không đến nỗi chết người như Phan Tử nói, nhưng khả năng ăn mòn chắc chắn mạnh hơn không khí bình thường, bích họa ở đây có thể bảo tồn đến thế này đã là cả một kỳ tích. Đáng tiếc là những hình ảnh hiếm hoi sót lại giờ chỉ còn nhìn được mang máng.
Trên hai bức tường nằm ở hai phía trái, phải của mộ thất có một tảng đá chẹn cửa, đằng sau là hành lang tối om om. Một cơn gió lạnh buốt từ trong đó thổi ra, Bàn Tử bèn nhặt hai cây pháo lạnh, ném một cây vào trong đó nhưng vẫn không nhìn thấy điểm tận cùng.