Chương 16: Thuyền chìm
Chương 16: Thuyền chìm
Nếu mũi tàu kia và căn lầu gác không bị hư hại đến mức ấy thì cảnh tượng dưới nước này cũng phải hoành tráng như dưới thủy cung. Thế mà giờ đây, phủ kín xác tàu là tầng tầng cặn biển và những cục gỉ sét đùn lên do nước biển ăn mòn, tử khí nặng nề. Đặc biệt là căn lầu gác kia đã nghiêng đến bốn mươi độ, nhìn lên liền cảm thấy chỉ cần giơ chân đạp một cái là nó sẽ sụp đổ tan tành.
Dù vậy, hai người chú Ba lúc ấy kinh hãi đến mức suýt nghẹn thở. Một công trình như thế này, đừng nói là dưới biển, dù ở trên mặt đất cũng nào có mấy khi được chiêm ngưỡng. Rốt cục đây là mộ thuyền của ai, vì sao lại táng ở một nơi như thế này?
Lúc lại gần quan sát, chú Ba mới chú ý thấy cửa Ngọc môn khảm vào đá ngầm kia quả thực quá mức vĩ đại: cao bằng hai người, rộng bốn sải tay, chếch hai bên trái phải ngoài Ngọc môn, bên dưới lớp cặn biển cáu bẩn có thể thấp thoáng thấy hai bức phù điêu khắc nổi hình hai vị môn thần. Trên tay mỗi vị là một ông hổ, vẻ ngoài hung mãnh đáng sợ, chú Ba nhìn thì nhận ra bọn họ nhưng lại không gọi nổi tên. Phần lầu gác chìa ra khỏi đá ngầm có mái ngói đầu đao cong vút, những mảnh ngói đã rơi vỡ gần hết, chỉ còn trơ lại bộ khung mái.
Ngọc môn hé mở thành một khe hở rộng cỡ hai người, bên trong sâu thẳm vô cùng, không rõ thông đến tận đâu.
Những “xác cổ ca múa” đằng kia đã hoàn toàn chìm vào lòng vực sâu, không còn nhìn thấy được nữa.
Giải Liên Hoàn không dừng lại mà bơi thẳng vào bên trong Ngọc môn. Chú Ba cắn răng quẫy mạnh hai chân, đẩy nhanh tốc độ, cũng mau chóng bám đuôi theo vào.
Sau khi tiến vào đến là một hành lang rất dài, sáu bảy người gióng hàng ngang đi cũng lọt. Nhưng chỉ một chốc sau, không gian bốn phía lúc càng trở nên chật hẹp, ngược lại khiến ánh đèn càng thêm sáng tỏ hơn.
Cái cảm giác lạnh buốt sâu thẳm, sợ hãi và tuyệt vọng lúc ở bên ngoài kia, khi vào đến đây đã giảm bớt được một chút. Rốt cuộc cũng thấy những cảnh tượng mình quen thuộc, chú Ba hơi trấn tĩnh lại.
Lặn một mạch về phía trước theo hành lang, do thói quen nghề nghiệp nên chú Ba quan sát lướt qua cách bài trí ở bốn phía. Chú nhận ra rằng ở đây, kể cả dưới mặt đất, chỗ nào cũng chạm trổ những bức họa quần tiên tụ hội liên miên tiếp nối.
Cuối hành lang xuất hiện một đường cầu thang dẫn thẳng lên trên. Chú ba xoay mình, ngẩng mặt đẩy người lên. Bơi bơi một lúc, đột nhiên chú há hốc miệng kinh hãi, vì chú phát hiện đầu mình đã ló lên khỏi mặt nước rồi.
Lúc đó chú sợ đến giật nảy cả người, chuyện này thật khiến người ta hoảng hồn. Ngâm nước đã bốn mươi phút rồi, chú Ba căn bản đâu có ngờ trong cái cổ mộ này lại có không khí. Chú vội vàng xoay người nằm sấp xuống bậc cầu thang, dùng cả tứ chi mà bò lên phía trước.
Một người đã lặn dưới nước rất lâu, một khi lên bờ sẽ đột nhiên cảm thấy cơ thể nặng nề như khiêng một cục sắt, huống hồ sau lưng chú quả thực có vác một cục chì với bình oxi. Lên được rồi, chú Ba gần như đuối sức, phải nghiến răng thật chặt mới không bị ngã lộn cổ vào nước trở lại.
Lảo đảo đi lên khỏi cầu thang, chú thấy Giải Liên Hoàn đã cởi đồ lặn ra, vừa há miệng thở hổn hển vừa lấy đèn pin rọi vào khắp chung quanh căn hầm mộ.
Chú Ba thầm chửi, đúng là cái đồ đầu củ cải, lỡ mà gặp phải hơi ngạt(1) thì mày có mà ngỏm củ tỏi sớm. Cơ mà đến giờ còn chưa thấy hắn vật sang một bên chết, chứng tỏ không khí chắc hẳn là không có vấn đề gì. Vì thế chú Ba ngồi xuống bậc thang, cũng cởi bỏ đồ lặn, vừa thả lỏng cơ bắp vừa tháo đèn pin xuống soi khắp bốn phía.
(1) Trong hầm mộ người ta dùng một loại thuốc nào đó có khả năng sinh ra một loại khí rất nặng, có thể khiến nhịp tim con người chậm dần, lúc mới đầu sẽ không thấy gì, nhưng càng về sau càng kiệt sức, sau đó trụy tim mà chết. Muốn đối phó với loại khí ngạt này thì chỉ có cách sử dụng bình dưỡng khí, mặt nạ phòng độc cũng vô dụng bởi không rõ thành phần khí này có những gì. Loại cạm bẫy này nguyên văn là 闷坑
Đoạn cuối bậc cầu thang nơi chú đang ngồi là một hầm mộ xây bằng gạch, điển hình cho phong cách thời Minh. Độ cao không lớn lắm, chỉ có thể cúi đầu mà đi. Bảo đỉnh trên chóp là hình vòm, độ dày đoán chừng cũng là thất phúc thất khoán (2). Trên đỉnh mộ, trong các kẽ gạch có màu sắt, cho thấy chúng đã được tưới sắt nóng chảy. Từng viên gạch được lát rất khéo, độ cong của bảo đỉnh không hề có bất cứ góc cạnh nào vị trí không chuẩn, cứ như đã được mài giũa vậy.
(2) Cấu trúc đỉnh mộ đặc trưng thời nhà Minh, có hình vòm, bảy trục dọc bảy trục ngang, mười bốn tầng gạch xanh, kẽ gạch đổ sắt lỏng bịt kín, độ dày ước chừng gần 3m – nguồn: baidu
Giữa trung tâm mộ thất, trường minh đăng bằng sứ Thanh Hoa(3) xếp thành hàng đôi, nối thẳng vào sâu trong mộ. Nơi đó tối om om, chiếu đèn pin vào thì liền phát hiện ở chính giữa có đặt một cái vạc sắt màu đen cực lớn, chẳng biết có tác dụng gì nhưng nó chắn ngang tầm nhìn. (3) Sứ Thanh Hoa là loại đồ sứ men trắng, trang trí họa tiết màu lam, có nguồn gốc từ cuối thời nhà Nguyên, rất tinh xảo và cực kỳ quý hiếm.
Chú Ba vừa thấy liền có chút hãi hùng. Chú đã đổ đấu nhiều, biết rằng mộ thất này tuy lớn nhưng chỉ thuộc cỡ bình dân, cùng lắm là của một tay lắm tiền nhiều của. Vậy thì kỳ quái quá rồi! Cứ xem quy mô bên ngoài thì cổ mộ vĩ đại đến như thế, không có nỗ lực mười năm của mấy vạn phu phen lao dịch thì chỉ e không thể nào xây nổi. Nếu đã không phải là hoàng thân quốc thích, vậy vị dân đen con đỏ nào lại có thể xuất ra một khoản tiền lớn đến vậy đây?
Chú Ba cũng như tôi, lập tức nghĩ ngay đến tay cự phú thời ấy là Thẩm Vạn Tam(4).
(4) Thẩm Vạn Tam là một cự phú nức tiếng sống vào cuối thời Nguyên đầu thời Minh. Ông đã giúp Chu Nguyên Chương xây dựng một phần ba thành Nam Kinh và còn khao thưởng binh sĩ, vì thế mà bị Chu Nguyên Chương nghi kỵ muốn giết. Sau được Mã hoàng hậu khuyên giải, Chu Nguyên Chương chỉ đày ông đi Vân Nam, tịch biên gia sản, chém chết người nhà. Họ Thẩm từ đó cũng lụn bại.
Nói vậy thì, lần này đi theo Giải Liên Hoàn, hóa ra lại giúp chú vớ được một cái đấu béo bở. Đây chính là phúc phận tu mấy đời còn không được mà.
Trong lòng chú hưng phấn hẳn lên, lia đèn pin chiếu rọi bốn phía tường mộ.
Trên vách tường mộ thất có vẽ rất nhiều bích họa, nom tương đối hoành tráng. Chú Ba soi một vòng thì nhận ra bích họa được vẽ liên tục, gần như không có dấu hiệu đứt quãng, mà màu cũng không phai quá nhiều.
Ở đây hơi nước mù mịt, có thể bảo tồn được bích họa như vậy thực là hiếm có. Tuy nhiên, từ thời Bắc Tống đã có kỹ thuật bôi sáp, bôi dầu hoặc lòng trắng trứng lên trên để bảo vệ bích họa, công nghệ đã khá tiên tiến rồi. Nơi đây chắc hẳn cũng dùng kĩ thuật này, cho nên bây giờ nhìn kỹ lại thấy màu sắc trên các bức bích họa hơi vẩn đục.
Mấy thứ hình vẽ trên bích họa, chú Ba chả nhìn đến bao giờ, lúc này xem mấy bận cũng chẳng hiểu nội dung, chỉ cảm thấy nó cũng chả khác gì so với bích họa trong mộ cổ bình thường. Chú bèn lia ánh đèn trở lại, chiếu vào Giải Liên Hoàn ngồi một bên, định hỏi hắn vừa nãy uống lộn thuốc gì mà lại hâm như thế.
Giải Liên Hoàn đã mệt đến hết chịu nổi, vừa hiếu kỳ nhìn tứ phía, vừa thở hồng hộc như trâu, rõ ràng là ban nãy đã cố sống cố chết dùng hết sức lực. Chú Ba gọi một tiếng mà hắn cũng chẳng buồn nghe, căn mộ thất này đã lôi kéo toàn bộ lực chú ý của hắn.
Vốn là lúc nãy bị hắn bỏ mặc vứt lại, trong lòng chú Ba đã ngấm ngầm bốc hỏa rồi, nhưng đi vào cái chỗ thế này thì bùng nổ cũng không mấy thích hợp. Chú Ba liền nhịn xuống.
Cả hai chẳng nói chẳng rằng. Chú Ba nghỉ ngơi một chốc liền bình tĩnh lại hẳn, nhịp tim cũng dần ổn định. Chú bèn tiện tay bắt đầu chuẩn bị dụng cụ vào mộ, đồng thời cũng lưu ý, len lén kiểm tra bình oxi của mình với Giải Liên Hoàn.
Vừa xem là chú biết không xong rồi. Của chú thì còn ổn, nhưng dưỡng khí của Giải Liên Hoàn lượng tiêu hao quá lớn, đã hụt mất hơn phân nửa.
Thợ lặn càng là loại lão làng giàu kinh nghiệm thì thời gian có thể hoạt động dưới nước càng lâu. Mà người mới tập tọng xuống nước thường sẽ không khống chế được lượng khí hít vào, vừa thấy mình chìm trong nước liền hít lấy hít để bạt mạng, lượng khí tiêu hao so với thợ lành nghề phải nhiều hơn gần gấp đôi. Chú Ba tuy rằng trình độ lặn cũng không cao, nhưng vì thường xuyên để ý bình oxi cho nên tiết kiệm hơn Giải Liên Hoàn rất nhiều. Lúc này chỉ thoáng cái chú đã hiểu ra rằng, Giải Liên Hoàn đã không thể ra khỏi đây được nữa.
Có điều sau khi ngẫm nghĩ một chút, trái lại chú Ba cảm thấy mình chả có gì phải xoắn. Dù sao hắn cũng ra không nổi, còn mình tất nhiên lại phải vào một lần để dẫn hắn đi. Thế thì việc gì mà phải vội vã quay về cơ chứ.
Lúc này Giải Liên Hoàn đang tiến vào sâu trong mộ thất. Thế là chú cũng bắt đầu đi theo. Hai người đi tới cái vạc sắt không lồ trước mặt.
Chú Ba dừng lại, đến gần quan sát cái vạc sắt. Còn Giải Liên Hoàn thì cứ như không đếm xỉa gì đến nó, lập tức lách qua đi tiếp.
Cái vạc sắt nặng phải trên năm tấn. Bên trên chạm nổi rất nhiều minh văn (5), hẳn là một loại đồ dùng trong việc cúng tế. Chân vạc đã lún hẳn vào nền gạch xanh. Bên trong vạc trống rỗng, nhưng dưới đáy vạc lại lồi lên một cái phù điêu hình thân cá, chẳng biết dùng để làm gì.
(5) Chữ “minh” ở đây nghĩa là khắc. Minh văn là một loại văn tự khắc trên đồ vật thôi.
Chú Ba đang định nhìn kĩ minh văn trên vạc xem có chữ nào mình biết hay không, thì bỗng nghe Giải Liên Hoàn kêu thét một tiếng kinh hoàng.
Chú ngoảnh lại nhìn thì thấy hóa ra Giải Liên Hoàn đã chạy tới cuối mộ thất. Đèn pin của hắn đang rọi sáng một cái bệ đặt quan tài có ba bậc thềm, bên trên đặt một bộ quan quách màu đen cực lớn chạm trổ đầy hoa văn.
Bộ áo quan nọ cao gần đến ngực Giải Liên Hoàn, đen đến chói mắt vô cùng. Mặt ngoài quan tài tựa hồ được đánh một lớp quang dầu, sáng bóng một cách rất mất tự nhiên. Hoa văn mặt trên thưa thớt nhưng lại cực kì rõ nét, có thể thấy phần lớn văn tự là Điểu Triện(6). Mà Giải Liên Hoàn, có lẽ do thình lình bắt gặp cỗ quan quách này, cho nên có phần sợ sệt, thối lui về phía sau.
(6) Điểu Triện – là một loại chữ Triện được cách điệu thành hình chim giương cánh. Thực ra còn một loại chữ Điểu Triện nữa, do Thương Hiệt đặt ra theo dấu chân chym, mà giang hồ đồn thổi loại chữ này có liên quan đến người Việt cổ, thực hư không biết thế nào.
Bộ quan quách nọ khí thế phi phàm, tràn ngập khí phách ngang ngược, chắc đó chính là quan tài của chủ mộ, chẳng biết là ai được táng bên trong.
Chú Ba đã từng thấy vô số quan tài, đừng nói là loại gỗ lim gỗ tạp, đến cả quan tài làm bằng gỗ trầm hương nguyên khối chú cũng đều hân hạnh được bái kiến rồi. Thế nhưng cái cỗ quan tài đen sì ở chỗ này đây, chú lại không nhìn ra được nó là chất liệu gì. Chú lập tức nổi lòng hiếu kỳ, vòng qua vạc sắt phăm phăm đi tới.
Đến sau lưng Giải Liên Hoàn rồi, chú liền thấy càng rõ ràng hơn. Bệ quan tài chính là được xây bằng gạch hoàng tương(7), xếp chồng tầng tầng lớp lớp thành hình đài sen tròn trịa. Sau bệ quan tài là một bức tường, mặt trên viết đầy chữ, hẳn là mộ chí ghi chép lại cuộc đời chủ nhân. Chỉ tội chú Ba nhìn lướt qua phía sau, chợt cảm thấy sống lưng lạnh ngắt, lực chú ý dồn cả vào cỗ quan tài đen nọ. Đồng thời, chú cũng hiểu ra vì sao Giải Liên Hoàn sợ tới mức thụt lùi lại như thế.
(7) Cái này mình tra hoài mà chỉ thấy dùng trong mấy truyện đạo mộ thôi nên không biết là có tồn tại thật ko, nhưng theo 1 bài báo trên zhidao thì họ nói có một loại đá sa thạch tên là đá hoàng tương, dân địa phương thời xưa thường dùng làm gạch xây nhà ở. Gạch hoàng tương có lẽ là gạch làm từ loại đá này chăng.
Bởi vì phía trên cỗ quan tài đen to lớn này, lại có một “người” đang nằm.