Chương 39: Già nhà quê hay nói huênh hoang
<br><br>Chương 39: Già nhà quê hay nói huênh hoang<br><br><br>Già nhà quê hay nói huênh hoang <br> <br>Cậu có tình cứ tìm ngành ngọn <br> <br>Mọi người thấy Bình Nhi đến, đều hỏi: <br> <br>- Mợ chị Ở nhà làm gì mà không thấy đến? <br> <br>- Mợ ấy có được rỗi đâu? Vì ở nhà không có món gì ăn ngon, lại không thể sang đây được, nên mợ ấy bảo tôi đến hỏi xem có còn cua hay không, xin mấy con mang về nhà ăn. <br> <br>Tương Vân nói: <br> <br>- Có nhiều lắm! <br> <br>Liền sai người mang cái làn đựng mười con cua lớn. <br> <br>Bình Nhi nói: <br> <br>- Cho thêm mấy con cua cái nữa. <br> <br>Mọi người lại kéo Bình Nhi ngồi xuống. Bình Nhi không chịu ngồi. Lý Hoàn cười nói: <br> <br>- Thì cứ ngồi xuống đã nào. <br> <br>Rồi kéo Bình Nhi ngồi xuống, rót một ly rượu, đưa lên miệng cô tạ Bình Nhi vội hớp một ngụm, định đi ngaỵ Lý Hoàn bảo: <br> <br>- Chưa cho cô đi vội. Cô mới chỉ biết có mợ Phượng nhà cô thôi còn tôi thì cô không thèm nghe lời gì cả. <br> <br>Liền quay bảo bọn bà già: <br> <br>- Hãy mang làn cua này sang biếu mợ Phượng, và nói rằng ta còn giữ cô Bình ở lại chơi. <br> <br>Một lúc, bà già mang cái làn về nói: <br> <br>- Mợ Hai nói: các mợ và các cô đừng cười, hãy nếm món này đã. Trong làn này đựng bánh xốp và bánh cuốn mỡ gà của của bà mợ đưa sang cho các mợ và các cô ăn. <br> <br>Bà ta lại ngoảnh vào nói với Bình Nhi: <br> <br>- Mợ bảo rằng: Sai chị đi mà chị cứ tham ăn, không chịu về ngaỵ Mợ lại dặn chị uống ít rượu chứ. <br> <br>Bình Nhi cười nói: <br> <br>- Tôi uống nhiều thì làm gì tôi! <br> <br>Vừa nói vừa uống rượu vừa ăn cuạ Lý Hoàn ôm lấy Bình Nhi, cười nói: <br> <br>- Đáng tiếc dáng điệu mặt mũi thế này mà số phận lại kém cỏi, chỉ là người hầu hạ trong nhà thôi! Người ngoài ai trông thấy, chẳng bảo cô là hạng các mợ, các bà. <br> <br>Bình Nhi vừa uống rượn với bọn Bảo Thoa, Tương Vân, vừa quay lại cười nói: <br> <br>- Xin mợ đừng sờ vào người tôi đâm ngứa ngáy khó chịu. <br> <br>Lý Hoàn hỏi: <br> <br>- Ái chà! Đeo cái gì mà rắn thế này? <br> <br>- Chùm chìa khóa đấy. <br> <br>- Có cái gì quan hệ sợ người ta ăn trộm mà phải đeo luôn trong người thế? Ngày thường tôi vẫn nói với mọi người, có Đường Tăng 1 đi lấy kinh, thì phải có con ngựa trắng chở kinh; có Lưu Trí Viễn ra đánh dẹp thiên hạ, thì phải có con hồ tinh cho mũ giáp. Có mợ Phượng thì phải có cô Bình! Cô là chìa khoá của mợ cô rồi, lại còn dùng chìa khóa này làm gì nữa? <br> <br>Bình Nhi cười nói: <br> <br>- Mợ uống rượu lại mang tôi ra làm trò cười. <br> <br>Bảo Thoa cười nói: <br> <br>- Mợ ấy nói thực đấy. Khi chúng tôi ngồi rỗi, thường hay bàn tán mấy người trong bọn các chị, thấy là mỗi người một vẻ trăm người chưa chọn được một. <br> <br>Lý Hoàn nói: <br> <br>- Việc lớn, việc nhỏ đều do ông trời định sẵn cả. Ví như bên nhà cụ, không có chị Uyên Ương thì làm thế nào nổi việc? Từ bà Hai trở xuống, có ai dám trái lời cụ đâu? Thế mà cô ta lại dám cãi lại, cụ vẫn chỉ nghe cô ta thôi. Những quần áo của cụ không ai nhớ được, cô ta vẫn nhớ rành rọt. Nếu không có cô ta trông nom, thì không biết người ta đã lừa gạt mất bao nhiêu rồi! Vả chăng bụng cô ta lại thẳng thắn, thường hay nói tốt cho người, chứ không bao giờ cậy thế khinh rẻ một ai. <br> <br>Tích Xuân cười nói: <br> <br>- Hôm nọ cụ vừa nói, cô ta còn hơn chúng tôi nữa đấy. <br> <br>Bình Nhi nói: <br> <br>- Chị ấy là người tốt, chúng tôi bì thế nào được. <br> <br>Bảo Ngọc nói: <br> <br>- Chị Thái Hà ở nhà mẹ tôi cũng là người thực thà. <br> <br>Thám Xuân nói: <br> <br>- Bề ngoài thì thực thà, thế mà trong bụng lại biết suy tính lắm đấy. Mẹ hiền như bụt, chả để ý đến việc gì, mà cô ta thì việc gì cũng biết, cái gì cũng phải nhắc. Cha ở nhà cũng như đi vắng, bất cứ việc lớn việc nhỏ, cô ta đều biết hết, nếu mẹ quên thì sau đó cô ta nhắc ngay. <br> <br>Lý Hoàn nói: <br> <br>- Còn nói gì nữa. <br> <br>Rồi trỏ Bảo Ngọc nói: <br> <br>- Chúng ta hãy xem, trong nhà chú Hai đây, nếu không có chị Tập Nhân thì sẽ ra sao? Dù thím Phượng có tài như Bá Vương nước Sở 2 cũng cần phải có hai cánh tay để cất cái vạc nghìn cân. Không có cô Bình, thì việc nhà thím ấy làm thế nào mà trông nom xuể được? <br> <br>Bình Nhi nói: <br> <br>- Lúc trước bên nhà đưa sang bốn a hoàn, nhưng người chết, người thì đi, chỉ còn một mình tôi bồ côi bồ cút ở lại đây thôi. <br> <br>Lý Hoàn nói: <br> <br>- Đó là phúc cho nhà cô, nhưng cũng là phúc cho nhà thím Phượng. Trước kia cậu Cả nhà còn sống, thì có thiếu gì người hầu? Các cô thử xem, tôi có phải là người hẹp lượng không biết dung kẻ dưới đâu? Thế mà ngày nào họ cũng cứ tỏ ra không vừa ý. Vì thế, khi cậu ấy mất rồi, nhân thấy họ còn trẻ tuổi, tôi đều cho về cả. Nếu được người nào biết nghĩ thủy chung ở lại, thì bây giờ tôi cũng còn có kẻ đỡ chân đỡ tay. <br> <br>Nói xong, mắt Lý Hoàn đỏ ngầu lên. <br> <br>Mọi người đều can: <br> <br>- Còn kể ra làm gì cho đau lòng! Thôi chúng ta đi về là hơn. <br> <br>Nói xong, đều đi rửa tay, rồi cùng nhau sang thăm Giả mẫu và Vương phu nhân. Bọn bà già và a hoàn quét dọn nhà cửa, thu xếp bát đĩa. Tập Nhân và Bình Nhi cùng đi ra. <br> <br>Tập Nhân mời Bình Nhi vào nhà mình uống trà. Bình Nhi nói: "Không uống đâu, sau sẽ đến chơi". Nói xong muốn đi ngaỵ Tập Nhân liền gọi lại hỏi: <br> <br>- Tại sao tiền lương tháng này, ngay người trong nhà cụ và bà Hai vẫn chưa giả? <br> <br>Bình Nhi quay lại gần Tập Nhân, thấy không có ai, khẽ nói: <br> <br>- Thôi, chị đừng hỏi nữa, chậm lắm là hai hôm sẽ phát thôi. Tiền lương tháng này mợ tôi đã chi ra rồi, nhưng lại đem cho người khác vaỵ Phải chờ đi thu lãi ở các nơi về đủ số rồi mới phát. Chị đừng nên nói cho một ai biết nhé! <br> <br>- Không lẽ mợ ấy còn thiếu tiền tiêu. Sao nỡ đang tâm làm như vậy? <br> <br>- Mấy năm nay mợ ấy chỉ lấy món tiền ấy ra cho vay, mà đã thu được hàng nghìn bạc lãi rồi đấy. <br> <br>- Mợ chị lấy tiền lương của chúng tôi đem ra cho vay lấy lãi, làm chúng tôi phải ăn chực nằm chờ! <br> <br>- Sao chị lại nói câu tệ bạc thế? Chị mà còn thiếu tiền à? <br> <br>- Tôi hiện giờ chưa cần, nhưng muốn sắp sẵn cho một người. <br> <br>- Chị có việc gì cần tiêu, thì tôi có mấy lạng, hãy lấy mà tiêu, sau này trừ tiền lương cũng được. <br> <br>- Bây giờ tôi chưa cần, sau này tiêu gì, tôi sẽ cho người sang vay chị. <br> <br>Bình Nhi nhận lời, chạy về nhà không thấy Phượng Thư đâu, chợt thấy già Lưu và thằng Bản lần trước đến xin tiền đã ngồi ở nhà bên kia rồi, lại có vợ Trương Tài và vợ Chu Thụy ngồi tiếp; có mấy a hoàn đứng dưới đất đương dốc táo, dưa và rau ở túi ra. Mọi người thấy Bình Nhi vào, đều đứng dậy cả. Già Lưu vì lần trước đến, đã biết Bình Nhi là người thế nào rồi, nên vội bước xuống hỏi: <br> <br>- Cô vẫn được mạnh luôn? Cả nhà tôi đều gửi lời hỏi thăm cộ Từ lâu muốn đến thăm sức khỏe mợ nhà và cô, nhưng vì bận mùa. Năm nay mới gặt được mấy hộc thóc, hoa quả, rau dưa đều tốt cả. Nhưng thứ này là của mới, tôi không dám mang đi bán, chọn thứ ngon đem đến biếu mợ và cộ Các cô ngày nào cũng ăn chán những đồ cao lương mỹ vị, giờ nếm món rau nhà quê xem sao. Đó là tấm lòng thành của người nghèo chúng tôi. <br> <br>Bình Nhi vội nói: <br> <br>- Đa tạ lòng bà! <br> <br>Rồi mời già Lưu ngồi. Bình Nhi cũng ngồi xuống, lại mời thím Trương và thím Chu cùng ngồi, và sai a hoàn nhỏ đi pha nước. Vợ Trương Tài và vợ Chu Thụy đều cười nói: <br> <br>- Hôm nay trông cô có vẻ hồng hào tươi tỉnh, khóe mắt cũng đỏ lên. <br> <br>Bình Nhi cười nói: <br> <br>- Phải đấy! Xưa nay tôi không biết uống rượu, mợ Cả và các cô cứ kéo lại vật nài cho được, bất đắc dĩ tôi phải uống hai chén, thành ra đỏ cả mặt. <br> <br>Vợ Trương Tài cười nói: <br> <br>- Tôi muốn uống quá, lại chẳng có ai mời. Ngày mai có ai mời cô, cho tôi đi theo với. <br> <br>Mọi người đều cười ầm lên. <br> <br>Vợ Chu Thụy nói: <br> <br>- Sáng hôm nay tôi trông thấy thứ cua to quá, chỉ hai con là đủ một cân. Thế mà những hai ba giỏ lớn, có nhẽ đến bảy tám mươi cân. <br> <br>Vợ Trương Tài nói: <br> <br>- Từ trên chí dưới, ai cũng ăn cả, thì chừng ấy chưa chắc đã đủ. <br> <br>Bình Nhi nói: <br> <br>- Ở đâu mà ai cũng ăn. Chẳng qua chỉ nhưng người có tên có tuổi mới được ăn vài con, còn thì có người vớ được, có người không vớ được con nào. <br> <br>Già Lưu nói: <br> <br>- Giá cua năm nay mỗi cân là năm phân, mười cân thì phải năm đồng, năm năm hai mươi lăm, ba năm mười lăm, lại thêm rượu và đồ ăn khác nữa, cộng tất cả ít ra cũng phải hơn hai mươi lạng bạc đấy. 3 <br> <br>A di đà phật! Món tiền này, người nhà quê chúng tôi có thể ăn được một năm! <br> <br>Bình Nhi hỏi: <br> <br>- Bà đã được gặp mợ ấy chưa? <br> <br>- Đã gặp rồi, mợ ấy bảo tôi hãy chờ ở đây. <br> <br>Nói xong, già Lưu ra ngoài cửa trông trời, nói: <br> <br>- Trời đã chiều rồi, chúng tôi xin về đây. Nếu không ra được ngoài thành, lại khốn khó đấy! <br> <br>Vợ Chu Thụy nói: <br> <br>- Để tôi đi xem hộ bà. <br> <br>Nói xong chạy đi, một chốc mới về, cười nói: <br> <br>- Phúc nhà bà đấy, sao mà hai người lại hợp duyên với nhau thế. <br> <br>Bọn Bình Nhi hỏi: "Thế nào". Vợ Chu Thụy cười nói: <br> <br>- Mợ Hai đang hầu cụ, tôi khẽ đến trình: "Già Lưu muốn về, vì sợ tối không ra được cửa thành". Mợ Hai bảo: "Khen cho bà ấy, đường xa thế mà mang được nhiều thứ đến biếu. Bây giờ muộn rồi, bảo bà ấy ngủ lại một đêm, ngày mai sẽ về". Thế không phải là hợp duyên với mợ Hai à? Việc ấy đã đành, không ngờ cụ nghe thấy, liền hỏi già Lưu là ai? Mợ Hai kể rõ gốc tích. Cụ bảo: "Ta muốn nói chuyện với những người già cả, bảo bà ấy đến đây". Thế không phải là duyên số trên trời, không hẹn mà gặp sao? <br> <br>Vợ Chu Thụy liền giục già Lưu đi ngay. <br> <br>Già Lưu nói: <br> <br>- Người ngợm tôi thế này, đến đó sao tiện? Thôi chị nói hộ là tôi đã về rồi! <br> <br>Bình Nhi nói: <br> <br>- Không việc gì đâu, bà cứ đến, cụ tôi vốn mến người già, thương người nghèo, chứ không như những hạng người điêu trá đâu. Bà sợ, tôi và dì Chu sẽ đưa bà đến. <br> <br>Nói xong, liền cùng vợ Chu Thụy đưa già Lưu sang bên nhà Giả mẫu. <br> <br>Bọn đầy tớ bé ngồi gác ở cửa ngoài, thấy Bình Nhi đến, đều đứng dậy cả. Có hai đứa chạy theo Bình Nhi gọi: "Cô ơi!" <br> <br>Bình Nhi hỏi: <br> <br>- Muốn nói việc gì. <br> <br>- Bây giờ chiều rồi, mẹ tôi ốm, tôi phải đi mời thầy thuốc, xin cô cho tôi nghỉ nửa ngày, có được không? <br> <br>- Chúng bay giỏi thật, đã bàn soạn với nhau rồi hay sao? Cứ mỗi ngày là một đứa xin nghỉ, không xin phép mợ, lại cứ quấy rầy tao. Hôm trước thằng Trụ xin đi, cậu Hai gọi nó không thấy, tao phải nói đỡ, cậu ấy mắng tao che chở cho nó. Bây giờ mày cũng lại thế à? <br> <br>Vợ Chu Thụy nói: <br> <br>- Mẹ nó ốm thật đấy, xin cô nói đỡ, để cho nó về. <br> <br>Bình Nhi nói: <br> <br>- Ngày mai phải đến sớm nhé, nghe chưa? Ta còn cần đến mày. Hay lại ngủ cho đến khi mặt trời dọi vào đít rồi mới dẫn xác đến? Nhân tiện mày về bảo cho thằng Vượng biết là mợ truyền số tiền lãi còn lại, ngày mai không mang trả, thì mợ không thèm lấy nữa đâu! Để nó tiêu cả. <br> <br>Thằng nhỏ mừng nhảy lên, vâng dạ rồi đi. <br> <br>Bình Nhi đến buồng Giả mẫu, bấy giờ các chị em ở trong vườn Đại Quan đều đứng hầu cả đấy. Già Lưu đi vào, thấy trong nhà người nào cũng đeo châu ngọc, mặc gấm vóc, lộng lẫy như hoa, không phân biệt ai ra ai nữa. Chỉ thấy một vị lão bà ngồi tựa trên giường, đằng sau có một a hoàn lộng lẫy như một mỹ nhân, mình đầy the lụa, đang ngồi hầu bóp chân. Phượng Thư đang đứng bên cạnh cười cười nói nói. Già Lưu biết ngay là Giả mẫu, vội lại gần lạy mấy lạy, rồi nói: <br> <br>- Chúc lão thọ tinh mạnh khỏe luôn. <br> <br>Giả mẫu gật đầu hỏi thăm, và sai vợ Chu Thụy lấy ghế cho ngồi. Thằng Bản rụt rè, không biết chào hỏi gì cả. <br> <br>Giả mẫu hỏi: <br> <br>- Bà này, năm nay bà bao nhiêu tuổi rồi? <br> <br>Già Lưu vội đứng dậy thưa: <br> <br>- Tôi năm nay bảy mươi lăm tuổi. <br> <br>Giả mẫu ngoảnh vào nói với mọi người: <br> <br>- Nhiều tuổi hơn ta thế mà trông người vẫn còn sắc sảo? Ta đến tuổi ấy không biết còn làm được gì không? <br> <br>Già Lưu cười nói: <br> <br>- Kiếp chúng tôi là kiếp người chịu khổ, chịu sở; còn cụ sinh ra là để hưởng phúc. Chúng tôi mà cũng như cụ, thì công việc đồng áng ai làm cho. <br> <br>- Mắt và răng bà còn khá không? <br> <br>- Còn khá, nhưng năm nay cái răng bên hàm trái đã thấy lung lay. <br> <br>- Tôi già rồi, không làm gì nữa; mắt mờ, tai điếc, tính lại hay quên. Ngay các bà là chỗ họ hàng, tôi cũng không nhớ hết. Mỗi khi bà con đến chơi, nói ra sợ người ta cười, tôi cũng chả biết ai vào ai, chẳng qua có cái gì ăn được thì ăn vài miếng, rồi ngủ một giấc; lúc nào buồn thì chơi đùa với con, với cháu cho qua. <br> <br>Già Lưu cười nói: <br> <br>- Thế là cụ có phúc đấy. Chúng tôi mong thế cũng chẳng được <br> <br>- Phúc gì? chẳng qua là hạng già bỏ đi đấy thôi! <br> <br>Câu nói ấy làm cho mọi người cười ầm lên. <br> <br>Giả mẫu lại cười nói: <br> <br>- Tôi vừa thấy cháu Phượng nói, bà có mang cho nhiều thứ rau dưa, tôi đã bảo nó cất đi rồi. Tôi đang muốn ăn rau dưa chính trong vườn nhổ ra, chứ mua ở ngoài thì không được ngon. <br> <br>Già Lưu nói: <br> <br>- Đó là vật nhỏ mọn quê mùa, chẳng qua ăn lấy thứ tươi thôi. Chúng tôi chỉ muốn ăn thịt cá, nhưng chẳng có mà ăn. <br> <br>Giả mẫu lại nói: <br> <br>- Bây giờ đã nhận bà con, thì không nên về không, đừng ngại gì cả, hãy ở lại chơi vài hôm. Ở đây cũng có vườn, có hoa quả, ngày mai bà đến nếm thử xem, rồi mang về một ít, thế mới là có đi có lại chứ. <br> <br>Phượng Thư thấy Giả mẫu vui vẻ, liền mời già Lưu ở lại, và nói: <br> <br>- Nhà chúng tôi tuy không rộng bằng vườn trại của bà, nhưng cũng có vài gian buồng để không, bà ở lại vài hôm, kể chuyện mới chuyện cũ ở quê ta cho bà tôi nghe. <br> <br>Giả mẫu cười nói: <br> <br>- Cháu Phượng đừng mang bà ấy ra làm trò cười. Bà ấy là người nhà quê thực thà, không quen lối đùa cợt của nhà mày đâu! <br> <br>Liền sai người lấy hoa quả cho thằng Bản. Thằng Bản thấy đông người, sợ không dám ăn. Giả mẫu lại sai người cho nó tiền, bảo bọn hầu bé đưa nó ra ngoài chơi. Già Lưu uống nước xong, kể những chuyện tai nghe mắt thấy ở thôn quê cho Giả mẫu nghe. Giả mẫu càng lấy làm thích. <br> <br>Đến chiều, Phượng Thư sai người mời già Lưu đi ăn cơm. Giả mẫu lại chọn vài món ăn của mình, sai người đưa cho già Lưu. Phượng Thư biết già Lưu hợp tính Giả mẫu, nên ăn cơm xong lại bảo già đến ngaỵ Uyên Ương sai bà già đưa già Lưu đi tắm rửa, lấy hai bộ quần áo của mình thường mặc đưa cho già thaỵ Già Lưu xưa nay có được thấy thế này bao giờ, vội thay quần áo, đến ngồi trước giường Giả mẫu, rồi lại moi chuyện ra nói. Bấy giờ chị em Bảo Ngọc đương ngồi cả đấy. Họ xưa nay chưa hề được nghe, nên cảm thấy thay hơn cả người mù kể chuyện. <br> <br>Già Lưu tuy là người nhà quê, nhưng cũng am hiểu ít nhiều. Vả tuổi đã già, trò đời đã từng trải, lại thấy Giả mẫu và đám chị em đều thích nghe, nên dù hết chuyện, cũng vẫn cứ bịa ra để nói: <br> <br>- Chúng tôi ở nhà quê, cày cấy trồng trọt, hàng năm, hàng ngày, suốt cả bốn mùa, dầm mưa dãi nắng, có lúc nào được ngồi rỗi đâu? Quanh năm lấy đầu bờ làm quán mát nghỉ ngơi, thì còn thiếu gì chuyện kỳ quặc trên đời! Cũng như mùa đông năm ngoái, tuyết rơi ròng rã mấy ngày, mặt đất ngập đến ba bốn thước. Hôm ấy tôi dậy sớm, chưa ra cửa, đã nghe thấy bên ngoài có tiếng rút củi sột soạt. Tôi đoán có người ăn cắp củi, nhìn qua cửa sổ, lại không phải là người trong trại. <br> <br>Giả mẫu nói: <br> <br>- Chắc là người qua đường lạnh quá, thấy củi chất đấy, rút ra để đốt chứ gì? <br> <br>- Không phải là người qua đường, chuyện thế mới lạ chứ. Cụ thử đoán xem là ai? Nguyên là một cô gái rất đẹp, độ mười bảy, mười tám tuổi, đầu chải bóng nhoáng, mặc áo đỏ và quần hoa trắng... <br> <br>Già Lưu vừa nói đến đấy, bỗng bên ngoài có tiếng ồn ào lại có người nói: <br> <br>- Không việc gì đâu, đừng làm cụ sợ. <br> <br>Giả mẫu nghe thấy liền hỏi: <br> <br>- Cái gì thế? <br> <br>A hoàn nói: <br> <br>- Chuồng ngựa phía nam bị cháy, nhưng không việc gì, đã dập tắt được rồi. <br> <br>Giả mẫu xưa nay vẫn hay nhát, liền đứng dậy vịn vào người hầu đi ra ngoài hè xem, thấy góc đông nam hãy còn ngọn lửa. Giả mẫu sợ quá, vừa niệm phật, vừa sai người đi thắp hương khấn thần hỏa. Bọn Vương phu nhân vội lại an ủi: "Đã dập tắt được rồi, xin cụ cứ vào". <br> <br>Giả mẫu chờ cho lửa tắt hẳn rồi, mới dẫn mọi người vào. <br> <br>Bảo Ngọc lại hỏi già Lưu: <br> <br>- Tại sao cô gái ấy lại rút củi trong đám tuyết, lỡ bị lạnh sinh ốm thì sao? <br> <br>Giả mẫu nói: <br> <br>- Vừa rồi vì câu chuyện rút củi, nên xảy ra việc cháy, mày lại còn hỏi làm gì? Thôi! Thôi! Đừng nhắc đến nữa, hãy nói chuyện khác đi. <br> <br>Bảo Ngọc nghe nói không vui, nhưng cũng phải thôi. <br> <br>Già Lưu nghĩ một lúc, rồi nói: <br> <br>- Cái trại ở bên đông trại chúng tôi có một bà cụ già đã ngoài chín mươi tuổi. Ngày nào cũng ăn chay niệm Phật. Không ngờ cảm động đến đức Phật Quan Âm, đêm về báo mộng rằng: "Số ngươi đáng phải tuyệt tự, nhưng vì ngươi có lòng thành nên ta đã tâu với đức Ngọc Hoàng cho ngươi đứa cháu giai". Cụ già ấy chỉ có một người con, người con ấy chỉ đẻ có một đứa cháu gái thôi. Ngờ đâu đứa cháu ấy đến năm mười bảy, mười tám tuổi thì chết mất. Bà ấy khóc lóc không biết bao nhiêu mà kể. Về sau quả nhiên lại đẻ được một đứa cháu nữa. Bây giờ nó đã mười ba, mười bốn tuổi, người kháu khỉnh, thông minh, lanh lẹ. Như thế thì thần phật có nhẽ cũng có đấy nhỉ! <br> <br>Câu chuyện ấy hợp ý Giả mẫu và Vương phu nhân đều thích nghe cả. Bảo Ngọc lại chỉ thích chuyện rút củi thôi, nên trong lòng nghĩ vơ nghĩ vẩn. Thám Xuân liền hỏi: <br> <br>- Hôm nọ cô Sử đã mời chúng ta, bây giờ chúng ta nên bàn nhau mở một cuộc thi thơ, để trả lại bữa tiệc, và cũng mời cụ đến thưởng hoa cúc một thể, có nên không? <br> <br>Bảo Ngọc cười nói: <br> <br>- Cụ đã bảo phải làm bữa tiệc để mời lại cô Sử và cho chúng ta đến tiếp. Chúng ta hãy ăn tiệc của cụ đã, rồi sẽ mời sau cũng không muộn. <br> <br>Thám Xuân nói: <br> <br>- Càng ngày trời càng rét thêm, chưa chắc cụ đã thích. <br> <br>Bảo Ngọc nói: <br> <br>- Cụ lại thích mưa, thích tuyết. Chúng ta chờ lúc bắt đầu có tuyết, mời cụ thưởng tuyết chả hơn ư? Khi đó chúng ta ngâm thơ dưới tuyết, lại càng thú lắm. <br> <br>Đại Ngọc cười nói: <br> <br>- Chúng ta ngâm thơ dưới tuyết ư? Cứ ý tôi, chi bằng kiếm một bó củi rồi chúng ta rút củi dưới tuyết, lại còn thú hơn. <br> <br>Nghe nói câu ấy, bọn Bảo Thoa đều cười. Bảo Ngọc lườm Đại Ngọc một cái, không nói gì. Một lúc họ về cả, Bảo Ngọc dắt già Lưu ra chỗ vắng người, hỏi kỹ: <br> <br>- Cô gái ấy là ai? <br> <br>Già Lưu đành phải đặt chuyện ra nói: <br> <br>- Ở đồi phía bắc bên trại tôi, có một ngôi miếu nhỏ, không phải là thờ thần phật nào cả. Khi trước có một ông già nào ấy... <br> <br>Già Lưu nói đến đấy, lại nghĩ tên tuổi ông già. <br> <br>Bảo Ngọc nói: <br> <br>- Không cần phải nhớ tên tuổi, chỉ kể chuyện là đủ. <br> <br>Già Lưu nói: <br> <br>- Ông già ấy không có con trai, chi sinh được một cô gái, nghe đâu như tên là cô Dính Ngọc, văn hay chữ tốt; hai vợ chồng ông già yêu quý như ngọc báu. Thật là đáng tiếc! Cô gái ấy đến năm mười bảy tuổi thì bị bệnh chết. <br> <br>Bảo Ngọc nghe đến đấy, giậm chân thở dài, lại hỏi: <br> <br>- Thế rồi sau này việc ra làm sao? <br> <br>- Vì hai vợ chồng ông già quá thương con, mới làm một ngôi miếu đắp tượng rồi cho người đèn hương thờ phụng. Bây giờ lâu ngày, người đã chết, miếu đã đổ, và tượng cũng đã hóa thành yêu tinh rồi. <br> <br>Bảo Ngọc liền nói: <br> <br>- Không phải hóa thành yêu tinh, những người như thế không bao giờ chết đâu. <br> <br>- A di đà phật! Thật thế à? Nếu cậu không nói, thì tôi cho là cô gái ấy đã hóa thành yêu tinh rồi. Cô ta thường hiện ra người, vào các thôn các trại chơi. Tôi nói cái người rút củi, chính là cô gái đấy. Người trong trại chúng tôi đang bàn nhau đập tượng, san phẳng miếu đi. <br> <br>- Không nên. San phẳng miếu là tội to lắm đấy. <br> <br>- Cậu nói tôi mới haỵ Ngày mai về, tôi sẽ ngăn họ đừng phá nữa. <br> <br>- Bà tôi và mẹ tôi đều là người từ thiện, tất cả lớn, bé trong nhà, ai cũng thích làm việc thiện, nhất là việc xây đền đúc tượng. Ngày mai tôi sẽ làm một tờ phả khuyến, đi quyên hộ bà. Bà sẽ làm bà từ, tu sửa lại miếu, đắp lại tượng. Hàng tháng, tôi cho bà một món tiền đèn nhang, như thế có được không? <br> <br>- Nếu được thế, tôi nhờ phúc cô ấy, cũng có ít tiền tiêu. <br> <br>Bảo Ngọc lại hỏi tên đất, tên trại, đi lại xa gần, ở vào địa phận nào. Già Lưu thuận miệng nói bừa ra. Bảo Ngọc tin là thực, về buồng suy nghĩ suốt đêm. Sáng hôm sau, Bảo Ngọc cho Dính Yên mấy trăm đồng tiền, theo lời già Lưu kể, bảo nó đi xem trước thế nào rồi sẽ về trình. <br> <br>Dính Yên đi rồi, Bảo Ngọc băn khoăn chờ mãi không thấy về, nóng ruột quá, đi quanh đi quẩn, cứ như kiến bò trên miệng nồi nóng, mãi đến lúc mặt trời xế bóng, mới thấy Dính Yên hớn hở trở về. Bảo Ngọc liền hỏi: <br> <br>- Có tìm thấy không? <br> <br>- Cậu nghe không rõ, để cháu phải đi tìm mãi! Cái miếu ở chỗ nào ấy, chứ không phải như lời cậu đã dặn. Cháu tìm hết cả ngày, khi đến cái đồi ở góc đông bắc, mới thấy có một ngôi miếu đổ. <br> <br>Bảo Ngọc nghe nói mừng rỡ, liền nói: <br> <br>- Có nhẽ già Lưu đã nhiều tuổi, nên nhớ nhầm đấy. Mày thấy thế nào? <br> <br>- Cửa miếu này cũng hướng về phía nam, cũng đổ nát cả ròi, cháu tìm hết hơi mới thấy, cháu reo lên: "Đúng rồi", vội vàng đi vào, trông thấy pho tượng, cháu sợ quá, chạy ra ngaỵ Pho tượng ấy trông hệt như người sống vậy! <br> <br>Bảo Ngọc mừng quá, cười nói: <br> <br>- Tượng ấy hóa thành người, tất nhiên là có ít nhiều sinh khí! <br> <br>Dính Yên vỗ tay nói: <br> <br>- Có phải cô gái đâu! Là một vị Ôn thần mặt xanh tóc đỏ! <br> <br>Bảo Ngọc nghe nói, quát lên một tiếng: <br> <br>- Đồ ăn hại! Có việc ấy mà cũng không làm nổi! <br> <br>Dính Yên bực lên, nói: <br> <br>- Không biết cậu xem sách nào, hay là nghe ai nói bậy, rồi tin là thực, sai cháu đi làm cái việc không đâu, rồi bảo cháu là đồ ăn hại? <br> <br>Bảo Ngọc liền vỗ về: <br> <br>- Đừng nóng thế, hôm khác rỗi, mày lại đi tìm một lượt nữa. Nếu tìm không thấy, tất nhiên là họ nói dối ta; nếu có thực thì chả phải mày làm được một việc âm đức hay sao? Thế nào ta cũng sẽ trọng thưởng cho. <br> <br>Chợt đứa hầu bé canh cửa ngoài vào trình: <br> <br>- Các cô bên nhà cụ đang chờ cậu ở ngoài cửa đấy. Chưa biết là việc gì. <br> <br>1 Tức Thích Huyền Trang, người đời Đường, sang Ấn Độ lấy kinh. Vua không cho đi, ông ta trốn ra cửa Ngọc Quan, rồi đến Thiên Trúc, vào chào Thượng tọa giới hiền. Người cho vào nước Chi Lạ Vua nước ấy cấp cho Đường Tăng con tuấn mã chở kinh về, tất cả hơn 600 bộ. <br> <br>2 Hạng Võ nước Sở, rất khỏe, một tay nhấc được vạc nặng nghìn cân. <br> <br>3 Đây là lối nói của một bà già nhà quê, không biết cách tính toán thế nào.