Hồi 6: Mối thăm thù trong cổ miếu
Hồi 6: Mối thăm thù trong cổ miếu
Người ngã từ trên mái nhà xuống hình như đã trúng phải một quả chưởng thôi sơn, nên thân mềm nhũn, chân tay bụi xụi.
Phàm trong nguyên tắc vũ công một vũ sĩ bị té bất kỳ trường hợp nào, thân hình phải co lại, tay ôm chặt lấy chân, đều thu gọn vào giữa hai đầu gối, như vậy tai nạn sẽ được hạn chế mà tính mạng sẽ được bảo đảm.
Nhìn qua lối rơi của người bạn trận, bọn người Quách-Tỉnh có cảm giác như người ấy phải bị một tai họa ghê gớm.
May thay, lúc đó Hoàng-Dung phóng mình ra kịp, đưa tay đỡ. Nạn nhân vừa được húng đặt xuống đất thì Hoàng-Dung đã bung người nhảy lên mái ngói. Quách-Tỉnh cũng nhảy theo.
Chỉ trong loáng mắt Hoàng-Dung đã chặn đứng đối phương để so tài sao thấp.
Hoàng-Dung biểu diễn những đường võ cực kỳ lợi hại, đến liên tiếp trong mười hiệp nàng mới cảm thấy võ công của nàng lúc nầy còn tinh tế hơn cách đây mười năm.
Mà đối thủ của nàng lúc đó không ai xa lạ chính là lão Tây-độc Âu-dương-Phong vậy.
Âu-dương-Phong cũng tỏ ra không kém, quả là danh bất hư truyền. Lão tiến thối công thủ một mực chín chắn, trầm tĩnh không để lộ một sắc thái nào để cho đối thủ có thể đo lường được sức lực và chiến thuật của mình.
Hoàng-Dung đánh một lúc bỗng la lớn:
- Âu-Dương tiên sinh:
Tây-Độc nghe tiếng kêu ngơ ngác hỏi:
- Ngươi gọi ta là gì?
Đường quyền của lão trở nên chểnh mảng, lão lui về thế thủ.
Chính vì hai tiếng "Âu-dương" đã nhắc cho lão nhớ mang máng cái gì trong ký ức, nhưng lão không rõ hai tiếng đó do đâu mà lão có cảm giác quen thuộc.
Vừa chống đỡ những đòn chưởng của Hoàng-Dung, lão vừa hỏi:
- Ngươi vừa gọi ta là gì nhỉ?
Quách-Tỉnh điềm tĩnh chờ Hoàng-Dung trả lời, nhưng Hoàng-Dung biết lão còn trong điên dại, chưa thoát khỏi việc uất ức phát khởi từ lúc thất bại ở Hoa-sơn, nên nàng ranh mãnh trả lời:
-Tôi gọi tiên sinh là... Triệu-Tiễn, Tôn-Lý, là Châu-Ngô Trần-Vương.
Hoàng-Dung đọc một tràng tên họ cốt để làm rối loạn thêm tinh thần Âu-dương-Phong.
Tội nghiệp cho lão đã ngơ ngác lại càng ngơ ngác không hiểu gì cả.
Quách-Tỉnh vốn tánh thuần hậu không nỡ để cho vợ mình tấn công một ông lão còn đang trong tình trạng bất thường nên xen vào nói:
- Ông lão ơi! Ông nên đi nơi khác! Tốt hơn đừng bao giờ ta gặp nhau nữa.
Giữa lúc đó, bỗng từ đàng sau có tiếng hét lớn:
- Mày chính là tên độc ác nhứt đời, đã một tay sát hại năm vị anh hùng huynh đệ của đời ta.
Tiếng hét vừa dứt thì bóng cây thiết trượng vừa bổ xuống ngang lưng Âu-dương-Phong.
Tiếng thét ấy chính là của Kha-trấn-ác, thủ lãnh nhất hùng nổi tiếng đất Giang-nam.
Quách-Tỉnh hoảng kinh vội la lớn:
- Hãy khoan tay! Sư phụ!
Nhưng đã trễ, cây thiết trượng đã bổ nhào xuống lưng Âu-dương-Phong.
Mà lạ thay! Cây thiết trượng vừa đánh xuống lại dội lên rồi văng khỏi tay Kha-trấn-ác kéo cả người theo.
Chiếc vũ khí nầy vốn nặng ngàn cân, lại bị tung rất mãnh liệt, lúc rơi vào mái nhà phá tan một lỗ ngói, đến lúc rớt xuống đất trúng phải một khách trú đang mơ màng giấc điệp, làm cho người khách nầy bị gãy cả hai chân, nên la thảm thiết.
Quách-Tỉnh thấy Kha-trấn-ác cùng vũ khí rơi xuống một lượt, chàng không lo ngại cho sinh mạng Kha-trấn-ác mà chỉ lo việc Âu-dương-Phong đuổi theo. Chàng liền nhảy ra nghênh địch, hét lớn:
- Âu-dương-Phong! Hãy xem đây!
Đoạn Quách-Tỉnh múa hai tay thành hai vòng khuyên, thoăn thoắt tới lui vừa thủ thế vừa khiêu khích.
Đó là ngón võ đắc ý nhất của Quách-Tỉnh, một trong mười tám đường độc đáo gọi là "Giáng long" mà từ mười năm trước Quách-Tỉnh nhờ nó mới nổi tiếng khi đương cự với các anh hùng trong thiên hạ.
Âu-dương-Phong vừa vận dụng quá nhiều sức lực để đánh bật Kha-trấn-ác, nên cảm thấy trong người thiếu hơi thở, lại đứng ngược chiều gió nên càng thấy ngột ngạt khó chịu.
Trước ngón đòn danh tiếng của Quách-Tỉnh, Âu-dương-Phong không thể khinh địch, lão liền xoay lại tránh hướng gió, và phóng mình xuống để thi thố ngón "Hàm mô công". Thế là hai kỳ phùng địch thủ đã đem sở trường của mình để đối chọi với nhau.
Quách-Tỉnh càng tiến sát vào địch thủ thì chưởng lực càng tăng. Mà Âu-dương-Phong càng chờ đợi thì chưởng lực càng tập trung thêm.
Khi hai bên sắp sáp chiếu, Âu-dương-Phong miệng "ngoạp! ngoạp! ngoạp!" mấy tiếng, hai tay tung ra như hai lưỡi búa. Nhưng gặp phải chưởng lực "Giáng long" của Quách-Tỉnh làm cho thân thế hai địch thủ đều tăng lên cao chấn động cả một bầu không khí.
Đã mười năm qua không gặp nhau lần này quả thật là lần kỳ ngộ giữa đôi anh hùng.
Cuộc đấu của họ ngày nay không phải hào hùng trong đường quyền hay đấu pháp, mà chính trong nội công chiến đấu. Họ đóng phí sức lực vào những ngón võ tầm thường, vào chưởng lực để thách thức nhau sức chịu đựng sức tập luyện công phu. Cho nên mỗi lần chưởng lực gặp nhau là mỗi lần bị sức phản ứng. Sức phản ứng phát ra làm rung rinh mọi vật, lá cây rơi lác đác, ngói nhà nứt răng rắc.
Cuộc đấu chiến chỉ trong giây lát mà một khoảng mái nhà làm đấu trường chịu không nổi bị vẹo xuống vỡ lở như một chiếc bành tráng bể. Hai đối thủ cùng bị rơi xuống đất một lúc. Tình cờ họ lại rơi ngay vào phòng, nơi mà người khách bất hạnh bị chiếc thiết trượng của Kha-trấn-ác làm gãy chân lúc nãy. Nào ngói, nào gạch, nào cây cối chôn lấp nạn nhân, chỉ còn nghe tiếng rên siết.
Hai hiệp sĩ đứng trên đống ngói vụn, họ vờn nhau xung quanh một cột trụ trên tiếng rên thảm thiết của kẻ khốn nạn. Không ai mà cả hai đối thủ đều chẳng dám vận dụng chưởng lực sợ thân hình của nạn nhân sẽ bị nát bấy dưới mấy bàn chân tưa.
Hoàng-Dung vừa nhảy xuống thấy tình thế không lợi cho Quách-Tỉnh vì đối với Tây-độc Âu-dương-Phong mà chiến đấu ngoài vòng chưởng lực Giáng-long thì khó mong thắng được.
Như thế, Hoàng-Dung thấy trước cái hại của Quách-Tỉnh nên lanh trí la lớn:
- A! Trương-Ba! Lý-Bôn! Triệu-Năm! Hãy xem đây.
Dứt lời, nàng đánh một chưởng rất nhẹ vào lưng Âu-dương-Phong. Chưởng ấy thuộc vào loại Lạc-Anh chưởng pháp: một loại chưởng tuy nhẹ nhàng song trúng phải thì dù gân cốt có luyện tập cường tráng như Âu-dương-Phong cũng phải tê liệt và nội tạng sẽ bị hoàn toàn rối loạn.
Tuy nhiên, Âu-dương-Phong vừa nghe Hoàng-Dung thốt lên câu nói dị thường, biết rằng nàng dùng thủ đoạn tâm lý để tấn công bất ngờ nên lão đã chuẩn bị trước.
Quả nhiên, đòn chưởng Lạc-Anh vừa hạ xuống thì bị quả thôi sơn của Tây-độc đánh bạt đội trúng Quách-Tỉnh văng ra xa còn Hoàng-Dung té xuống đất.
Muốn áp đảo đối phương, Âu-dương-Phong một lúc phải dùng quả thôi sơn đánh ngã hai đối thủ, nên ông ta cũng lăn lộn, vì ông ta đã đánh phải tấm giáp bào bằng da nhím của Hoàng-Dung. Chính tấm giáp này đã làm cho Âu-dương-Phong lảo đảo.
Cả ba đấu thủ đều lo lắng sợ phần thất bại về mình. Họ không còn kể gì đến nạn nhân bị gãy chân rên siết nữa, họ vận dụng hết chưởng lực để một còn một mất trong trận đấu cuối cùng.
Nhưng chưởng lực họ càng tập trung thì không khí càng ngưng đọng khiến cho hơi thở của mỗi người dần dần đi đến chỗ ngột ngạt.
Bỗng Quách-Tỉnh và Âu-dương-Phong cùng thổi lên một lượt vừa để ra hiệu khai chiến, vừa để thu hút một ít không khí dự trữ cho cuộc đấu.
Không khí vốn đã bị ngưng đọng vì chưởng lực tập trung lại bị đốt phá vì âm thanh của hai tiếng thét cùng phát đi một lúc làm chấn động cả toà nhà mái tường ào ào sập đổ. Mọi người trong khách điếm tưởng như đến giờ tận thế kéo nhau chạy ra khóc lóc. Tiếng kêu ơi ới giữa cảnh ngói đổ nhà tan.
Quách-Tỉnh và Âu-dương-Phong hét xong thì người nào cũng bị máu trào ra khỏi họng, lại gặp lúc tường xiên nhà sập, khói bụi mịt mờ, không còn thấy ai nữa.
Mãi đến lúc vợ chồng Quách-Tỉnh dìu nhau ra khỏi nơi đó thì không còn thấy bóng Âu-dương-Phong đâu nữa.
Một người a hoàn mách lại rằng nó có thấy bóng một lão già phi thân ngược đầu về hướng đông.
Hoàng-Dung gặp Kha-trấn-ác đang bế Quách-Tỉnh vào lòng liền nói:
- Thưa sư phụ, nhờ sư phụ trao lại con bé Quách-Phù cho con và cõng Quách-Tỉnh ra khỏi nơi nầy tìm chốn trú ẩn rồi sẽ hay.
Thế rồi, cả bọn người cõng người dắt cùng nhau tiến về hướng đông.
Bấy giờ, Quách-Tỉnh tinh thần vẫn minh mẫn nhưng không nói được vì chưởng lực của Âu-dương-Phong đánh trúng vào lưng và cũng vì phí sức quá nhiều vào việc tập trung chưởng lực.
Nằm trên lưng Kha-trấn-ác lắc lư theo nhịp bước. Quách-Tỉnh lần lần lấy lại sức, hơi thở điều hoà và chưa được bao nhiêu thì Quách-Tỉnh tỉnh hẳn.
Chàng nói với Kha-trấn-ác:
- Thưa sư phụ, con đã hồi sinh, xin sư phụ để con xuống.
Kha-trấn-ác mừng rỡ hỏi:
- Con đã bình phục sao?
Quách-Tỉnh gật đầu thưa:
- Lão Âu-dương-Phong quả thật lợi hại! Giao đấu với hắn chỉ mấy hiệp mà tổn đến bao nhiêu sức lực.
Rồi Quách-Tỉnh nhìn quanh không thấy Dương-Qua đâu liền hỏi:
- Dương-Qua sao không thấy tung hành?
Kha-trấn-ác không biết Dương-Qua là tên đứa bé nên ngơ ngác nhìn, Hoàng-Dung vội đỡ lời đáp:
- Anh đừng bận tâm. Chúng ta hãy tìm nơi trú ngụ đã. Còn thằng bé em sẽ đi tìm sau.
Bấy giờ trời đã mờ sáng, vạn vật bắt đầu hiện ra dưới màn sương đục. Quách-Tỉnh nói:
- Thương tích của anh đã đỡ. Vậy để anh cùng em đi tìm Dương-Qua.
Hoàng-Dung cau mày nói:
- Thằng bé nầy lanh lợi lắm! Hơi đâu mà lo.
Quả thật, Hoàng-Dung vừa dứt lời thì thấy xa xa bên kia đường sau một phiến đá trắng thấp thoáng bóng một đứa bé. Hoàng-Dung băng đường chạy đến xem thì quả nhiên là Dương-Qua.
Thằng bé cười hì hì thưa:
- Thưa chú! Thưa thím!
Giọng nói nọ tự nhiên và dịu dàng như đã quen thuộc từ lâu. Và hình như nó đã quen dùng lối xưng hô thân mật này đối với người xa lạ.
Hắn nói tiếp:
- Con chờ mãi chú thím mới đến.
Hoàng-Dung nghi hoặc nhưng chưa khám phá ra được điều gì khả dĩ đành phải làm lơ để dò xét. Nàng giả như không quan tâm, nói:
- Thôi, cháu hãy mau theo chúng ta.
Dương-Qua vừa cười, vừa lểnh mểnh chạy theo sau.
Quách-Phù bấy giờ đã tỉnh ngủ, thấy Dương-Qua, mừng rỡ nói:
- Anh đi đâu đến bây giờ mới thấy mặt.
Dương-Qua trả lời:
- Tôi đi bắt dế! Thật vui đáo để.
Quách-Phù bĩu môi hỏi lại:
- Vui gì tuồng chơi dế! Anh thấy vui thế nào?
Dương-Qua kể:
- Trời ơi! Sao lại không vui! Này, một con dế lớn đấu với ba con dế nhỏ, rồi hai con dế nhỏ nữa phụ lực. Thế là tất cả có năm con dế nhỏ đấu với một con dế lớn. Nhưng con dế lớn một mình cự cả năm con dế nhỏ, hẩy con này ngã bên này, con kia ngã bên kia...
Nói đến đây Dương-Qua im bặt, khiến cho Quách-Phù tò mò hỏi:
- Thế rồi sao nữa?
Dương-Qua chẩu miệng nói:
- Bảo rằng chơi dế không vui sao còn hỏi làm gì?
Quách-Phù phật ý không thèm hỏi, cũng chẳng nhìn mặt Dương-Qua nữa.
Hoàng-Dung tinh ý, biết đứa nhỏ nầy không phải quá ngây ngô đơn giản, liền hỏi dò:
- Thế sao cháu bảo là mãi đi tìm chúng ta? Thì giờ đâu mà cháu đi coi đá dế. Chẳng hay dế ấy của ai vậy?
Dương-Qua không suy nghĩ, trả lời:
- Cháu vừa xem đấu dế, vừa chờ chú thím. Cháu đến đây thì dế đã tản mác hết rồi.
Cả đoàn người vừa đi vừa nói chuyện, phút chốc đã đến một thôn nhỏ. Họ gõ cửa một thất viên lớn mà chủ nhân nổi tiếng là người trọng khách.
Thấy Quách-Tỉnh thọ thương, chủ nhân sai gia đình dọn dẹp chỗ nghỉ ngơi rồi lo cơm nước.
Quách-Tỉnh ăn qua loa mấy miếng rồi lên giường an giấc. Còn Hoàng-Dung thấy chồng ngủ ngon, biết thương tích không đáng kể, liền vào phòng riêng để xem lại chiếc giáp lông nhím mà nàng dùng làm vật hộ thân. Đó là một bảo vật của Đào-hoa đảo đã từng cưú mạng Hoàng-Dung nhiều lần. Nhưng khi Hoàng-Dung vừa cởi nó ra thì thấy sau lưng chiếc giáp đều bấy nát, nàng lấy tay rờ áo thì chiếc giáp rơi ra một mãnh lớn đúng hình chiếc chưởng thôi sơn của Âu-dương-Phong.
Hoàng-Dung vừa khiếp sợ chưởng lực của Âu-dương-Phong vừa tiếc cho một bảo vật bị huỷ phá.
Nàng trở lại bên cạnh chồng cầm chiếc quạt phe phẩy cho Quách-Tỉnh ngủ. Đôi mắt nàng lim dim mà trong trí nàng lại hiện ra hình ảnh của thằng bé Dương-Qua với trăm ngàn câu hỏi thắc mắc.
Rõ ràng lúc Âu-dương-Phong đánh hạ Vũ-tam-Thông rơi xuống đất, Dương-Qua đã cùng Quách-Tỉnh nhảy lên mái ngói chứng kiến. Thằng bé lại có mặt lúc các đấu thủ đấu nhau ở trên đống ngói vụn. Hoàng-Dung lại còn nhớ rõ lúc nàng nhảy xuống lỗ hổng để bảo vệ Quách-Tỉnh thì nó cũng có mặt bên cạnh. Nhưng lạ thay, nơi nó đứng cũng không ngoài tầm chưởng lực của Âu-dương-Phong, thế mà sao nó không sợ hãi, mà vì sao Âu-dương-Phong lại không hạ nó? Rồi đến lúc cả đôi vợ chồng bị đả thương sao nó lại biến mất giữa cảnh nhà hư đổ nát để rồi xuất hiện đúng lúc tại nơi đây?
Nhưng nỗi thắc mắc nầy Hoàng-Dung một mình tự tìm lấy câu giải đáp, và nhất cử nhất động đều để ý đến Dương-Qua.
Đêm hôm ấy, không có gì lạ xảy ra. Kha-trấn-ác và Dương-Qua cùng nghỉ chung một phóng nhỏ. Vào khoảng nửa đêm, Dương-Qua thức dậy, rón rén mở cửa, nhẹ nhàng bước ra ngoài. Nhìn lại nó thấy Kha-trấn-ác ngủ say trong mỏi mệt, nó leo qua đầu tường, vừa định buông người xuống thì hai con chó trông thấy cất tiếng sủa. Nó đã chuẩn bị trước hai cục xương bò từ bữa ăn chiều, liền quăng ra. Hai con chó được mồi ngon dành nhau tha chạy mất.
Bấy giờ Dương-Qua cẩn thận nhảy xuống. Và sau khi nhìn sao nó hướng về phía tây đi thẳng.
Đi được bảy tám dặm đường đến một ngôi cổ miếu, Dương-Qua bước vào đẩy cổng, gọi nhỏ:
- Cha ơi! cha! Con đến đây!
Có tiếng đáp nhỏ của Âu-dương-Phong. Hắn mừng rỡ chạy vào thấy nghĩa phụ của hắn đang nằm dài trước một pho tượng, hơi thở mệt nhọc.
ấy vì Âu-dương-Phong đã có tuổi mà đấu với Quách-Tỉnh một đối thủ anh hùng, nên mất nhiều sức và lâu phục hồi. Còn Quách-Tỉnh trong tuổi thành niên, dẫu mệt nhọc nhưng dễ mau lại sức.
Dương-Qua ngồi một bên, rút trong túi lấy ra mấy chiếc bánh lột vỏ đút vào miệng Âu-dương-Phong.
Lão già ăn xong hỏi:
- Bọn chúng bây giờ ở đâu?
Dương-Qua nhất nhất kể lại đầu đuôi mọi chuyện cho Âu-dương-Phong nghe.
Chắc độc giả thắc mắc tại sao Dương-Qua biết Âu-dương-Phong ngụ nơi cổ miếu mà tìm đến.
Nguyên vì khi Dương-Qua cùng vợ chồng Quách-Tỉnh trú ngụ trong khách điếm thì vào khoảng nửa đêm Âu-dương-Phong đến tìm, thăm nghĩa tử.
Tình cờ đêm ấy Vũ-tam-Thông sau khi bị Lý-mạc-Thu đả thương cũng đến trú ngụ cùng một khách điếm. Cả đêm bị vết thương hành, Vũ-tam-Thông không thể nào chợp mắt được. Bỗng nghe tiếng động trên mái nhà, Vũ-tam-Thông ngỡ Lý-mạc-Thu trở lại, nên mặc dù đang đau ông ta cũng đăng thân lên mái nhà để nghênh chiến.
Chẳng ngờ trên mái nhà không phải là Lý-mạc-Thu mà lại là Âu-dương-Phong, một địch thủ đã từng làm đánh gục Vũ-tam-Thông lúc thiếu thời.
Thật ra, Vũ-tam-Thông không có ý đấu với Âu-dương-Phong trong lúc nầy, nhưng đã gặp tất phải ra tay. Hai bên đánh chưa đầy mười hiệp, Âu-dương-Phong dùng chưởng thuật đánh rơi Vũ-tam-Thông xuống đất. Rồi kế đó là cuộc đấu chiến với vợ chồng Quách-Tỉnh. Mọi việc đều xảy ra trước mắt Dương-Qua cả.
Đến khi cả hai bên đấu thủ đều thọ thương, và nhân giữa cảnh nhà hư bụi đổ, Dương-Qua thấy không ai chú ý đến mình nhân cơ hội đăng thân theo bóng nghĩa phụ.
Lão già ban đầu phi thân quá mau, Dương-Qua theo không kịp nhưng về sau dần dần thương thế trầm trọng, tốc độ giảm dần. Rồi cuối cùng phải nhờ Dương-Qua dìu đi Âu-dương-Phong mới đến được ngôi cổ miếu để ẩn trú.
Dương-Qua tuy còn bé, song trí óc vô cùng minh mẫn. Nó tự bảo rằng nếu nó không trở về với bọn Quách-Tỉnh thì nhất định họ sẽ đi tìm và như thế sẽ làm lộ tung tích của Âu-dương-Phong.
Nghĩ như thế, nó trở ra đường lớn đón chờ nhập bọn để rồi nửa đêm hôm sau nó lại lén đến cổ miếu để thăm viếng Âu-dương-Phong.
Sau khi ăn mấy chiếc bánh, Âu-dương-Phong thấy hơi khỏe, nói với Dương-Qua:
- Tên họ Quách vừa ăn một quả chưởng của ta, trong bảy ngày nữa chưa chắc nó đã bình phục hẳn. Nó chưa bình phục thì vợ nó không thể rời. Như thế cha không sợ chồng nó đến đây. Cha chỉ sợ tên chột mắt thế nào nó cũng tìm đến vì chính tay cha đã sát hại năm anh em chúng nó nhân cơ hội nầy nó đánh trả thù. Tiếc rằng sức khỏe của cha chưa hồi phục được...
Âu-dương-Phong nói đến đây thốt ra một tràng ho làm dứt cả tiếng.
Dương-Qua ngồi bên cạnh đưa tay vuốt ngực nghĩa phụ, và trong óc lay hoay tìm cách đối phó với Kha-trấn-ác.
Được một lúc, hắn lẩm bẩm:
- Tốt lắm! Ta sẽ có kế làm cho lão già mù lòa đến đây phải mang họa.
Nó chạy đến bàn thờ lấy hai chân đèn và chiếc lư hương đổ tro xuống đất bước lại khung cửa ra vào.
Nó đóng nhẹ cánh cửa lại, leo lên trên đầu cửa, cột lỏng chiếc lư đồng vào đấy; rồi nhảy xuống tháo hai chân đèn bỏ rải rác ngay ở lối vào.
Bố trí xong, nó leo lên giá chuông nấp ở đấy. Chiếc chuông nầy nặng vào khoảng hai ba ngàn cân treo lủng lẳng trên không buộc vào giá chuông bằng một sợi dây thừng rất thô và chắc.
Dương-Qua vừa leo, lên giá chuông thì bỗng bên ngoài có tiếng vi vút quen thuộc rõ ràng là chiếc thiết trượng của Kha-trấn-ác đang phi thân đến.
Âu-dương-Phong cũng nghe biết địch thủ sắp đến nơi, liền thu hết tàn lực gượng dậy để ứng địch.