Chương 42: Ánh đèn dưới đáy nước
Chương 42: Ánh đèn dưới đáy nước
Ánh đèn lẻ loi trong làng cổ dưới đáy hồ, không biết nằm ở chính xác vị trí nào. Là ở chỗ sâu tít dưới đáy kia, hay từ một ô cửa sổ nào đó trong ngôi làng?
Màu sắc của ánh đèn thực sự khó lòng miêu tả nổi, rất đục, như thể bị người ta chụp lên một lớp vải bọc màu xanh sẫm vậy, mờ mờ ảo ảo, không giống ánh đèn dầu của nhân gian.
Cái hồ nước quỷ dị này đã khiến tôi phải kinh ngạc quá nhiều lần, dưới vẻ đẹp tĩnh mịch thanh tịnh kia lại ẩn giấu quá nhiều bí ẩn. Rốt cuộc đã có chuyện gì xảy ra ở đây, lại khiến tất cả mọi thứ như thể bị nguyền rủa?
Trong cảnh u ám như thế, tôi một mình lặn xuống đáy hồ, không có bất kỳ trợ giúp nào, lần đầu tiên tôi cảm thấy hoảng loạn và cô độc vô cùng.
Cái cảm giác tuyệt vọng mà bất lực đó còn khiến tôi sợ hãi hơn cả cái chết.
Trong một chốc, tôi đã nghĩ đến loài cá xấu xí phát ra ánh sáng để dụ dỗ con mồi dưới đáy biển sâu. Ngôi làng cổ này như thể một sinh vật khổng lồ đang sử dụng ánh sáng của nó để dụ dỗ con mồi tự chui đầu vào lưới.
Liếc nhìn đồng hồ dưỡng khí, khi sợ hãi, tim đập mạnh khiến dưỡng khí tiêu hao rất nhanh, nhưng từ đầu đến cuối vẫn không thể nào thoát khỏi cơn ác mộng sởn tóc gáy này.
Tôi kiềm chế nỗi sợ hãi của mình, trong lòng tự nhủ: “Nếu muốn biết rõ chân tướng, e rằng mình phải mạo hiểm một phen. Nếu Bàn Tử và Muộn Du Bình còn sống, như vậy bọn họ chắc chắn đang ở trong một tình huống cực kỳ quỷ dị, mà mình là hy vọng duy nhất của họ. Nếu mình đã đến đây rồi, căn bản là không có đường lui, ánh đèn xanh lét này, dù là hung hay là cát, thì cũng là đèn chỉ đường cho mình.”
Cứ như đang thôi miên chính mình vậy, nhưng trong hoàn cảnh lúc này, tôi thực sự không biết phải lấy đâu ra dũng khí để đi sâu xuống đó nữa. Lẩm nhẩm đến lần thứ ba, cảm giác hoảng loạn dần vơi bớt một chút, vì vậy tôi bèn rút lưỡi lê ra, cầm chắc trong tay, thực ra tôi không biết thứ này có thể đối phó gì được với ma quỷ không, tóm lại là cứ liều đi.
Tôi khua khoắng tay chân, lặn sát xuống bãi đá dần tiến về phía ngôi làng cổ. Lặn xuống không được bao lâu, ánh đèn âm u nó dần dần bị các ngôi nhà cổ che khuất mất, không nhìn thấy nữa, bóng tối dần lan tràn trở lại, một lần nữa, ngôi làng nọ lại quay về với bóng tối âm u.
Tôi dần bình tĩnh lại, như một kỳ tích, nỗi sợ hãi dần dần lui bước, xem ra nỗi sợ đó hoàn toàn đến từ ánh đèn xanh âm u nọ, tôi không khỏi thở phào nhẹ nhõm.
Với tính cách của tôi, nếu ánh đèn nọ mà từ từ tiến lại gần, thế nào tôi cũng bị dọa đến phát điên lên mất.
Vị trí hiện nay của tôi cách biên giới ngôi làng không xa lắm, từ từ tới gần, phát hiện dốc đá sát biên giới ngôi làng cũng có rất nhiều gỗ mục, có thanh còn đứng thẳng, có thanh đã sập, vắt ngang dưới đáy hồ, chứng tỏ trước khi ngôi làng này bị nước nhấn chìm, xung quanh nó là một rừng cây rậm rạp, bốn bề đại thụ san sát, phong thủy quá tốt.
Lặn xuống không được bao lâu đã đến làng cổ, mái nhà sàn gần nhất chỉ cách tôi có hai, ba mét.
Do trượt từ trên dốc xuống, độ sâu có lẽ đã vượt quá bảy mươi mét, tức thời tôi chưa kịp thích ứng với áp suất nước. Đúng là “Chẳng rõ Lư Sơn hình dáng thật/ Bởi thân đang đứng ở chốn này”(*), đứng ở đây rồi, chẳng nhìn thấy toàn cảnh ngôi làng nữa, chỉ thấy tầng tầng lớp lớp những ngôi nhà san sát, mà ánh sáng xanh âm u ở cách đó không xa.
(*) trích bài “Đề Tây lâm bích” của Tô Thức.
Cùng với đó, tôi còn nhìn thấy dưới chân mình, ngay sát mép làng, có rất nhiều tấm bia đá dựng thẳng, trông như những bia mộ.
Tôi liền lặn xuống một tí, dùng đèn pin soi thử xem, thấy trong thành phần của bia đá này có chất vôi, bị hòa tan bớt trong nước, khiến cả tấm bia nham nham nhở nhở. Không nhìn rõ chữ trên bia, nhưng chắc chắn không phải bia mộ, là một loại bia đá đặc thù của người Dao người Mèo.
Người Dao cổ có truyền thống ghi lại luật lệ trên bia đá, khi trong làng có những việc cần đến tập thể giải quyết, họ sẽ mở một cuộc họp bia đá, thống nhất lập một bia đá trong làng, gọi là “bia đá luật”. Có thể coi nó như luật điển của dân Dao vậy, tất cả mọi người, kể cả Vua Dao cũng đều phải tuân thủ.
Người Dao gọi tấm bia đá dạng này là “A Thường”.
Loại pháp lệnh này thiêng liêng hơn tưởng tượng của người Hán nhiều, người Dao quan niệm “bia đá nặng hơn trời”, thời cổ đại không ít lần người Dao người Hán xung đột với nhau, chẳng qua cũng là bởi người Hán muốn động đến bia đá luật mà ra. Mỗi tấm bia đá đều có một người trông coi, gọi là “người đứng đầu bia đá”, quyền hành rất lớn.
Ở đây có rất nhiều bia đá, nếu là loại bia đá luật, bên trên chắc chắn ghi chép lại những sự kiện quan trọng, đáng tiếc chữ viết đã mòn vẹt đi không đọc rõ được nữa. Mặt khác, nhiều tấm bia đá luật do nội dung có liên quan đến những bí mật nội bộ sâu xa khó hiểu từ thời xa xưa, cho nên bia không có chữ, đương sự năm xưa hoàn toàn tự giác mà tuân theo luật lệ đã định.
Dù thế nào đi nữa, nếu có thể đọc được chữ trên bia đá, ít nhiều cũng biết được ngôi làng cổ này rốt cục đã gặp phải chuyện gì.
Lướt qua các tấm bia, một lần nữa tôi lại nổi lên phía trên ngôi làng. Khoảng cách rất gần, những ngôi nhà sàn hoang tàn cùng những con đường nhỏ dần trở nên rõ ràng hơn. Ánh đèn xanh âm u lại hiện ra, không nhìn thấy nguồn sáng, nhưng quầng sáng mờ mờ ảo ảo đã ở ngay phía trước.
Da gà da vịt tôi nổi hết cả lên, tim càng đập bình bịch, cảm giác hoảng loạn sợ hãi gần như không giảm bớt tí nào, chỉ loáng đã tràn ra khắp các giác quan. Cùng lúc đó, tôi cũng cảm thấy nỗi sợ hãi này có gì đó vô cùng khác thường, như thể đến từ nơi ký ức sâu thẳm nhất, nguyên thủy nhất trong tôi, không cách nào miêu tả được, càng không tài nào xua tan được.
Rốt cuộc tôi đang sợ cái gì?
Từ độ cao này nhìn xuống một ngôi làng cổ ngàn năm, trên thế giới này người có trải nghiệm giống như tôi đây chỉ e không quá trăm người. Ngay phía dưới đây, buông tay một cái là chạm đến được mái nhà sàn bằng gỗ mục nát, cứ như thể đang dạo chơi lơ lửng giữa không trung của con đường mòn cổ xưa hoang vắng. Trong đầu không khỏi tưởng tượng lại khung cảnh của hàng ngàn năm về trước, nhưng ngay lập tức lại bị dòng nước cuốn trở về hiện thực, cái cảm giác đan xen này khiến người ta cảm thấy mọi thứ rất không thật.
Lần đầu tiên nhìn thấy ngôi làng cổ dưới đáy hồ này, tôi cảm thấy làng cổ này có phần rất giống Ba Nãi, nhà sàn bằng gỗ cứ san sát, dày đặc, giữa những ngôi nhà sàn hai đến ba tầng thi thoảng lại xen kẽ những bậc thềm đá và con đường mòn lát đá rộng đủ ba người cùng sánh bước. Tất cả những ngôi nhà sàn đều mục nát, trông như thể sẽ sụp xuống bất cứ lúc nào vậy, có phần mái của nhà này lại đổ nghiêng lên tường của nhà khác, tạo thành hình chữ “môn” (门).
Tôi bơi lửng lơ ngay phía trên những chữ “môn” ấy, nhìn những bọt khí do chính mình thở ra, không kìm được mà vươn ra chụp lấy nó. Bơi vào trong làng rồi, chỉ cần có gì bất ngờ xảy đến, những ngôi nhà gỗ này sẽ đổ sụp, chạy không kịp là bị chôn sống. Một khi đã bị chôn sống dưới đáy nước, tức nghĩa là đừng mong chờ một cơ hội được cứu sống nào.
Bơi lướt qua mấy ngôi nhà sát đổ nát tan hoang, ánh đèn càng ngày càng gần lại, tim càng ngày càng đập mạnh, cảm giác ngộp thở ngày càng tăng.
Từ góc này mà đoán, có lẽ ánh sáng đến từ một ngôi nhà cổ nào đó quanh đây, có thể là chiếu từ cửa sổ ra ngoài.
Đang định nghiến răng kiên trì lặn tiếp, bỗng xung quanh tối sầm lại, ánh sáng biến mất.
Tinh thần đang ở trạng thái căng thẳng, sự việc đột ngột này khiến tôi suýt thì ngất xỉu tại chỗ, ống hít thở tuột ra khỏi miệng. Nhưng trong nháy mắt đó, tôi đã nhìn thấy chỗ ánh sáng phát ra. Đó là một ngôi nhà sàn hình tháp khổng lồ sừng sững, được ghép lại từ mấy ngôi nhà sàn, có lẽ là lầu tháp của gia tộc lớn ở đây. Thường thì gia tộc nào lớn giàu có nhất làng sẽ tập hợp lại xây dựng kiến trúc như thế này. Nhưng trong nháy mắt đó quá nhanh, chưa kịp nhìn rõ ánh đèn phát ra từ ô cửa sổ nào.
Tôi từ từ lặn xuống, bật đèn pin lên soi, lập tức ngẩn ra vì sửng sốt.
Trời ạ! Đây là tòa nhà gì?
Tòa lầu tháp này bên ngoài kết cấu lại bằng đá, hơn nữa, mái ngói diềm cong, lối kiến trúc kiểu An Huy.
Đây không phải là lầu tháp của dân tộc Dao, mà là kiến trúc của người Hán.
Thế là thế nào? Trong ngôi làng cổ của người Dao, sao lại có kiến trúc của người Hán?