Hồi 26: Thủy Tạ Thính Hương, Chỉ Điểm Quần Hào Hí
Hồi 26: Thủy Tạ Thính Hương, Chỉ Điểm Quần Hào Hí
Võ công thiếu đủ thế nào, Nói đâu ra đấy quần hào ngẩn ngơ.
***
Ông già họ Mạnh bao nhiêu răng trong mồm bị búa đánh gãy hết, trong cơn hoảng hốt ba cái răng tuột luôn vào bụng. Ông ta tuổi đã cao nhưng mắt còn sáng, tóc còn đen, răng còn chắc xưa nay vẫn lấy làm tự hào, bây giờ mất cái nào là tiêu cái ấy, làm gì có răng giả thay vào, vừa đau vừa tiếc, miệng phều phào kêu lên:
-Bắt lấy con nhãi này! Bắt lấy con nhãi này!
Phái Thanh Thành môn qui rất nghiêm, Mạnh lão tuy vai vế cao thật nhưng mọi việc đều phải do chưởng môn nhân chỉ thị, các đệ tử ai nấy đưa mắt nhìn Tư Mã Lâm, đợi y ra lệnh một tiếng là sẽ cùng xông vào bắt giữ Vương Ngữ Yên.
Tư Mã Lâm lạnh lùng nói:
-Vương cô nương, võ công của bản phái vì cớ gì cô thành thuộc như thế?
Vương Ngữ Yên đáp:
-Ta đọc trong sách ra. Võ công phái Thanh Thành lấy kỳ bí, biến hóa, hiểm ác, độc địa làm sở trường nhưng không có gì rắc rối gì lắm, cũng dễ nhớ thôi.
Tư Mã Lâm nói:
-Ở trong sách nào thế?
Vương Ngữ Yên đáp:
-Ồ, cũng chẳng phải là sách xấu xa gì. Viết về võ công phái Thanh Thành có hai bộ, một bộ là Thanh Tự Cửu Đả, còn bộ kia là Thành Tự Thập Bát Phá, ông là chưởng môn phái Thanh Thành hẳn đã coi đến rồi.
Tư Mã Lâm kêu thầm: "Thật xấu hổ quá!". Khi còn nhỏ bắt đầu học nghệ, cha y đã từng nói: "Võ công bản phái gồm có chín phép đánh trong chữ Thanh và mười tám cách phá trong chữ Thành, tiếc rằng về sau lâu ngày thất truyền nên mất mát không còn toàn vẹn nữa nên tới ngày nay đánh nhau với phái Bồng Lai mới trở nên hai bên bất phân thắng bại. Giá như có ai tìm được lại võ công cho hoàn hảo thì không những việc diệt phái Bồng Lai dễ như cất tay, mà có xưng hùng thiên hạ thì cũng chẳng phải là kỳ lạ". Đến bây giờ y nghe nàng nói đã đọc qua hai cuốn sách đó nên ngực y không khỏi nóng ran lên nói:
-Liệu cô có thể cho tại hạ mượn xem một chút xem có gì bất đồng với sở học của bản phái, được không?
Vương Ngữ Yên chưa kịp trả lời, Diêu Bá Đương đã cười ha hả nói:
-Cô nương đừng có mắc hỡm tên tiểu tử này. Võ công phái Thanh Thành nhà y đơn sơ lắm, chữ Thanh có độ ba bốn miếng, chữ Thành cũng chỉ mười một, mười hai cách phá. Y định đánh lừa để cô đưa cho y coi võ học kỳ thư, tuyệt nhiên chớ có cho y mượn.
Tư Mã Lâm bị y nói toạc âm mưu ra, khuôn mặt xanh xao của y lập tức sầm xuống nói:
-Ta mượn sách của Vương cô nương có liên quan gì đến Tần gia trại nhà các ngươi?
Diêu Bá Đương cười nói:
-Sao lại không liên qua gì đến Tần gia trại? Người như Vương cô nương trong bụng nhớ biết bao nhiêu sách vở ghi chép các môn võ công lạ lùng, ai có được cô ta thì kẻ đó thiên hạ vô địch. Họ Diêu này thấy bạc vàng châu báu hay tranh xinh gái đẹp, muốn lấy là thò tay lấy ngay, món hàng nghìn năm một thuở như Vương cô nương thế này, lẽ nào lại không ra tay? Tư Mã huynh đệ, phái Thanh Thành các ngươi muốn mượn sách thì phải đến hỏi ta xem ta có chịu không đã chứ? Ha ha! Ha ha! Ngươi thử đoán xem liệu mỗ có bằng lòng chăng?
Mấy câu đó của Diêu Bá Đương cực kỳ vô lễ lại cực kỳ ngạo mạn thế nhưng Tư Mã Lâm và Khương Mạnh nhị lão nghe vào tai đều không khỏi thấp thỏm trong lòng: "Kiến thức võ học của con bé này xem ra cao thâm không biết chừng nào. Xem cái vẻ ẻo lả gió thổi cũng bay như nàng ta, tự mình đánh ai thì không thắng nổi nhưng đã đọc qua đủ các loại võ học kỳ thư rồi, biết nhiều lại có thể dung hợp thành một chuỗi. Nếu như mình bắt được cô ta đem về phái Thanh Thành thì sẽ học được hết Thanh Thành cửu đả, Thanh Thành thập bát phá. Tần gia trại đã có dạ bất lương hôm nay chỉ còn cách đánh nhau một trận".
Lại nghe Diêu Bá Đương nói:
-Vương cô nương, bọn chúng ta vốn đến đây để tìm nhà Mộ Dung để thanh toán, xem chừng cô cũng là người họ Mộ Dung.
Vương Ngữ Yên nghe y bảo "xem chừng cô cũng là người họ Mộ Dung", trong lòng vừa thẹn vừa vui, mặt đỏ bừng, chép miệng một cái nói:
-Mộ Dung công tử là biểu ca tôi, ông muốn gặp anh ta có chuyện gì? Chẳng hay đắc tội với ông ra sao?
Diêu Bá Đương cười hà hà nói:
-Cô là biểu muội của Mộ Dung Phục thì thật tốt quá. Ông tổ nhà Mộ Dung có thiếu nhà họ Diêu ta một trăm vạn lạng vàng, một nghìn vạn lạng bạc, tới nay đã mấy trăm năm, cả vốn lẫn lời tính sao đây?
Vương Ngữ Yên sửng sốt:
-Sao lại có chuyện đó được nhỉ? Nhà dượng tôi vốn giàu có sao lại thiếu tiền nhà ông?
Diêu Bá Đương đáp:
-Thiếu hay không thiếu, cô còn nhỏ biết gì! Ta đi kiếm Mộ Dung Bác để đòi nợ, y bằng lòng trả rồi, thế nhưng làm gì đã lấy được xu teng nào đâu, y lại lăn đùng ra chết. Bố chết thì đòi con, ai ngờ Mộ Dung Phục thấy chủ nợ đến, lỉnh mất không thò đầu ra, biết làm thế nào, đành kiếm cái gì gán nợ để bù lại.
Vương Ngữ Yên nói:
-Biểu ca tôi khẳng khái hào sảng, ví thử có thiếu tiền ông chăng nữa, thể nào cũng trả, mà dẫu không thiếu, ông có xin ít tiền bạc để xài, anh ấy cũng không từ chối, lẽ nào lại có chuyện sợ mà trốn nợ?
Diêu Bá Đương nhíu mày nói:
-Việc này không thể một câu hai câu mà nói cho rõ ràng chi bằng cô nương tạm thời theo ta lên miền bắc, tới ở nơi Tần gia trại sáu tháng một năm, chúng tôi quyết không dám động tới cái móng tay của cô nương. Mụ vợ của Diêu Bá Đương nổi tiếng ghen như cọp cái vùng Hà Sóc, lão Diêu chẳng bao giờ dám chàng màng ai đâu, cô nương cứ yên tâm. Cô chẳng phải sắp xếp gì, mình lên đường đi ngay. Đợi bao giờ biểu ca cô kiếm đủ tiền bạc, thanh toán xong món nợ cũ đời xửa đời xưa, ta sẽ hộ tống cô nương trở về Cô Tô để cho cô thành hôn với biểu ca. Tần gia trại thể nào cũng chuẩn bị một lễ vật hậu hĩ, Diêu Bá Đương sẽ tới uống chén rượu mừng.
Y nói xong ngoác miệng cười ha hả. Lời y nói ra nghe rặt giọng đểu cáng, mấy câu sau cùng thuận mồm bịa ra, thế nhưng Vương Ngữ Yên nghe đến đâu mát ruột đến đó, mỉm cười nói:
-Ông chỉ nói nhăng nói càn, tôi theo ông đến Tần gia trại làm chi? Nếu như dượng tôi quả có thiếu ông tiền, thì cũng đã lâu lắm rồi, biểu ca tôi làm sao biết được, phải để hai bên đối chứng ba mặt một nhời rồi biểu ca tôi sẽ trả cho ông.
Diêu Bá Đương vốn định bắt Vương Ngữ Yên đi ép nàng phải thổ lộ võ công chứ một trăm vạn lạng vàng, một ngàn vạn lạng bạc chỉ là chuyện tầm phào, bây giờ nghe nàng nói năng thơ ngây dường như lại tưởng những điều mình nói là chuyện thật bèn nói:
-Thì cô cứ đi theo ta. Tần gia trại ở đó vui lắm, bọn ta nuôi nào là báo đen, diều hâu, mai hoa lộc, đủ thứ cô có ở cả năm cũng không chán. Biểu ca cô nghe tin sẽ lập tức đến nơi gặp cô ngay. Mà dẫu y không có tiền trả thì ta cũng xóa nợ để cho hai người về Cô Tô, cô nghe có được chăng?
Mấy câu nói đó quả thực khiến Vương Ngữ Yên phải xao xuyến trong lòng. Tư Mã Lâm thấy nàng khóe thu ba long lanh, vẻ mặt e ấp nghĩ thầm: "Nếu như nàng bằng lòng đi đến Tần gia trại ở Vân Châu, ta có mở mồm ngăn trở xem ra cũng không thuận lý". Y không đợi nàng mở lời xen vào nói:
-Vân Châu ở ngoài biên tái lạnh buốt cắt da, Vương cô nương là một đại tiểu thư mảnh khảnh tha thướt sinh trưởng ở Giang Nam, ai lại ra đó chịu khổ bao giờ? Đất Thành Đô của ta được gọi là Cẩm Quan Thành, gấm vóc đứng đầu thiên hạ, phong cảnh tốt tươi, danh lam thắng cảnh nhiều gấp mười Vân Châu. Một người xinh đẹp như Vương cô nương đến Thành Đô mua ít gấm vóc mặc vào, quả đúng là lúa tốt thêm phân, đã đẹp lại càng thêm đẹp. Mộ Dung công tử tài mạo song toàn, thể nào chẳng thích cô ăn mặc lụa là.
Y cho rằng phụ thân đã bị phái Bồng Lai gia hại nên không còn thù hận gì Mộ Dung Cô Tô nữa. Diêu Bá Đương quát lên:
-Nói thối bỏ mẹ! Con mẹ mày chứ ở Cô Tô đây không lẽ thiếu vải vóc, lụa là hay sao? Mày mở to đôi mắt chó giấy ra, trước mắt ba vị cô nương tuyệt trần, có người nào bảo là không biết cách ăn diện?
Tư Mã Lâm hừ một tiếng nói:
-Thối thật! Quả là thối thật!
Diêu Bá Đương hầm hầm hỏi lại:
-Mi bảo ta đấy chăng?
Tư Mã Lâm đáp:
-Đâu dám! Ta nói là rắm thối quá!
Soẹt một tiếng, Diêu Bá Đương đã rút thanh đao đang đeo ra, quát lên:
-Tư Mã Lâm, Tần gia trại ta với phái Thanh Thành cũng bên tám lượng, kẻ nửa cân, ngang tài đồng sức. Thế nhưng Tần gia trại mà liên thủ với phái Bồng Lai, không lẽ không diệt được phái Thanh Thành hay sao?
Tư Mã Lâm mặt biến sắc, nghĩ thầm: "Lời của y quả đúng thế. Cha ta qua đời rồi, lực lượng phái Thanh Thành không còn được như xưa, lại thêm tên gian tặc Chư Bảo Côn học lén võ công của bản phái, nếu như Tần gia trại lại đối đầu với mình thì thật đáng lo. Người đời có nói: Tiên hạ thủ vi cường, hậu hạ thủ tao ương. Cái đếch gì, việc hôm nay chỉ có cách đánh cho chúng một mẻ trở tay không kịp".
Nghĩ thế y bèn thản nhiên hỏi:
-Thế thì đã sao?
Diêu Bá Đương thấy hai tay y để vào trong tay áo, biết lúc nào y cũng có thể bắn ám khí ra giết mình nên hết sức cảnh giác nói:
-Ta mời Vương cô nương đến làm khách ở Vân Châu đợi Mộ Dung công tử đến đón về. Việc gì đến ngươi mà chõ mồm vào thọc gậy bánh xe, có phải vậy chăng?
Tư Mã Lâm đáp:
-Đất Vân Châu nhà ngươi khỉ ho cò gáy như thế chẳng coi rẻ Vương cô nương lắm hay sao? Cho nên ta muốn mời Vương cô nương đến Thành Đô một chuyến.
Diêu Bá Đương đáp:
-Được lắm, thế thì mình lấy binh khí ra một phen so tài cao thấp, người nào thắng thì người đó làm chủ Vương cô nương.
Tư Mã Lâm nói:
-Thôi thế cũng được. Người nào thua mà muốn làm chủ mời Vương cô nương thì chỉ có nước mời đi xuống âm ti địa ngục thôi.
Nói như thế là đã rõ ràng, trận đấu này không phải so sánh võ công mà là một phen sống mái, chỉ có một chết một sống. Diêu Bá Đương cười ha hả, lớn tiếng nói:
-Diêu mỗ suốt đời sống bằng nghề nhuộm máu đầu đao, Tư Mã chưởng môn tưởng đem cái chết ra dọa, ta có sợ đếch gì đâu?
Tư Mã Lâm hỏi:
-Thế thì đấu ra sao đây? Ta với ngươi một chọi một hay tất cả cùng ùa lên?
Diêu Bá Đương đáp:
-Cứ để lão phu tiếp Tư Mã chưởng môn chơi ít hiệp...
Vừa đến đây, Tư Mã Lâm đột nhiên quay sang bên trái, mặt mày kinh hoàng, dường như phát sinh biến cố gì vô cùng kỳ lạ. Diêu Bá Đương trước sau vẫn chăm chăm nhìn y đề phòng ám toán bất ngờ, lúc này không nhịn được cũng quay nhìn sang bên trái. Chỉ nghe tách tách tách ba tiếng nhỏ, y giật mình cảnh giác thì ám khí đã bay tới trước ngực chỉ còn cách chừng ba thước. Y thất vọng tự biết không còn tránh vào đâu được nữa.
Ngay trong giờ phút nghìn cân treo trên sợi tóc đó, đột nhiên có vật gì đó vọt ra chắn ngang ngực, loạt soạt mấy tiếng đã đánh rớt mấy mũi đinh độc. Độc đinh vốn dĩ rất nhanh, người đã từng quen chiến đấu như Diêu Bá Đương cũng còn không thể nào tránh kịp, thế nhưng vật kia còn nhanh gấp mấy, ra sau mà tới trước gạt được những mũi đinh độc ra. Vật đó là cái gì thì cả Diêu Bá Đương lẫn Tư Mã Lâm đều không ai nhìn được cả.
Vương Ngữ Yên vui mừng kêu lên:
-Có phải Bao thúc thúc đến hay chăng?
Một giọng nói hết sức kỳ quái đáp lại:
-Sai bét rồi, không phải vậy, không phải Bao thúc thúc đâu!
Vương Ngữ Yên cười nói:
-Lại còn chẳng phải Bao thúc thúc ư? Người chưa thấy đã nghe "Sai bét rồi, không phải vậy"!
Giọng kia lại đáp:
-Sai bét rồi, không phải vậy! Ta nào có phải là Bao thúc thúc?
Vương Ngữ Yên hỏi lại:
-Sai bét rồi, không phải vậy! Thế thì ai đó?
Giọng kia lại đáp:
-Mộ Dung huynh đệ gọi ta là "tam ca", cô lại gọi ta là "thúc thúc", Sai bét rồi, không phải vậy! Cô gọi thế là trật lất.
Vương Ngữ Yên hai má đỏ bừng, cười hỏi:
-Thế ông còn chưa chịu ra hay sao?
Tiếng nói kia không trả lời, một lát sau Vương Ngữ Yên thấy không động tĩnh, kêu lên:
-Này, ông ra đi, giúp ta ngăn chặn những kẻ đến đây phá rối.
Thế nhưng bốn bề vắng lặng như tờ, hiển nhiên người họ Bao kia đi xa rồi. Vương Ngữ Yên hơi thất vọng hỏi A Châu:
-Y đi đâu rồi?
A Châu mỉm cười đáp:
-Bao tam ca tính vốn vẫn thế, ông ta đang định ra nghe cô nương hỏi "Thế ông còn chưa chịu ra hay sao?" ông ấy lại nhất định không ra nữa. E rằng hôm nay không ra nữa đâu.
Tính mạng Diêu Bá Đương mười phần chết chín, được người họ Bao kia ra tay cứu độ, trong lòng thật là cảm kích. Y với phái Thanh Thành vốn không thù không oán, bây giờ lại muốn giết Tư Mã Lâm, soẹt một tiếng rút đơn đao ra quát lên:
-Quân vô liêm sỉ, bắn trộm ám khí, tưởng giết được lão phu sao?
Y múa đao nhắm ngay đầu Tư Mã Lâm chém xuống. Tư Mã Lâm hai tay vung ra, tay trái cầm dùi sắt, tay phải cầm búa, xông lên đấu với Diêu Bá Đương. Cánh tay Diêu Bá Đương thật mạnh, chiêu số lại độc địa, còn Tư Mã Lâm thì lấy nhẹ nhàng khéo léo làm chính. Phái Thanh Thành và Tần gia trại hôm nay đánh nhau lần đầu, hai bên đều do nhân vật thủ não xuất chiến, thắng bại chẳng những quan hệ đến sống chết mà còn là vinh nhục hưng suy của môn phái thành thử cả hai không ai dám sơ sểnh chút nào.
Hai bên trao đổi đến hơn bảy mươi chiêu rồi, Vương Ngữ Yên bỗng quay sang nói với A Châu:
-Mi xem kìa, Ngũ Hổ Đoạn Môn Đao của Tần gia trại xem ra không phải chỉ mất có năm chiêu. Hai chiêu Phụ Tử Độ Hà_ và Trọng Tiết Thủ Nghĩa sao không thấy Diêu Bá Đương dùng đến?
A Châu nào có biết võ công gia số của Tần gia trại thế nào nên chỉ ậm ừ. Diêu Bá Đương đang trong lúc đánh rát, nghe thấy nàng nói mấy câu đó, giật nảy người: "Cô bé này nhãn quang quả là sắc bén. Sáu mươi tư chiêu của Ngũ Hổ Đoạn Môn Đao pháp chỉ còn có năm mươi chín chiêu thật nhưng đến đời sư phụ ta, tư chất kém cỏi, ngộ tính tầm thường nên không học xong hai chiêu Phụ Tử Độ Hà và Trọng Tiết Thủ Nghĩa, thành ra thất truyền mấy chục năm rồi đến bây giờ chỉ còn có năm mươi bảy chiêu. Để khỏi mất mặt, ta đã đem hai biến chiêu ra thay vào để cho đủ năm mươi chín chiêu, ngờ đâu cô ta vẫn nhìn ra được".
Nguyên do các lục lâm sơn trại đều là bọn ô hợp, bao nhiêu môn phái võ công cũng tụ lại một chỗ cùng nhau đi ăn cướp, riêng có Tần gia trại thì các đầu lĩnh đều là đệ tử của Ngũ Hổ Đoạn Môn Đao. Các môn phái không môn phái nào coi Tần gia trại như cùng loại với mình, cũng chẳng ai lại đến gia nhập với chúng. Sư phụ của Diêu Bá Đương họ Tần, là đầu lĩnh số một của Tần gia trại, cũng là chưởng môn Ngũ Hổ Đoạn Môn Đao, có đứa con ruột là Tần Bá Khởi võ công tài cán thật tầm thường nên mới truyền ngôi vị đó cho đại đệ tử Diêu Bá Đương. Mấy tháng trước, Tần Bá Khởi ở Thiểm Tây bị người ta dùng một chiêu tên là Tam Hoành Nhất Trực, tức là bốn nhát theo hình chữ vương chém vào mặt chết tươi, đó chính là tuyệt chiêu tối cương mãnh của Ngũ Hổ Đoạn Môn Đao nên ai ai cũng cho rằng đây là đòn của Cô Tô Mộ Dung hạ thủ. Diêu Bá Đương nghĩ đến ân tình của sư phụ nên kéo rốc các hảo thủ của bản trại đến Tô Châu báo thù cho sư đệ. Ngờ đâu chủ nhân chưa gặp đã suýt táng mạng vì Thanh Phong Đinh của phái Thanh Thành may được bằng hữu của Mộ Dung Phục cứu cho thoát chết.
Y hận Tư Mã Lâm âm độc ra tay ám toán, nghe thấy Vương Ngữ Yên nói toạc cái khiếm khuyết của võ công mình ra nên cũng hơi hổ thẹn, càng gấp gáp chuyện đánh bại Tư Mã Lâm để giữ uy tín đối với người của bản trại. Thế nhưng càng cầu thắng bao nhiêu thì càng thêm nóng ruột đâm ra tâm phù khí tháo thành thử tuy liên tiếp sử những chiêu hiểm ác nhưng Tư Mã Lâm đều tránh được.
Diêu Bá Đương quát lên một tiếng, múa đao chém xéo xuống, đợi cho Tư Mã Lâm nghiêng qua bên trái nhảy lên, chân phải mới đá ra. Tư Mã Lâm thân hình đang ở trên lưng chừng không có cách gì tránh né, chiếc dùi trong tay liền đâm luôn vào mu bàn chân địch để cho Diêu Bá Đương phải rụt chân về. Ngọn cước của Diêu Bá Đương quả nhiên không dán phóng ra tiếp, chân trái liền sử dụng uyên ương liên hoàn, nhanh như chớp đá liên tiếp vào ngang lưng Tư Mã Lâm.
Tư Mã Lâm liền vung búa lên, nghe bịch một tiếng, bổ trúng ngay mũi Diêu Bá Đương, lập tức máu tươi vọt ra, thì ngay lúc đó ngọn cước của Diêu Bá Đương cũng trúng hông Tư Mã Lâm. Thế nhưng mặt y bị đòn trước, trong lòng hơi hoảng nên lực đạo ngọn cước so ra chỉ được độ hai thành lúc bình thường. Tư Mã Lâm tuy trúng cú đá thật nhưng chỉ thấy hơi đau một tí không bị thương. Chỉ kẻ trước người sau trong một khoảnh khắc nhưng thắng bại coi như đã xong, Diêu Bá Đương rống lên như hổ gầm, vác đao xông lên tấn công tiếp nhưng thấy đầu đau như búa bổ, chân chập choạng, đứng không vững nữa.
Tư Mã Lâm thắng được chiêu đó cũng nhờ may, biết rằng nếu để cho đối phương sống sót, về sau họa hoạn vô cùng nên nổi tâm địa đuổi tận giết tuyệt, búa nhỏ bên tay phải vung lên đợi cho Diêu Bá Đương vung đao lên gạt lập tức mũi dùi bên tay trái đâm luôn vào giữa ngực.
Phó trại chủ của Tần gia trại thấy tình thế không ổn, hú lên một tiếng, phóng đơn đao trong tay ra nhắm thẳng vào Tư Mã Lâm. Chỉ trong nháy mắt, trong đại sảnh tiếng gió rít lên vù vù, hàng chục thanh đơn đao cùng ném tới.
Thì ra trong võ công của Tần gia trại có tuyệt kỹ phóng đơn đao. Mỗi thanh đao đều nặng từ bảy tám cân đến ngoài mười cân, dùng sức ném ra sức đi thật là mạnh, huống chi hàng chục thanh cùng phóng ra một lượt, Tư Mã Lâm không còn cách nào tránh né hay đỡ gạt.
Trước mắt thấy y không thể thoát khỏi cái họa loạn đao phân thi, đột nhiên ánh đuốc lập lòe, một người đã nhảy vọt tới bên cạnh Tư Mã Lâm, đưa tay vào đám đao phóng tới, chộp bên đông đón bên tây, bắt hết hơn chục thanh đơn đao, ôm vào trước ngực cất tiếng cười ha hả một tràng dài, trên ghế trong sảnh đã thêm một người ngồi chễm chệ. Tiếp đó loảng xoảng loảng xoảng liên tiếp người đó đã vứt bó đao trên tay xuống đất.
Mọi người kinh hãi nhìn vào, thấy đó là một hán tử trung niên mặc trường bào màu tro, người gầy gò thật cao, thần sắc có vẻ ngang bướng gàn dở. Mọi người thấy y xông ra bắt những thanh đao ai nấy đều bội phục không ai dám nói câu gì. Chỉ có mình Đoàn Dự cười nói:
-Vị huynh đài kia ra tay nhanh thật, võ công ắt là cao lắm. Chẳng hay có thể cho biết tôn tính đại danh chăng?
Hán tử cao gầy kia chưa kịp trả lời Vương Ngữ Yên đã tiến lên cười nói:
-Bao tam ca, tiểu muội lại tưởng ông không quay lại, lòng đang khắc khoải, ngờ đâu tam ca đã đến rồi, hay lắm, hay lắm!
Đoàn Dự nói:
-Ồ, thì ra là Bao tam tiên sinh.
Gã Bao tam tiên sinh kia đưa mắt liếc y một cái, khinh khỉnh nói:
-Tên tiểu tử kia ngươi là ai, sao dám xí xa xí xố với ta?
Đoàn Dự đáp:
-Tại hạ họ Đoàn, tên Dự, vốn là kẻ vô quyền vô dũng, ngờ đâu lạc vào chốn giang hồ, may đến hôm nay chưa chết thì kể cũng là một việc lạ trên đời.
Bao tam tiên sinh trợn mắt nhìn y, nhất thời không biết phải trả lời sao. Tư Mã Lâm tiến lên vái một cái thật sâu nói:
-Tư Mã Lâm của phái Thanh Thành được ngài tương trợ, đại ân đại đức đó vĩnh viễn không dám quên. Xin được hỏi danh húy xưng hô thế nào, để cho tại hạ được ghi khắc trong tim.
Bao tam tiên sinh đảo mắt một cái, tung chân ra, nghe bình một tiếng đá y ngã lăn cù, quát lớn:
-Mặt ngươi mà dám đến hỏi tên ta hay sao? Ta đâu có lòng dạ nào cứu ngươi, chỉ vì đây là trang viện của A Châu muội tử, nếu tên xú tiểu tử như ngươi bị loạn đao phân thây, có phải bẩn cả cái Thính Hương thủy tạ này hay không? Mau cút ra! Cút ra ngay!
Tư Mã Lâm thấy y đá ra, muốn tránh nhưng không kịp, bị ngã khá đau, lại nghe y ăn nói khinh bạc như thế, cứ theo qui củ giang hồ, nếu như không lập tức ra tay chí mạng thì cũng phải ước hẹn ngày sau gặp lại chứ không thể để bị người ta coi rẻ trước mặt mọi người. Y ra vẻ cứng cỏi nói:
-Bao tam tiên sinh, mỗ Tư Mã Lâm hôm nay bị người ta vây đánh, quả bất địch chúng, tưởng chừng táng mạng nơi đây, may được ông ra tay tương cứu. Tư Mã Lâm này ân oán phân minh, có ơn trả ơn, có oán báo oán, xin mời!
Y biết rằng đời mình dù khổ luyện cách nào cũng không thể nào đạt tới mức của Bao tam tiên sinh, chỉ nói quấy quá mấy tiếng "có ơn trả ơn, có oán báo oán" để cho khỏi bẽ mặt. Bao tam tiên sinh cũng chẳng thèm để ý đến y nói gì chỉ nói với Vương Ngữ Yên:
-Vương cô nương, cữu thái thái vì cớ gì mà lại để cho cô qua tận đây?
Vương Ngữ Yên cười nói:
-Tam ca thử đoán xem là vì duyên cớ gì?
Bao tam tiên sinh trầm ngâm rồi nói:
-Cái này quả là khó nghĩ cho ra.
Tư Mã Lâm thấy Bao tam tiên sinh chỉ cốt nói chuyện với Vương Ngữ Yên, không coi những câu nói của mình vào đâu, nghĩ đến y đá mình một cái ngã chỏng gọng trong bụng cực kỳ căm tức, không còn nhớ chút nào đến cái ơn vừa cứu mình, tay trái vẫy một cái dẫn đám đệ tử phái Thanh Thành đi ra.
Bao tam tiên sinh gọi vói:
-Ngừng lại, đứng đó nghe ta bảo đây!
Tư Mã Lâm quay đầu lại hỏi:
-Cái gì?
Bao tam tiên sinh nói:
-Ta nghe ngươi đến đất Cô Tô là để báo thù cho cha ngươi. Ngươi đi kiếm lộn người rồi, cha ngươi Tư Mã Vệ không phải do Mộ Dung công tử giết.
Tư Mã Lâm hỏi:
-Sao lại thế? Làm sao Bao tam tiên sinh biết được?
Bao tam tiên sinh giận dữ nói:
-Ta đã bảo không phải Mộ Dung công tử giết, thì nhất định là không phải y giết. Mà dẫu có thực là y giết, ta đã bảo không, thì cũng phải coi là không. Không lẽ lời của ta lại không coi ra gì hay sao?
Tư Mã Lâm nghĩ thầm: "Gã này ăn nói quả là ngang ngược" liền đáp:
-Thù cha không đội trời chung, Tư Mã Lâm này võ nghệ kém cỏi thật nhưng dẫu có tan xương nát thịt cũng phải trả mối thâm cừu này. Tiên phụ chẳng hay do ai sát hại, xin ngài cho biết.
Bao tam tiên sinh cười sằng sặc nói:
-Cha ngươi có phải là con ta đâu, bị ai giết có liên quan đếch gì đến ta? Ta chỉ nói cha ngươi không phải bị Mộ Dung công tử sát hại, xem ra ngươi không tin. Được rồi, thế thì cứ coi như ta giết, ngươi muốn báo thù thì cứ xông vào coi.
Tư Mã Lâm mặt tím lại nói:
-Mối thù giết cha, đâu có phải trò đùa? Bao tam tiên sinh, tôi tự biết không phải là địch thủ của ông, ông muốn giết thì giết chứ làm nhục tôi như vậy thì nhất định là không được.
Bao tam tiên sinh cười nói:
-Ta chẳng thèm giết ngươi, chỉ làm nhục ngươi, để xem ngươi làm gì được ta nào?
Tư Mã Lâm tức tối đến nỗi lồng ngực như muốn nổ tung, muốn xông lên thí mạng với y nhưng lại không dám, đứng chết sững tại chỗ, tiến thoái lưỡng nan thật là ngượng ngập. Bao tam tiên sinh cười nói:
-Cỡ như ông già ngươi tài nghệ kém cỏi như thế làm gì phải để đến Mộ Dung huynh đệ của ta phải phí tâm? Mộ Dung công tử võ công cao gấp mười ta, ngươi thử nghĩ mà xem, Tư Mã Vệ liệu có xứng để y phải ra tay hay không?
Tư Mã Lâm chưa kịp trả lời, Chư Bảo Côn đã rút phắt binh khí, lớn tiếng nói:
-Bao tam tiên sinh, Tư Mã Vệ lão tiên sinh là thụ nghiệp sư phụ của tại hạ, ta nhất định không để ngươi làm nhục đến thanh danh của người đã khuất.
Bao tam tiên sinh cười:
-Ngươi là đứa gian tế lẻn vào phái Thanh Thành học trộm võ nghệ, còn rỗi hơi chen vào chuyện người khác làm gì?
Chư Bảo Côn lớn tiếng đáp:
-Tư Mã sư phụ đãi ta nhân chí nghĩa tận, Chư Bảo Côn này thẹn chưa báo đáp được gì, hôm này mong được vì bảo tồn thanh danh cho tiên sư mà chết, để bớt phần nào tội khi mạn mới rồi. Bao tam tiên sinh, ngươi mau xin lỗi Tư Mã chưởng môn đi.
Bao tam tiên sinh cười nói:
-Bao tam tiên sinh này xưa nay chưa bao giờ nhận lỗi, cũng chẳng xin lỗi ai, dẫu có biết là mình sai thì cũng cãi cho bằng được. Tư Mã Vệ lúc sống cũng có thanh danh cái quái gì đâu, lúc chết đi lại càng tệ hại. Những người như thế giết sớm ngày nào tốt ngày nấy! Giết càng sớm càng tốt!
Chư Bảo Côn hậm hực quát:
-Mau lấy binh khí ra!
Bao tam tiên sinh lại cười:
-Bọn con cái học trò Tư Mã Vệ, toàn là phường bị thịt, trừ việc bắn trộm hại người có còn biết cái quái gì nữa đâu.
Chư Bảo Côn kêu lớn:
-Xem chiêu!
Y sử chiêu Thượng Thiên Hạ Địa, tay trái dùi sắt, tay phải cầm búa cùng tấn công. Bao tam tiên sinh không thèm đứng dậy, ống tay áo bên trái phất ra, một luồng kình phong ập vào mặt địch thủ. Chư Bảo Côn cảm thấy bị ngộp thở, vội nghiêng qua tránh né. Chân phải Bao tam tiên sinh liền móc một cái, Chư Bảo Côn ngã lăn ra đất, Bao tam tiên sinh thuận đà đá luôn vào mông y, văng thẳng ra cửa. Chư Bảo Côn ở trên không xoay mình một cái, vai vừa đụng đất liền uốn mình đứng bật dậy, khập khiễng quay vào, lại vung dùi xông tới. Bao tam tiên sinh chộp luôn cổ tay y, hất y tung lên, nghe bịch một tiếng đụng vào xà nhà một cái thật đau.
Chư Bảo Côn rơi xuống đất, lại nhỏm lên xông vào lần thứ ba. Bao tam tiên sinh nhíu mày nói:
-Ngươi quả thật chẳng biết phải quấy chi hết, tưởng ta không giết ngươi được hay sao?
Chư Bảo Côn kêu lên:
-Ngươi cứ giết ta đi...
Bao tam tiên sinh vung hai tay ra, nắm tay y tung mạnh một cái, nghe kêu lách cách, xương hai cánh tay Chư Bảo Côn đã gãy lìa, dùi liền đâm vào cánh tay trái, còn búa cũng đập luôn vào phía vai phải, hai vai máu chảy ròng ròng. Lần này y bị thương rất nặng, tuy vẫn muốn xông lên thí mạng nhưng không còn hơi sức nữa.
Người của phái Thanh Thành ngơ ngác nhìn nhau, không biết có nên tiến lên giúp đỡ hay không. Thế nhưng thấy y vì bảo tồn thanh danh cho tiên sư mà không kể gì sống chết, quả không có gì là giả dối, bao nhiêu thù hận trong lòng giảm đi quá nửa.
A Châu từ nãy vẫn đứng một bên không nói lời nào, đột nhiên xen vào:
-Tư Mã đại gia, nhà Mộ Dung Cô Tô nếu như quả đã giết Tư Mã lão tiên sinh thì lẽ nào lại để cho các ông sống sót? Nếu như Bao tam ca muốn giết hết tất cả, e rằng cũng chẳng khó lắm đâu, ít nhất cũng không cứu tính mạng Tư Mã đại gia. Vương cô nương cũng chẳng cứu Chư đại gia làm gì, thực sự là ai ra tay hại Tư Mã lão tiên sinh, các vị trở về tìm hiểu cho rõ ràng minh bạch.
Tư Mã Lâm nghĩ lời nàng quả thực có lý, toan mở miệng nói vài câu đãi bôi. Bao tam tiên sinh giận dữ quát:
-Đây là trang viện của A Châu muội tử, chủ nhân đã lên tiếng đuổi khách rồi, sao ngươi còn lần khân chưa chịu đi?
Tư Mã Lâm đáp:
-Được rồi, sau này gặp lại.
Y hơi gật đầu, đi ra ngoài. Bọn Chư Bảo Côn cũng lục tục đi theo.
Diêu Bá Đương thấy Bao tam tiên sinh võ công cao cường, hành sự quái dị, có ý muốn làm quen vị giang hồ kỳ nhân này, huống chi thấy Vương Ngữ Yên trong bụng chứa biết bao nhiêu là võ học, lòng tham nổi lên muốn chiếm đoạt cho bằng được, liền đứng lên định mở lời. Bao tam tiên sinh lớn tiếng nói:
-Diêu Bá Đương, ta nói cho nghe, tên sư đệ ăn hại Tần Bá Khởi của ngươi, dù có luyện thêm ba chục năm cũng chẳng chịu nổi Mộ Dung công tử chém một đao, luyện thêm một trăm hai chục năm, cũng chẳng chịu nổi bốn đao của Mộ Dung công tử. Ta không thèm nói chuyện với ngươi, mau mau lăn ra khỏi nơi đây.
Diêu Bá Đương sửng sốt nhưng lập tức mặt tím lại, giơ tay cầm lấy chuôi đao. Bao tam tiên sinh nói:
-Với cái tài mọn của ngươi mà cũng toan múa rìu qua mắt thợ hay sao? Ta bảo ngươi mau lăn ra, không lẽ còn phải nói đến lần thứ hai chăng?
Quần đạo Tần gia trại hồi nãy bao nhiêu đao ném vào Tư Mã Lâm rồi, tất cả bị Bao tam tiên sinh bắt được vứt ở dưới chân, thấy y đối với Diêu Bá Đương làm nhục như thế, người nào cũng sôi gan nhưng có điều ai nấy tay không có khác gì hùm beo đã bị bẻ nanh cắt móng.
Bao tam tiên sinh cười ha hả, chân phải liên tiếp đá ra, hơn chục thanh đao vùn vụt tung lên, bay thẳng vào quần đạo Tần gia trại. Những thanh đao đó đi thật chậm, ai nấy thuận tay bắt được, cầm trong tay đều ngạc nhiên, rõ ràng đối phương đưa đao vào tay mình quả là lợi thế. Ai nấy vẫn tưởng bắt được thanh đao y đá đến rất khó, nếu như mũi đao đến gần còn quay ngược lại đâm luôn vào người thì cũng không có gì lạ. Mọi người cầm được thanh đao trong tay mà tay chân luống cuống không biết làm sao cho phải.
Bao tam tiên sinh nói:
-Diêu Bá Đương, ngươi có chịu lăn không nào?
Diêu Bá Đương cười gượng:
-Bao tam tiên sinh đối với họ Diêu này có ơn cứu mạng, cái thân này toàn do các hạ ban cho. Các hạ đã ra lệnh dĩ nhiên phải tuân theo, xin cáo biệt.
Nói xong khom lưng hành lễ, tay phất một cái nói:
-Thôi tất cả đi ra!
Bao tam tiên sinh nói:
-Ta bảo ngươi lăn ra chứ có bảo ngươi đi ra đâu?
Diêu Bá Đương ngạc nhiên nói:
-Tại hạ chưa hiểu ý tứ của Bao tam tiên sinh như thế nào?
Bao tam tiên sinh nói:
-Lăn tức là lăn_, ngươi có lăn không thì bảo?
Diêu Bá Đương nghĩ thầm người này tính tình thật cổ quái, khùng khùng điên điên, chẳng có thể nói phải quấy, không muốn dây dưa liền rảo bước đi ra cửa sảnh. Bao tam tiên sinh quát lên:
-Sai bét rồi, không phải vậy. Đó là đi, là bước, là ù té, là đào tẩu chứ nào có phải là lăn đâu?
Y thân hình rung động đã vọt tới sau lưng Diêu Bá Đương, tay trái thò ra nắm ngay sau ót. Diêu Bá Đương cúi chỏ thúc ngược về sau, Bao tam tiên sinh nhắc tay lên, người của Diêu Bá Đương bị bông bênh giữa trời khiến cho khuỷu tay thúc vào chỗ không. Bao tam tiên sinh tay phải liền nắm ngay mông y nhắc lên, lớn tiếng quát:
-Trang viện của A Châu muội tử đâu phải ngươi muốn đến là đến, muốn đi là đi dễ như thế? Con mẹ ngươi có lăn ra không nào!
Hai tay y lẳng một cái, thân hình to béo của Diêu Bá Đương liền lăn chòng chọc. Y thuận tay phong bế huyệt đạo, Diêu Bá Đương không sao đứng lên được, chẳng khác gì một khúc gỗ lục cục lăn đến bên cửa, cũng may cửa sảnh rộng rãi nên y không bị va vào đâu, lăn thẳng ra ngoài. Quần đạo Tần gia trại hoảng hốt vội túa ra đỡ y dậy. Diêu Bá Đương nói:
-Chạy mau! Chạy mau!
Cả bọn như bầy ong vỡ tổ chen nhau chạy mất. Bao tam tiên sinh liếc nhìn Đoàn Dự mấy cái, không đoán nổi chàng là hạng người nào, hỏi Vương Ngữ Yên:
-Gã này thuộc cánh nào? Có cần phải tống cổ y đi chăng?
Vương Ngữ Yên đáp:
-Tiểu muội và A Châu, A Bích đều bị Nghiêm má má bắt giữ, tình thế cực kỳ nguy hiểm, may được Đoàn công tử đây ra tay cứu. Hơn nữa, anh ta biết chuyện Huyền Bi hòa thượng bị người ta dùng Vi Đà Chử đánh chết, mình còn cần phải hỏi lại cho rõ ràng.
Bao tam tiên sinh nói:
-Nếu như thế, cô muốn giữ y lại chứ gì?
Vương Ngữ Yên đáp:
-Đúng thế!
Bao tam tiên sinh mỉm cười:
-Cô không sợ Mộ Dung huynh đệ ghen hay sao?
Vương Ngữ Yên mở tròn đôi mắt:
-Ghen cái gì?
Bao tam tiên sinh chỉ Đoàn Dự nói:
-Gã này mặt trơ trán bóng, mồm miệng trơn như bôi mỡ, cô chớ có vào tròng!
Vương Ngữ Yên không hiểu hỏi lại:
-Tiểu muội có gì mà mắc hỡm y? Tam ca bảo y đặt điều nói láo tin tức về chùa Thiếu Lâm ư? Tiểu muội không sao hiểu nổi.
Bao tam tiên sinh nghe nàng nói một giọng thơ ngây, không tiện hỏi thêm, quay sang Đoàn Dự cười khẩy mấy tiếng nói:
-Nghe nói Huyền Bi hòa thượng của chùa Thiếu Lâm bị người ta dùng công phu Vi Đà Chử đánh chết ở Đại Lý, lại có một bọn hồ đồ đổ tội cho nhà Mộ Dung chúng ta, chuyện đó như thế nào, ngươi kể lại đầu đuôi ta nghe.
Đoàn Dự nghe mà bực mình nên cũng cười nhạt nói:
-Ngươi thẩm vấn tù phạm đó chăng? Nếu như ta không nói ngươi sẽ tra khảo hay sao?
Bao tam tiên sinh ngạc nhiên, không nổi giận mà lại bật cười lẩm bẩm:
-Tiểu tử này lớn mật thật! Tiểu tử này lớn mật thật!
Đột nhiên y tiến lên nắm lấy cánh tay chàng, hơi dùng sức, Đoàn Dự đau đến thấu xương kêu lên:
-Oái, ngươi làm gì thế?
Bao tam tiên sinh đáp:
-Ta dùng nghiêm hình tra khảo, hỏi cung tù phạm đó.
Đoàn Dự cứ mặc kệ coi như không phải tay mình, mỉm cười nói:
-Ngươi khảo đả ta, ta không thèm nhìn tới ngươi nữa.
Bao tam tiên sinh tăng gia kình lực đến nỗi xương tay Đoàn Dự kêu lên lách cách dường như muốn gãy. Đoàn Dự cố nhịn đau, không để ý gì tới. A Bích vội nói:
-Vị Đoàn công tử đây tính khí cao ngạo lắm, y là ân nhân cứu mạng của chúng tôi, tam ca đừng làm y bị thương.
Bao tam tiên sinh gật đầu nói:
-Được lắm, được lắm! Tính khí cao ngạo thật hợp với tính quen mồm "Sai bét rồi, không phải vậy" của ta.
Nói xong y từ từ thả tay Đoàn Dự ra. A Châu cười nói:
-Nói đến mồm miệng, cả bọn mình ai cũng đói rồi. Lão Cố ơi! Lão Cố!
Nàng cao giọng gọi lớn mấy tiếng. Lão Cố từ cửa hông thò đầu vào thấy bọn Diêu Bá Đương, Tư Mã Lâm không còn ai ở đó, mừng rỡ lật đật chạy vào. A Châu nói:
-Lão đi súc miệng hai lần, rửa mặt hai lần, rửa tay ba lần sau đó hãy đi làm cho chúng ta mấy món thật tinh khiết. Nếu có chỗ nào không sạch sẽ, Bao tam gia sẽ không tha cho lão đâu.
Lão Cố mỉm cười gật đầu, luôn mồm nói:
-Sạch sẽ lắm, sạch sẽ lắm!
Các tì bộc trong Thính Hương thủy tạ liền dọn tiệc tại một hoa sảnh. A Châu mời Bao tam tiên sinh ngồi thủ tòa, Đoàn Dự ngồi thứ hai, Vương Ngữ Yên ngồi thứ ba còn nàng và A Bích ngồi nơi hạ thủ tiếp khách. Vương Ngữ Yên chưa cầm đũa đã nóng ruột hỏi:
-Tam ca, anh ấy... anh ấy...
Bao tam tiên sinh trừng mắt nhìn Đoàn Dự nói:
-Vương cô nương, nơi đây có người ngoài ngồi chung, mọi chuyện không nên nói ra, huống chi cái thứ mặt trắng như vôi, nhẵn như đít ếch, ta chẳng đời nào tin nổi...
Đoàn Dự nghe thế tức khí đùng đùng, đứng phắt dậy, định bỏ bàn tiệc đi ra ngoài. A Bích vội nói:
-Đoàn công tử đừng nổi giận, tính khí Bao tam ca chúng tôi ăn nói chẳng giữ mồm, trước nay vẫn thế. Đại hiệu của ông ta là Bao Bất Đồng, gặp ai cũng phải gây gỗ mấy câu, có thế mới ăn được cơm. Họa chăng chỉ có khi nào mặt trời mọc ở phương tây thì y mới không mích lòng ai. Xin mời công tử ngồi nán lại một chút đã.
Đoàn Dự nhìn Vương Ngữ Yên, thấy mặt nàng dường như cũng khẩn khoản muốn mình ở lại, tuy không biết chắc mười mươi nhưng không sao bỏ được cái cơ hội ngồi bên cạnh nàng, nên lại ngồi xuống nói:
-Bao tam tiên sinh bảo tôi mặt trơ trán bóng quả thực không sao chịu nổi. Mộ Dung công tử của các cô tướng mạo chắc cũng không khác Bao tam tiên sinh bao nhiêu, phải không?
Bao Bất Đồng cười ha hả nói:
-Câu hỏi đó hay lắm. Công tử của bọn ta so với Đoàn huynh anh tuấn hơn nhiều...
Vương Ngữ Yên nghe nói mặt mày rạng rỡ niềm vui như bừng nở tự đáy lòng, Bao Bất Đồng nói tiếp:
-... Công tử chúng ta anh tuấn hiên ngang, tuy đẹp trai thực nhưng so với cái đẹp kiểu ăn hại đái nát như Đoàn công tử thì hoàn toàn khác hẳn, khác hẳn. Còn như tại hạ thì tuy có anh đấy nhưng không được tuấn, tuy cũng hiên ngang nhưng mặt mũi xấu xí, phải gọi là anh xú.
Cả bọn cười ồ. Bao Bất Đồng cạn chén rượu nói:
-Công tử sai ta đến Phúc Kiến làm một việc, cốt để ngầm giúp chùa Thiếu Lâm một tay, còn như làm việc gì thì đợi bao giờ vị Đoàn công tử này đi khỏi rồi ta sẽ nói. Bọn ta đang muốn làm bạn với phái Thiếu Lâm thì không thể nào tự nhiên lại giết hòa thượng của nhà chùa, huống chi công tử đã tới Đại Lý bao giờ đâu. Cô Tô Mộ Dung võ công tuy cao thật nhưng có thể dùng Vi Đà Chử để giết người xa vạn dặm thì e rằng luyện chưa xong.
Đoàn Dự gật đầu:
-Bao huynh nói vậy cũng có lý.
Bao Bất Đồng lắc đầu nói:
-Sai bét rồi, không phải vậy!
Đoàn Dự ngạc nhiên nghĩ thầm: "Ta bảo ngươi nói có lý, sao lại bảo rằng ta nói sai?". Lại nghe Bao Bất Đồng nói:
-Không phải là lời ta có lý, mà là sự thực rành rành. Đoàn huynh chỉ nói lời ta có lý, có phải bảo rằng sự thực thì không phải vậy, chỉ vì ta mồm miệng khéo léo, nói ra có vẻ có lý đấy thôi. Lời của ngươi thật là sai bét.
Đoàn Dự mỉm cười không trả lời, nghĩ bụng chớ nên cãi lẫy với y làm gì. Bao Bất Đồng nói:
-Hôm qua ta quay trở lại Tô Châu gặp Phong tứ đệ, hai anh em trao đổi mới hay có bọn chó má nào đó tính gây chuyện nên ngầm hại người để cho ai nấy đổ tội lên đầu Cô Tô Mộ Dung. Chuyện đó đáng lẽ là một việc rất hay, ai kiếm mình là mình đánh, còn gì thú vị cho bằng?
A Châu cười nói:
-Tứ ca hẳn là như mở cờ trong bụng, chuyện đó y cầu còn chưa được.
Bao Bất Đồng lắc đầu:
-Sai bét rồi, không phải vậy! Tứ đệ muốn đánh nhau sao lại bảo là cầu còn chưa được? Y không cầu mà cũng không được, đi khắp thiên hạ thể nào chẳng có lúc đánh nhau.
Đoàn Dự thấy y cũng muốn bắt bẻ cả A Châu mới hay lời của A Bích mới đây không sai, người này chỉ thích đi cà khịa với người khác làm vui. Vương Ngữ Yên nói:
-Thế tam ca với tứ ca bàn bạc được những gì?
Bao Bất Đồng đáp:
-Thứ nhất là hung thủ không phải do phái Thiếu Lâm. Thứ hai cũng không phải do Cái Bang vì chưng phó bang chủ của họ là Mã Đại Nguyên bị người ta dùng Tỏa Hầu Công giết. Tỏa Hầu Công là tuyệt kỹ thành danh của Mã Đại Nguyên, y có bị giết cũng chẳng có gì là lớn chuyện nhưng dùng Tỏa Hầu Công giết Mã Đại Nguyên thì đúng là giá họa cho Cô Tô Mộ Dung rồi.
Đoàn Dự gật đầu. Bao Bất Đồng nói:
-Đoàn huynh gật gù liên tiếp, hẳn là trong bụng cho là mấy câu nói của ta có lý chứ gì?
Đoàn Dự đáp:
-Sai bét rồi, không phải vậy! Thứ nhất, ta chỉ gật đầu có một cái chớ nào có gật gù liên tiếp. Thứ hai, ta thực tình thấy là đúng chứ đâu phải chỉ vì Bao huynh nói có lý đâu.
Bao Bất Đồng cười ha hả nói:
-Nhà ngươi dùng cái thuật gậy ông đập lưng ông, định gia nhập dưới trướng Cô Tô Mộ Dung chăng? Có ý gì đây? Hay là phải lòng cô em A Bích rồi?
A Bích e thẹn mặt đỏ bừng, phụng phịu nói:
-Tam ca lại giở giọng ăn nói càn rỡ, tiểu muội có đắc tội gì với tam ca đâu nào?
Bao Bất Đồng nói:
-Sai bét rồi, không phải vậy! Người ta thấy ngươi vừa mắt vì ngươi vừa dịu dàng, vừa dễ thương. Ta nói như thế chính vì ngươi không có lỗi lầm gì, còn như nếu ngươi đắc tội với ta thì ta sẽ nói là ngươi phải lòng tên mặt trắng chứ tên mặt trắng đó chẳng có tơ tưởng gì ngươi đâu.
A Bích càng thêm luống cuống, A Châu nói:
-Tam ca đừng có hiếp đáp A Bích muội tử. Nếu tam ca còn bắt nạt cô ấy là tiểu muội sẽ ăn hiếp bé Tịnh Tịnh cho mà xem.
Bao Bất Đồng cười sằng sặc nói:
-Con gái ta khuê danh là Bao Bất Tịnh, ngươi gọi nó là Tịnh Tịnh thì quả là tâng bốc nó_ chứ nào có phải là ăn hiếp nó đâu. Này cô em A Bích, ta làm gì có dám bắt nạt ngươi đâu.
Nghe y đấu dịu dường như nghe người ta nói hiếp đáp con gái mình nên có phần kiêng nể. Y quay sang nói với Vương Ngữ Yên:
-Đám khốn kiếp kia có mưu toan gì với bọn mình ngày một ngày hai rồi cũng tìm ra. Phong tứ đệ vừa ở Giang Tây về nói năng chưa được rõ ràng, anh em mình phải đi Thanh Vân Trang mới được. Đặng đại tẩu nói có nghe được tin các hảo thủ Cái Bang cùng kéo xuống Giang Nam, xem chừng muốn gây chuyện với chúng mình. Tứ đệ nghe thế liền muốn đi đánh nhau ngay may nhờ đại tẩu khuyên nhủ mới chịu thôi.
A Châu mỉm cười nói:
-Đại tẩu quả nhiên có uy thật mới khuyên được tứ ca, bảo anh ta đừng đi đánh nhau.
Bao Bất Đồng nói:
-Sai bét rồi, không phải vậy! Chẳng phải vì đại tẩu có uy mà là nói nghe có lý. Đại tẩu bảo là: đại sự của công tử là trọng không nên gây thù chuốc oán thêm.
Y nói mấy câu đó, Vương Ngữ Yên, A Châu, A Bích ba người nhìn nhau, vẻ mặt ai nấy đều có vẻ nghiêm trang. Đoàn Dự giả vờ như không để ý tới, giơ đũa gắp một miếng thịt gà quay bỏ vào mồm nói:
-Lão Cố nấu ăn không phải vừa thế nhưng so với A Châu, A Bích hai vị tỉ tỉ thì vẫn còn kém xa.
A Bích mỉm cười đáp:
-Tài nấu ăn của lão Cố so với chị A Châu thì kém thật nhưng so với tôi thì lại hơn nhiều.
Bao Bất Đồng nói:
-Sai bét rồi, không phải vậy! Hai người các ngươi mỗi người một vẻ, ai cũng có chỗ hay riêng.
A Châu cười:
-Tam ca, bữa nay tiểu muội không vào bếp tự tay làm mấy món cho tam ca ăn, lần sau đến đây sẽ bù lại...
Nàng vừa nói tới đây bỗng nghe có tiếng lục lạc leng keng, leng keng từ trên cao vọng xuống. Bao Bất Đồng và A Châu, A Bích cùng reo lên:
-Nhị ca có tin đưa đến kìa.
Ba người dời chỗ ngồi chạy ra trước rèm, ngẩng đầu lên xem thấy một con bồ câu trắng bay vòng vòng trên không rồi đáp xuống đậu ngay vào tay A Châu. A Bích đưa tay cởi chiếc ông trúc nhỏ buộc nơi chân con chim, lấy ra một tờ giấy mỏng. Bao Bất Đồng cầm lấy đọc qua rồi nói:
-Thế này thì mình phải đi ngay!
Y quay sang nói với Vương Ngữ Yên:
-Này, cô có đi theo không?
Vương Ngữ Yên hỏi lại:
-Đi đâu? Có chuyện gì thế?
Bao Bất Đồng xòe tay giơ tờ giấy ra nói:
-Nhị ca đưa tin nói là một bầy hảo thủ của Nhất Phẩm Đường nước Tây Hạ đến Giang Nam, không hiểu có ý gì, sai ta và hai cô A Châu, A Bích đi tra xét xem sao.
Vương Ngữ Yên đáp:
-Dĩ nhiên tiểu muội phải đi theo rồi. Người của Nhất Phẩm Đường nước Tây Hạ cũng muốn gây sự với mình ư? Xem ra kẻ đối đầu mỗi lúc một nhiều.
Nàng nói tới đây đôi lông mày cau lại. Bao Bất Đồng nói:
-Chưa chắc đã là đối đầu nhưng chắc chắn họ tới Giang Nam chẳng phải để du sơn ngoạn thủy hay thăm chùa lễ Phật rồi. Đã lâu mình chưa gặp cao thủ, nay lại có Cái Bang, rồi Nhất Phẩm Đường, ha ha! Lần này chắc là nhộn nhịp lắm.
Y mặt mày nhơn nhơn xem ra sắp được đánh nhau nên vui mừng hớn hở. Vương Ngữ Yên đi tới gần dáng chừng muốn xem thư viết gì. Bao Bất Đồng liền đưa cho nàng tờ giấy, thấy trên đó viết bảy tám hàng, nét bút thanh nhã, xem ra có chút kình lực, tuy chữ nào nàng cũng biết nhưng đọc lên chẳng ra câu cú gì. Nàng đọc sách đã nhiều nhưng viết kiểu này thì đây mới thấy lần đầu, nên nhíu mày hỏi:
-Cái này là cái chi đây?
A Châu mỉm cười:
-Đây là trò nghịch ngợm quái lạ của Công Dã nhị ca, dùng thi vận và thiết âm biến ra, bình thanh đọc thành nhập thanh, nhập thanh đọc thành thượng thanh, nhất giản đọc thành tam giang, đảo qua đảo lại_. Chúng tôi đọc quen rồi hiểu ngay ý viết trong thư, người ngoài nhìn vào thì mù tịt không hiểu ra sao cả.
A Bích thấy Vương Ngữ Yên nghe nói "người ngoài" vẻ mặt hơi xìu xuống vội nói:
-Vương cô nương không phải người ngoài. Nếu như cô muốn biết tiểu tì sẽ nói hết cho cô nghe.
Vương Ngữ Yên nghe nói thế mặt mới tươi trở lại. Bao Bất Đồng nói:
-Ta đã từng nghe Nhất Phẩm Đường của Tây Hạ hảo thủ rất đông, Trung Nguyên, Tây Vực các môn các phái nào cũng có người, Vương cô nương đi cùng, chỉ nhìn qua là biết ngay họ gốc gác ra sao. Để việc này xong rồi lúc đó mình sẽ cùng đi Hà Nam gặp công tử gia.
Vương Ngữ Yên mừng lắm, vỗ tay reo lên:
-Hay lắm! Hay lắm! Thế ta cũng đi.
A Bích nói:
-Mình phải làm việc này cho sớm để đến Hà Nam cho kịp, kẻo công tử lại quay về trên đường có khi lỡ dịp gặp nhau. Lại còn nhà sư Thổ Phồn không biết ở bên nhà tôi quấy phá gì nữa.
Bao Bất Đồng đáp:
-Công Dã nhị tẩu đã sai người qua xem, gã hòa thượng đó đi rồi. Ngươi yên tâm, lần sau tam ca sẽ giúp ngươi đánh nhà sư đó.
Đoàn Dự nghĩ thầm: "Tam ca làm sao đánh lại nhà sư, y không đánh tam ca đã là phúc cho ngươi lắm rồi". Bao Bất Đồng nói:
-Chỉ ngại Vương cô nương đi theo chúng ta, lần sao Vương phu nhân gặp mình, thể nào cũng mắng mỏ một chập...
Đột nhiên y quay lại nói với Đoàn Dự:
-Ngươi ngồi đây nghe, chuyện của bọn ta chán chết đi được. Họ Đoàn kia, thôi thì ngươi đi đâu thì đi, bọn ta nói chuyện riêng, ngươi đừng có vểnh tai, chõ mồm vào làm gì. Bọ ta đi tỉ võ với người khác, cũng chẳng cần đến ngươi đứng xem reo hò đâu.
Đoàn Dự biết mình còn tiếp tục ngồi không khỏi người ta coi rẻ, lúc này Bao Bất Đồng công nhiên xua đuổi, ăn nói cực kỳ xấc xược, tuy chàng thật chẳng muốn rời xa Vương Ngữ Yên nhưng không còn thể nào muối mặt ở lại, bèn nghiến răng đứng phắt dậy nói:
-Vương cô nương, A Châu, A Bích hai vị cô nương, tại hạ xin cáo từ, sau này có dịp sẽ gặp lại.
Vương Ngữ Yên nói:
-Đêm hôm khuya khoắt, công tử đi đâu bây giờ? Thủy đạo trên Thái Hồ lại không quen, chi bằng nghỉ lại qua đêm, sáng mai đi cũng không muộn.
Đoàn Dự nghe lời nàng nói dường như muốn giữ khách nhưng vẻ mặt lạnh tanh, hiển nhiên lòng nàng đang bay bổng tới nơi Mộ Dung công tử rồi nên không khỏi bực dọc, càng thêm chán chường. Chàng là thế tử con vua cháu chúa, từ bé vốn được nuông chiều, gần đây tuy có chút kinh lịch, chịu nhiều đau khổ dày vò nhưng chưa bao giờ bị ai đối xử lạnh nhạt đến thế cho nên đáp ngay:
-Hôm nay đi hay ngày mai đi thì cũng chẳng khác bao nhiêu, xin cáo từ.
A Châu nói:
-Nếu đã thế, để tôi cho người đưa công tử ra khỏi hồ.
Đoàn Dự thấy A Châu cũng chẳng chèo kéo, càng thêm mất vui nghĩ bụng: "Gã Mộ Dung công tử kia có cái gì ghê gớm mà sao người nào cũng coi y như con phượng hoàng. Nào là chùa Thiếu Lâm, Cái Bang, Tây Hạ Nhất Phẩm Đường bọn chúng chẳng coi ai vào đâu, chỉ mong sớm gặp được Mộ Dung công tử". Chàng bèn đáp:
-Chẳng cần phải thế, cô chỉ cần cho tôi mượn một chiếc thuyền, một mái chèo, tôi tự biết kiếm đường ra.
A Bích trầm ngâm nói:
-Công tử không quen đường thủy trong này, e rằng sẽ gặp rắc rối. Nhớ cẩn thận đừng để đụng đầu gã hòa thượng kia.
Đoàn Dự nổi khùng nói:
-Các ngươi cứ lo chuyện đi gặp Mộ Dung công tử của mình đi. Giá có đụng phải nhà sư kia, quá lắm thì cũng để cho y thiêu sống. Ta nào có phải biểu huynh biểu đệ, công tử thiếu gia gì của các ngươi, hơi đâu mà lo?
Chàng nói xong hầm hầm đi ra ngoài cửa, còn nghe Bao Bất Đồng nói:
-Nhà sư Thổ Phồn kia không biết lai lịch ra sao, cần phải tìm hiểu cho rõ ràng.
Vương Ngữ Yên đáp:
-Chắc biểu ca biết đó, chỉ cần gặp được y...
A Châu và A Bích tiễn Đoàn Dự đi ra, A Bích nói:
-Đoàn công tử, sau này công tử và công tử gia chúng tôi gặp nhau, không chừng sẽ kết thành hảo bằng hữu. Công tử chúng tôi thích kết bạn lắm.
Đoàn Dự cười nhạt nói:
-Tôi không dám vói cao đến thế.
A Bích nghe giọng chàng có điều bực bội, hết sức lạ lùng, hỏi lại:
-Đoàn công tử, sao công tử có vẻ không vui? Hay là tại chúng tôi tiếp đãi quá sơ sài?
A Châu nói:
-Bao tam ca chúng tôi vốn tính thế, xin công tử đừng để tâm làm chi. Tiểu nữ và A Bích muội tử xin lỗi vậy.
Nói xong cười hì hì cúi xuống hành lễ, A Bích cũng làm theo. Đoàn Dự trả lại một vái rồi đứng lên đi thẳng, rảo bước đến bờ nước, nhảy xuống chiếc thuyền con, chèo thuyền đi thẳng vào trong mặt hồ. Chàng thấy tức nghẹn lên tận cổ, vì nguyên do gì, chính mình cũng không sao nói ra được, chỉ biết là còn ở trên bờ thêm một chốc nữa sẽ trở nên mất bình tĩnh, nước mắt tuôn rơi không chừng. Chàng loáng thoáng nghe tiếng A Bích nói:
-A Châu a tỉ, quần áo lót của công tử đã đủ chưa? Đêm nay chị em mình mỗi người khâu thêm một cái, liệu có nên chăng?
A Châu đáp:
-Nên lắm! Nhà ngươi thật biết xét nét, quả là chu đáo.