Chương 111: Thâm nhập
Chương 111: Thâm nhập
Thể chất của tôi kém nhất ở đây, vốn là có chết cũng không dám động đậy gì, chú Ba biết rõ điều này, nhưng vẫn bảo tôi xuống dưới, đương nhiên không phải là để tôi rèn luyện tí sức khỏe rồi. Tôi nghĩ chú làm vậy chắc chắn là có lý do của mình. Nhưng mà ngửi mùi khăm khẳm bốc lên dưới giếng, tôi thực sự là chẳng muốn chui xuống tí nào.
Có điều không muốn cũng chẳng được, tất cả mọi người đều đổ dồn vào nhìn tôi. Một phần là tôi cũng tò mò dưới kia có cái gì lắm, một phần nữa là lời nói của gã Kính Râm kia chẳng chừa một khe hở cho tôi từ chối, cuối cùng tôi đành phải để Kính Râm giúp đỡ, luồn theo cái khe chui xuống phía dưới.
Có lẽ là yếu tố tâm lý đã càng gia tăng thêm ảo giác của tôi, sau khi xuống đến phía dưới, tôi lập tức ngửi thấy mùi nước đái khai ngòm, khiến tôi không hít thở nổi. Hơn nữa, con đường cũng không dễ đi như tôi từng tưởng tượng, góc chênh rất lớn, nhìn chú Ba chui vào dễ dàng thế thôi, chứ thực ra phải dùng hết sức lực mà đạp xuống cả đấy. Tôi trượt chân một cái, tức thì toàn thân dính đầy nước tiểu lẫn bùn lầy và rong rêu. Không khỏi nhíu mày.
Kính Râm ở ngay phía trên tôi, cười nói: “Ngại quá, người anh em, cơ mà thôi, nước tiểu tốt cho da lắm đấy.”
“Mẹ kiếp, may mà không để mấy ông kia ỉa xuống đây đấy.” Tôi chửi thề.
Hắn ta cười hề hề, người phía trên nghe thấy, cứ tưởng chúng tôi gặp phải chuyện gì, bèn ngừng thả dây. Hắn bèn ra tín hiệu với phía trên, để bọn họ tiếp tục thả dây xuống.
Chẳng mấy chốc khắp bốn phía trở nên tối đen, do nơi này quá chật hẹp, thậm chí còn không ngẩng được đầu lên, cho nên tôi chẳng nhìn thấy gì cả ngoài ánh sáng đèn pin của Kính Râm. Cũng may là chui xuống, chứ trèo lên thì còn mệt nữa.
Tôi thấy gã này vẫn đeo kính râm, bèn không kìm được mà hỏi: “Anh đeo kính thế thì có nhìn thấy gì không đấy?”
Hắn ta nhìn tôi cười: “Đeo vào nhìn còn rõ hơn không đeo.”
Tôi không hiểu hắn ta có ý gì, có điều hắn không muốn giải thích, tôi cũng không hỏi nhiều nữa.
Thẳng đường xuống, chẳng mấy chốc đã đến cái khe nứt kia. Vừa chiếu đèn một cái liền nhìn thấy trong đó còn có một cái hang khác, khe hở chỉ đủ để một người vừa khít chui vào. Chui vào xong liền nhận thấy, tuy cái khe rất chật hẹp, nhưng lại sâu vô cùng, hơn nữa cả hai đầu trên dưới đều còn sâu tít tắp nữa, cứ như thể cả một quả núi khổng lồ bị bổ làm đôi, mà nơi tôi sắp chui vào đây chính là kẽ hở nơi đao chém vậy.
Hơn nữa, điều làm tôi giật mình đó là, trên vách khe nứt lởm chởm toàn hốc, cứ như những am thờ Phật trong hang đá vậy. Những cái hốc đó được đục ra từng cái từng cái một trên vách đất trong khe hở này, trong mỗi cái hốc lại có một cái kén bằng bùn khô, dính vào trong đáy hốc bằng bùn nhão, lẫn lộn cùng với mấy đoạn rễ đứt. Kén bùn khô đến nứt cả ra, cứ như cục xà bông khô cứng vậy.
Nhìn khắp trên dưới trái phải toàn là những cái hốc như thế, vừa chiếu đèn pin vào sâu trong khe nứt, chỗ nào ánh đèn pin chiếu đến cũng thấy toàn hốc là hốc.
Chúng tôi len vào trong khe nứt, tôi sờ soạng đất cát bên trong một chút, ấy thế mà đất cứng như đá vậy, chất đất ở đây là chắc là tầng tích tụ rồi, cực kỳ ầm ướt, lại chứa nhiều nước. Tôi lại cố nhích vào trong, loáng cái đã xuống đến bên cạnh một cái kén bùn. Tôi định sờ một cái xem sao, nhưng Kính Râm lại quát tôi một tiếng, không cho tôi sờ vào, nói: “Cẩn thận, đừng có sờ vào mấy cái kén bùn này.” “Bên trong kén bùn là cái gì thế?” Tôi hỏi.
“Người chết.” Hắn chiếu đèn vào một cái kén trong số đó. Kén bùn đó đã vỡ. Lộ ra mấy khúc xương trắng hếu bên trong. “Khúc chi táng, có thể đây là đường giếng từ thời nguyên thủy nhất ở nơi này, trong không lát đá, chỉ là mấy khe núi được san phẳng bằng bùn mà thôi, về sau bị sử dụng như một mộ huyệt.”
“Mộ? Cái chỗ này á?” Tôi buồn bực nói.
“Xây dựng công trình kiểu này chắc chắn sẽ có rất nhiều người chết, có lẽ bọn họ là nô lệ hoặc tù binh của nước khác, chết ở đây, không thể chuyển ra ngoài mai táng, bèn chôn luôn ngay tại chỗ. Ở mép Trường Thành cũng có không ít hố chôn kiểu này rồi.” Kính Râm nói. “Đến rồi.”
Tôi nhìn xuống, vẫn chưa đến tận đáy khe nứt, nhưng ở một bên vách khe lại có một khe hở khác nữa, có ánh đèn pin loang loáng, hiển nhiên chú Ba đang ở bên trong.
Kính Râm ra tín hiệu, sợi dây dừng lại, chúng tôi cẩn thận bám xuống, chú Ba ở trong kéo tôi vào.
Đây là một khe hở hết sức chật hẹp, khổ nhất là nó cực kỳ thấp, chỉ cao khoảng nửa người, tôi phải khom lưng mới chui vào được. Chân đau muốn chết, vừa vào trong liền ngã ngồi luôn xuống đất. Tiếp theo đó, Kính Râm cũng khom lưng chui vào.
Đưa mắt nhìn xung quanh, tôi nhìn thấy hai bên vách khe là mấy hàng kén bùn bọc bằng bùn khô lẫn những mẩu rễ cây li ti nằm lọt thỏm trong các hốc, ở đây tôi còn nghe thấy tiếng nước chảy ngầm dưới khu phế tích. Đi sâu vào trong nhìn tiếp, tôi phát hiện ra trong khe này còn có một vết nứt khác dẫn ra một đầu khác của đường giếng bằng đá lúc trước. Chứng tỏ động đất đã khiến tầng đất ở đây nứt toác ra thành các khe nhỏ, nối liền hai đầu đường giếng cách nhau rất xa, cho chúng tôi một lối đi tắt.
Bên trong đường giếng lộn xộn vô cùng, cũng đầy các vết nứt vỡ, rõ ràng lúc khu phế tích sụp đổ đã tạo nên vô vàn những khe nứt như vậy.
Tôi bèn hỏi chú Ba: “Sao chú lại kêu cháu xuống?”
“Chú cho mày xem cái này.” Chú nói, ý bảo tôi đi theo. Chúng tôi cứ ngồi xổm mà lết đi trong cái khe bé tí một hồi, sau đó chú dùng đèn pin chỉ vào một bên vách tường đất dày đặc rễ cây.
Mới đầu tôi còn không nhìn rõ đó là cái gì, bởi vì nhiều rễ cây dính vào vách tường đất quá. Lại gần nhìn kỹ, tôi mới nhìn thấy trên vách có một hàng chữ do người khắc vào, hình như là mấy chữ cái tiếng Anh, tôi âm thầm giật mình kinh ngạc, chộp lấy đèn pin của chú Ba mà chiếu, nhìn cho thật kỹ, rồi kêu lên “Ai da” một tiếng.
Chú Ba bảo: “Mày xem xem, có giống cái ký hiệu mà mày từng thấy ở trong núi Trường Bạch không, có phải ký hiệu mà Tiểu Ca để lại không?”
Tôi vội vàng gật đầu. Đây chính là ký hiệu mà Muộn Du Bình từng khắc ở trong núi Trường Bạch, tôi bắt đầu chửi um lên trong bụng, mẹ kiếp chẳng lẽ Muộn Du Bình vừa đi qua đây à?
“Sao chú phát hiện ra cái này?” Tôi hỏi.
Chú lau vết bùn trên mặt, nói: “Không quan trọng, mày xác định chắc chắn đây là nét chữcủa Tiểu Ca chứ? Không phải người khác khắc cùng một ký hiệu đúng không?”
Tôi không rõ ý của chú, bèn gật đầu khẳng định. Chú lập tức ngoắc Kính Râm lại, nói: “Hạt Tử, bảo người phía trên xuống hết đây cho ông. Tụi mình tìm được lối vào rồi.”
Kính Râm gật đầu, lui ra ngoài, ra tín hiệu với người phía trên.
Tôi hỏi chú Ba rốt cục thế này là thế nào, chú Ba bảo: “Mày nhìn kỹ cái ký hiệu này xem, cảm giác có cái gì khác với cái ở Trường Bạch không?”
“Khác á?” Tôi nhất thời không hiểu ý chú Ba, ghé sát mắt vào mà nhìn, chợt nhận thấy ký hiệu này có bám bụi xám tro.
Ký hiệu khắc vào đất cát, chất đất này không thích hợp để chạm khắc bất kỳ cái gì, bởi nó tuy rắn nhưng rất giòn, nếu lực quá yếu thì không khắc ra được dấu vết gì, lực quá mạnh thì có nguy cơ cả tảng đất sụp ngay. Ký hiệu này có hơi phức tạp, chứng tỏ lúc khắc phải hết sức cẩn thận, mà ký hiệu đã bám bụixám ngắt, thì là dấu vết oxy hóa qua năm này tháng nọ, mà lớp bụitrong ký hiệunếugần như tiệp với màu đất xung quanh, thì chứng tỏ, ký hiệu này đã được khắc từ cách đây khá lâu rồi.
“Không đúng.” Tôi bèn ngờ vực nói: “Đây là ký hiệu đã cũ lắm rồi! Chú để cháu xem lại xem…”
Chú Ba nói: “Không cần, nếu bút tích đúng, vậy không sai rồi, đây chính là do Tiểu Ca khắc, có điều không phải khắc trong mấy ngày này, mà là từ lần trước khi cậu ta đến đây.”