Chương 47: Phát triển lâu dài
Chương 47: Phát triển lâu dài
Sự tiến bộ không ngừng của khoa học và công nghệ có thể dễ dàng khiến máy móc ngày nay trở nên vô giá trị và biến những thành tựu của ngày mai thành hàng hóa thông thường.
Một trong những đặc điểm nổi trội của nhân loại chính là sự tò mò vô bờ bến trước những ẩn số của thế giới xung quanh. Không có gì miêu tả về sự trỗi dậy của nhân loại tốt hơn là dõi theo trình độ công nghệ tiên tiến của họ. Từ lửa và gậy gộc, chỉ sau một thời gian ngắn, nhân loại đã có thể làm chủ những kỹ thuật hiện đại hơn như là nông nghiệp và luyện kim. Một nghìn năm sau đó, nhân loại đã thoát khỏi giới hạn của hành tinh mẹ và bắt đầu lan rộng dân số ra khắp thiên hà rộng lớn. Mỗi lần nhân loại chuyển sang thời kì mới, tất cả đều khai sinh từ một bước đột phá tân tiến trong nền khoa học công nghệ của họ.
Quá trình áp dụng các loại công nghệ tối tân ra thị trường liên tục như thế cũng không hẳn là trải nghiệm tích cực cho tất cả mọi người. Đối với doanh nhân làm trong lĩnh vực công nghiệp chiến cơ, nhiều công ty có thể mất toàn bộ khách hàng nếu họ phát triển chậm hơn một bước so với các công ty khác.
Những năm đầu của thời kì chiến cơ khá là loạn lạc, với vô số phát minh mới được đưa ra thị trường một cách bừa bãi sau khi người ta nhận ra tiềm năng kinh tế của nó. Điều này dẫn đến một hệ quả kì lạ vô tiền khoáng hậu khi khoảng cách giữa hai thế hệ chiến cơ chỉ cách nhau có chín năm ngắn ngủi. Tất cả các công ty đầu tư mạnh vào việc thiết kế và chế tạo chiến cơ thế hệ cũ chỉ biết ngậm ngùi ôm lấy đống phế liệu đã bị lỗi thời kia.
Còn những người chưa kịp tiến hành đầu tư vào thế hệ cũ đã gặp may mắn và nhanh chóng đổ tiền vào các loại công nghệ mới toanh, từ đó giành được lợi thế so với các nhà sản xuất đang phải chịu gánh nặng từ những món nợ từ thế hệ trước. Sự sụp đổ tài chính do mất cân bằng giữa hai thế hệ là khủng hoảng lớn nhất của nhân loại kể từ khi họ bắt đầu du hành giữa các vì sao. Hàng loạt tài sản vốn và của cải đều bị mất mát nhiều đến nổi một số nhà kinh tế học tính toán rằng hậu quả của cuộc khủng hoảng này đã khiến cho nhân loại bị thụt lùi đến ba mươi năm.
Những tổn thất trị giá hàng nghìn tỷ hiện kim có thể tiếp tục tái diễn nếu quá trình phát triển hỗn loạn của công nghệ không được kiểm soát chặt chẽ. May mắn thay cho những doanh nhân của nền công nghiệp chiến cơ, Hiệp hội MTA đã áp đặt một số các quy định, thủ tục bán hàng và tiến hành kiểm duyệt nghiêm ngặt nhằm bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình đổi mới và đào thải này. Ngành công nghiệp chiến cơ hiện tuân thủ theo một lịch trình bán-cố-định nhằm tập hợp các thành tựu công nghệ mới ra lò với nhau thành một thế hệ chung, và mỗi thế hệ kéo dài khoảng 30 đến 50 năm.
Các chiến cơ thương mại kết hợp với các công nghệ hiện đại có thể được cấp phép trên thị trường mở đều được coi là thế hệ hiện tại/đương thời, hoặc gọi tắt đương hệ. Còn thế hệ đi trước nó thì gọi là thế hệ cũ, hoặc là tiền hệ. Nói chung thì, sự khác biệt về hiệu suất giữa hai thế hệ khá rõ ràng, nhưng không quá cách biệt. Người ta có một luật bất thành văn cho rằng phải cần đến bốn chiếc tiền hệ mới có thể đánh bại ba chiếc đương hệ. Điều này khiến các nhà sản xuất chiến cơ bị mắc kẹt với các mẫu thiết kế tiền hệ trong một khoảng thời gian nhất định để tích lũy tiền vốn để đầu tư vào công nghệ mới hơn.
Ves hiện tại cũng đang đương đầu với vấn đề này, ngoại trừ việc cậu không có đủ thời gian để tái đầu tư cho đống tài sản vốn cũ kĩ của mình.
Hầu hết các nhà phân tích trong các chương trình luận đàm đều đưa ra ý kiến của họ và cảnh báo với khán giả rằng thế hệ đương thời lần này sẽ là một thế hệ ngắn ngủi. Những cỗ máy đương hệ đã được bán ra trên thị trường cách đây khoảng hai mươi năm, và điều đó có nghĩa là Ves chỉ có từ mười đến mười lăm năm để đầu tư vào dây chuyền sản xuất mới.
Trên thực tế, thời gian của cậu thậm chí còn ngắn hơn thế nữa nếu xét đến ba năm cuối cùng trước khi họ chuẩn bị giới thiệu chiến cơ tân hệ, bởi vì hiếm có phi công nào chịu mua một chiếc chiến cơ tiền hệ sắp sửa lỗi thời cả. Kể từ giờ cho đến thời điểm dịch chuyển thế hệ, giá thành của các chiến cơ tiền hệ sẽ liên tục bị giảm dần xuống đáy vực.
Đầu tiên, cậu cần phải nghĩ ra một mẫu thiết kế mới. Nếu cậu muốn chế tạo các biến thể một lần nữa, thì cậu phải xin cấp phép cho một mẫu nguyên bản tương đối tốt và thường thì nó sẽ tốn cả gia tài. Ở mức tối thiểu, Ves dự kiến sẽ phải bỏ ra một tỷ hiện kim để xin cấp phép cho một mẫu chiến cơ đương hệ cơ bản. Nếu cậu muốn thứ gì đó xa hoa hơn nữa thì chi phí có thể lên tới tận hai đến bốn tỷ hiện kim.
Sau đó cậu cần phải tìm thiết bị thay thế cho chiếc máy in 3D và bộ lắp ráp rỉ sét của mình. Nếu Ves muốn phát huy đầy đủ các kỹ năng mới cứng của cậu, thì cậu cần phải sở hữu một hệ thống lắp ráp cứng cáp hơn, trị giá khoảng 300 triệu hiện kim. Cậu cũng không thể bỏ qua chiếc máy in 3D kia nữa. Nếu cậu không đổi mới chiếc máy in cũ kỹ của mình, thì cậu sẽ không thể nào tự chế tạo các bộ phận máy móc tối tân được. Một chiếc máy cao cấp loại nhỏ cũng có thể tốn ít nhất là 700 triệu hiện kim.
Tổng cộng thì Ves phải tích lũy 2 tỷ hiện kim để tồn tại trong mười năm tới. Đó là một số tiền khổng lồ và bất kì sự cố nào cũng có thể xảy ra trong thời gian đó và buộc Ves phải sử dụng tài khoản tiết kiệm hoặc khiến cậu phải tiêu nó vào việc khác.
Với kế hoạch chi tiêu khổng lồ như vậy, Ves cảm thấy các bóng ma trên vai mình đang quay trở lại báo thù. Mặc dù nó trông lờ mờ xa hơn một chút trong tương lai, nhưng cái bóng của nó vẫn lấn át nỗi lo lắng trước đây khi cậu vẫn còn đang kiếm tiền trả nợ cho ngân hàng. Cậu sẽ phải tạo ra hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cỗ máy để tích lũy được số tiền như vậy.
“Mình có thật sự cần phải tiết kiệm 2 tỷ hiện kim không?” Ves gãi đầu phân vân.
Cậu vẫn đặt kế hoạch thay thế máy in 3D và máy lắp ráp làm ưu tiên hàng đầu. Các thiết bị hiện tại của cậu không cho cậu nhiều lựa chọn cho lắm. Còn đối với giấy phép thì Ves đã nghĩ ra một giải pháp thay thế.
“Mình không nhất thiết phải xin giấy cấp phép cho một chiếc chiến cơ hoàn chỉnh. Mình đã có kinh nghiệm thiết kế chiếc Drake nguyên bản từ các phụ tùng có sẵn trong vòng loại của cuộc thi Cúp Liên Hợp rồi.”
Nếu Ves có thể miêu tả một cách ngắn gọn thì việc thiết kế chiến cơ chỉ là một quá trình lắp ghép các bộ phận khác nhau lại thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Không có luật nào quy định rằng nhà thiết kế chiến cơ phải tái phát minh những công nghệ có sẵn và tự mình thiết kế tất cả bộ phận đó cả. Cùng với sự phổ biến rộng rãi của các loại giấy phép bộ phận trên thị trường mở, thứ duy nhất mà nhà thiết kế chiến cơ cần làm chỉ đơn giản là lấy một vài bộ phận sẵn có và nhồi nhét chúng với nhau trong một bộ khung và thế là một mẫu thiết kế mới đã ra đời từ chính bàn tay của mình!
Lợi ích của việc thiết kế một mẫu nguyên bản nhiều vô số kể. Đầu tiên, cậu có thể tiết kiệm được chi phí cấp phép. Số tiền mà Ves phải bỏ ra để xin cấp phép cho đủ một bộ linh kiện hoàn chỉnh đã chiếm từ một phần tư đến phân nửa số tiền cấp phép cho một mẫu thiết kế hoàn chỉnh rồi. Nếu Ves chọn những bộ phận ít giá trị ở dưới đáy thị trường, thì tổng chi phí của cậu sẽ không quá 300 triệu hiện kim.
“Hệ Thống cũng sẽ mừng khi thấy mình bắt đầu tạo ra một vài thiết kế nguyên bản đây.”
Đây là lợi ích thứ hai của con đường này. Hệ Thống coi việc thiết kế các biến thể từ một mẫu chiến cơ nguyên bản là một công việc hèn kém. Hệ Thống chỉ trao cậu một chút DP cho từng mẫu thiết kế và từ doanh thu của nó mà thôi.
Thật ra thì Hệ Thống đã tặng cậu 28 DP cho lần bán chiến cơ ngoài đời đầu tiên của cậu. Có vẻ như Hệ Thống phân tích doanh thu của chiến cơ ngoài đời có chút khác biệt bằng cách chặt bớt sáu con số đằng sau để xác định số lượng DP mà Ves có thể nhận được. Nghe thì như phước trời ban, nhưng xét đến giá cả ngày càng tăng của các vật phẩm trong Cây Kỹ Năng và Cửa Hàng dựa trên chất lượng của chúng thì 28 DP cho mỗi lần bán thì còn lâu mới gánh cậu nổi.
Ves đã chảy nước miếng trước số điểm DP tiềm năng mà cậu có thể nhận được từ việc bán các mẫu thiết kế của chính mình. “Hệ Thống không đời nào hào phóng như vậy đúng không?”
Thiết kế nguyên bản còn mang lại ích lợi khác cho Ves. Nếu chất lượng sản phẩm của cậu vượt qua mức trung bình của thị trường thì Ves có khả năng được hưởng một đặc quyền khác. Nếu chiến cơ của cậu trở nên cực kì phổ biến với người dùng thì cậu có thể tận dụng cơ hội để bán giấy phép thiết kế của mình cho người khác. Khỏi phải nói, số tiền cậu có thể kiếm được từ nguồn thu tiềm tàng như thế là rất lớn, và điều tuyệt vời nhất là cậu thậm chí không cần phải nhấc một ngón tay để ẵm trọn số tiền đó.
“Nếu người khác sử dụng thiết kế cấp phép của mình thì liệu doanh thu của họ có mang lại DP cho mình không nhỉ?”
Bực mình thay, Hệ Thống vẫn im phăng phắc, khiến Ves bất lực không thể biết được câu trả lời. Thế nhưng, từ cách Hệ thống hoạt động đến nay, Ves đoán là nó sẽ không keo kiệt đến thế. Nó vẫn coi doanh thu chiến cơ ảo là nguồn cấp DP cho Ves kể cả khi Ves để cho máy chủ của trò chơi tự động sản xuất chiến cơ của mình.
Đương nhiên, những suy đoán đó cũng chỉ là giấc mơ viển vông. Ves còn lâu mới chạm tới ngưỡng cửa thiết kế và chế tạo một chiếc chiến cơ nguyên bản, chứ đừng nói đến tương lai đạt được giải thưởng gì đó và bán giấy phép cho người khác. Cậu cần phải gầy dựng nguồn vốn ban đầu và cải thiện kỹ năng cá nhân của cậu trước khi quay lại với vấn đề này.
“Được rồi, ít nhất thì mình cũng đặt ra mục tiêu dài hạn cho bản thân. Trong vòng mười năm tới, mình phải thay thế trang thiết bị và phải thiết kế một mẫu nguyên bản mới được.”
Đó là một mục tiêu trên trời mà rất ít các nhà thiết kế chiến cơ có thể thực hiện được nếu đặt họ ở vị trí của cậu. Để có thể tạo ra một thiết kế hoàn chỉnh hoặc phổ biến khắp nơi, thì nó cần phải hoạt động vượt trội hơn các mẫu thiết kế đương hệ cơ bản nhất trên thị trường trong khi sở hữu một tính năng độc đáo mà Ves có thể áp dụng nó làm tuyệt chiêu bán hàng của cậu.
Cứ lấy chiếc Caesar Augustus làm ví dụ xem. Mặc dù nó có nhiều khuyết điểm rõ rệt, nhưng chiếc chiến cơ vẫn thu hút một lượng người hâm mộ ít ỏi nhưng đầy cuồng nhiệt. Mẫu thiết kế cũ kĩ đó đã đạt được thành tựu này nhờ vào điểm độc đáo của riêng nó, chính là sự kết hợp giữa sức phòng thủ vượt trội cùng với khả năng công kích linh hoạt.
Việc tạo ra một mẫu thiết kế có hiệu suất nhỉnh hơn một chút so với các mẫu phổ thông là chưa đủ. Nếu Ves muốn nổi bật hơn với một mẫu thiết kế nổi trội như chàng trai Jason Kozlowski năm ấy, thì cậu cần phải kết hợp thứ gì đó độc nhất vô nhị mà chỉ mình cậu có thể làm được.
Cậu cần phải có chuyên môn của mình.
Ves đã cân nhắc loại trừ yếu tố X khỏi đó. Nó không chỉ là một khái niệm khó nắm bắt và không thể nhận biết về mặt vật lý, mà Ves còn thiếu khả năng để nâng cao kỹ năng của cậu trong lĩnh vực này bằng Điểm Thiết Kế của mình. Thay vì cứ phí thời gian nghiên cứu làm sao để biến một thứ vô hình làm điểm nhấn cho sản phẩm của cậu, thì cậu thà tập trung vào việc cải thiện những thông số hữu hình mà khách hàng của cậu có thể đọc và cảm nhận được thì hơn.
“Câu hỏi là, chuyên môn của mình sẽ là cái gì?”
Ves ngày xưa đã cân nhắc đến câu hỏi này. Cậu chọn tập trung trau dồi khả năng thiết kế các loại chiến cơ hạng nhẹ và trung. Nhưng nó vẫn bao gồm quá nhiều con đường khác nhau. Cậu có nguy cơ phân tán chuyên môn của mình nếu cậu quăng lưới quá rộng. Cậu cần phải thu hẹp lựa chọn cho tương lai của mình để có thể lên kế hoạch chi tiêu DP một cách thực tiễn.
Nhìn lên Cây Kỹ Năng khổng lồ kia cũng sẽ không giúp ích được gì nhiều do nó đưa ra quá nhiều lựa chọn. Không, Ves phải lựa chọn bằng trái tim của cậu. Chỉ cần chọn một con đường mà cậu sẽ toàn lực đầu tư cho nó mới có thể đưa cậu đến đỉnh vinh quang.
“Hãy bỏ hết những thứ mà mình sẽ không hứng thú theo đuổi trước đã.”
Đầu tiên, cậu thẳng thừng gạt bỏ con đường theo đuổi các loại chiến cơ ngoại lai. Cậu không có nền tảng kiến thức để loay hoay chế tạo một chiến cơ bằng vật liệu hữu cơ hoặc thử nghiệm với các chiến cơ đại hình.
Sau đó, cậu loại bỏ các chiến cơ hạng nặng. Mặc dù phát triển một chiếc chiến cơ cực kì đắt tiền như thế có thể mang lại lợi nhuận không lồ, nhưng số tiền và thời gian để đầu tư vào việc học hỏi và thông thạo các hệ thống của nó là quá lớn. Thông thường thì một nhóm thiết kế chiến cơ sẽ tập hợp các chuyên môn tương ứng của họ để phát triển một chiếc chiến cơ hạng nặng hoàn chỉnh.
Bây giờ đây cậu chỉ có kiến thức cơ bản, cho nên Ves tiếp tục thu hẹp phạm vi của mình bằng cách loại trừ các hệ thống vũ khí tối tân. Bản thân quá trình nghiên cứu và phát triển các loại súng laser, súng pháo, tên lửa và vũ khí cận chiến phức tạp đã là một lĩnh vực riêng của nó. Mặc dù công nghệ đằng sau các vũ khí đó đều đã khá hoàn thiện, nhưng người ta cần phải bỏ ra rất nhiều công sức mới có thể tạo ra một vài cải tiến nhỏ bé. Cậu có nguy cơ bỏ mặc các kỹ năng nền tảng trước đó nếu cậu quá cố gắng cải thiện vũ khí của mình.
Thôi thì tốt nhất là để lĩnh vực này cho các chuyên gia khác và xin cấp phép là được rồi. Chỉ có một thiên tài phi thường như ’Nhà Bác Học’ mới có thể theo kịp mọi nghiên cứu và thậm chí còn phát triển lĩnh vực này bằng nỗ lực của cô ấy. Người ta gần như không thể nào đếm được số lượng bằng sáng chế mà Claire Gramza đã đăng kí. Mọi người đều tin rằng cô ấy kiếm được nhiều tiền hơn từ việc cấp phép cho công nghệ của cổ còn hơn là bán chiến cơ nữa.
Thay vào đó, Ves lấy cảm hứng từ một nhà thiết kế Tinh Tú khác. Giáp Nghệ Nhân đã xuất sắc giành được vị trí dẫn đầu bằng cách phát triển những bộ giáp tốt nhất cho chiến cơ của ông ta. Vô số các phi công chiến cơ cuồng nhiệt với một chút tiền dư dả liền đổ xô đến mua các sản phẩm của ông. Mặc dù chiến cơ của ông ấy không quá nổi trội ở các lĩnh vực khác, nhưng sự thật rằng chiến cơ do ông Raul Mendoza thiết kế đã cắt giảm thương vong tới 50% thì quả là phép lạ kì. Tất nhiên thì phi công nào cũng coi trọng mạng sống của mình mà.
“Chỉ tập trung vào áo giáp thôi thì có lẽ là chưa đủ.”
Điểm xuất phát của cậu thấp hơn bất kì ai khác. Để đạt được thành tựu sáng giá trong lĩnh vực này, cậu cần phải trau dồi kỹ năng của mình thật thành thạo để cạnh tranh với các thiên tài chuyên môn về áo giáp vốn đã được học ngay từ đầu. Ves cũng đã trải nghiệm trái đắng của sự chênh lệch quá lớn về kỹ năng khi cậu thi đấu với Edwin McKinney trong vòng chung kết của Cúp Liên Hợp.
Thay vào đó, Ves nảy ra một ý tưởng khác. Nhờ vào kinh nghiệm làm việc với mẫu Fantasia cùng với mẫu Caesar Augustus, nó đã giúp cậu thu thập nhiều kinh nghiệm trong thử thách tạo ra sự cân bằng giữa phòng thủ và tốc độ. Cậu thổi bùng lên niềm đam mê khi cậu chiêm ngưỡng cách Jason lắp đặt áo giáp lên chiếc Augustus. Ves cũng đã nghịch ngợm xung quanh bản vẽ áo giáp khi cậu tái thiết kế mẫu chiến cơ đó bằng lớp giáp HRF.
“Mình nghĩ mình sẽ thích quá trình phát triển áo giáp của riêng mình. Để có thể đạt được sức phòng thủ tối đa mà không phải hy sinh tốc độ luôn là vấn đề nan giải của mọi nhà thiết kế chiến cơ.”
Thay vì đi theo con đường của Giáp Nghệ Nhân và cố gắng tạo ra lớp giáp có sức phòng thủ tối đa, thì Ves chỉ cần nghiên cứu và phát triển thứ gì đó vừa đủ tốt để giúp chiến cơ duy trì hầu hết tốc độ của nó. Con đường này sẽ giải quyết các vấn đề thiết kế muôn thuở của các chiến cơ hạng trung, cho nên Ves cũng quyết định loại bỏ các chiến cơ hạng nhẹ trong kế hoạch tương lai của cậu.
Nhiều nhà thiết kế có nền tảng tốt hơn Ves cũng đã cố gắng cải thiện cả về tốc độ lẫn áo giáp. Đa số họ đều thất bại thảm hại, trong khi số còn lại chỉ may mắn kiếm được doanh thu trung bình với những mẫu thiết kế chỉ hoạt động tốt hơn một chút so với các đối thủ cạnh tranh. Mặc dù cậu cũng có thể ngã dập mặt như bao người, nhưng cậu lại sở hữu một thứ mà người khác không có. Đó chính là Hệ Thống.
Mãi đến lúc này cậu mới mở Cây Kỹ Năng lên. Đầu tiên cậu nhìn lướt qua các kỹ năng liên quan đến việc phát triển áo giáp hạng trung. Đó là một nhánh khá rộng và phức tạp, nhưng lại đưa ra nhiều kỹ năng khác nhau về chuyên môn như giảm thiểu trọng lượng hoặc phòng thủ tối đa, cùng với nhiều lựa chọn khác như hấp thụ tín hiệu hoặc phát triển hợp kim sửa chữa tự động. Ves có thể tha hồ lựa chọn.
“Hm, mình sẽ bị phân tán tập trung nếu mình muốn đi theo quá nhiều nhánh cây kỹ năng này mất, nhưng ít nhất thì mình sẽ nhận sẽ cải thiện đáng kể một khi mình đã hoàn thiện nền tảng và năng lực cơ bản cho chuyên môn của mình.”
Bước đầu tiên trong kế hoạch của cậu bắt đầu với việc tạo ra một phiên bản chân thực hơn của chiếc Caesar Augustus. Chiếc Marc Antony có thể là một cỗ máy phù hợp với mức giá của nó, thế nhưng nó đã đi ngược lại ý định ban đầu của mẫu nguyên bản. Nếu cậu sử dụng áo giáp chất lượng tốt hơn thay vì đồ rẻ tiền thì cậu hẳn đã có thể thiết kế nhiều mẫu chiến cơ đắt tiền hơn rồi.
“Mình sẽ có thể tính giá cao hơn với các sản phẩm cao cấp của mình. Các phi công chuộng mặt hàng này sẽ không để ý gì đến từng đồng xu cắc bạc đâu. Lợi nhuận của mình sẽ tăng lên đáng kể.”
Lợi nhuận cao hơn dẫn đến khả năng đầu tư mạnh hơn. Cậu sẽ dễ dàng có được giấy phép mới và thay thế trang thiết bị cũ kỹ của cậu nhanh hơn nhiều. Ves cần phải làm việc nhanh chóng để đón đầu quá trình chuyển đổi sang thế hệ chiến cơ tiếp theo mới được.
Ves đã nghĩ ra một kế hoạch tương lai đầy táo bạo để biến giấc mơ này thành hiện thực. Rồi cậu sẽ đầu tư vào một chiếc máy chế tạo áo giáp chuyên dụng sau này.
Mặc dù chiếc máy in 3D vẫn là một loại công nghệ cực kì tiên tiến, những nó vẫn là sản phẩm dành cho những lựa chọn thiết kế nhất định. Nó có khả năng sản xuất các lớp áo giáp đồng chất lượng cũng như các bộ phận tinh vi và mỏng manh khác. Bằng cách mua một thiết bị chuyên sản xuất áo giáp, Ves có thể tạo ra sản phẩm tốt hơn mà tốn ít công sức hơn trước.
Ứơc tính cái nhẹ thì một cỗ máy như thế sẽ tốn khoảng 600 triệu hiện kim, nhưng con số đó có thể giảm đi một nửa khi thế hệ tiếp theo ngày càng đến gần. Do những cỗ máy chuyên dụng như vậy sẽ có đủ khả năng để sản xuất hầu hết các loại áo giáp tân hệ, cho nên Ves không phải lo lắng nó sẽ lỗi thời trong tương lai.
“Với một chiếc máy chế tạo áo giáp hiện đại, mình có thể hiện đại hóa chiếc Caesar Augustus và kiếm được thêm chút thời gian lẫn hiện kim cho các bước tiếp theo.”
Kế hoạch mười năm của cậu ngày càng trở nên phức tạp hơn. Mặc dù nghĩ đến việc mua thêm một chiếc máy chế tạo áo giáp nghe có vẻ như là một việc không cần thiết, nhưng miễn là nó có thể cải thiện thu nhập cho cậu trong vài năm tới, thì nó sẽ sớm mang lại kết quả thôi.
Sau khi xác định được phương hướng cho tương lai của cậu, Ves nhanh chóng hoàn thành báo cáo tài chính của mình. Trong số mười bốn triệu hiện kim còn lại từ khoản lợi nhuận của cậu, cậu dành ra khoảng 80% để trả thuế và bỏ khoản tiết kiệm. Thế là cậu chỉ còn 2,8 triệu hiện kim để cậu chi tiêu vào bất kì thứ gì cậu thích.
Tất nhiên là các khoản thu nhập trong tương lai sẽ thấp hơn so với bây giờ. Chỉ với lợi nhuận trung bình là 8 triệu hiện kim cho mỗi lần bán, cậu cần phải dự trù khoảng 6,4 triệu hiện kim từ tổng số tiền đó, và để lại 1,6 triệu để cho cậu tiêu vặt.
Khối tài sản đó nghe thì có vẻ khá là kinh ngạc đối một người bình thường, nhưng nhà thiết kế chiến cơ sẽ luôn có thứ để chi tiêu nhiều hơn nữa. Chi phí giấy phép ảo trong Iron Spirit sẽ tăng lên chóng mặt tỷ lệ thuận với cấp hạng sao của nó.
Hơn nữa, Ves cũng phải chú ý đến sự an toàn của khu xưởng của cậu. Các hệ thống an ninh hiện tại chả là gì so với các nhà sản xuất chính hiệu. Cậu sẽ khóc hết nước mắt nếu lỡ có một ngày nào đó một thằng cha ất ơ nào lái chiến cơ đâm vào khu xưởng của cậu. Chắc cậu chết mất.
Ves cũng nghĩ đến một việc ngoài sức tưởng tượng của cậu trong khi mình vẫn đang gánh vác nợ nần vào lúc này.
Cậu muốn thuê một nhân viên mới. Cụ thể là cậu muốn thuê một thợ chế tạo chiến cơ toàn thời gian để giao sản phẩm cho chị Marcella.
“Nhưng nếu mình làm thế, thì làm sao để giấu Hệ Thống với nhân viên mình được nhỉ?”