Hồi 23: Tòng thử túy
Hồi 23: Tòng thử túy
Hai tiếng đó không có gì lớn nhưng đầy vẻ uy nghiêm. Vương Ngữ Yên quay trở vào, cúi đầu lặng thinh. Vương phu nhân chăm chăm nhìn làn khói xanh biếc trong chiếc lò hương lững lờ bay lên, hỏi nhỏ:
-Yên nhi, con biết những gì? Không được dấu mẹ, nói hết tất cả cho ta nghe.
Vương Ngữ Yên cắn môi nói:
-Cô trách mạ giết người bừa bãi, đắc tội với quan nha lại kết oán gây thù với võ lâm.
Vương phu nhân đáp:
-Đúng đó! Chuyện này là chuyện riêng của nhà họ Vương, có liên can gì đến nhà Mộ Dung đâu? Bà ấy bất quá chỉ là chị của cha con, có quyền hành gì mà ước thúc ta? Hứ, họ Mộ Dung mấy trăm năm nay, lúc nào cũng mơ chuyện "hưng phục Yên quốc", tính chuyện liên lạc anh hùng hào kiệt để họ sai sử. Liên lạc chưa xong lại gây gỗ với người ta, đến cả Cái Bang và phái Thiếu Lâm cũng đắc tội với họ nữa.
Vương Ngữ Yên nói:
-Thưa mạ, Huyền Bi hòa thượng của phái Thiếu Lâm nhất định không phải do biểu ca giết, anh ấy đâu có biết...
Nàng vừa toan đề cập đến ba tiếng Vi Đà Chử vội vàng nín bặt, nếu như mẫu thân tra hỏi ở đâu ra thì Đoàn Dự khó mà thoát khỏi cái họa sát thân nên nói trớ ra:
-... võ công chưa tới được mức đó.
Vương phu nhân nói:
-Phải đó! Lần này y lên chùa Thiếu Lâm. Chắc là mấy con a đầu lắm chuyện đó kể cho con nghe chứ gì? Nam Mộ Dung, Bắc Kiều Phong, gớm, tên tuổi lẫy lừng quá hỉ? Thế nhưng một Mộ Dung Phục, thêm gã Đặng Bách Xuyên lên chùa Thiếu Lâm thì làm được chuyện gì? Thật là không biết lượng sức mình.
Vương Ngữ Yên tiến lên mấy bước, khẩn khoản nói:
-Mạ ơi, sao mạ không nghĩ cách nào cứu anh ấy một phen, sai người tới tiếp ứng được không mạ? Anh ấy... anh ấy là con trai duy nhất của dòng Mộ Dung, nếu như có gì bất trắc, Cô Tô Mộ Dung ắt sẽ không còn ai nối dõi.
Vương phu nhân cười khẩy:
-Cô Tô Mộ Dung, hừ, nhà Mộ Dung có liên can gì đến ta đâu? Bà cô mi nói Hoàn Thi Thủy Các tàng trữ sách vở còn nhiều hơn Lang Hoàn Ngọc Động của nhà này nữa cơ mà, thì để thằng con cưng Mộ Dung Phục của bà ấy đến chùa Thiếu Lâm đại hiển uy phong càng tốt chứ sao.
Vương Ngữ Yên mắt rưng rưng, cúi đầu đi ra, lòng ngổn ngang như mối tơ vò không biết phải tính sao, đi đến hành lang mé tây hiên, bỗng nghe tiếng người hỏi nhỏ:
-Cô nương, chuyện ra sao?
Vương Ngữ Yên ngẩng đầu nhìn lên, hóa ra Đoàn Dự, hoảng hốt nói:
-Anh... anh chớ có nói chuyện với tôi.
Thì ra Đoàn Dự thấy Vương Ngữ Yên đi rồi, tính gàn bướng nổi lên, mê mê mẩn mẩn đi theo cô gái. Chàng ở xa xa đứng chờ, đợi khi nàng từ phòng Vương phu nhân đi ra, lại lẽo đẽo đi theo. Chàng thấy Vương Ngữ Yên mặt mày ủ rũ, biết ngay Vương phu nhân không bằng lòng, liền nói:
-Nếu như phu nhân không đáp ứng, mình phải tìm cách khác.
Vương Ngữ Yên đáp:
-Mẹ tôi không chịu thì còn cách nào nữa mà hỏi? Bà ấy... bà ấy... nhất định thõng tay đứng ngoài mặc cho biểu ca gặp nguy nan.
Nàng càng nghĩ càng thêm xót xa, nhịn không nổi nước mắt lại ứa ra. Đoàn Dự nói:
-Ồ, nếu như Mộ Dung công tử đang gặp nguy nan...
Đột nhiên chàng nghĩ ra một việc bèn hỏi ngay:
-Cô biết võ công nhiều như thế, sao không đích thân đi giúp cho anh ta?
Vương Ngữ Yên giương mắt chăm chăm nhìn chàng, dường như câu nói của Đoàn Dự là một chuyện kỳ quái nhất trên đời, một hồi sau mới nói:
-Tôi... tôi chỉ biết võ công nhưng chính mình lại không biết sử dụng. Hơn nữa, tôi làm sao mà đi được? Mẹ tôi nhất định không bằng lòng đâu.
Đoàn Dự mỉm cười nói:
-Mẹ cô nhất định là không cho đi rồi, thế nhưng cô không len lén đi được hay sao? Tôi đã từng bỏ nhà ra đi, về sau quay về, cha mẹ tôi cũng không la rầy chi cả.
Vương Ngữ Yên nghe thấy chàng nói thế, xem ra có chút hi vọng thoát được bế tắc, đôi mắt sáng lên, nghĩ thầm: "Đúng đó! Ta len lén đi ra giúp biểu ca". Nàng nghĩ đến mình sẽ vì biểu ca mà phải chịu khổ đau hoạn nạn, trong lòng vừa chua chát, vừa ngọt ngào, lại nghĩ: "Người này nói rằng anh ta đã từng lén bỏ nhà ra đi, ồ, sao trước nay mình chưa bao giờ nghĩ đến chuyện này nhỉ?".
Đoàn Dự liếc nhìn thần sắc nàng biết cô gái đã xiêu lòng nên càng hết sức thúc giục, khuyên:
-Thế cô quả chỉ sống trong Mạn Đà Sơn Trang, chưa từng ra ngoài nhìn thấy cuộc đời đầy hoa lệ kia hay sao?
Vương Ngữ Yên lắc đầu:
-Có gì phải đáng xem đâu? Tôi chỉ lo cho biểu ca. Có điều trước nay tôi chưa từng luyện võ, nếu như anh ta gặp nguy hiểm, tôi cũng không giúp được gì.
Đoàn Dự nói:
-Sao cô lại bảo là không giúp được gì? Giúp được nhiều lắm chứ. Khi biểu ca cô động thủ với người ngoài, cô chỉ cần đứng ngoài nói vài câu thì giúp cho anh ta nhiều lắm, cái đó gọi là "đứng ngoài sáng nước". Mới đây chưa lâu tôi xem đánh cờ, người ta trông tưởng thua, tôi đứng ngoài chỉ cho vài nước liền lật ngược tình thế.
Vương Ngữ Yên nghe thấy thật có lý nhưng vẫn chưa đủ can đảm, ngần ngừ đáp:
-Tôi trước nay chưa từng ra khỏi cửa, đâu có biết chùa Thiếu Lâm ở nơi mô?
Đoàn Dự lập tức vớ ngay cơ hội nói:
-Để tôi đưa cô đi, trên đường có chuyện gì, một mình tôi đối phó cho.
Chàng vốn dĩ chẳng có bao nhiêu kinh lịch giang hồ nhưng lúc này đâu có dại gì mà nói ra. Đôi lông mày xinh xắn của Vương Ngữ Yên nhíu lại, nghiêng đầu trầm ngâm không biết tính thế nào cho phải. Đoàn Dự hỏi lại:
-A Châu, A Bích hai người ra sao rồi?
Vương Ngữ Yên đáp:
-Mạ tôi không chịu tha cho họ.
Đoàn Dự tiếp lời:
-Thôi thì đâm lao phải theo lao, nếu như A Châu, A Bích bị chặt đứt một cánh tay, biểu ca cô thể nào cũng trách cô, chi bằng mình cứu hai người đó ra, cả bốn người cùng đi một lượt.
Vương Ngữ Yên le lưỡi nói:
-Nếu làm chuyện đại nghịch bất đạo như thế lẽ nào mạ tôi để yên? Anh ni thế mà to gan thật!
Đoàn Dự biết rằng ngoài biểu ca nàng ra không chuyện gì có thể lay chuyển được lòng nàng nên giả đò lấy thoái làm tiến nói:
-Nếu đã vậy thì mình phải đi ngay mới được, cứ để cho mẹ cô chặt tay A Châu, A Bích. Sau này nếu như biểu ca cô hỏi đến, cô cứ nói là không biết, tôi nhất quyết không tiết lộ chuyện này đâu.
Vương Ngữ Yên vội nói:
-Sao lại thế được? Như thế có phải là nói láo biểu ca sao?
Nàng trong lòng ngần ngừ nói:
-Ôi, Chu Bích nhị tì nữ là người tâm phúc, phục thị anh ta từ bé, nếu chuyện này xảy ra thì họ Mộ Dung với họ Vương nhà tôi thù oán ngày càng thêm sâu.
Nàng dậm chân một cái nói:
-Thôi anh đi theo tôi vậy.
Đoàn Dự nghe thấy nói "Thôi anh đi theo tôi vậy" thật mừng không để đâu cho hết, trong đời chàng chưa bao giờ nghe câu nào ngọt ngào đến thế, thấy nàng đi về hướng tây bắc liền lẽo đẽo theo sau. Chỉ trong giây lát, Vương Ngữ Yên đã đưa chàng đến một căn nhà đá lớn gọi:
-Nghiêm má má, bà ra đây ta có chuyện cần nói với mụ.
Chỉ nghe thấy từ trong nhà tiếng cười khịt khịt nghe thật quái đản, một giọng nói khàn khàn vọng ra:
-Hảo cô nương, cô đến xem Nghiêm má má làm phân bón đấy hỉ?
Đoàn Dự lúc nãy nghe U Thảo và Tiểu Mính nói A Châu, A Bích bị đưa xuống Hoa Phì Phòng, lúc đó chẳng để ý đến, lúc này nghe giọng nói lạnh lẽo đầy âm khí nhắc tới "phân bón" mới thấy giật mình: "Cái gì mà phân bón? Phải chăng phân để trồng hoa? Chao ôi! Vương phu nhân cực kỳ tàn nhẫn, giết người như ngóe lấy thịt người làm phân bón hoa trà. Không biết mình tới có trễ mất không, hai nàng Châu Bích bị chặt tay rồi thì biết làm thế nào đây?". Tim chàng đập thình thình, mặt mày tái mét không còn một giọt máu.
Vương Ngữ Yên nói:
-Nghiêm má má, mạ tôi có chuyện muốn nói với má má, mụ đi lên ngay.
Người đàn bà trong thạch thất nói:
-Ta đang bận. Phu nhân có chuyện chi gấp gáp mà phải sai tiểu thư đến tận đây?
Vương Ngữ Yên đáp:
-Mạ ta hỏi... ồ... bọn nớ đến chưa?
Nàng vừa nói vừa đi vào trong phòng, thấy A Châu và A Bích hai người bị trói vào hai cái cột sắt, trong miệng bị nhét vật gì đó, đôi mắt rưng rưng nhưng không sao nói được. Đoàn Dự thò đầu vào thấy hai nàng chưa sao cả cũng an tâm phần nào, nhìn qua bên kia thì tim lại đập rộn lên. Chỉ thấy một mụ già lụm cụm tay cầm một con dao dài sáng loáng, bên cạnh là một vạc nước đang đun, hơi nước bốc lên ngùn ngụt.
Vương Ngữ Yên nói:
-Nghiêm má má, mạ tôi nói thả hai đứa đó ra có việc cần phải tra hỏi chúng cho rõ ràng đã.
Nghiêm má má quay đầu lại, Đoàn Dự thấy mụ mặt mày gớm ghiếc, ánh mắt đầy sát khí, hai chiếc răng nanh thò ra ngoài tưởng chừng như muốn cắn người ta, đủ biết bụng dạ tàn nhẫn đến chừng nào. Mụ ta gật đầu:
-Được, hỏi xong rồi lại đem xuống đây để chặt tay.
Mụ lẩm bẩm nói một mình: "Nghiêm má má ghét nhất là mấy đứa con gái xinh đẹp. Hai đứa ni có chặt tay rồi vẫn còn đẹp, ta phải nói với phu nhân phải chặt cả hai tay làm phân, lâu nay hoa không được tốt". Đoàn Dự giận quá, nghĩ bụng mụ già này tác ác đa đoan, không biết đã giết bao nhiêu người, tiếc rằng mình trói gà không chặt, nếu không sẽ vả cho mụ ta mấy cái, đánh gãy răng mụ cứu hai nàng Châu Bích ra.
Nghiêm má má tuy già nhưng tai còn thính lắm, Đoàn Dự đứng bên ngoài thở mạnh liền bị mụ ta phát giác ngay, hỏi liền:
-Ai ở ngoài nớ?
Mụ thò đầu ra xem thấy ngay Đoàn Dự liền hầm hầm hỏi:
-Mi là ai?
Đoàn Dự cười nói:
-Ta là người trồng hoa của phu nhân, xuống hỏi Nghiêm má má, đã có phân mới chưa?
Nghiêm má má đáp:
-Mi chờ một chút sẽ có ngay.
Mụ ta quay sang nói với Vương Ngữ Yên:
-Tiểu thư, biểu thiếu gia thương hai đứa ni lắm phải không hè?
Vương Ngữ Yên đáp:
-Phải đó, mụ không nên làm hại đến hai đứa đó.
Nghiêm má má gật đầu:
-Tiểu thư, phu nhân có dặn là, đem chặt tay phải của hai đứa a đầu này tống ra khỏi trang. Phu nhân còn nói thêm: "Từ nay nếu hai đứa mi còn để cho ta thấy mặt là ta chém đầu liền một khi", có phải không nào?
Vương Ngữ Yên đáp:
-Đúng đó.
Hai tiếng đó vừa ra khỏi miệng nàng biết ngay mình bị hố vội đưa tay che miệng. Đoàn Dự trong bụng kêu thầm: "Chao ôi! Cô tiểu thư này không biết nói láo rồi".
Cũng may Nghiêm má má dường như già cả nên lú lẫn, không để ý chút nào đến sơ hở trên nói tiếp:
-Tiểu thư, giây trói ni chặt lắm, cô giúp mụ một tay cởi nó ra.
Vương Ngữ Yên đáp:
-Được rồi!
Nàng tiến đến bên cạnh A Châu, đưa tay cởi giây trói trên cổ tay cô thị tì, bỗng nghe cách một tiếng, từ nơi cột sắt nảy ra một chiếc ngàm kẹp ngay chiếc lưng thon của nàng lại. Vương Ngữ Yên kêu lên một tiếng thất thanh, chiếc ngàm đó choàng vào lưng nàng tuy vẫn còn hở ra mấy tấc nhưng không thể nào thoát thân được.
Đoàn Dự kinh hãi vội vàng chạy vào quát lên:
-Mụ làm gì đó? Có thả tiểu thư ra không nào?
Nghiêm má má cười sằng sặc một cách quái đản nói:
-Phu nhân đã bảo còn gặp hai đứa a đầu này sẽ chặt đầu chúng nó ngay, sao lại còn gọi chúng lên tra hỏi? Phu nhân có biết bao nhiêu là kẻ ăn người làm, cớ chi phải sai tiểu thư đến? Việc này có nhiều điều gì khác lạ. Tiểu thư đợi ở đây một chút để ta đích thân đi lên hỏi lại phu nhân rồi tính sau.
Vương Ngữ Yên giận dữ nói:
-Sao mụ dám hỗn láo thế? Có mau thả ta ra không nào?
Nghiêm má má đáp:
-Tiểu thư, ta đối với phu nhân một dạ trung thành không bao giờ dám làm điều chi sai trái. Cô thái thái nhà Mộ Dung đối với phu nhân chẳng phải chút nào, nói xấu phu nhân nhiều điều, phỉ báng tiếng tăm thanh bạch của phu nhân, phu nhân lộn ruột đã đành mà bọn người dưới chúng ta cũng hận tận xương tủy. Ngày đó nếu như phu nhân chỉ gật đầu một cái, bọn ta lập tức quật mồ cô thái thái lên, lấy xương đem vào Hoa Phì Phòng để bón hoa. Tiểu thư, ta nói cho cô nghe, họ Mộ Dung chẳng có tốt lành chi đâu, hai con a đầu này phu nhân không thể nào tha chúng được. Thế nhưng tiểu thư đã nói vậy thì ta cũng cứ lên hỏi lại phu nhân rồi tính sau, nếu quả đúng là như thế lúc đó mụ sẽ khấu đầu tạ tội, cô đem gia pháp đập vào lưng trừng trị mụ cũng được.
Vương Ngữ Yên hoảng hốt nói:
-Này, này, mụ đừng lên hỏi phu nhân, mạ ta sẽ giận lắm đó.
Nghiêm má má không còn hoài nghi gì nữa, tiểu thư toan tính đánh lận phu nhân giả truyền hiệu lệnh để bảo vệ thị tì biểu ca. Mụ muốn thừa cơ lập công bèn nói:
-Hay lắm, hay lắm, tiểu thư chờ giây lát, ta lên rồi xuống ngay.
Vương Ngữ Yên gọi giật lại:
-Mụ chớ đi, thả ta ra đã rồi tính.
Nghiêm má má nào có để ý gì đến nàng, vội vã đi ra khỏi phòng. Đoàn Dự thấy tình thế cấp bách vội giang tay ra chặn đường mụ ta lại, cười nói:
-Ngươi mau thả tiểu thư ra rồi hãy đi hỏi phu nhân có được không? Mụ là người dưới, không nên đắc tội với tiểu thư.
Nghiêm má má hấp him đôi mắt ti hí, nghiêng đầu qua nói:
-Tên tiểu tử này xem ra cũng có điều gì quấy quá đây.
Mụ vươn tay chộp một cái bắt đúng ngay cổ tay Đoàn Dự lôi chàng xềnh xệch tới cái cột sắt, điều động cơ quan nghe cách một tiếng chiếc ngàm từ trong cột quặp ngay lấy lưng chàng. Đoàn Dự hoảng quá vội vàng lật tay nắm chặt cổ tay mụ nhất định không buông.
Nghiêm má má vừa bị chàng nắm được lập tức thấy nội lực của mình cuồn cuộn tuôn ra, quả thực khó chịu vô cùng, giận dữ quát lên:
-Bỏ tay ra!
Mụ ta vừa lên tiếng nội lực tuôn ra lại càng nhanh hơn, vội hết sức giằng ra nhưng không sao thoát được tay Đoàn Dự, trong bụng kinh hãi kêu lên:
-Xú tiểu tử... mi làm gì thế? Có bỏ ta ra không nào?
Đoàn Dự đối diện với khuôn mặt xấu xí của mụ già hai bên chỉ cách nhau vài tấc. Lưng chàng đã bị trói chặt vào cây cột sắt, không cách gì có thể ngửng đầu lên, mắt thấy những sợi răng vàng khè nhọn hoắt của mụ tưởng như muốn ngoắc vào cổ họng mình, trong bụng vừa kinh hãi, vừa ghê tởm, nhưng biết rằng tình hình như nghìn cân treo trên sợi tóc, chỉ buông mụ ra thì Vương Ngữ Yên bị trách phạt đã đành mà chính mình cùng Châu Bích hai nàng cũng khó mà sống sót. Chàng đành nhắm mắt không dám nhìn mụ ta nữa. Nghiêm má má yếu ớt kêu:
-Mi... mi có bỏ ta ra không nào?
Đoàn Dự lúc trước hút nội lực của bảy tên đệ tử phái Vô Lượng mất một thời gian lâu, về sau lại được thêm nhiều cao thủ cho thêm mỗi người một ít nên nội lực chàng càng lúc càng mạnh, sức hút của Bắc Minh thần công càng lúc càng lớn, nên bây giờ hút nội lực của Nghiêm má má chỉ một loáng là xong. Nghiêm má má tuy hung tợn thật nhưng nội lực chẳng được bao nhiêu, chưa đầy thời gian uống một chén trà thì đã thấy uể oải thở không ra hơi rền rĩ:
-Bỏ... bỏ ta ra, bỏ... bỏ... tay...
Đoàn Dự nói:
-Ngươi mau bấm cơ quan thả ta ra trước.
Nghiêm má má đáp:
-Được! Được!
Mụ ngồi thụp xuống giơ tay vận động cơ quan ở dưới bàn, nghe cách một tiếng chiếc ngàm đang câu quanh người Đoàn Dự thụt về. Đoàn Dự chỉ vào Vương Ngữ Yên và Châu Bích hai người ra lệnh cho mụ ta thả ra.
Nghiêm má má giơ tay bấm cơ quan để mở cho Vương Ngữ Yên, loay hoay một hồi nhưng vẫn không nhúc nhích gì cả. Đoàn Dự giận dữ nói:
-Mụ còn chưa chịu thả tiểu thư ra ư?
Nghiêm má má mếu máo nói:
-Ta... ta không còn chút hơi sức nào nữa.
Đoàn Dự giơ tay luồn xuống bàn mò vào cơ quan ấn một cái nghe cách một tiếng chiếc vòng đang quặp vào lưng Vương Ngữ Yên từ từ tụt vào trong cột sắt. Đoàn Dự mừng lắm nhưng tay vẫn còn phải nắm chặt Nghiêm má má, cúi xuống nhặt chiếc dao dài cắt đứt dây thừng trói tay A Bích. A Bích cầm lấy con dao cắt dây thừng cho A Châu. Hai người móc hột đào nhét trong miệng ra, vừng mừng vừa sợ không nói được nên lời.
Vương Ngữ Yên giương mắt nhìn Đoàn Dự, thần sắc cực kỳ lạ lùng lại có vẻ khinh thị nói:
-Cớ sao anh lại biết sử dụng Hóa Công đại pháp? Môn công phu dơ bẩn đó học làm chi?
Đoàn Dự lắc đầu:
-Đó không phải là Hóa Công đại pháp.
Chàng đang toan thuật lại chuyện mình nhưng một phần vì câu chuyện quá dài, hai nữa chưa chắc cô nàng đã tin chi bằng thuận miệng đặt cho một cái tên thì hơn, bèn nói:
-Đây là một công phu gia truyền của họ Đoàn nước Đại Lý chúng tôi tên là Lục Dương Dung Tuyết Công, rút ra từ Nhất Dương Chỉ và Lục Mạch Thần Kiếm biến hóa mà thành, so với Hóa Công đại pháp thì một bên chính một bên tà, một bên thiện, một bên ác hai bên hoàn toàn không giống nhau.
Vương Ngữ Yên bấy giờ mới tin nở một nụ cười nói:
-Tôi xin lỗi, hóa ra tôi kiến thức hẹp hòi. Nhất Dương Chỉ và Lục Mạch Thần Kiếm của họ Đoàn Đại Lý tôi đã ngưỡng mộ từ lâu, Lục Dương Dung Tuyết Công hôm nay lần đầu mới nghe nói tới, ngày sau thể nào cũng có lúc xin được dạy bảo.
Đoàn Dự thấy mỹ nhân mở mồm xin mình chỉ giáo, quả thật muốn còn chưa xong vội đáp:
-Tiểu thư có chuyện gì cần hỏi, tôi nguyện nói hết cho nghe không dám dấu diếm gì.
A Châu và A Bích có ngờ đâu khi đang nguy ngập lại có Đoàn Dự tới cứu, lại thấy chàng cùng Vương Ngữ Yên hai người nói năng có vẻ hợp nhau quả thật ngạc nhiên. A Châu nói:
-Cô nương, Đoàn công tử, đa tạ hai vị đã đến cứu. Mình nên bắt Nghiêm má má dẫn theo để mụ ta khỏi tiết lộ bí mật.
Nghiêm má má hoảng hốt nghĩ thầm nếu bị hai đứa a đầu này bắt đi, mười phần chết chín kêu lên:
-Tiểu thư, tiểu thư, cô thái thái nhà Mộ Dung nói là phu nhân đi cướp chồng người, còn nói cô...
A Châu liền đưa tay bóp mồm mụ, tay kia cầm ngay hột đào mình vừa nhả ra nhét luôn vào mồm. Đoàn Dự cười nói:
-Hay lắm, cái đó đúng là môn phong nhà Mộ Dung, gọi là "gậy ông đem đập lưng ông".
Vương Ngữ Yên nói:
-Bọn ta và các ngươi cùng đi xem...
Nàng nói tới đây vẻ mặt thẹn thùng nói nhỏ:
-... xem coi anh ấy... anh ấy mần răng?
Nàng vốn dĩ do dự nhưng sau biến cố này cảm thấy quyết tâm hơn. A Châu mừng rỡ đáp:
-Nếu có cô nương đến tiếp viện, quả thật hay lắm. Vậy thì Nghiêm má má mình chẳng cần đưa theo làm gì.
Hai cô gái xách Nghiêm má má lên, kéo đến chiếc cột sắt, vận động cơ quan dùng ngàm sắt kẹp mụ ta lại. Bốn người lẳng lặng đi ra khỏi cửa, rảo bước đi về phía bờ hồ.
Cũng may trên đường không gặp người tì bộc nào, lên thuyền rồi A Châu, A Bích chèo ngay thuyền về phía mặt hồ. A Châu, A Bích và cả Đoàn Dự cả ba đều cố sức chèo cho nhanh, đến lúc quay lại không còn thấy chút hình ảnh cây cối nào của Mạn Đà Sơn Trang nữa bấy giờ mới thấy yên tâm. Tuy nhiên họ vẫn sợ Vương phu nhân cho khoái thuyền ra đuổi theo nên vẫn không dám ngừng tay.
Chèo một hồi lâu thấy trời đã sâm sẩm tối, khói tỏa trên mặt hồ mỗi lúc một dày, A Châu nói:
-Cô nương, nơi đây cách chỗ tì tử ở không xa, xin cô ghé nghỉ tạm một đêm, bàn lại với nhau xem cách nào đi tìm công tử, thế có được không?
Vương Ngữ Yên đáp:
-Ồ, thế cũng được.
Nàng càng xa Mạn Đà Sơn Trang thì càng thêm trầm mặc. Đoàn Dự thấy gió trên hồ thổi vào tà áo nàng phất phơ, khi hoàng hôn xuống hơi lành lạnh, trong đầu bỗng nhiên cảm thấy thê lương, nỗi vui mừng khi vừa mới ra đi càng lúc càng vơi dần.
Lại chèo thêm một hồi, nhìn vào mặt những bạn đồng hành đã thấy đã mông lung, nơi chân trời phía đông thấy có ánh lửa thấp thoáng. A Bích nói:
-Bên chỗ đèn lửa kia chính là Thính Hương Thủy Tạ nơi ở của chị A Châu.
Chiếc thuyền nhỏ liền chèo thẳng về hướng đó. Đoàn Dự nghĩ thầm: "Cả cuộc đời này e rằng chẳng còn bao giờ được sống trong tình cảnh buổi hôm nay. Nếu cứ được trên con thuyền du ngoạn lang thang trên mặt hồ như thế này, không bao giờ đến được nơi có đèn lửa kia có phải sung sướng hay không?". Ngay lúc đó trước mắt lóe lên, một ánh sao băng từ dưới chân trời bay xẹt ngang, vạch thành một cái đuôi dài.
Vương Ngữ Yên cúi đầu lẩm nhẩm gì đó, Đoàn Dự nghe không rõ. Trong bóng tối chàng nghe thấy nàng buồn bã thở dài. A Bích dịu dàng nói:
-Cô nương đừng lo, công tử trước nay gặp rủi hóa lành, chưa từng bao giờ gặp chuyện chi nguy hiểm.
Vương Ngữ Yên đáp:
-Chùa Thiếu Lâm nổi tiếng đã mấy trăm năm qua ắt tài nghệ ghê gớm không thể nào lường được. Chỉ mong các vị cao tăng thông hiểu lý tình, chịu nghe biểu ca giãi bày mọi chuyện. Ta chỉ ngại rằng... ngại rằng biểu ca tính khí cao ngạo, lời qua tiếng lại xung đột với các hòa thượng, ôi...
Nàng ngừng lại một chút, nhỏ nhẹ tiếp:
-Mỗi khi ta thấy lưu tinh bay ngang trên trời, ta đều ước nguyện nhưng chưa bao giờ thành.
Người đất Giang Nam trước nay vẫn tin rằng, mỗi khi nhìn thấy sao băng bay ngang bầu trời, nếu như có ước muốn gì trước khi ánh sao tắt đi thì dù khó khăn đến đâu cũng được toại nguyện. Thế nhưng ánh sao chỉ xẹt ngang rồi tắt ngay, chỉ nói được mấy chữ thì sao đã qua rồi, thành thử muôn ngàn năm nay, trẻ em Giang Nam không biết bao nhiêu đứa ôm mộng trong lòng đã từng thất vọng. Vương Ngữ Yên tuy thông hiểu võ học thật nhiều nhưng phần tính tình nhi nữ thì một cô gái quê với một cô nương đất Thái Hồ có khác gì nhau?
Đoàn Dự nghe nàng nói mấy câu đó, trong lòng thấy thật xốn xang, biết rằng nguyện vọng của nàng ắt liên quan đến Mộ Dung công tử, cầu mong cho y bình an vô sự, vạn sự thuận lợi. Chàng chợt tự hỏi trên đời này có người con gái nào vì mình mà thầm ước nguyện gì chăng? Mộc Uyển Thanh trước đây yêu ta sâu đậm thật, nhưng từ khi nàng biết ta là anh trai nàng rồi ắt không còn được cái tâm tình cũ. Không biết trong những ngày vừa qua nàng ở đâu? Đã gặp được tình lang như nguyện chưa? Còn Chung Linh ư? Liệu nàng có biết ta cũng là anh nàng hay không? Dẫu cho không biết, thảng hoặc đôi khi nàng nghĩ đến ta, cùng lắm cũng chỉ rộn ràng trong chốc lát rồi qua đi chứ làm sao có thể canh cánh khắc khoải như Vương cô nương với ý trung nhân của nàng cho được?