Chương 91: Đêm thứ ba: Phù điêu
Chương 91: Đêm thứ ba: Phù điêu
Chúng tôi gần như chuyển hết tất cả những gì có thể sử dụng đến đây, còn chuẩn bị cả mấy xô nước bùn nữa. Không dám đốt lửa trại lớn nữa, chỉ đắp một đống than nhỏ, bữa cơm tối Bàn Tử đun đồ hộp cũng không dám đun ở bên trong, mà vác bếp lò ra ra ngoài bãi phế tích mà đun.
Chúng tôi dự đoán lũ rắn chắc chắn sẽ bắt đầu hoạt động sau khi sương mù tràn ngập, cho nên hoàng hôn buông xuống nhưng vẫn không hoảng hốt, tôi giúp Bàn Tử nấu cơm, Muộn Du Bình ở phía trên canh chừng cho bọn tôi.
Động tác của Bàn Tử rất nhanh, còn tôi kỳ thực chả giúp đỡ được gì mấy, mở nắp đồ hộp xong là chỉ có ngồi đờ ra bên cạnh.
Bàn Tử phiền nhất là nhìn thấy tôi như thế này, anh ta nói tôi chính là một cô em Lâm Đại Ngọc, cả ngày cứ ngồi nghĩ ngợi chả biết nghĩ cái gì, trên đời này làm gì mà có lắm thứ để suy nghĩ thế, cứ vô tâm vô phế mà sống, đến cuối cũng chết thẳng cẳng, mà có suy tính kế này mưu nọ đến cuối cũng là chết thẳng cẳng, dù sao kết cục cũng như nhau, cậu xoắn xuýt cái ràng buộc ở giữa kia làm gì.
Tôi nghe xong có chút ngạc nhiên, Bàn Tử thế mà biết dùng cái từ “ràng buộc” nho nhã này cơ đấy, lúc sau đã thấy anh ta phun ra hai từ “hòn dái”, không khỏi cười khổ.
Đang suy nghĩ, chợt nghe Bàn Tử gọi: “Tôi nói, Thiên Chân, cậu xem Tiểu Ca đang làm gì thế?”
Tôi hồi thần lại, ngẩng đầu lên nhìn thấy Muộn Du Bình ở trong đền thần đang dùng vật gì chà sát lên vách tường đá, bèn nói: “Sao thế?”
Muộn Du Bình không để ý lời tôi gọi, vẫn tiếp tục làm, cũng có thể là không nghe thấy.
Việc ở chỗ này tôi đã làm hòm hòm rồi, hứng thú nổi lên, bèn bỏ đám đồ hộp xuống, trèo lên đền thần xem. Tôi đi theo hành lang gấp khúc của ngồi đền vòng sang bên cạnh hắn ta, liền nhìn thấy hắn đang dùng miếng than trong đống lửa trại chà lên vách tường, như thể đang in rập cái gì đó. Tôi hỏi hắn làm vậy làm gì, hắn chỉ vào mặt đá nói: “Tôi vừa phát hiện ra.”
Trên mặt tường bị bôi một mảng lớn đen sì, tôi phồng miệng thổi phù một cái, phát hiện trên mặt tường này có chạm khắc một bức phù điêu đã mòn vẹt.
“Dưới ánh nắng gần như không nhìn thấy gì, chỉ có bôi than lên thì hình mới hiện, còn có thể nhìn ra một chút.” Hắn nói, nói đoạn lại lấy một mảnh than từ trong đống lửa ra tô vẽ lên tường.
Màu than đen bôi lên mặt đá, ánh sáng phản chiếu có thay đổi, tôi di chuyển một lúc tìm vị trí thích hợp, phù điêu trên mặt đá mới hiện lên rõ ràng. Vừa nhìn, đập vào mắt tôi là một đống rắn. Rất khó để phân biệt, ánh sáng nhốn nháo, bóng rắn loang loáng cứ như là đang sống vậy.
Muộn Du Bình tiếp tục tô vẽ lên tường, chúng tôi liền thấy từng bức phù điêu cổ xưa lần lượt xuất hiện trên mặt đá, qua nhiều năm đến vậy nhưng hình thần vẫn còn đó, dưới mỗi lần tô vẽ của Muộn Du Bình, chúng dần dần hiện lên như ảo thuật vậy.
Hắn tô than xong, loạng choạng không đứng vững. Tôi lập tức tiến đến đỡ lấy hắn. Nhìn một lượt, hắn nói: “Tranh này miêu tả chuyện lũ rắn.”
“Chuyện gì?” Tôi hỏi. Bởi tôi không nhìn rõ cho lắm.
“Tạm thời xem chưa hiểu.” Hắn nói: “Để từ từ suy nghĩ đã.”
Tôi rất có hứng thú với những thứ này, hơn nữa, suốt dọc đường cũng không được nhìn thấy nhiều di vật lịch sử liên quan đến nơi này cho lắm. Hoàn toàn không biết chút gì về nơi này chính là nguyên nhân trực tiếp nhất khiến chúng tôi rơi vào cảnh ngộ này, cho nên tôi nhích người tìm kiếm vị trí tốt nhất để xem cho kỹ càng.
Từng bức từng bức phù điêu hiện lên, nhưng chả hiểu là cái gì, không hiểu rốt cuộc nó có ý nghĩa gì. Trên phù điêu vẽ rất nhiều thứ, có cái hình như là cúng tế, có cái lại như là nghi lễ, có muốn nói ra cũng không biết phải nói cái gì nữa.
Nửa đoán mò nửa suy luận mà xem, cảm giác có vài bức là đang nói về những người dân trước kia của nơi này, họ thờ phụng lũ rắn độc mào gà ở đây, họ ném những vò gốm vào trong một số lỗ thủng, hình như chính là những tháp đá có lỗ hình vuông mà chúng tôi gặp dọc đường, một lượng lớn rắn độc bắt đầu chui vào trong những vò gốm vỡ nát. Có thầy tế đang chủ trì nghi thức cúng tế, rất nhiều người quỳ ở xung quanh.
Hóa ra thứ được thờ cúng ở đây chính là lũ rắn này, chẳng lẽ người nơi này coi lũ rắn độc đó là thần thánh sao? Nhưng điều này cũng không đáng kinh ngạc cho lắm, tín ngưỡng sùng bái rắn độc rất phổ biến, người cổ đại không biết nọc độc của rắn độc, chỉ biết hễ bị cắn một cái là chết, vết thương nhìn nhỏ mà lại trí mạng đến thế, vì thế mà họ cho rằng đó là do phép thuật gì đó. Nhiều dân tộc thiểu số ở Trung Quốc có tín ngưỡng sùng bái rắn.
Có thể lũ rắn mào gà thích lấy trứng của bọ ăn xác làm thức ăn, có điều, trứng của bọ ăn xác chúa có độc tính rất mạnh, không biết rốt cục là con nào độc hơn nữa?
Muộn Du Bình di chuyển thân mình, trên bức phù điêu có rất nhiều nhân vật tay cầm trường mâu, cùng với những hình người có vẻ như là dân chúng ở đây đang chém giết lẫn nhau, nhiều người bị trường mâu đâm xuyên qua cơ thể. Hình như đây là một cuộc chiến tranh.
Xem tình hình chiến đấu thì thấy phe của nước Tây Vương Mẫu đang ở thế bất lợi, bởi quân số của nước Tây Vương Mẫu rõ ràng ít hơn phe địch rất nhiều. Mà quân của nước Tây Vương Mẫu toàn là bộ binh, mà trong đội quân của phe địch thủ còn nhìn thấy cả kỵ binh. Thống soái chỉ huy của quân địch đứng phía sau đội quân, ngồi trên chiếc xe tám ngựa kéo. Trong bức phù điêu không thấy bóng dáng của Tây Vương Mẫu. Tất cả các bức phù điêu đều được tạo hình hết sức tinh tế, ngay đến cả ngũ quan trên gương mặt cũng được chạm khắc tỉ mỉ, sinh động như thật, hiển nhiên chúng đến từ tay những người thợ thủ công có tay nghề xuất sắc nhất.
“Đây là, chiến tranh……” Muộn Du Bình lẩm bẩm nói.
“Xem ra nước Tây Vương Mẫu đã từng bị xâm lược, hơn nữa, kẻ địch lại là một nền văn mình tương đối hùng mạnh, có lẽ là Lâu Lan hoặc Bắc Hung Nô.” Tôi nói. “Không nhìn ra được kiểu dáng trang phục, có điều hình dạng binh khí tương tự vùng Trung Nguyên, chắc là quân đội Lâu Lan. Người ngồi trên chiến xa này, chắc là vua Lâu Lan.”
Nói xong, tôi cảm thấy lời của mình rất có lý, nhưng Muộn Du Bình lại không chú ý đến lời của tôi, mà sờ lên hình thống soái trên chiến xa kia, nhíu mày.
Tôi nghĩ thầm thế là sao? Bỗng hắn giơ một ngón tay lên chỉ vào vị thống soái trên chiến xa đó, nói với tôi: “Tôi biết người này.”