Chương 29: Câu đố
Chương 29: Câu đố
Trước đây đã từng xảy ra chuyện tương tự làm tôi sởn da gà, Muộn Du Bình cũng ngây ra mà nhìn với ánh mắt đầy nghi hoặc, chưa biết chừng hắn có cảm giác giống tôi.
Ở đâu nhỉ? Tôi đã từng thấy cảnh này ở đâu, hay từng thấy tình cảnh tương tự như vậy ở đâu rồi?
Tôi ra sức hồi tưởng, suy đi nghĩ lại mà vẫn không tài nào nhớ ra, chỉ biết rõ mình từng thấy cảnh tượng này cách đây không lâu, hơn nữa đi kèm với cảm giác thân thuộc còn có một loại cảm giác “không đúng”. Hiển nhiên ấn tượng trong tâm trí tôi vẫn không hoàn toàn trùng khớp với nơi này.
Bàn Tử vô tâm vô phế, cởi sạch đồ chỉ còn mỗi quần đùi rồi nhảy xuống nước bơi. A Quý cẩn thận hơn, hồ nằm trong núi vốn là điềm chẳng lành nên không có việc gì thì hạn chế bơi lội.
Trở lại bờ, chúng tôi cởi giày và quần ướt đẫm ra, Bàn Tử phụ A Quý dựng lều che mưa. A Quý đi đốn củi trở về, Vân Thái giúp nấu cơm, tôi uống nước xong mới nhớ ra mình đã gặp thế núi này ở đâu.
Hình dạng và cảm giác về ngọn núi này không ngờ lại khá tương đồng với cảnh núi chúng tôi nhìn thấy khi vọc nước ở dòng suối ven thôn, đường nét và hướng núi đều giống nhau như đúc; có khác chăng là khi đó chúng tôi ở dưới suối, còn giờ thì ở trong hồ, điều này khiến tôi phải sững sờ trong giây lát.
Khi đó tôi đã cẩn thận quan sát cảnh vật xung quanh khe nước; đừng nhìn Muộn Du Bình có vẻ mất tập trung mà nhầm, hắn chắc chắn đã thu tất cả vào trong mắt. Còn sự chú ý của Bàn Tử lại dồn hết lên những cô bé kia, hèn gì không phát hiện ra.
Thật thú vị, bàn tay tạo hóa thật diệu kỳ, không biết đây chỉ đơn thuần là trùng hợp hay do nguyên nhân địa chất nào đó mà thành hình.
Sau đó tôi, Bàn Tử và Muộn Du Bình bắt đầu đi quanh hồ để thăm dò.
Hồ cũng chỉ còn rộng khoảng hai sân đá banh, đi một lát là xong. Dưới đáy hình như toàn là đá tảng nhưng thành hồ rất dốc, xem ra lòng hồ cũng khá sâu.
Tôi luôn có cảm giác sợ hãi một cách khó hiểu đối với những hồ nước sâu. Có câu nước cạn không chứa rồng, nước sâu tất có quái, lòng nước sâu cho thấy dung tích của hồ không nhỏ như chúng ta thấy từ bề mặt, mà có thể còn chứa đựng thứ gì kỳ quái bên trong. Trên thế giới có biết bao nhiêu hồ lớn chứa thủy quái, tuy bề mặt chúng không rộng nhưng lại rất sâu. Dù không có gì kỳ quái thì chỗ nước sâu cũng dễ có cá lớn, thi thoảng vào mùa nước lên sẽ phát hiện vài con cá khổng lồ.
Không thấy vết tích xương cốt rõ ràng, song những viên đá này đều nhỏ vụn, trong hơn 40 năm mực nước nơi này lên xuống vô định, đá núi không ngừng lăn xuống, những mảnh xương này kia có thể nằm bên dưới lớp đá.
Chúng tôi phán đoán tình hình lúc đó, dựa theo lẽ thường thì có lẽ đội khảo cổ dựng trại ở bờ nam. Bờ bên kia là núi, có nguy cơ gặp đất đá bùn lầy trôi xuống, vậy thì khu vực chúng tôi muốn tìm hẳn là bờ nam.
Đây là một công việc đồ sộ, may mà còn dẫn theo vài con chó, nhưng cũng chẳng biết có tác dụng gì không. Thi thể ngâm nước chừng ấy năm nhất định đã thành xương trắng, có lẽ trông cũng từa tựa đá tảng.
Ăn cơm trưa xong, A Quý đi thăm thú xung quanh xem có món gì tốt. Chúng tôi bắt đầu tìm kiếm trong khu vực, Vân Thái giặt mớ quần áo đẫm mồ hôi giùm chúng tôi. Vùng ven hồ rất rộng, tôi, Bàn Tử và Muộn Du Bình chia nhau mỗi người một khoảnh mà tìm kiếm.
Lấy tay không vần từng khối từng khối đá, nơi đây đá chất thành cụm hẳn là do những tảng đá gần bờ hồ không ngừng lăn xuống. Nhưng đáy hồ lại từ từ dốc xuống, vả lại bản thân những tảng đá tích tụ lại còn có tác dụng chống nước mưa bào mòn (nước mưa không chảy thành dòng bên trên bãi đá mà sẽ ngấm qua đá, hợp thành dòng nước ngầm bên dưới.) Nơi Bàn Mã vứt thi thể năm nào chắc chắn rất gần bờ, cho đến giờ cũng đã khô hạn nhiều năm và mọc đầy cỏ nên tôi nghĩ hài cốt sẽ không bị vùi quá sâu.
Bàn Tử nói thi thể bị ném xuống đó nếu không buộc lại thì ban đầu sẽ trôi lơ lửng, sau đó chìm xuống rồi bị tôm cá rỉa, xương cốt phân tán hết, đầu ở đây cái kia có thể trôi xa hơn 100m, muốn kiếm cũng kiếm không ra. Mà nếu thi thể không được ném xuống nơi đủ sâu thì có thể còn bị thú vật tha lên bờ xé ăn.
Tôi nói dù gì đi chăng nữa cũng khó có chuyện không lưu lại chút manh mối nào. Mao chủ tịch từng nói hai chữ đáng sợ nhất trên đời là niềm tin, chúng ta cứ tìm trước đã, tìm không thấy hẵng đi phân tích nguyên nhân sau.
Cứ thế cho đến khi trời chiều đã ngả về tây, ba người vẫn tay trắng. Mấy con chó săn chạy chơi ven hồ, hoàn toàn không đếm xỉa đến chúng tôi, cũng chả thèm giúp sức. Phơi dưới ánh nắng gay gắt bên bờ hồ cả ngày khiến đỉnh đầu tôi đau rát; từ trong rừng vang lên hai tiếng súng của A Quý, rồi anh mang về một con gà rừng đem nướng, chẳng mấy chốc mùi thơm đã tỏa ra ngào ngạt làm chúng tôi thèm nhỏ rãi.
Bàn Tử không nén nổi tâm trạng ủ rũ, lúc nghỉ ngơi chúng tôi quây quần bên nhau mà hút thuốc, Bàn Tử liền nói thôi đủ rồi, cậu nhìn thử xem khu này chỗ nào nhiều khả năng có mộ cổ?
Tôi bảo chẳng phải anh cũng biết sơ sơ đó sao, anh nói xem chỗ nào ở đây có mộ? Bàn Tử liền đáp: “Tôi thấy không ổn đâu, nhìn sơ qua thế núi nơi này chẳng ra cái dáng gì cả, khó có mộ lớn lắm. Nhưng Bàn gia đây trình độ nửa vời, nên mới hỏi lại cậu xem tôi có nhìn lầm không.”
Tôi nghĩ bụng trình độ anh mà nửa vời thì trình độ tôi chắc là hạng bét, cũng chẳng còn bụng dạ đâu mà suy xét chuyện này, dù sao cũng phải nán lại vài ngày rồi mới về, từ từ khoai khắc nhừ thôi.
Hiếm khi trong lòng không vội vã, uống ít rượu gạo, chúng tôi quây quần quanh đống lửa ven hồ nghỉ ngơi hóng mát. Hồ nằm ven núi, không khí mát rười rượi. Vân Thái cũng đã thay sang một chiếc sơ mi mỏng, gội đầu xong bỗng khoác lên mình dáng dấp con gái thành phố hiện đại, sau bữa cơm còn nhảy múa cho chúng tôi xem. Vũ điệu của người Dao có rất nhiều động tác xoay tròn và đá cẳng chân, mà chân con gái Dao lại đẹp nõn nà làm Bàn Tử ngồi coi muốn rớt cằm, khăng khăng đòi học, nhưng tướng nhảy của hắn y như lên đồng làm tôi cười lăn cười bò cả ra.
Lâu rồi không cười sảng khoái đến thế, mãi mới ngưng lại được, tôi đảo mắt nhìn sang Muộn Du Bình thì đã thấy hắn dựa vào tảng đá, nét mặt không hề thoải mái, nếu nhìn lướt qua sẽ không phát hiện ra hắn đang tồn tại.
Tôi thầm nghĩ, mình tới đây truy tìm quá khứ của hắn liệu có phải sai lầm hay không? Nhưng nhìn những manh mối hiện đã thu thập được thì hiển nhiên trên lý thuyết chúng tôi đến đúng chỗ rồi. Đối với chúng tôi con đường đến đây có thể đi một cách ung dung, nhưng với hắn những thứ gặp phải trên đường luôn gợi mở cánh cửa quá khứ, muốn thả lỏng cũng khó.
Người này lại mang đặc trưng của kiểu nhân cách hướng nội, lòng ở ngoài chốn đào viên mà vẫn cười với gió xuân, chẳng để ai vào lòng. Tôi nhặt một hòn đá nhỏ ném hắn, nói: “Anh đừng cả nghĩ, nói cho anh biết, theo kinh nghiệm của tôi có nghĩ đến nát óc cũng chẳng để làm gì. Chúng ta đang chắp tranh, trước khi tìm ra tất cả mảnh ghép thì nghĩ ngợi ít thôi.” Rồi đưa rượu gạo cho hắn.
Muộn Du Bình lặng lẽ nhận lấy rồi đặt sang một bên. Tôi thở dài: “Anh không thể uống lấy một ngụm sao.”
Hắn lắc đầu, nhìn sang khoảng tối bên cạnh.
Tôi đành chuyển sự chú ý sang Bàn Tử, thấy hắn đang ra câu đố mẹo cho chúng tôi đoán, hỏi Vân Thái chiến đấu như thế nào thì gọi là “Giết địch một trăm, tự tổn ba ngàn.”
Tôi sợ Bàn Tử lấy truyện cười bậy bạ ra cho Vân Thái đoán, nhuộm đen đầu óc trong sáng của cô bé, liền la rầy hắn. Bàn Tử nói yên tâm đi, câu đố này hoàn toàn đứng đắn.
A Quý cũng nốc kha khá rồi, chỉ biết cười ngô nghê, đoán tới đoán lui vẫn trượt, cuối cùng công bố đáp án hóa ra lại là xuông đối trận với xập xám chướng, chỉ chăm chăm nã pháo, thắng nhà con một trăm lại trúng pháo thua ba mươi lần.
(Đây là những thuật ngữ chỉ các thế bài trong mạt chược. Xuông (Nguyên văn: thí hồ) là thế bài tạp không được tính điểm (phán) nào, xập xám chướng (Nguyên văn: thập tam yêu) là thế bài có đủ 13 quân nhất vạn, cửu vạn, nhất tác, cửu tác, nhất đồng, cửu đồng, đông, tây, nam, bắc, bạch, phát, trung, là thế bài đặc biệt, nã pháo chính là “ù”. Mỗi ván có một người đóng vai nhà cái, còn lại là nhà con, cách chơi của nhà cái và nhà con sẽ khác nhau đôi chút. Để tìm hiểu kĩ hơn mời vàođây)
Trò này không phổ biến trong thôn người Dao, Vân Thái chẳng hiểu mô tê gì sất, tôi mới mắng anh hỏi thế chẳng hóa bắt nạt người ta hay sao? Có câu đố mẹo nào mang tính địa phương một chút không hả?
Bàn Tử đáp có, rồi lại hỏi: “Tiếp nè, chiến đấu như thế nào thì gọi là “Giết địch một tên, tự tổn ba ngàn.”
“Ong vò vẽ!” Vân Thái lập tức giơ tay đáp.
Bàn Tử lắc đầu: “Nha đầu thúi, cố ý đâm thọt anh hả?”
Cả đám cười rộ lên, rồi tôi nói vậy chắc chắn là kỵ binh đấu với xe tăng, Bàn Tử bảo nếu đấu với xe tăng thì có tổn thất một vạn kỵ binh cũng không hạ nổi một cỗ.
Chúng tôi tiếp tục đoán, người đoán chơi bài tây, người đoán con kiến, người lại đoán là ăn bào ngư, Bàn Tử đều nói sai rồi, cái mặt vênh vênh đắc ý cứ như đang cười nhạo trí khôn của chúng tôi.
Tôi phát cáu, bảo tiên sư thế anh nói coi đó là kiểu chiến đấu gì? Đáp án mà khiên cưỡng là tôi tẩn cho đấy.
Bàn Tử đáp: “Quá dễ, hầy, Bàn gia đây đúng là thiên phú dị bẩm, hạng phàm phu tục tử các người còn kém xa. Nghe cho kỹ lời tôi nói đây, giết địch một tên tự tổn ba ngàn, là trận chiến giữa chuối tiêu và voi.”
Tôi nghe vậy lườm lườm Bàn Tử, mắng, anh nói bậy gì đó, chuối tiêu đấu với voi là cái của nợ gì, anh nói coi chuối tiêu đấu với voi kiểu gì mà giết địch một tên tự tổn ba ngàn?
Bàn Tử đáp: “Thì voi chết no chứ sao.”
Chúng tôi cười ồ lên, Vân Thái cũng cười đến suýt ngạt thở. Song cười được vài tiếng chúng tôi cũng phải từ từ ngừng lại, bởi tôi thấy trong lúc cả đám cười lăn cười bò ra thì Muộn Du Bình lại lẳng lặng đứng lên, bước tới bên hồ, rồi ngồi ra một góc xa nơi ánh lửa trại phải khó khăn lắm mới chiếu đến.
Trong mắt Vân Thái lướt qua một tia hốt hoảng, nhìn sang chúng tôi: “Chúng ta ồn quá, làm phiền anh ấy sao?”
Bàn Tử thở dài, rít một hơi thuốc lá rồi an ủi: “Không đâu, hắn đi đại tiện ấy mà.”
Tôi nhìn Muộn Du Bình, lòng âm thầm thở dài, đang định đứng lên đi xem xem có chuyện gì thì Vân Thái đã giành mất cơ hội, bước về phía hắn.