Chương 104: Kim cương say, cá nhỏ gây thành sóng lớn
<br><br>Chương 104: Kim cương say, cá nhỏ gây thành sóng lớn<br><br><br>Kim cương say, cá nhỏ gây thành sóng lớn <br> <br>Công tử ngốc, thương thừa nhớ lại tình xưa <br> <br>Giả Vũ Thôn vừa định qua đò, bỗng thấy một người đến trước mặt và nói: <br> <br>- Bẩm ông lớn, cái miếu ngài vừa dạo chơi đó bốc cháy rồi. <br> <br>Vũ Thôn ngoảnh lại nhìn thì thấy lửa cháy ngất trời, gió bay đầy đất. Vũ Thôn nghĩ thầm: <br> <br>- Lạ thật! Mình vừa đi ra, chưa xa bao nhiêu, lửa ở đâu đã cháy? Phải chăng là Sĩ Ẩn hoá kiếp ở đấy? Muốn quay trở lại, nhưng lại sợ lỡ chuyến qua sông; nhưng nếu không quay lại, thì không đành lòng. Nghĩ một lát ông ta liền hỏi: <br> <br>- Vừa rồi anh có thấy người đạo sĩ đi ra không? <br> <br>- Con theo ông lớn đi ra, con đau bụng, đi rẽ ra một chút. Khi ngoảnh lại thấy một đám lửa đỏ rực. Thì ra trong miếu ấy bị cháy, nên chạy đến báo với ông lớn chứ không hề thấy có người đi ra. <br> <br>Vũ Thôn có ý ngờ vực, nhưng ông ta là người ham mê danh lợi, đâu có chịu quay lại xem, liền bảo người kia: <br> <br>- Anh ở đây chờ lửa cháy tàn, vào xem người đạo sĩ có ở đó nữa hay không, rồi lập tức về báo cho ta biết. <br> <br>Người kia đành phải vâng lời, ở lại chờ xem. <br> <br>Vũ Thôn qua sông rồi đi tra xét qua loa mấy nơi, gặp công quán liền vào nghỉ. Hôm sau Vũ Thôn lại đi một độ đường nữa, vào cửa kinh đô, bọn nha dịch đón tiếp, tiền hô hậu ủng. Vũ Thôn ngồi trong kiệu, nghe thấy bọn dẹp đường đi phía trước gào thét, liền hỏi việc gì. Họ dắt một người đến quỳ ở trước kiệu, và bẩm: <br> <br>- Thằng này say rượu, không biết tránh lại còn xông vào. Chúng con quát, nó lại mượn cớ say rượu làm ầm lên, nằm ngay ra giữa đường, nói là chúng con đánh nó. <br> <br>Vũ Thôn liền nói <br> <br>- Ta cai trị địa phương này, chúng mày đều là dân của ta, biết ta đi qua, cứ uống rượu mà không chịu tránh, lại còn dám vu vạ à? <br> <br>Người kia nói <br> <br>- Tôi uống rượu là tiền của tôi. Tôi nằm là nằm đất vua. Dầu cho quan lớn cũng không can thiệp được. <br> <br>Vũ Thôn nổi giận: <br> <br>- Thằng này trong mắt không còn pháp luật kỷ cương gì cả! Hỏi xem tên nó là gì? <br> <br>Người kia trả lời: <br> <br>- Tên gọi là "thần rượu" Nghê Nhị. <br> <br>Vũ Thôn nghe xong nổi giận bảo: <br> <br>- Chúng bay đánh cho nó một trận, xem có phải là "Thần rượu" không? <br> <br>Bọn thủ hạ đè Nghê Nhị xuống đánh cho mấy roi thật đau. Nghê Nhị đau quá, tỉnh cả rượu, van lạy xin tha. <br> <br>Vũ Thôn ngồi trong kiệu cười khà khà: <br> <br>- Cái đồ "kim cương" gì mà như thế! Ta hãy chưa đánh màỵ vội, cho người giải vào nha môn rồi thong thả sẽ hỏi mày sau. <br> <br>Bọn nha dịch vâng lời, trói Nghê Nhị lại bắt đi. Nghê Nhị van xin cũng không ăn thua. <br> <br>Vũ Thôn vào cung phục mệnh rồi về nha môn, cố nhiên là không còn thì giờ đâu nghĩ đến việc ấy nữa. Những người ở ngoài phố tụm năm tụm ba đồn đại với nhau. <br> <br>- Nghê Nhị cậy thế cậy mạnh, mượn rượu vu vạ cho người ta, chuyến này lọt vào tay cụ lớn Giả có lẽ khó mà được tha! <br> <br>Câu chuyện ấy đồn đến tai vợ và con gái Nghê Nhị. Đêm ấy quả nhiên không thấy lão về. Con gái lão đến tìm ở các sòng bạc. Người ở các sòng bạc đều nói như thế. Con gái lão liền khóc lóc Mọi người đều nói: <br> <br>- Cô đừng có hoảng. Cụ già là người cùng họ với phủ Vinh. Có cậu Hai gì ở phủ Vinh quen biết cha cô. Cô cùng mẹ đi tìm cậu ta nhờ nói dùm cho thì sẽ được tha ngay. <br> <br>Con gái Nghê Nhị nghĩ lại mới nhớ: "Phải đấy, cha mình thường nói có quen với cậu Hai họ Giả kề bên nhà, sao mình lại không đi tìm cậu ta?" Cô ta vội vàng về nói với mẹ, rồi hai mẹ con đi tìm Giả Vân. Hôm đó vừa lúc Giả Vân đang ở nhà, thấy hai mẹ con nó đến, liền mời ngồi. Mẹ Giả Vân rót nước mời uống. Mẹ con họ Nghê kể rõ chuyện Nghê Nhị bị cụ lớn Giả bắt, và nói: <br> <br>- Nhờ cậu Hai nói giúp một tiếng để được tha ra. <br> <br>Giả Vân nhận lời, và nói: <br> <br>- Có gì cái quái ấy, tôi đến phủ Tây nói một tiếng thì sẽ được tha ngay. Cụ Giả hoàn toàn nhờ bên phủ tây nhà tôi mới làm được quan to như thế, chỉ cần sai người đi nói một tiếng là xong thôi. <br> <br>Mẹ con họ Nghê mừng rỡ, về nhà, liền đến phủ nói cho Nghê Nhị biết, bảo ông ta đừng sợ, đã xin với cậu Hai Giả, cậu ta sốt sắng nhận lời, hứa nói giúp, sẽ được tha đấy. Nghê Nhị nghe nói cũng mừng. <br> <br>Ngờ đâu Giả Vân từ hôm đưa lễ, Phượng Thư không nhận. Anh ta thấy khó coi, nên cũng không hay qua phủ Vinh. Bọn coi cửa ở phủ Vinh thường chiều đón ý chủ mà làm việc. Chủ muốn cho ai đến thì người ấy mới có thể diện. Khi đến, họ mới vào báo. Nếu chủ nhà có vẻ không để ý thì dù là bà con trong họ, họ cũng không báo, cứ kiếm cớ đẩy đi cho xong chuyện. Hôm ấy Giả Vân đến Phủ, nói: <br> <br>- Tôi muốn vào hỏi thăm sức khoẻ của cậu Hai Liễn. <br> <br>Bọn coi cửa nói: <br> <br>- Cậu Hai không ở nhà, khi nào cậu ấy về chúng tôi sẽ nói hộ. <br> <br>Giả Vân định nói xin vào hỏi thăm sức khỏe của mợ Hai, lại sợ bọn coi cửa chán ghét, đành phải quay ra. Hắn về đến nhà lại bị mẹ con nhà họ Nghê đến giục và nói: <br> <br>- Cậu Hai thường nói bên quí phủ không cứ là cửa quan nào, nói một tiếng ai cũng nghe. Giờ đây cụ Giả cũng là người họ của quí phủ, lại không phải là việc gì thì lớn lắm, mà còn xin không được, chẳng hoá ra chúng tôi uổng công xin với cậu Hai sao? <br> <br>Giả Vân bẽ mặt quá, nhưng vẫn nói cứng: <br> <br>- Hôm qua bên nhà chúng tôi có việc, chưa đi được; hôm nay sai người đi thế nào cũng được tha ngay. Việc ấy có to tát gì! <br> <br>Mẹ con họ Nghê nghe nói cũng tin là thực. Không ngờ gần đây Giả Vân không được vào cửa chính nữa, hắn liền quanh ra phía sau, định vào vườn tìm Bảo Ngọc, nhưng cửa vườn khóa kỹ, lại đành phải buồn rầu lủi thủi ra về. Giả Vân nghĩ bụng: "Năm mình vay Nghê Nhị ít bạc, mua hương liệu đưa đến, họ mới cho mình coi việc trồng cây. Bây giờ mình không có tiền lo lót thì họ từ chối. Kể ra họ chẳng có tài gì, chẳng qua chỉ vung tiền của cha ông ra cho người ngoài vay lấy lời. Nhưng nhà nghèo khổ như nhà mình, muốn vay một lạng cũng không được. Họ tưởng là giữ được suốt đời không nghèo đấy hẳn. Họ có biết đâu tiếng tăm bên ngoài không tốt, mình không nói đấy thôi, chứ nếu nói ra thì những việc kiện cáo và nhân mạng biết bao nhiêu mà kể". Giả Vân vừa đi vừa nghĩ, về đến nhà, đã thấy mẹ con họ Nghê đang chờ. Giả Vân hết cách che đậy, liền nói: <br> <br>- Phủ tây đã sai người đi nói, nhưng họ bảo là Giả đại nhân không nghe. Bây giờ mẹ con bà phải nhờ Lãnh Tử Hưng là con rể người đầy tớ nhà ta là Chu Thụy, mới ăn thua. <br> <br>Mẹ con họ Nghê nghe xong, liền nói: <br> <br>- Thể diện như cậu Hai còn không ăn thua, nếu mà nhờ đến đầy tớ thì lại càng không ăn thua nữa. <br> <br>Giả Vân bẽ mặt quá, nổi nóng nói: <br> <br>- Các người không biết, chứ bây giờ đầy tớ lại hơn chủ nhà nhiều đấy? <br> <br>Mẹ con họ Nghê nghe nói, chẳng còn cách gì đành phải cười nhạt mấy tiếng và nói: <br> <br>- Thật phiền cho cậu Hai phải tốn công chạy vạy mất mấy ngày? Chờ ông nhà tôi ra, sẽ xin đến tạ ơn. <br> <br>Mẹ con họ Nghê ra về đi nhờ người khác. Nghê Nhị được thả ra. Hắn chỉ bị đánh mất gậy, chứ cũng chẳng có tội gì. <br> <br>Nghê Nhị về nhà, vợ con hắn kể cho hắn ta nghe chuyện Giả Vân không chịu xin dùm. Hắn đang uống rượu, nghe nói, tức quá, định đi tìm Giả Vân, nói: <br> <br>- Thằng bé đê tiện vô lương tâm kia? Trước kia nhà nó không có cơm ăn, muốn chạy chọt vào phủ kiếm việc làm, nhờ tao giúp cho. Giờ đây tao có việc, nó lại bỏ mặc. Giỏi thật! Nếu tao mà nói ra thì ngay cả hai phủ kia cũng đừng hòng được vô sự! <br> <br>Vợ con hắn vội vàng khuyên: <br> <br>- Chà! Ông cứ nốc rượu rồi vào nói những câu chẳng còn trời đất nào. Hôm trước chẳng phải vì say rượu gây ra tai vạ mà bị đánh hay sao? Vết thương vẫn chưa khỏi, ông đã lại nói nhảm rồi! <br> <br>- Không, nhẽ mình bị đánh rồi sợ họ à? Chỉ sợ không lần ra được đầu mối thôi? Khi ở nhà giam, tôi quen biết mấy người bạn có nghĩa khí. Nghe họ nói thì họ Giả chẳng những ở nhiều trong kinh thành này mà còn ở rải rác các tỉnh cũng không phải ít. Hôm trước đây có mấy người nhà họ Giả bị giam trong ngục, tôi nghĩ nhà họ Giả ở đây, tuy bọn ít tuổi, và lũ đầy tớ không tốt, nhưng những người nhiều tuổi thì còn khá, tại sao lại phạm tội? Tôi hỏi dò thì nghe nói là bọn ấy cùng một họ với họ Giả nhưng đều ở tỉnh ngoài. Họ đã bị xét hỏi kỹ càng rồi mới giải vào đây định tội. Tôi nghe vậy mới an tâm, còn thằng ranh con Giả Vân, đã quên ơn phụ nghĩa như thế, thì tôi sẽ mách với người bạn nói nhà hắn cậy thế khinh người như thế nào, đặt nợ nặng lãi bóc lột dân đen như thế nào, lấy ép vợ người như thế nào, để họ tung,chuyện đồn đại đến tai quan đô ngự sử trị cho hắn một phen thì mới biết tay lão Nghê Nhị này! <br> <br>Vợ hắn nói <br> <br>- Ông uống rượu rồi ngủ đi thôi. Họ cướp con gái nhà ai? Làm gì có việc ấy? Đừng nói nhảm nữa. <br> <br>- Bà mày ở nhà làm gì biết việc bên ngoài? Năm trước lôi ở trong sòng bạc gặp thằng Trương nói vợ nó bị nhà họ Giả cướp mất. Nó còn bàn với tôi, tôi trở lại khuyên nó mới im chuyện 1. Không biết thằng Trương hiện giờ đi đâu, hai năm nay không thấy. Nếu gặp mặt nó, tôi sẽ bày cho nó một cách, để thằng Hai Giả ranh con kia sẽ chết với tôi cho mà xem! Muốn tốt thì liệu mà lễ lạy ông Nghê đây mới xong. <br> <br>Nói xong, hắn ta ngả mình ra, miệng còn lảm nhảm một hồi nữa mới ngủ. Vợ con hắn chỉ cho là câu nói khi say rượu nên cứ thây kệ. Hôm sau dậy sớm, Nghê Nhị lại đến sòng bạc. <br> <br>Giả Vũ Thôn về đến nhà, nghĩ một đêm, rồi đem chuyện dọc đường gặp Chân Sĩ Ẩn nói cho vợ nghe. Vợ hắn liền trách: <br> <br>- Tại sao không quay lại xem? <br> <br>Nói xong, nước mắt ròng ròng. Vũ Thôn nói: <br> <br>- Ông ta là người ngoài cuộc, không chịu ở một chỗ với chúng mình đâu. <br> <br>Đang nói chuyện thì bên ngoài chuyển lời vào bẩm: <br> <br>- Người hôm trước ông lớn dặn đi xem tình hình miếu bị cháy đã trở về. <br> <br>Vũ Thôn khoan thai bước ra. Người nha dịch kia hỏi thăm sức khoẻ rồi nói: <br> <br>- Con vâng lệnh ông lớn quay lại không đợi lửa cháy tàn, liền xông vào trong lửa để tìm vị đạo sĩ kia. Không ngờ chỗ ông ta ngồi cũng cháy mất rồi. Con chắc là vị đạo sĩ kia đã bị chết cháy. Bức tường bị đổ về phía sau mà vị đạo sĩ chẳng thấy tăm tích đâu cả. Chỉ có cái chiếu bồ và cái bầu thì còn nguyên vẹn. Con tìm xác ông ta khắp nơi, nhưng chẳng thấy một mẩu xương nào. Con sợ ông lớn không tin, định đem cái chiếu bồ và cái bầu về làm chứng, ai ngờ vừa cầm lấy thì nó đều hoá ra tro cả. <br> <br>Vũ Thôn nghe xong, trong bụng biết Sĩ Ẩn đã thành liên, liền bảo người nha dịch đi ra. Lúc về phòng ông ta cũng không nhắc đến chuyện Sĩ Ẩn đã hoá kiếp, sợ vợ không hiểu đâm ra thương cảm. Ông ta chỉ nói rằng không thấy dấu vết gì cả, chắc là vị đạo sĩ đã chạy trước rồi. <br> <br>Vũ Thôn ra ngoài, một mình ngồi ở thư phòng, đang suy nghĩ về câu nói của Sĩ Ẩn. Chợt có người nhà lên trình: <br> <br>- Trong nội có chỉ truyền ông vào xét công việc. Vũ Thôn vội vàng lên kiệu vào trong nội thì nghe người ta nói: <br> <br>- Hôm nay quan lương đạo tỉnh Giang Tây là Giả Chính bị hặc về kinh, đang vào triều tạ tội. <br> <br>Giả Vũ Thôn vội vàng đến nội các, gặp các vị đại thần rồi xem chỉ ý nhà vua nói về khoản xử lý công việc miền ven biển không tốt. Sau đó ông ta vội vàng ra ngoài tìm Giả Chính, trước hết nói mất câu ngỏ ý, đáng tiếc cho Giả Chính, rồi sau đó chúc mừng và hỏi thăm chuyện đi đường. <br> <br>Giả Chính cũng kể lại kỹ lưỡng chuyện sau khi cách biệt tới nay. <br> <br>Giả Vũ Thôn nói: <br> <br>- Sớ tạ tội ông đã dâng lên chưa? <br> <br>- Đã dâng lên rồi, chờ xem chỉ ý nhà vua giao xuống. <br> <br>Đang nói, thì nghe trong cung truyền chỉ nhà vua gọi Giả Chính. Giả Chính vội vàng vào. Các quan thân thiết với Giả Chính đều ở đấy chờ tin. Một hồi lâu, mới thấy Giả Chính ra, trên đầu mồ hôi đầm đìa. Mọi người đón hỏi: <br> <br>- Chỉ ý nói việc gì? <br> <br>Giả Chính lè lưỡi nói: <br> <br>- Khiếp quá! Khiếp quá! Cảm ơn các vị đại nhân có lòng lo lắng đến tôi, may mà không việc gì. <br> <br>- Chỉ ý hỏi về những việc gì? <br> <br>- Hỏi về vụ án mạng trộm súng ở tỉnh Vân Nam. Trong tờ tâu nói rõ là người nhà quan nguyên thái sư Giả Hóa. Hoàng thượng nhớ đến tên cụ tổ nhà tôi nên mới hỏi. Tôi vội vàng khấu đầu tâu rõ: cụ tổ nhà tôi là Đại Hóa. Hoàng thượng bật cười, lại hỏi: "Người trước đây bổ thượng thư bộ binh, sau dáng xuống phủ doãn, có phải cũng gọi là Giả Hóa không?" <br> <br>Lúc ấy Giả Vũ Thôn cũng đứng một bên, nghe nói giật nẩy mình, liền hỏi: <br> <br>- Ông lớn tâu như thế nào? <br> <br>- Tôi thong thả tâu: "Quan thái sư Giả Hoá là người Vân Nam; còn người hiện làm phủ doãn cũng họ Giả thì ở Chiết Giang". Hoàng thượng lại hỏi: Giả Phạm bị thứ sử Tô Châu tâu hặc đó, là người họ nhà ngươi à? Tôi khấu đầu tâu "Vâng". Hoàng thượng liền đổi sắc mặt truyền: "Thả bọn gia nô cưỡng chiếm vợ con dân lành, còn ra sự thể gì nữa?" Tôi không dám tâu gì. Hoàng thượng lại hỏi: "Giả Phạm là người thế nào với nhà người?" Tôi vội vàng tâu: "Là người họ xa" Hoàng thượng hừ một tiếng rồi truyền chỉ cho ra. Có lạ không. <br> <br>Mọi người nói: <br> <br>- Cũng kỳ thật? Làm sao mà một lúc có những hai việc liền? <br> <br>Giả Chính nói: <br> <br>- Sự việc thì chẳng có gì lạ, chỉ lạ ở chỗ đều là người họ Giả không tốt. Kể ra thì họ chúng tôi người nhiều, và đã lâu đời nên chỗ nào cũng có. Hiện giờ tuy chẳng có việc gì, nhưng rốt cục Hoàng thượng nhớ lấy một chữ "Giả" là không hay. <br> <br>- Thật là thật, giả là giả, chứ sợ gì? <br> <br>- Trong bụng tôi chỉ trông sao đừng phải làm quan, nhưng không dám cáo lão. Hiện nay ở nhà chúng tôi hai chức thế tập, điều đó cũng chẳng biết làm thế nào. <br> <br>Vũ Thôn nói: <br> <br>- Nay ông lớn lại làm ở bộ công, chắc làm quan ở kinh thì chẳng có việc gì. <br> <br>Giả Chính nói <br> <br>- Làm quan ở Kinh tuy là vô sự, nhưng tôi đã làm quan ngoài hai lần rồi, thì cũng không thể nói được nữa. <br> <br>Mọi người nói: <br> <br>- Phẩm hạnh và việc làm của ông lớn, chúng tôi đều kính phục. Ông Cả cũng là người tốt, chỉ cần kiềm thúc các cháu cho nghiêm một chút là được. <br> <br>Giả Chính nói: <br> <br>- Tôi vì ít khi ở nhà, nên không xem xét đến việc các cháu mấy, trong bụng tôi rất lấy làm áy náy. Hôm nay các vị nhắc đến, chúng ta đều là chỗ thân, hoặc giả nghe nhà cháu ở phủ đông có việc gì không làm đúng khuôn phép chăng? <br> <br>Mọi người nói: <br> <br>- Cũng không nghe việc gì khác. Chỉ có mấy ông thị lang không được vừa ý lắm, và trong bọn nội giám cũng có vài người không bằng lòng. Chắc cũng chẳng sợ gì đâu, nhưng cần dặn dò bên nhà cháu ngài, phải để ý đến mọi việc là được. <br> <br>Mọi người nói xong, vái chào nhau rồi ra về. <br> <br>Giả Chính về nhà, con cháu đều ra đón. Trước hết Giả Chính hỏi thăm sức khỏe của Giả mẫu, sau đó con cháu đến hỏi thăm sức khỏe của Giả Chính, rồi cùng nhau về phủ. Bọn vương phu nhân cũng đến đón tiếp ở nhà Vinh Hi. Giả Chính trước hết đến lạy chào Giả mẫu, trình qua về chuyện sau khi xa cách. Giả mẫu hỏi tin tức của Thám Xuân. Giả Chính đem chuyện cưới Thám Xuân trình lại rõ ràng, và nói thêm: <br> <br>- Con lên đường gấp quá, không kịp đến đó từ biệt. Tuy con không chính mắt trông thấy, nhưng nghe người bên nhà thông gia đến nói thì rất tốt. Ông bà hên nhà thông gia đều nói, xin gửi lời hỏi thăm sức khỏe của bà, và còn nói, mùa đông năm nay hoặc mùa xuân sang năm, có thể đổi về kinh. Được như thế thì rất tốt. Nhưng bây giờ nghe nói miền biển có việc, chỉ sự đến lúc đó lại không đổi về được. <br> <br>Giả mẫu lúc đầu cho là Giả Chính bị giáng về kinh. Thám Xuân ở nơi đất khách xa xôi, không ai là bà con quen biết nên trong lòng thương cảm; sau nghe Giả Chính nói rõ việc quan, lại biết Thám Xuân khỏe mạnh nên cũng đổi buồn làm vui, liền cười bảo Giả Chính đi ra. Sau đó, anh em Giả Chính gặp nhau, bọn con cháu lạy chào, định đến sáng ngày mai thì bái yết từ đường. <br> <br>Giả Chính về đến phòng, bọn Vương phu nhân chào hỏi, rồi Giả Liễn và Bảo Ngọc lại lạy chào lần nữa. Giả Chính thấy Bảo Ngọc so với lúc mình lên đường thì quả nhiên mặt mũi đầy đặn hơn, xem bộ cũng yên tĩnh, chứ không hề biết anh ta ngây dại, cho nên rất mừng, không buồn bực về việc bị giáng. Giả Chính nghĩ thầm: may nhờ mẹ mình khéo lo liệu. Lại thấy Bảo Thoa thì chín chắn; Giả Lan thì văn nhã tươi đẹp, ông ta vui mừng lộ ra nét mặt. Riêng Giả Hoàn là vẫn như trước, nên không yêu lắm. Nghỉ ngơi một hồi, Giả Chính sực nhớ: "Sao mà hôm nay thiếu một người?" Vương phu nhân biết ông ta nhớ đến Đại Ngọc, vì thư nhà trước kia không nói đến. Hôm nay ông ta lại vừa về nhà, đang lúc vui mừng, nói thẳng ra không tiện, nên chỉ nói <br> <br>là Đại Ngọc đang ốm. Không ngờ trong bụng Bảo Ngọc đã như dao đâm, chỉ vì cha mới về, đành phải dằn lòng ngồi hầu. <br> <br>Vương phu nhân bày tiệc tẩy trần, rồi con cháu dâng rượu. Phượng Thư tuy là cháu dâu, nhưng hiện coi việc nhà, nên cũng theo bọn Bảo Thoa dâng rượu. <br> <br>Giả Chính cho dâng một tuần rượu, rồi bảo mọi người về nghỉ. Lại bảo bọn người nhà, không phải chờ chực, đợi đến sáng mai khi bái yết từ đường xong rồi sẽ vào chào. <br> <br>Dặn dò xong, Giả Chính cùng Vương phu nhân nói qua về chuyện sau khi từ biệt, những việc khác Vương phu nhân đều không dám nói. Giả Chính lại nhắc đến chuyện Vương Tử Đằng, Vương phu nhân cũng không dám tỏ ra đau buồn. Giả Chính lại nói việc Tiết Bàn, Vương phu nhân chỉ nói đó là tự nó làm nó chịu; rồi nhân tiện đem việc Đại Ngọc chết nói cho Giả Chính biết. Giả Chính giật nẩy mình, chảy nước mắt và than thở mãi. Vương phu nhân nín không được cũng phải khóc. Bọn Thái Vân đứng bên, vội vàng kéo áo bà ta. Vương phu nhân nín khóc, lại nói mấy câu chuyện vui mừng, rồi đi ngủ. <br> <br>Sáng hôm sau, Giả Chính đến từ đường làm lễ, bọn con cháu đều đi theo. Ông ta ngồi trong phòng một bên từ đường, gọi Giả Liễn và Giả Trân đến, hỏi việc trong nhà. Giả Trân lựa việc <br> <br>gì nên nói thì nói. Giả Chính bảo: <br> <br>- Ta mới về nhà, cũng không tiện tra hỏi cặn kẽ, nhưng nghe bên ngoài người ta nói, bên nhà anh càng lộn xộn hơn trước, mọi việc phải cẩn thận mới được. Anh bây giờ cũng nhiều tuổi rồi, phải dạy bảo con cái, đừng để chúng ra ngoài gây chuyện. Anh Liễn cũng nghe đấy. Không phải là ta vừa về đã trách đến các anh đâu, nhưng ta có nghe, nên mới nói. Các anh cần phải cẩn thận mới được. <br> <br>Bọn Giả Trân mặt đỏ bừng lên, chỉ trả lời "Vâng", không dám nói gì khác. Rồi Giả Chính cũng bỏ qua. <br> <br>Giả Chính trở về phủ tây, người nhà lạy chào xong, Giả Chính lại vào nhà trong, bọn hầu gái làm lễ. <br> <br>Bảo Ngọc nhân hôm qua Giả Chính hỏi đến Đại Ngọc, Vương phu nhân trả lời là bị ốm, trong lòng đau xót âm thầm, và khi Giả Chính bảo về phòng, dọc đường đã nhỏ khá nhiều nước mắt. Về đến phòng, thấy Bảo Thoa đang nói chuyện với Tập Nhân, anh ta buồn bực, một mình ngồi ở nhà ngoài. Bảo Thoa bảo Tập Nhân bưng trà ra. Biết anh ta sợ cha tra hỏi bài học, nên mới thế, đành phải tới an ủi. Bảo Ngọc mượn cớ ấy nói với Bảo Thoa: <br> <br>- Đêm nay mợ ngủ trước đi, tôi cần nghỉ ngơi một chốc. Giờ đây không thể như trước nữa, nói điều này quên điều khác, cha mà biết thì sẽ không hay. Mợ ngủ trước đi, bảo Tập Nhân ngồi với tôi một lát. <br> <br>Bảo Thoa nghe cũng có lý, liền vào phòng ngủ trước. Bảo Ngọc khẽ bảo Tập Nhân, nhờ gọi Tử Quyên đến muốn hỏi câu chuyện. Nhưng Tử Quyên hễ gặp tôi thì khi nào vẻ mặt cũng giận, cần có chị đến khuyên giải trước để chị ta nghe ra mới được. <br> <br>Tập Nhân nói <br> <br>- Cậu nói muốn nghỉ ngơi, tôi cũng mừng. Tại sao lại nghỉ ở chỗ ấy? Có chuyện gì ngày mai cậu hỏi không được à? <br> <br>- Tối hôm nay tôi mới rảnh, nếu ngày mai mà ông lớn bảo làm việc gì thì tôi không còn lúc nào rỗi nữa. Chị ơi, chị mau mau gọi chị ấy lại đây. <br> <br>- Nếu không phải mợ Hai gọi thì chị ta không tới đâu. <br> <br>- Vì thế phải có chị đến nói rõ trước với chị ta mới được. <br> <br>- Cậu bảo tôi nói với chị ấy như thế nào? <br> <br>- Chị còn chưa biết bụng tôi và bụng chị ta à? Cũng đều là vì cô Lâm cả thôi. Chị cũng biết tôi không phải là người phụ bạc. Nhưng bây giờ, các người làm cho tôi thành ra một người phụ bạc rồi? <br> <br>Nói đến đó Bảo Ngọc lại nhìn vào nhà trong, lấy tay chỉ và nói: <br> <br>- Tôi vốn không bằng lòng chị ấy, chỉ vì bà và bọn họ bày mưu lập kế, tự dưng làm chết cô Lâm. Dầu cô ta chết thì cũng cho tôi nhìn một chút chứ. Nói thật ra cô ta có chết cũng không oán trách gì tôi. Chắc chị cũng đã nghe bọn cô Ba nói, cô Lâm lúc chết rất giận tôi. Tử Quyên vì chuyện cô Lâm cũng giận tôi hết sức. Chị thử nghĩ tôi có phải là người vô tình không? Tình Văn chỉ là một a hoàn, cũng chẳng có gì tốt cho lắm, mà chị ta chết đi, tôi nói thật với chị, tôi còn làm văn tế chị ta nữa đấy. Việc đó chính mắt cô Lâm cũng trông thấy. Giờ đây cô Lâm chết, không lẽ lại không bằng Tình Văn hay sao? Thế mà đến cả chuyện tế cô ta, tôi cũng không tế được một lần nào. Nếu cô Lâm có thiêng vẫn còn biết đến thì thế nào cô ta lại chẳng giận tôi! <br> <br>- Cậu muốn tế thì cứ tế ai ngăn cấm cậu? <br> <br>- Tôi từ khi khoẻ dậy, cũng định làm một bài văn tế, không biết tại sao bây giờ không còn chút thông minh nào nữa. Muốn tế người khác, thì làm qua loa đi cũng được, chứ tế cô Lâm mà lời văn quê kệch một chút là nhất định không được. Vì thế tôi muốn gọi Tử Quyên đến để hỏi rõ tâm sự của cô Lâm, vì chị ta biết rõ cô ấy. Khi tôi chưa ốm thì trong đầu óc còn nghĩ ra, từ khi đau, tôi không nhớ gì nữa. Chị nói cô Lâm đã khoẻ rồi, sao bỗng chốc lại chết? Khi cô ta còn khoẻ, tôi không đến thì cô ta nói gì? Lúc tôi đau, cô ta không đến, thì cô ta nói những gì? Những đồ dùng của cô ta tôi lừa lấy được, mợ Hai nhà chị nhất thiết không cho tôi động đến, không biết là có ý gì? <br> <br>- Mợ Hai chị sợ cậu thương tâm mà thôi, còn có ý gì nữa? <br> <br>- Tôi không tin, cô Lâm đã nghĩ đến tôi, tại sao khi chết lại đốt tập thơ đi, không để lại cho tôi làm kỷ niệm? Lại nghe nói khi cô ta chết, trên trời có tiếng nhạc, nhất định cô ta đã thành thần, hoặc đã lên tiên. Tôi tuy đã thấy quan tài, nhưng không biết trong quan tài có cô ta hay không? <br> <br>- Cậu nói rõ vớ vẩn! Người không chết làm sao lại đặt chiếc quan tài không, làm như người chết được? <br> <br>- Không phải đâu! Phàm người thành tiên thì hoặc đem cả hình hài, hoặc trút bỏ hình hài để lên tiên - Chị ơi, chị cứ gọi Tử Quyên lại đây! <br> <br>- Bây giờ hãy để tôi đến bày tỏ tấm lòng của cậu, nếu chị ta chịu đến còn khá; không đến thì còn phải nói nhiều. Dầu cho chị ta có đến, nhưng thấy cậu chị ta cũng không chịu nói kỹ đâu. Theo ý tôi, ngày mai chờ khi mợ Hai lên trên nhà, tôi sẽ hỏi lại chị ta cho thật tường tận rồi có rỗi tôi sẽ thong thả nói lại với cậu. <br> <br>- Chị nói cũng phải, nhưng chị không biết tôi sốt ruột lắm. <br> <br>Hai người đang nói chuyện thì thấy Xạ Nguyệt ra bảo: <br> <br>- Mợ Hai nói đã đến canh tư rồi, mời cậu vào đi ngủ thôi. Chị Tập Nhân chắc là thích nói chuyện, say sưa quá quên mất cả giờ giấc rồi đấy. <br> <br>Tập Nhân nghe xong, liền nói:. <br> <br>- Đến giờ ngủ rồi, có chuyện gì mai hãy nói. <br> <br>Bảo Ngọc chẳng biết làm thế nào, đành phải đi vào, lại ghé vào tai Tập Nhân nói nhỏ: <br> <br>- Ngày mai thế nào cũng đừng quên nhé. <br> <br>- Biết rồi. Xạ Nguyệt vênh mặt lên cười nói: <br> <br>- Hai người lại thầm thụt gì rồi đây. Đã thế sao không nói rõ với mợ Hai, rồi đến bên chị Tập Nhân mà ngủ? Mặc cho các người nói chuyện một đêm, chúng tôi cũng thây kệ. <br> <br>Bảo Ngọc xua tay nói: <br> <br>- Không cần nói làm gì. <br> <br>Tập Nhân tức giận nói: <br> <br>- Con ranh con này, mày lại nói điêu, đến mai tao sẽ xẻo cái miệng mày ra!- Rồi chị ta ngoảnh lại nói với Bảo Ngọc: <br> <br>- Cũng là tự cậu cả đấy. Nói chuyện mất những bốn canh mà vẫn chẳng ra đầu cuối gì cả. <br> <br>Chị ta vừa nói, vừa đưa Bảo Ngọc vào phòng, rồi ai về phòng người ấy. <br> <br>Đêm đó, Bảo Ngọc không ngủ, đến ngày mai vẫn còn tơ tưởng việc ấy. Bỗng nghe bên ngoài truyền lời vào: <br> <br>Bà con bạn hữu nhân ông lớn mới về, đều muốn đưa ban hát đến làm lễ mừng. Ông lớn từ chối mãi, bảo không cần phải hát xướng, để nhà ta dọn rượu mời bà con bạn hữu tới nói chuyện cho vui. Đã định đến ngày kia dọn rượu mời khách vì thế đến nói cho trong nhà biết. <br> <br>1 Đây là chuyện của Giả Liễn chứ không phải Giả Vân.