Chương 4: Người cùng cảnh ngộ
Chương 4: Người cùng cảnh ngộ
Gã họ Sở nói thế làm tôi có cảm cảm giác gã biết khá nhiều chuyện, không khỏi trở nên căng thẳng, đành mở miệng thúc giục, chỉ lo gã lại như chú Ba, nói được một nửa rồi ngừng.
Cứ thế thành ra vô tình để lộ tâm lý sợ hãi của mình. Gã họ Sở nhìn tôi cười cười, nói: “Cậu đừng vội, tôi sẽ kể hết cho cậu nghe những gì mình biết, nhưng trước tiên cậu phải đồng ý với tôi một vài chuyện.” “Là chuyện gì?” Tôi hỏi, thầm nghĩ không phải gã thấy được đà mà muốn hét giá chứ?
Gã nhìn nhìn ra cửa, run rẩy nói: “Chuyện này tôi chỉ kể riêng với cậu, cậu không được nói lại cho người khác biết. Dù sao tôi đã kể cho cậu chuyện của Trương câm điếc thì cũng có thể vì tiền mà tiết lộ chuyện của những người khác, lỡ bất cẩn để người ta nghe được mấy tin tức này, không biết chừng lại tìm người xử lý tôi mất. Án tù của tôi không phải chung thân, vẫn còn mong đến ngày mãn hạn, hơn nữa nơi này cũng không an toàn như tôi nghĩ. Nếu chưa rơi vào đường cùng thì tôi cũng không bán mấy tin tức này đâu.”
Tôi gật đầu. Chuyện này tôi hiểu, cho nên gã mới đòi tôi đích thân đến gặp, còn phải đuổi Phan Tử ra ngoài, những chuyện kiểu này càng ít người biết càng tốt.
“Tôi và chú Ba cậu là bạn bè lâu năm rồi, có rất nhiều chuyện năm đó là do tôi làm, ví dụ như điều tra Trần Văn Cẩm. Cho nên chuyện mà tôi biết nhiều hơn cậu nghĩ rất nhiều.” Gã run rẩy nói, “Cũng biết vực thẳm đằng sau nó sâu đến đâu. Có lẽ cậu không biết, ông Ba thường xuyên nhắc đến cậu, cho nên tôi cũng biết chuyện về cậu. Cậu không phải người trong nghề, nên tôi mới dám bán tin cho cậu.” A, lòng tôi khuấy đảo một trận, vậy là có thể lý giải vì sao gã có được tấm ảnh kia. Lại hỏi: “Thế rốt cuộc là có chuyện gì?”
Gã nói tiếp: “Tôi không biết ông Ba đã kể cho cậu nghe chuyện về những người đó chưa?”
“Ý anh là đội khảo sát kia?” Tôi hỏi, trong đầu vang vang lời chú Ba: Bọn họ không bình thường đâu. “Có kể chút ít, nhưng không nhiều lắm.”
“Đời này chú Ba cậu dành trọn cho việc điều tra hành tung của nhóm người kia. Hồi còn hợp tác với ông ấy, tôi thường xuyên nghe ông ấy ba hoa chém gió, nhưng càng điều tra, ông ấy phát hiện nhóm người này càng bất thường.” Gã hút hết một điều thuốc nữa, lại rút điếu khác ra châm lửa mà hút tiếp, “Những người này dường như đều lẻ loi, tách biệt khỏi thế giới này, không hề có mối liên hệ nào với xã hội. Bọn họ là ai, đến từ đâu, rốt cuộc đang khảo sát cái gì, chẳng ai biết cả.”
“Chuyện này tôi biết.”
“Nhưng khi tôi khuyên ông ấy buông tay, ổng lại nói mình tuyệt đối không tin trên thế giới này lại có chủng người như thế tồn tại. Trong mấy năm đó chúng tôi gần như đã dùng hết mọi biện pháp mà vẫn không hề có tiến triển, cuối cùng chú Ba cậu đành nghe lời tôi, buông bỏ hy vọng. Tôi cứ tưởng chuyện đến đây là kết thúc rồi, ai ngờ một năm trước, sau khi ông Ba, cậu, và cả Trương câm điếc trở về từ Sơn Đông, ông Ba tự dưng nói cho tôi biết Trương câm điếc kia chính là một người trong nhóm đó, hơn nữa cũng không già đi. Sửng sốt, chúng tôi lập tức bắt tay vào điều tra, mục tiêu đương nhiên là Trương câm điếc.” Tôi ngồi thẳng dậy, thấy gã lại châm thêm một điếu thuốc, không biết đây đã là điếu thứ bao nhiêu rồi. Gã hít sâu một hơi, “Khi đó Trương câm điếc là người của ông Tư, chú Ba cậu mượn hắn từ chỗ ông Tư. Tôi nhờ người qua đó thăm dò thân thế của hắn, kết quả là nghe được vài chuyện khó tin.”
Gã dừng lại một chút, “Nghe nói lần đầu tiên ông Tư gặp Trương câm điếc là vào một tình huống rất lạ lùng, chuyện xảy ra vào bốn năm trước, trong một lần bộ thi ở Quảng Tây. Cậu đã nghe nói đến bộ thi chưa?”
Tôi gật đầu. Bộ thi là chuyện từ thời xưa, thường xuất hiện khi xảy ra tai họa nào đó. Ở những nơi có truyền thuyết về cương thi thì nó lại càng thịnh hành, đánh hạn bạt chính là một loại trong số đó. Vào những lúc như thế người ta thường đào mồ quật xác, đôi khi thật sự có thi biến, thôn dân sẽ chọn ra những người can đảm, lấy thừng lấy chão quấn quanh bánh tông lôi ra khỏi cổ mộ, phơi dưới nắng gắt trừ hại.
Còn bộ thi mà người của Trần Bì A Tứ kể cho gã thì không giống vậy, chuyện này lại phải nói từ việc làm ăn của Trần Bì A Tứ ở Quảng Tây.
Quảng Tây trước kia là nơi tập trung văn hóa nhiều dân tộc, văn vật di tích vô số kể, có điều do văn hóa khác biệt quá xa với trung nguyên mà những chiêu trò của người trung nguyên hoàn toàn vô dụng ở Quảng Tây. Hoạt động sôi nổi nhất ở Quảng Tây thường là mấy tay săn đồ cổ hoặc hiệu buôn đồ cổ, đều tìm đến các thôn xóm thu mua hàng. Do Quảng Tây giáp ranh với Việt Nam mà dần dà có vài người Việt Nam phát hiện con đường phát tài này, họ liền kết bạn vượt biên sang Trung Quốc đào một vài cổ mộ. Quảng Tây có nền văn hóa Lĩnh Nam, cổ mộ rất nhiều, hơn nữa đa số đều phô ra công khai, người Việt Nam tuy không hiểu cách trộm mộ, nhưng đào lung tung vẫn lấy được vài món đồ. Thời đó việc làm ăn ở Trường Sa, Thiểm Tây thật ra đã rất khó khăn rồi, cậu hỏi chẳng lẽ không có đấu à thì thật ra vẫn có, còn rất nhiều đấu mỡ, trộm đến hơn mười lần mà bên trong vẫn còn đồ, đi vào cũng chẳng đến mức trắng tay. Nhưng số đấu có đồ quý, có long tích bối thực sự quá ít, muốn mở một cái đấu mới thì đã có mấy nhà ngồi chồm hỗm nhòm ngó giành hàng, với cục diện này chắc chắn phải tìm đường thay đổi, nên có rất nhiều ông trùm đều có ý muốn mò sang tình khác kiếm ăn. Có thời gian họ đã đào được kha khá mộ nước Kim ở Hắc Long Giang; Quảng Tây cũng là một tuyến trong đó.
Trần Bì A Tứ làm ăn rộng, liên hệ với cả người Việt Nam ở Quảng Tây, lần đó phái người đi Quảng Tây chính vì bên kia nói có một nhóm người Việt Nam phát hiện ra một cái đấu to, không rõ lai lịch thế nào, nhìn quy mô thì thấy tương đối lớn, cần bên này phái người qua “chỉ đạo” vì bọn họ không biết vật nào đáng giá vật nào không.
Lần ấy có ba người đi, bọn họ theo chân người Việt Nam vào rừng mưa nhiệt đới, lần đầu tiên thấy người Việt Nam hành sự ra sao. Người Việt Nam vũ trang đầy đủ, mà xem ra nhóm người này không chỉ làm một nghề, còn khiêng theo một cái sọt, hỏi họ giấu hàng gì trong đó, họ chỉ nói bên trong là “A Khôn”. Người của Trần Bì A Tứ dù hiểu tiếng Việt, nhưng cũng không biết đó là ý gì.
Đi suốt ba ngày trong khu rừng ở biên cảnh Việt Trung, bọn họ mới đến nơi. Cổ mộ gần như là bày tơ hơ ra đó, bọn họ dùng lá chuối tây che lên cửa vào, hình như đây là một cái hầm. Đúng vào lúc người của Trần Bì A Tứ định đi vào, người Việt Nam liền ngăn cản, ra hiệu bằng tay với họ, đại để là “cẩn thận”. Nói rồi một người Việt Nam dỡ hết lớp ngụy trang bên trên cái sọt ra, lúc này bọn họ mới phát hiện trong cái sọt kia hóa ra là một thanh niên toàn thân trần trụi.
Chân tay người kia bị trói, tóc tai bù xù, toàn thân lấm lem bùn đất; người Việt Nam khiêng hắn theo vào trong miệng hầm.
Dưới cửa vào chính là mộ đạo dẫn thẳng xuống thềm đá bên dưới, nhóm người Việt Nam rút dao, người phía Trần Bì A Tứ cũng lăm lăm móng lừa đen, càng đi càng thấy cổ mộ này quy mô rất lớn, đi chừng mười phút mới đến mộ thất. Xuống đến đáy mộ bắt đầu ngửi thấy mùi hôi thối, họ đi tìm nơi phát mùi thì thấy chính giữa mộ thất có một giếng vuông lớn cỡ cái chậu rửa mặt, mùi thối truyền ra từ lòng giếng.
Đây là một ngôi mộ hai tầng, hơn nữa còn là mộ quần táng kiểu Lĩnh Nam. Chiếu đèn pin xuống, dưới miệng giếng là một mộ thất khá thấp, đại khái chỉ cao tầm mét rưỡi, có thể thấy những quan tài gỗ bày theo hình vầng mặt trời bị dầm trong nước, tỏa ra mùi tanh tưởi nồng nặc từ dưới đáy.
Người Việt Nam đẩy thẳng thanh niên bị trói kia xuống, sau đó thòng dây thừng, lấy đèn pin ra soi, hình như đang chờ đợi con mồi nào đó.
Người phía Trần Bì A Tứ thấy vậy là biết cổ mộ này nhất định có vấn đề, có lẽ lần đầu tiến vào đã có người phải chết, nên lần này họ mới dẫn người theo. Thanh niên kia có thể coi là mồi câu, bọn họ muốn dùng người sống để dụ cái thứ bên trong ra, sau đó thả dây thừng xuống trói lại lôi cổ lên, đây đích xác là một kiểu bộ thi.
Nghe vậy tôi không khỏi cảm thấy quá tàn nhẫn, trộm cắp văn vật đơn giản là để cầu tài, biến thành muốn lấy mạng người khác thì sự việc đã biến chất rồi. Nhưng chuyện này còn có nguyên nhân lịch sử, rất khó vơ đũa cả nắm. Người phía Trần Bì A Tứ đều biết người Việt Nam rất liều mạng, mình không thể can thiệp vào chuyện này, bằng không chẳng biết bọn họ rồi sẽ làm ra chuyện gì.
Nhưng bọn họ chờ cả buổi vẫn không thấy chút xíu động tĩnh nào. Người Việt Nam ở lại bên trên cảm thấy rất quái gở, bàn nhau bằng tiếng Việt một lát rồi đầu lĩnh ép một người Việt khác phải xuống xem.
Người kia xuống đến nơi, nhìn quanh một vòng rồi ngoắc tay ra hiệu không sao, mấy người Việt Nam khác cũng xuống theo, bắt đầu kéo đồ lên. Người của Trần Bì A Tứ lúc ấy cũng sơ ý, không xuống cùng họ. Kết quả chưa lấy nổi hai món thì bỗng dưng bên dưới đã phát sinh biến cố, chỉ nghe tiếng người kêu gào thảm thiết, máu bắn tung tóe ra khỏi miệng giếng.
Mấy người Việt Nam này tương đối lực lưỡng, lập tức có người trốn lên. Nhưng mới trốn được hai người thì sau đó loáng cái đã thấy một cánh tay thi thể móng dài loằng ngoằng thò ra khỏi miệng giếng, suýt nữa đã túm được đầu lĩnh lôi xuống. Bọn họ sợ chết khiếp, không còn cách nào khác, đành lấy đá tảng chẹn miệng giếng lại, chồng thêm hơn mười khối đá lớn rồi hốt hoảng bỏ chạy.
Chuyện này sau đó đến tai Trần Bì A Tứ, đối với một ông trùm kinh nghiệm phong phú thì mấy cái bánh tông không đủ để bỏ qua một ngôi mộ cổ. Do đó Trần Bì A Tứ đích thân dẫn người quay lại Quảng Tây, một tuần sau mới đến ngôi mộ cổ kia. Sau khi dời mấy tảng đá đi, bọn họ liến phát hiện bên dưới rất bề bộn, tay chân gãy rời văng tung tóe khắp nơi, bốn bề tanh tưởi.
Trần Bì A Tứ nghĩ mọi người đã chết sạch, nhưng xuống đến nơi lại thấy hơn mười con bánh tông đổ dồn vào một góc mộ thất, cổ đều bị vặn đứt. Một người toàn thân trần trụi ngồi trên nóc quan tài, giữa đống bánh tông, đang nhìn lão chằm chằm bằng nét mặt vô cảm.
Gã họ Sở nói: “Người này, chính là “A Khôn” trước kia bị người Việt Nam dùng làm mồi câu, cũng chính là Trương câm điếc của hiện tại. Đó là lần đầu tiên họ gặp nhau.”
Tôi rùng mình ớn lạnh: “Sao nghe như kịch thế.”
“Câu chuyện này nhất định có phần khoa trương, cái nghề này rất dễ chém gió.” Gã nói đến đây, dường như cũng rất vui vẻ, cứ như đang quay về khoảng thời gian trước khi vào tù, “Nghe nói nhóm người Việt Nam kia phát hiện ra Trương câm điếc trong một thôn làng ở Quảng Tây. Khi đó thần trí hắn còn mơ hồ, bọn họ coi hắn là thằng đần, trói lại làm mồi câu. Nhưng đại khái là có chuyện như thế xảy ra, khoa trương có chăng là số lượng bánh tông thôi. Sau này hắn trở thành gia nhân của Trần Bì A Tứ, chuyện này truyền đi rất rộng giữa mấy tay thủ hạ đắc lực của ông Tư, có điều bọn họ lại không hé răng nửa lời với người ngoài.”
“Còn chuyện xảy ra trước đó thì sao?”
“Không ai biết gì cả. Trương câm điếc khá là lợi hại, ông Tư rất coi trọng hắn, nhưng tôi e là ông Tư cũng không nắm rõ gốc gác của hắn. Nghề này có quy củ riêng, mấy chuyện kiểu thế cũng không mấy ai hỏi đến.”
Tôi mới nói, Trần Bì A Tứ có biết cũng chẳng ích gì, bây giờ lão ta đang ở đâu tôi còn không rõ thì biết đến chỗ nào mà hỏi cho được.
“Tuy câu chuyện này chỉ là truyền thuyết, nhưng ít nhất cũng có thể cho chú Ba cậu một chỉ dẫn.” Gã nói. “Nhưng sự tình chuyển biến bất ngờ, chú Ba cậu đi Tây Sa gấp, tôi mới thay ông ấy đến Quảng Tây, cầm tấm ảnh của Trương câm điếc đến vùng đó hỏi thăm. Tiên sư nó, điều kiện sống ở đó không dành cho người, ông đây mất hai tháng ròng tìm kiếm mới tìm ra chút manh mối từ một thôn nhỏ tên Ba Nãi —”
Thôn làng kia ở miền núi, nằm kề biên giới Việt Trung. Nơi đó còn có người nhận ra Trương câm điếc, người bản địa gọi là A Khôn, hơn nữa còn đưa gã đến chỗ A Khôn ở.
Tôi a lên một tiếng, thật không ngờ: “Anh nói hắn sống ở vùng nông thôn Quảng Tây?”
“Tuy khá hẻo lánh, nhưng nơi này lại là địa bàn của Trần Bì A Tứ, có rất nhiều người Việt Nam sinh sống. Hẳn là hắn sống ở đấy, nhưng tôi cũng không dám khẳng định trăm phần trăm. Trong chuyến đi gắp Lạt ma ở núi Trường Bạch, tôi liên hệ với hắn thông qua ông Tư. Phần lớn thời gian hắn đều ra ngoài xuống mộ, có thể thấy căn phòng kia không ai ở, có lẽ năm đó sau khi rời Quảng Tây, hắn cũng chưa bao giờ về.”
“Phòng hắn ở trông như thế nào?” Tôi hỏi, hơi tò mò nhà của Muộn Du Bình rốt cuộc là cái dạng gì.
“Rất bình thường, đó là một gian nhà sàn thấp, trông giống nhà đất mà người dân tộc thiểu số vẫn ở, bên trong kê giường và một cái bàn, mặt bàn phủ một lớp kính, bên dưới chèn khá nhiều ảnh. Tôi phải lén chui vào, bởi vì đó là địa bàn của ông Tư, tôi không dám đường đột, cũng không dám khuân đồ ra, chỉ lục lọi bên trong một lát, lấy một tấm ảnh trong đó ra – cũng chính là tấm ảnh mà tôi đã gửi cho cậu, chuẩn bị bàn bạc với chú Ba cậu rồi quyết định bước tiếp theo. Ai ngờ Trần Bì A Tứ đã theo dõi tôi từ lâu, còn chưa kịp rời Ba Nãi đã bị tóm cổ, chuyện sau đó thì cậu cũng đã biết rồi đấy.” Gã dừng một chút rồi tiếp, “Tôi có cảm giác từ khi tôi hỏi thăm về Trương câm điếc ở Trường Sa, ông Tư đã để mắt đến tôi rồi. Có thể ông ấy biết một vài chuyện, nên tôi vừa đến Ba Nãi đã bị theo dõi. Lúc ấy tôi không còn lựa chọn nào khác, đành hợp tác với ông ta để đối phó với chú Ba cậu.”
Tôi hỏi: “Vậy bí mặt đằng sau những chuyện anh vừa kể là gì?”
Gã họ Sở nhìn tôi, lại bắt đầu run rẩy: “Cái này tôi không thể nói…”
Tôi hừ một tiếng, ghét nhất là có người đánh đố mình, “Có cái quái gì mà không thể nói? Hay anh chê ít tiền?”
Gã run run: “Cậu Ba, thật không dám giấu, hồi chú Ba cậu còn chưa mất tích, ông ấy kị nhất là dò hỏi đến ngọn nguồn. Giờ ông ấy sống chết không rõ, lỡ có ngày đột ngột xuất hiện, việc này nếu cậu tự tra ra thì không nói làm gì, chứ ông ấy mà biết tôi mách cho cậu thì chỉ e cái mạng nhỏ này cũng khó giữ nổi. Chú Ba cậu đâu phải thiện nam tín nữ gì, tôi đã bán đứng ông ấy một lần rồi, nhưng tình thế lúc đó còn có thể coi là bất đắc dĩ, chứ lần này tôi mà còn dám bán nữa, thì xét về đạo nghĩa tôi có cãi đằng trời. Cậu cũng đã nói, chuyện giang hồ có phép tắc của giang hồ, cậu muốn biết thì cứ đến gian nhà kia, nhìn những tấm ảnh khác ép dưới lớp mặt bàn thủy tinh là tự nhiên sẽ hiểu vì sao tôi bảo cậu thu tay lại. Tôi chỉ cho cậu biết đến đây được thôi, còn nội dung cụ thể thì tôi tuyệt đối không thể nói ra miệng được.”
Gã còn muốn hút thêm, nhưng thuốc đã hết, ho khan một tiếng, ánh mắt lờ đờ, vậy mà lại trông nhang nhác ánh mắt của Muộn Du Bình.(cmn em tương tư vừa thôi em :)) )