Chương 57: Xuất phát đến ốc đảo
Chương 57: Xuất phát đến ốc đảo
Phong cảnh nguy nga hùng vĩ trước mắt, khó mà có thể dùng ngôn ngữ để diễn tả, chúng tôi đều ngắm nhìn đến ngẩn cả người, tuy rằng trong sổ tay Văn Cẩm cũng có nhắc đến một cái ốc đảo, nhưng mà, ấn tượng trong tôi không phải là như thế này.
Vùng lòng chảo cực lớn, hơn nữa lại trông rất ngay ngắn, Bàn Tử bảo, trông có vẻ như hố thiên thạch vậy. Từ trên vách đá nhìn xuống, chỉ thấy mây mù lởn vởn, hầu như toàn là tán cây dày đặc, không nhìn thấy tình hình cụ thể ra sao.
Đây chính là Tháp Mộc Đà rồi, thật không ngờ, chúng tôi lại phát hiện ra nó bằng cách thế này, hình như có hơi đơn giản quá thì phải.
Phan Tử quay xe về, chúng tôi đứng dùng ống nhòm nhìn xuống thung lũng, vừa suy xét xem chuyện này là thế nào.
Phan Tử nói: “Xem ra ngọn núi đá nơi Định Chủ Trác Mã chia tay với nhóm Văn Cẩm đã thực sự biến mất rồi, nơi này là khu vực hồ muối, có lẽ đó vốn là một ngọn núi đá, qua vài chục năm, vài trận mưa, chỉ còn lại một đồi đất, có điều, cứ theo hướng nước sông, vẫn đủ để tìm đến nơi này.
Những điều này trong sổ tay của Văn Cẩm không viết, tôi cũng không thể biết được, có điều hôm nay phát hiện ra ốc đảo này như vậy, chúng tôi có chút luống cuống không biết phải làm sao, tôi bèn hỏi Phan Tử, anh có tính toán gì không.
Phán Tử nói, nhất định phải xuống đó trước xem sao, anh nghe tôi nói về cuốn sổ tay và lời nhắn của Định Chủ Trác Mã, biết Văn Cẩm chắc chắn ở dưới đó, bây giờ không thể chờ hội họp với ông Ba được, cứ xuống hẳn đó xem tình hình ra sao. Văn Cẩm chính là sư mẫu, nếu vì chờ ông Ba mà bỏ mặc sư mẫu, vậy cái danh đồng bạn này khỏi làm luôn cho rồi, thời gian không còn nhiều nữa.
Tôi nghĩ thầm, anh đúng là một thủ hạ đủ nhị thập tứ hiếu, nhưng mà, tôi cũng nghĩ giống vậy, thời gian đã không còn nhiều, tính ra, mười ngày như ở ngay trước mắt, hỏi vài người, họ đều không có ý kiến gì, còn bảo tôi xem xem nên đi xuống cái thung lũng này như thế nào.
Trong cuốn sổ, Văn Cẩm có miêu tả rất cặn kẽ tuyến đường đi, năm xưa bọn họ tiến vào thung lũng thông qua một khe núi. Có điều, địa hình nơi này đã hoàn toàn thay đổi, nếu cứ theo miêu tả tuyến đường của cô ấy thì chắc không thể tìm được khe núi ấy rồi, chúng tôi đành phải lái xe đi lòng vòng quanh thung lũng mà tìm, qua nhiều lần vòng vèo, rốt cuộc cũng phát hiện ra một khe núi rộng lớn.
Phan Tử đi một vòng lớn quanh thung lũng rộng khoảng bốn ki lô mét vuông, tìm được lối vào khe núi, chặng đường đầu có thể lái xe mà đi, chúng tôi đi thẳng vào trong, mãi cho đến đoạn đường có nhiều đá tảng chặn lối mới dừng.
Sau đó, mọi người xuống xe, vác theo trang bị rồi đi bộ vào trong. Đi mãi đến khi nhìn thấy cây cối mới dừng lại nghỉ ngơi. Tôi lấy cuốn sổ của Văn Cẩm ra, đọc kỹ ghi chép bên trong.
Đọc xong cuốn sổ, tôi không khỏi có hơi lo lắng, theo những suy đoán mà Văn Cẩm ghi lại trong cuốn sổ, khe núi này cực kỳ hung hiểm. Đi tiếp vào trong khe núi, vì độ cao so với mực nước biển càng thấp hơn, thảm thực vật nhiệt đới sinh trưởng um tùm rậm rạp, chướng khí mịt mù dày đặc, mặt nạ phòng độc của chúng tôi có thể sẽ không chịu được môi trường ẩm ướt đến thế. Hơn nữa, nơi này là lối vào duy nhất đến được cung Tây Vương Mẫu, những sự việc xảy ra trên suốt chặng đường này khiến tôi cảm thấy cung Tây Vương Mẫu cực kỳ quỷ dị, có thể lường trước được con đường này không hề dễ đi.
Có điều so ra thì tôi vẫn lo lắng nhất là chuyện đi qua khe núi này. Ở cuối khe núi này chính là vùng đất trung tâm ốc đảo, là nơi các dòng sông đổ về tụ hội, bên dưới những tán cây dày đặc um tùm kia toàn là đầm lầy ẩm ướt, địa hình kỳ quái của nơi này gần như biết nơi đây thành một khu rừng mưa nhiệt đới ngay giữa sa mạc. Tuy rằng, chúng tôi biết vương thành cổ của Tây Vương Mẫu nằm ở đâu đó trong đầm lầy, nhưng lùng sục tìm kiếm ở trong đó có thể nói chính là liều mạng rồi.
Chúng tôi ngồi dưới tán cây trong khe núi, đọc thật kỹ những miêu tả sơ lược về con đường tiếp theo trong sổ tay Văn Cẩm. Bởi vì chưa tiến vào vùng đầm lầy thật, cho nên có nhiều đoạn đọc mà cứ ù ù cạc cạc, hơn nữa, có nhiều chỗ Văn Cẩm viết một dấu chấm hỏi vào đó, chúng tôi không biết những dấu chấm hỏi này là có ý nghĩa gì, làm chúng tôi cảm thấy rất khó hiểu, cuối cùng đành quyết định đi bước nào hay bước ấy.
Sau đó, chúng tôi mỗi người tự làm công tác chuẩn bị của mình, lúc đi thăm dò, biết con đường phía trước còn rất dài, chúng tôi phải kiểm soát tiêu hao vật tư, hôm nay muốn vào đến hậu viện Tây Vương Mẫu, đương nhiên cũng không lo được nhiều thế, pháo sáng, pháo lạnh, diêm, thuốc, tất cả những gì có thể mang chúng tôi đều đem vào.
Phan Tử từng đi lính ở Việt Nam, bây giờ thành cố vấn của chúng tôi. Anh ấy nói, lúc ở trên vách núi nhìn xuống dưới này, thấy nơi này cũng không khác rừng mưa nhiệt đới ở Việt Nam là bao. Cái kiểu vùng đầm lầy ẩm ướt như thế này là nguy hiểm nhất, trên đầu là những tán lá rộng của rừng nguyên sinh, gần như bao trùm toàn bộ thung lũng, thảm thực vật rậm rạp đến thế, ánh mặt trời chắc chắn là không chiếu xuyên qua được, bên dưới tán cây sẽ tối om om, chướng khí dày đặc, là thiên hạ của các loại muỗi, đỉa, côn trùng độc. Mặc dù nhiệt độ ở đây phải hơn 30 độ C, nhưng chúng tôi bắt buộc phải mặc quần áo dài, nếu không chắc chắn trên người sẽ chẳng còn miếng thịt nào lành lặn đâu.
A Ninh nói, tôi có thuốc đuổi côn trùng, vậy có được không?
Phan Tử bảo, cô đuổi được muỗi đi, nhưng lại kéo thứ khác đến, trong rừng nhiệt đới không nên có mùi gì quá nồng. Bằng không, dù cô có không đụng phải dã thú, thì cũng là dã thú đeo bám theo sau, chúng ta lần này chỉ có tôi mà súng, dù có đụng phải lợn rừng cũng không đủ chống đỡ.
Cuối cùng, anh ấy nói, một khi tiến vào vùng đầm lầy, nếu không phải vạn bất đắc dĩ thì đừng có lội xuống nước, hoặc đi đụng vào nước bùn. Anh ấy từng có một chiến hữu, trong lúc đánh mai phục, chân bị lún xuống đầm lầy, còn chưa tới một phút đã rút chân ra, thế mà cả cái chân toàn là lỗ hổng, bị con gì đục khoét sạch. Trong tình cảnh này, nếu mà gặp phải chuyện như thế thì chẳng khác nào toi mạng, có khi toi mạng luôn còn đỡ hơn.
Tôi nhìn ánh mắt của Phan Tử, cảm thấy anh ấy không phải nói chuyện giật gân để hù dọa, trong lòng cũng cảm thấy kỳ dị, bèn buộc chặt ống quần hơn nữa.
Mất hai tiếng đồng hồ, chúng tôi mới sắp xếp đóng gói đồ đạc xong xuôi, Phan Tử gào to một tiếng, tất cả liền xuất phát. Muộn Du Bình đi đầu, Phan Tử đi cuối, phạt bớt các cành cây tán lá, đi thẳng vào sâu trong khe núi. Chúng tôi vừa bước đi, trời liền âm u, hình như lại sắp mưa. Tôi thầm cảm khái trong lòng, sự ảo diệu của thiên nhiên đúng là vô cùng tận, ở sâu trong sa mạc Sài Đạt Mộc khô hạn lại có một ốc đảo ẩm ướt mưa nhiều, đúng là tạo hóa sắp đặt, không theo bất cứ khuôn mẫu nào.
Khe núi này không giống kiểu khe núi Yardang trong thành ma, không phải do phong hóa mà thành, mà hình như là kiểu thung lũng ríp-tơ hình thành từ các vận động địa chất. Đáy khe không bằng phẳng, lởm chờm đầy đá tảng đủ hình thù, tầng tầng lớp lớp, vách đá trông như bị dao sắc cắt gọt mà nên. Có điều, nếu để tôi nói, thì tôi lại đồng ý với ý kiến của Bàn Tử, địa hình nơi này quả thực giống như một hố thiên thạch, thung lũng ríp-tơ này dường như vốn là vết nứt gãy trên vỏ trái đất do thiên thạch rơi xuống đập vỡ, lúc mới hình thành có lẽ còn sâu hơn bây giờ nhiều, sau dần dần bị phong hóa, đầy lên và phẳng hơn. Ở xung quanh vùng lòng chảo, các khe núi như thế này có lẽ không chỉ có một.
Khe núi cực rộng, sau khi tiết vào rừng rậm, bốn phía trở nên oi bức ngột ngạt, chúng tôi chả mấy mà toát đầy mồ hôi. Trên các tảng đá và cây cối ở khắp xung quanh đều phủ đầy rêu xanh, không thể đặt chân lên nổi, dưới chân chúng tôi đã toàn là bùn lầy sền sền ẩm ướt và các rễ cây đan xen rối rắm, bước đi trên cái lưới rễ cây đan xen tua tủa nhưng con quái vật nhiều vòi, mỗi bước đi lại thụt phải một cái hố, tán cây trên đỉnh đầu rậm rạp đến nỗi không nhìn thấy ánh nắng đâu. Nhất thời tôi có ảo giác rất nghiêm trọng, bây giờ có thực là tôi đang ở trên cao nguyên Thanh Tạng hay là đang ở trong rừng nguyên sinh Amazon vậy?
Vốn tưởng rằng loại tình huống này chỉ có thể gặp phải khi ở đầu cuối khe núi, không ngờ trong khe núi đã vậy rồi, vậy tình huống trong vùng lòng chảo kia phỏng chừng càng không ổn rồi.
Bàn Tử đi mà thở hồng hộc, nhìn tình hình phía trước, liền bảo không biết trong ốc đảo này có động vật gì không, đi săn mấy con xơi mẹ nó đi, coi như là một loại phúc lợi, chứ không quãng đường này đi thật là thiệt thòi.
Phan Tử nói, trong cánh rừng mưa khép kín nói nhỏ không nhỏ, nói lớn không lớn này, chỉ e là sẽ không có dã thú lớn đâu, có nhiều nhất chỉ sợ là toàn mấy con côn trùng rắn rết sâu bọ thôi. Trong nhiều đầm lầy như thế này, rắn là thường gặp nhất.
Bàn Tử nói, rắn cũng được, hồi ở Quảng Đông từng xơi bò cạp nướng rồi, dù sao thì chỉ cần là thức còn tươi thôi, với ông đây không thành vấn đề gì sất.
Tôi nhớ đến Văn Cẩm từng viết trong sổ: “Bùn lầy nhiều rắn, gặp người không biết sợ.” Chắc hẳn Phan Tử nói không sai đâu, chỉ không biết kích cỡ của lũ rắn ở đây, trong mấy bộ phim Hollywood thường thấy mấy loại trăn to như cái cây cổ thụ, xe lu cán không chết, có điều ở đây chắc không có điều kiện như thế.
Hơn nữa, môi trường sinh thái ở đây vô cùng đặc biệt, là một hòn đảo biệt lập khép kín, tôi nghĩ, trừ phi là chim bay hoặc con người, những thứ khác vốn không thể tiến vào nơi này. Sinh vật ở đây đều là những sinh vật đã sinh sôi nảy nở ở ốc đảo này từ thuở sơ khai. Hồi đó, Sài Đạt Mộc vẫn còn là một mảnh đất trù phú giàu có, sông ngòi dày đặc, giống loài phong phú. Có lẽ chúng tôi có thể tìm thấy rất nhiều động thực vật đã tuyệt chủng trong ốc đảo này, đây mới là thứ còn có giá trị hơn cả cung Tây Vương Mẫu.
Nghĩ đi nghĩ lại, lại thấy thôi đi, truyền thuyết Tây Vương Mẫu trong “Sơn hải kinh” nói, cung Tây Vương Mẫu được một đám chim xanh mặt người bảo vệ, đây nhất định là một loài chim dữ khổng lồ mà chúng tôi không biết rõ, không chắc có phải là loài quái điểu đã tấn công bọn tôi ở núi Trường Bạch hay không, cái lũ này vẫn là tuyệt chủng thì tốt hơn.
Bởi vì cây cối quá đỗi rậm rạp, mà chúng tôi lại ở trong khe núi, không có điều kiện để đi vòng vèo, chúng tôi chỉ có thể vừa phạt bớt các loại dây leo già cỗi tán cây um tùm vừa tiến lên. Việc này rất tiêu hao thể lực, Bàn Tử và Muộn Du Bình phải thay phiên nhau dẫn đường mà cũng chẳng khởi sắc bao nhiêu. Cũng may ở trên vách núi một bên còn có một đường trời xanh, giống như một dải gấm xanh biếc, cảnh sắc cực kỳ lộng lẫy, thỉnh thoảng còn có mấy thác nước hình thành do trận mưa hôm trước trút xuống ầm ầm, chúng tôi đi qua, cũng có thứ để tám chuyện.
Đi được chẳng bao lâu, chúng tôi liền phát hiện trên vách đá trước mặt xuất hiện rất nhiều hang đá, dày đặc, phải đến trăm cái lận, phủ đầy rêu xanh, không biết bên trong có điêu khắc cái gì.
Chúng tôi lập tức căng thẳng, chẳng còn tâm tình đâu đi ngắm phong cảnh nữa. Suốt đường đi không thấy bất cứ di tích gì liên quan đến nước Tây Vương Mẫu, vẫn có cảm giác không thật, bây giờ bỗng dưng thấy được, chúng tôi thực sự bắt đầu đến gần vùng đất trung tâm của quốc gia cổ thần bí này rồi. Đây là một chuyện nghĩ mà thấy hưng phấn, thế nhưng thực tế thì lại cảm thấy có hơi khủng bố.
Thu lại tâm tình đùa bỡn, chúng tôi đi đến kiểm tra xem. Những hang đá này có to có nhỏ, cái to thì đủ nhét hai cái xe tải Giải phóng vào, nhỏ thì chỉ cao cỡ nửa người, khác với Đôn Hoàng nhiều lắm, các hang đá rất nông, ở bên ngoài là có thể thấy pho tượng ở trong, chỉ là chúng bị một tầng rêu xanh rất dày phủ lên.
Tôi leo lên, lấy dao găm ra, bắt đầu cạo lớp phủ ngoài trên một bức tượng ra, từ trong rêu xanh dần dần lộ ra một bức tượng đá cực kỳ quái dị.
Trong rêu xanh, đó là một bức tượng thần khắc hình mặt người thân chim, phong cách chạm trổ giống với phong cách trên vò gốm chúng tôi tìm thấy trong con thuyền chìm, là điêu khắc của nước Tây Vương Mẫu thực sự. Trải qua sự mài mòn của cả ngàn năm, bên ngoài tượng đá phủ đầy thạch hộc, nhìn thấp thoáng không rõ.
Tôi gạt hết đám thạch hộc đi, toàn bộ tượng đá liền hiện ra. Đó là một pho tượng đứng, là trực tiếp tạc ngay trên vách núi đá, phần đầu chim là một gương mặt quái lạ tính nữ, vừa giống người vừa không giống người, đôi mắt rất dài, không có biểu tình gì, lạnh lùng cay nghiệt vô cùng. Dưới chân tượng chạm khắc năm cái đầu lâu, con chim đứng trên đỉnh, dường như những đầu lâu này là phần xương cốt còn thừa lại sau khi bị nó ăn thịt.
Bàn Tử đứng dưới nhìn, liền kinh hô một tiếng: “Trời ạ, Tiểu Ngô, mẹ kiếp đây chẳng phải là…”
Tôi nhảy xuống, khi thấy được toàn bộ bức tượng, liền hít ngược một hơi lạnh toát.
Hóa ra, tượng đá chim mặt người trong hang đá trên vách đá, giống y như đúc lũ quái điểu trong khe nứt dưới đáy Trường Bạch.
Hình dáng chạm khắc cực kỳ sinh động, nhìn bên ngoài đá núi, có lẽ lúc tu tạc còn sơn màu lên nữa, nếu như không phải có rêu xanh phủ kín, trong khu rừng âm u này mà nhìn thấy, có khi còn tưởng lũ quái điểu từ Trường Bạn Sơn bay đến nơi này rồi.
Vẻ mặt tất cả mọi người đều kinh dị, ngay cả Muộn Du Bình cũng lộ vẻ bất ngờ. Tất cả mọi người ở đây đều từng đến Trường Bạch, thấy những bức tượng đá này, khó tránh khỏi nhớ lại tình cảnh đáng sợ lúc đó.
Tôi và Bàn Tử vội vàng động thủ, cạo sạch mấy bức tượng đá trong các hang đá khác ra, phát hiện bên trong toàn là tượng đá chim mặt người giống y hệt nhau, có lớn có nhỏ, hình dáng đủ kiểu.
A Ninh hít một hơi, nói: “Xem ra suy đoán lúc trước của chúng ta không sai, lũ ác điểu mặt người trong Trường Bạch Sơn chính là totem của Tây Vương Mẫu – nguyên hình của chim tam thanh. Có lẽ Tây Vương Mẫu nắm giữ được một số những kỹ thuật cổ xưa mà chúng ta không biết, có thể thuần dưỡng lũ ác điểu này. Có lẽ lăng mộ trong lòng đất ở Trường Bạch, sự biến mất của nước Tây Vương Mẫu và cuộc di dân đến phía Đông thần bí, tất cả đều có liên quan đến nhau. Lũ quái điểu có lẽ vốn là sống trong ốc đảo này, về sau đi theo các di dân tách ra đến phía Đông, làm người bảo vệ cho lăng mộ.”
Tôi nói: “Không sai, tôi vẫn luôn có cảm giác, địa hình nơi này có nét tương tự với địa hình của hoàng lăng trong lòng đất ở Trường Bạch, đều là nằm trong một thung lũng như hố thiên thạch khổng lồ, xem ra nơi đó có lẽ cũng là một phiên bản của cung Tây Vương Mẫu. Những gì chúng ta trải qua ở núi Trường Bạch chỉ có thể coi là một cuộc diễn tập, nơi này mới chính là sào huyệt thực sự của người ta.”
Bàn Tử nghe xong liền lau mồ hôi nói: “Mụ nội nó, nếu đúng như mấy người nói, vậy đây là quê nhà của lũ chim chết tiệt đó hả? Vậy chúng mình đi vào đấy chẳng phải là đi chết sao?”
Cái này còn khó nói lắm, tôi quay đầu cười khổ, A Ninh bảo: “Không đến mức ấy, chuyện đã cách quá nhiều năm vậy rồi, khí hậu nơi này thay đổi quá dữ dội, từ một thảo nguyên rộng lớn co lại thành một ốc đảo, thức ăn quá ít, loài chim này có khi lại tuyệt chủng rồi ấy chứ, lũ chim ta thấy trong Trường Bạch có lẽ chỉ là số còn lại sau chọn lọc tự nhiên. Có điều, bất kể ra sao, nước Tây Vương Mẫu lấy chim xanh làm thần bảo vệ, ở đây có totem như vậy, chứng tỏ chúng ta đã tiến vào trong phạm vi của cung Tây Vương Mẫu, các hang đá chạm khắc totem ở đây là một loại thông báo với người ngoài, cũng là một loại cảnh cáo. Chặng đường phía sau chúng ta phải càng thêm cẩn thận.”
Chúng tôi đều gật đầu, Bàn Tử nói: “Mẹ kiếp, nhờ cả vào lời này của cô đấy, lũ chim chết tiệt này thực sự tuyệt chủng mới tốt, bằng không lại liên lụy đến tôi, thế là Mô Kim hiệu úy sẽ tuyệt diệt mất.”
Lo lắng của Bàn Tử cũng là lo lắng của chúng tôi, chúng tôi liếc nhìn nhau, không ai nói gì, vẻ mặt đều hết sức phức tạp.
Chỉ nán lại trong chốc lát, A Ninh chụp hình lại những tượng đá này, nhìn xung quanh một lượt, ngoài đá ra thì không phát hiện thêm gì nữa. Muộn Du Bình liền bảo chúng tôi xuất phát.
Chúng tôi liếc nhìn những hang đá này một lượt nữa, xốc lại tinh thần, rời vách đá này đi, tiếp tục tiến vào sâu trong khe núi. Có lẽ do ảnh hưởng của những hang đá này mà trong một khắc đó, tôi cũng cảm thấy được một cảm giác bất an bao phủ lên toàn khu rừng rậm, dường như chúng tôi đang tiến vào một thế giới quỷ quái không ai hiểu nổi vậy.