Chương 6: Kế thừa
Chương 6: Kế thừa
Đó là một tấm ảnh đen trắng đã ngả nâu, trông na ná tấm ảnh mà gã họ Sở cho tôi xem, kẹp giữa vô vàn tấm ảnh tương tự, không dễ dàng nhận ra. Tấm ảnh chụp chung hai người, tôi giật mình phát hiện ra một trong hai chính là Trần Văn Cẩm!
Tấm ảnh này lớn hơn nhiều so với tấm gã họ Sở cho tôi xem, cho nên nhìn tương đối rõ. Người đàn ông trong ảnh mặc trang phục dân tộc Dao, nét mặt căng thẳng, còn Văn Cẩm thì cười tươi như hoa. Ngoài hai người kia ra, nền tấm ảnh còn có một đứa bé.
Đây là chuyện quái quỷ gì vậy? Ảnh chụp Văn Cẩm sao lại xuất hiện ở chỗ này? Tôi nổi hết da gà, lập tức hỏi A Quý: “Tấm ảnh này chụp vào lúc nào?”
A Quý bước qua xem: “Vài thập niên trước.” Anh ta chỉ vào người đàn ông mặc đồ dân tộc, “Đây là cha tôi, còn cô gái này chính là thành viên của đội khảo cổ.”
“Đội khảo cổ? Nơi này đã có đội khảo cổ đến?” Tôi gần như nhảy dựng lên, “Chuyện là thế nào vậy?”
“Tôi cũng không rõ lắm, hình như họ nói đã phát hiện ra thứ gì ở ngọn núi bên kia.” A Quý chỉ về một hướng, “Chuyện xưa lắc xưa lơ rồi, sau bỗng dưng chẳng ai nhắc đến nữa.”
Trong lòng tôi thầm than, đi nát đôi giày không manh mối, thu được kết quả chẳng phí công, chuyến đi này đúng là không uổng! Bèn vội vàng kéo A Quý ngồi xuống, bảo anh ta kể ngay cho tôi nghe chuyện về đội khảo cổ.
A Quý chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì, có khi còn đang nghĩ đám người này chập mạch rồi chắc? Sao vừa nghe đến chuyện này đã hưng phấn làm vậy?
Bàn Tử liền nói: “Chúng tôi hiếu kỳ thôi, ông đừng để ý làm gì, cứ kể chi tiết chuyện này đi, chúng tôi sẽ trả công hậu hĩnh, ngàn chữ đổi ba mươi đồng.”
A Quý nghe đến tiền là tươi tỉnh ngay, vội vẫy tay gọi con gái qua đếm chữ, thuật lại câu chuyện từ đầu đến đuôi cho chúng tôi nghe.
Khi chuyện này xảy ra, A Quý mới hơn mười tuổi. Thuở ấy Ba Nãi vẫn còn nghèo khổ, gần như cách biệt với thế giới bên ngoài, cho nên sự xuất hiện của đội khảo cổ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng anh ta.
A Quý vẫn còn nhớ đội khảo cổ có hơn mười người, do một cô gái đứng đầu, họ theo chân những người ra ngoài họp chợ mà vào làng. Do cha anh ta hồi đó là liên lạc viên trong thôn, nên phải đi tiếp đãi.
Cô gái kia nói với cha A Quý, họ là thành viên đội khảo cổ đến từ thành phố, phải tiến hành khảo sát ở vùng phụ cận, mong anh hãy giúp sức. Bọn họ có văn kiện đóng dấu đỏ của chính phủ, việc này ở trong làng có thể coi như đại sự, cha A Quý không dám thờ ơ, lập tức giúp bọn họ thu xếp chỗ nghỉ chân và người dẫn đường.
Đội khảo cổ ở đây khoảng sáu bảy tháng, nhưng suốt bấy lâu, họ dành phần lớn thời gian lần mò trong núi, người ở làng căn bản không hề tiếp xúc với họ. Người có mối liên hệ mật thiết nhất với họ, chính là tay dẫn đường được cha A Quý thu xếp.
Sau khi đội khảo cổ đi rồi, người làng mới hỏi tay dẫn đường, những người này rốt cuộc làm gì trong núi? Hắn cũng bảo không rõ. Suốt mấy tháng trời gần như lặn lội khắp các ngọn núi quanh vùng, cuối cùng hình như mới tìm được mục tiêu. Không tiếp tục thăm dò trong núi thì không cần người dẫn đường nữa, hắn cũng rời khỏi đội. Cô gái kia chỉ bảo hắn cách ba ngày đi trình diện một lần, còn đặc biệt lưu ý là đúng ba ngày không sớm không muộn.
Về sau, lại xảy ra một chuyện nghe rất quái gở.
Thời gian đầu tay dẫn đường cứ ba ngày đi một lần, không xảy ra vấn đề gì lớn. Nhưng có một lần hắn phải giúp nhà thông gia cắt cỏ, nghĩ bụng đi sớm một ngày có làm sao, kết quả đến nơi thì phát hiện doanh địa của đội khảo cổ kia trống huơ trống hoác, không biết mọi người đã đi đâu. Hắn sợ hãi, tưởng họ gặp tai họa gì, mà lại không dám nói ra, bèn một mình đi tìm, tìm khắp các ngọn núi xung quanh cũng không thấy họ đâu.
Hắn hoảng hồn quay về thôn, cả đêm mất ngủ, hôm sau lại lên đường thì phát hiện ra những người đó đã trở về, trong doanh địa tưng bừng náo nhiệt, giống như chưa có chuyện gì xảy ra. Lúc ấy hắn đã cảm thấy bất thường, tưởng sơn thần tác quái, cũng không dám nói ra, chờ đội khảo cổ đi rồi mới kể cho người trong thôn nghe.
Lúc rời đi, đội khảo cổ mang theo hơn mười rương đồ, nghe nói đều tìm được từ chỗ kia. Chẳng ai biết bên trong đựng những gì. Tấm ảnh này là cha A Quý chụp chung với nữ đội trưởng kia trước khi họ đi, mang vào thành phố rửa ra rồi gửi về. Nhờ sự kiện này mà về sau cha Quý được lên làm cán bộ thôn, cho nên ông vẫn coi đây là quá khứ huy hoàng của mình mà đem trưng lên tường.
A Quý kể xong, Bàn Tử đã không kiềm chế nổi cảm giác hưng phấn, lại hổi tiếp: “Chuyện xảy ra vào năm nào, ông còn nhớ chứ?”
A Quý lấy tẩu thuốc chỉ vào đứa bé đứng lẫn vào phông nền tấm ảnh: “Đây là tôi, khi ấy vẫn còn nhỏ xíu, không nhận ra là mấy tuổi nữa. Hồi đó không biết chữ mà ghi lại, nhưng chắc chắn vẫn còn người nhớ rõ, nếu các anh muốn biết kỹ càng hơn thì ngày mai tôi sẽ đi hỏi thăm giùm.”
Tôi nói cảm ơn mà bụng dạ quay cuồng, xem ra chuyện này quả thực không hề đơn giản. Đội khảo cổ từng xuất hiện ở đây, Muộn Du Bình cũng sống ở đây, làm quái gì có chuyện trùng hợp ngẫu nhiên thế, đằng sau nhất định có nguyên nhân sâu xa. Tuy tin tức A Quý cung cấp cũng không nhiều, nhưng đã có thể khẳng định, bọn họ quả thực đã tiến hành một loạt hoạt động khảo cổ trong núi, chuyện này hiển nhiên có liên quan đến kế hoạch đó.
Tôi nhìn sang ngọn núi kia, lại hỏi A Quý: “Ông là người địa phương, xin hỏi người vùng này gọi ngọn núi kia là gì? Liệu có gì trong đó không?”
“Vùng đó gọi là núi Dương Giác, không rõ trong đó có gì, mà thật ra tôi cũng tò mò muốn biết lắm. Về sau tôi có hỏi thăm vài người, nghe mấy ông cụ kể, ban đầu trong khe núi kia có một sơn trại cổ, không biết là từ đời nào. Về sau hoàng đế đánh giặc, phóng lửa đốt rừng, sơn trại bị thiêu rụi quá nửa, rất nhiều người chết cháy, thế là thành hoang phế. Có khi bọn họ nghiên cứu cái đó cũng nên.”
A Quý hỏi: “Sao nào? Các anh cũng thấy hứng thú?”
“Tương đối hứng thú.” Bàn Tử thành thật đáp.
“Ngọn núi kia hơi xa, đường lại khó đi, hơn nữa lạ cái là dã thú rất ít, bình thường chúng tôi không qua đó làm gì. Trong đó còn một lũng sông, có thể bắt cá, nhưng mùa này trời mưa lớn, dễ gặp nguy hiểm, tôi nghĩ các anh không nên vào.”
“Ông đã đến đó bao giờ chưa?” Muộn Du Bình đột ngột hỏi.
“Tôi thì chưa, chỉ có ông nội tôi là đã từng đến. Ông nói ngọn lửa năm đó rất dữ dội, gần như quét sạch mọi thứ có thể nhìn thấy trên mặt đất, còn trong lòng đất có lẽ vẫn sót lại vài công trình ngầm. Chuyện qua cũng lâu rồi.” A Quý nói, “Nếu các anh muốn biết chuyện về đội khảo cổ kia, chi bằng ngày mai tôi đưa các anh đi tìm người dẫn đường năm đó mà hỏi, lão chắc chắn phải biết nhiều hơn tôi, tốt nhất đừng đi vào trong núi.”
Muộn Du Bình cũng không để ý, chỉ hỏi: “Nếu nhất định muốn đi, thì phải đi đường nào?”
“Phải đi dọc con suối, chứ đi đường bộ khó lắm. Nếu các anh muốn đi thì tôi có thể tìm người dẫn đường, trả công hai trăm đồng, thế nào? Nhưng ngày mai vẫn chưa đi được, phải chờ ít nhất hai ngày, chứ giờ này nhà kia vẫn đi săn chưa về.”
Muộn Du Bình nhìn sang tôi, tôi liền gật đầu. Dù sao đi chăng nữa cũng phải đến đó xem, thời gian hai ngày là vừa đủ. Trước tiên chúng tôi có thể vào thôn hỏi thăm chút chuyện về Muộn Du Bình, sau mới vào trong núi, không có mâu thuẫn về mặt thời gian.
A Quý thì thào: “Vấn đề là cái chỗ kia chán lắm, chỉ có mỗi cánh rừng thôi, các anh đi cũng chẳng thấy gì đâu.”
Bàn Tử đáp: “Tụi tôi đi ngó qua một cái thôi cũng được.”
A Quý cười khổ, lắc đầu thở dài: “Đường kia rất khó đi, các anh là người thành phố, chả hiểu sao lại thích bỏ tiền ra mua lấy khổ cực vào người.”
Nói rồi lại đột ngột nghĩ ra chuyện gì, liền hỏi chúng tôi, “Phải rồi, các anh hỏi thăm chuyện này làm gì? Không lẽ các anh là kẻ trộm văn vật?”
Bàn Tử uống say, vừa nghe đã chửi um lên: “Cái gì mà buôn bán văn vật? Nói năng rõ hãm tài! Cho ông biết nhé, thật ra chúng tôi là dân đổ. . . . . .”
(*) A Quý hỏi đám Ngô Tà có phải là “đạo mại văn vật” (trộm văn vật đen bán) không, Bàn Tử nghe thành “đảo mại văn vật” tức là đám trung gian mua qua bán lại văn vật, mới giãy nảy lên, định thanh minh mình là dân “đảo đấu” aka đổ đấu nhưng mới nói đến chữ đảo đã bị Tà cấu véo rồi =))
Tôi vội vàng huých tay hắn, tiếp lời: “Là hướng dẫn viên du lịch! Có một đoàn khách muốn đến thăm, mà ở đây lại không có hướng dẫn viên địa phương, nên chúng tôi đành đi trước dò đường tìm cảnh quan.”
A Quý vừa nghe đã hứng thú: “Hay lắm, cứ đưa khách đến đây đi, tôi sẽ giúp các anh thu xếp. Vùng này còn nhiều cảnh đẹp lắm, ngọn núi kia chẳng có gì hay cả, các anh đi thì không sao chứ khách du lịch người ta không thích đâu.”
Tôi tươi cười gật đầu đồng ý, trong lòng âm thầm rủa xả Bàn Tử.
Bàn Tử cũng biết mình lỡ lời, nên không dám làm nhảm thêm, cun cút đi giải quyết nỗi buồn.
Tôi còn muốn hỏi A Quý một vài chi tiết cụ thể, nhưng anh ta nói mình không nhớ, xem cái điệu này, có thể anh ta ra ngoài làm thuê khá lâu nên cũng không hiểu rõ lắm những chuyện xảy ra trong thôn. Tôi đành bỏ cuộc, chờ đến mai tìm những người khác hỏi thăm. Việc này cứ thế mà kết thúc, sau đó chúng tôi ngồi ngoài trời hóng gió, tiếp tục bàn bạc chi tiết.
Bàn Tử vừa thấy A Quý đi, liền hạ giọng nói: “Mẹ kiếp, cái đội khảo cổ kia xuất quỷ nhập thần, ban ngày không thấy mặt, đến khi đi còn mang theo một đống đồ, rõ ràng vùng núi này có một ngôi mộ cổ! Đúng là mèo mù vớ cá rán, chúng ta đi du lịch đến đây lại nghe được tin béo bở. Sao hả? Hai vị, chúng ta có nên thuận theo ý trời, tiện tay dốc tuột cái đấu này không?”
Tôi đáp: “Tôi biết ngay anh sẽ nói vậy mà! Hiện giờ ngọn núi kia có cổ mộ cũng chỉ là phỏng đoán của anh thôi, phải đến tận nơi mới biết chính xác được. Hơn nữa những cổ mộ mà nhóm người kia chui vào cái nào cái nấy đều quái dị khác thường, tôi thật sự không muốn đi.”
“Lần này nhất định không sao, cậu không thấy bọn họ đều an toàn trở ra đấy à!” Bàn Tử nói, “Hơn nữa còn mang theo vài rương minh khí, con mẹ nó, cái đống ấy đáng giá bao nhiêu tiền cơ chứ?”
“Mà nói cũng lạ, theo lời A Quý mà suy ra thì nhóm người này rõ ràng không hề áp dụng phương pháp “đại yết đỉnh” (*) của đội khảo cổ, mà xem ra cũng đào đạo động chui xuống, đúng là hiếm gặp.” Tôi nói. Nếu từ đầu không biết nhóm người này thuộc chính phủ, tôi dứt khoát sẽ nghĩ bọn họ là dân trộm mộ chuyên nghiệp ngụy trang làm thành viên đội khảo cổ.
(*) Tức phương pháp khai quật đào từ trên xuống dưới không bỏ sót chỗ nào, thường được những đội khảo cổ chuyên nghiệp áp dụng (mà cách này cần thời gian dài với lượng nhân lực vật lực lớn nên cũng chỉ có đội khảo cổ chuyên nghiệp làm được).
“Đấy là tại kiến thức cậu hạn hẹp đó thôi, trong điều kiện không thích hợp, đội khảo cổ cũng sẽ dùng đạo động để cứu lấy một vài văn vật. Tôi thấy có khi là vì quy mô của cổ mộ này tương đối lớn, với điều kiện của Thượng Tư hồi ấy không thể tiến hành khai quật được.” Bàn Tử nói, nước dãi nhỏ tong tong, “Không phải cô bé kia đã nói rồi sao, người Việt Nam vẫn còn trong núi, tôi chỉ e bọn họ cũng đã nghe câu chuyện này, giờ đang đi tìm cổ mộ đó. Dù chúng ta không tham tiền thì cũng không thể mất trắng món hời này vào tay cái đám ngay cả xẻng Lạc Dương cũng không biết dùng kia.”
Tôi thở dài, thầm nghĩ tôi thật sự không muốn xuống đất lần nữa, anh có nói kiểu gì cũng vô ích thôi. Nhưng nếu nơi đó thực sự có cổ mộ thì dĩ nhiên nó phải liên quan đến thứ mà đội khảo cổ truy tìm, không xuống thì lại có phần không cam tâm.
Đúng là khó xử mà.
Bàn Tử tiếp tục lải nhải bên tai tôi, nên tôi đành dùng kế hoãn binh, bảo hắn đừng kích động, hai ngày nữa chúng ta đến tận nơi xem xét rồi tính sau. Nhưng dù có cổ mộ thật thì chỗ kia rộng thênh thang thế, cũng chưa chắc đã tìm ra; còn nếu tìm được thật thì hắn muốn xuống chúng tôi cũng sẽ giúp một tay. Nói đến thế hắn mới chịu ngừng, nhưng đã không thể kiềm chế bản thân được nữa, A Quý vừa quay lại đã bị hắn bám lấy hỏi tới hỏi lui.
Ban đầu tôi còn sợ hắn lòi đuôi, nhưng lúc này lòng dạ đã rối như tơ vò, chẳng còn hơi sức đâu mà để ý, đành mặc kệ hắn. Tôi tựa vào cột nhà, vừa học Muộn Du Bình ngắm trăng, vừa cân nhắc xem mình nên làm gì.
Buổi tối trời hơi nồm, chúng tôi vừa quạt tay vừa hứng làn gió mát mang theo hương cây cỏ trong lành từ núi thổi ra. Chẳng mấy chốc men say đã bốc lên đầu, tôi đã hơi váng vất, nghe không rõ Bàn Tử đang tán dóc chuyện gì với A Quý, cũng không nghĩ ngợi gì nổi. Chỉ cảm thấy mình đứng đây ngắm sao trên trời, thật giống như quay về thuở thơ ấu ở quê nhà, hết sức tự nhiên mỹ mãn.
Còn đang ngơ ngẩn, bỗng dưng chú ý đến một ô cửa sổ bên phía gian nhà gỗ gia đình A Quý ở, trong đó hình như có người đang nhìn chúng tôi.
Bên đó không thắp đèn, chỉ thấy một cái bóng mơ hồ quái đản. Tôi dụi dụi mắt, phát hiện bả vai nó hoàn toàn lõm xuống, giống y như cái bóng sau bình phong trên tấm ảnh mà gã họ Sở gửi cho tôi.